Nghiên cứu do chuyên gia Maximillian Kotz (Trung tâm Siêu máy tính Barcelona) dẫn đầu cho thấy, trong vài năm qua, thời tiết bất thường như nắng nóng kỷ lục, hạn hán kéo dài và mưa lớn đã khiến giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng đột biến tại nhiều quốc gia. Đây là những hiện tượng vượt xa các kỷ lục thời tiết trước năm 2020.
Từ khoai tây ở Anh, cà phê ở Brazil cho đến cải bắp ở Hàn Quốc hay dầu ô-liu ở châu Âu, giá cả đều tăng mạnh do ảnh hưởng trực tiếp từ thời tiết. Ví dụ, giá cải bắp tại Hàn Quốc tháng 9/2024 đã tăng 70% so với cùng kỳ năm trước do đợt nắng nóng trong tháng 8. Dầu ô-liu tại châu Âu cũng tăng 50% vào tháng 1/2024 vì hạn hán kéo dài tại Ý và Tây Ban Nha.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan từ năm 2022 đến năm 2024 đã khiến giá thực phẩm tăng vọt trên toàn thế giới.
Những mặt hàng nào đang tăng giá mạnh vì biến đổi khí hậu?
Dữ liệu từ nghiên cứu cho thấy ít nhất 16 trường hợp giá tăng đột biến tại 18 quốc gia do thời tiết cực đoan trong giai đoạn 2022–2024. Trong đó, giá gạo tại Nhật Bản tăng 48% vào tháng 9/2024 sau một đợt nắng nóng được ghi nhận là tồi tệ nhất kể từ năm 1946.
Đặc biệt, tại Tây Phi – nơi Ghana và Bờ Biển Ngà chiếm gần 60% sản lượng cacao toàn cầu – đợt nắng nóng đầu năm 2024 khiến nhiệt độ tăng thêm 4 độ C (so với bình thường) do biến đổi khí hậu. Kết quả: giá cacao toàn cầu tăng tới 280% vào tháng 4/2024.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, thực phẩm lành mạnh như rau củ và trái cây thường có giá cao hơn các thực phẩm kém lành mạnh. Khi giá lương thực tăng, người nghèo thường buộc phải cắt giảm tiêu thụ những thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy như tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch. Về lâu dài, đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Biến đổi khí hậu có thể gây bất ổn xã hội?
Giá thực phẩm tăng nhanh không chỉ ảnh hưởng tới bữa ăn hàng ngày mà còn góp phần làm tăng lạm phát. Nghiên cứu cảnh báo rằng lạm phát do giá lương thực có thể dẫn đến bất ổn xã hội, các cuộc biểu tình hoặc rối loạn chính trị tại nhiều nơi.
Ông Kotz nhấn mạnh rằng, chừng nào nhân loại chưa đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero), thì thời tiết cực đoan sẽ càng nghiêm trọng hơn, kéo theo các đợt mất mùa và khủng hoảng lương thực ngày càng phổ biến. Ông cho biết, giá thực phẩm tăng hiện đang là mối lo thứ hai mà người dân cảm nhận rõ nhất từ biến đổi khí hậu – chỉ sau chính các đợt nắng nóng gay gắt.
Giáo sư Tim Benton (Đại học Leeds, Anh) – người không tham gia nghiên cứu – cho biết tình trạng thiếu hụt nguồn cung do thời tiết sẽ tiếp tục tác động đến thị trường lương thực toàn cầu, đẩy giá lên cao hơn nữa.
Ông cảnh báo rằng, thế giới đang bước vào kỷ nguyên mà biến động trở thành điều bình thường, và “khủng hoảng chi phí sinh hoạt” có thể trở thành trạng thái kéo dài. Nếu nhân loại tiếp tục chậm trễ trong việc hành động quyết liệt chống biến đổi khí hậu, những hậu quả này sẽ ngày càng nghiêm trọng và lan rộng.