Giá thịt bò nơi đây tăng vọt kỷ lục: Vì sao và khi nào mới hạ nhiệt?

Sau trứng, giờ đến lượt thịt bò khiến người Mỹ đau ví khi đi chợ. Giá thịt bò bán lẻ đã tăng gần 9% chỉ từ đầu năm 2025, đạt mức kỷ lục 9,26 USD/pound. Tình trạng này là kết quả của nhiều năm khan hiếm nguồn cung và chi phí chăn nuôi tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn không hạ nhiệt.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, từ tháng 1 đến nay, giá thịt bò đã tăng gần 9%, trong đó giá bò bít tết tăng 12,4% và thịt bò xay tăng 10,3%. Đây là mức giá kỷ lục, chưa từng thấy trong nhiều năm. Sự gia tăng này không phải hiện tượng ngắn hạn mà là kết quả tích lũy của hàng loạt yếu tố kéo dài trong suốt một thập kỷ.

Khác với thị trường trứng vốn có thể phục hồi nhanh sau dịch cúm gia cầm, ngành thịt bò phức tạp hơn nhiều. Theo Michael Swanson, chuyên gia kinh tế nông nghiệp tại Wells Fargo, ngành chăn nuôi bò thịt vẫn vận hành theo kiểu “Miền Tây hoang dã”, khó kiểm soát và thiếu tính hệ thống như thị trường trứng.

Cụ thể, số lượng đàn bò ở Mỹ hiện ở mức thấp nhất trong 74 năm qua, theo Liên đoàn Nông nghiệp Mỹ (AFBF). Hạn hán kéo dài khiến nhiều trang trại không còn đủ cỏ tự nhiên cho bò ăn, buộc phải sử dụng thức ăn công nghiệp với chi phí cao hơn, khiến lợi nhuận của người chăn nuôi giảm sút nghiêm trọng.

Thịt bò được bán tại một cửa hàng ở Annapolis, Maryland. Giá thịt bò đang ở mức cao kỷ lục, tăng gần 9% kể từ tháng 1.

Người tiêu dùng Mỹ phản ứng thế nào khi giá bò tăng?

Dù giá cao kỷ lục, nhu cầu thịt bò tại Mỹ vẫn rất mạnh. Điều này cho thấy người tiêu dùng chưa từ bỏ món ăn yêu thích của mình, bất chấp chi phí tăng vọt. Tuy nhiên, nếu kinh tế khó khăn hơn, niềm yêu thích này có thể bị thử thách.

Các chuyên gia nhận định rằng, khi tài chính hộ gia đình yếu đi, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu vào thịt – một loại hàng hoá cao cấp trong bữa ăn. Bernt Nelson, nhà kinh tế tại AFBF, cho rằng nếu niềm tin tiêu dùng giảm sút, nhu cầu thịt bò sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Điều này đồng nghĩa với việc người chăn nuôi và các nhà sản xuất sẽ càng khốn đốn hơn, đặc biệt khi họ đang gánh những chi phí đầu vào cao hơn bao giờ hết. Ngành thịt bò Mỹ đang ở đỉnh chu kỳ giá, và bất kỳ sự sụt giảm nào trong thời gian tới cũng có thể gây thiệt hại lớn cho người sản xuất.

Một phần giải pháp hiện nay là dựa vào thịt bò nhập khẩu. Hiện khoảng 8% lượng thịt bò tiêu thụ tại Mỹ đến từ các nước như Argentina, Úc và Brazil. Đồng thời, xuất khẩu thịt bò Mỹ lại đang giảm mạnh – tháng 5 vừa qua đã giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.

Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn cung toàn cầu phản ánh thực tế rằng giá thịt bò Mỹ đang ở mức cao nhất thế giới. Các nhà sản xuất quốc tế sẵn sàng bán cho Mỹ vì đây là thị trường béo bở.

Một số doanh nghiệp lớn cũng đang tìm cách chủ động hơn trong chuỗi cung ứng để cắt giảm chi phí. Walmart mới đây đã mở nhà máy chế biến thịt bò đầu tiên do chính hãng sở hữu, đặt tại Kansas. Việc tự kiểm soát chuỗi cung ứng giúp giảm trung gian và tiết kiệm chi phí, qua đó hạ giá bán cho người tiêu dùng.

Khi nào giá thịt bò mới hạ nhiệt?

Chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy giá thịt bò sẽ giảm trong ngắn hạn. Việc hạ nhiệt thị trường phụ thuộc nhiều vào hành vi tiêu dùng và sức mua của người dân Mỹ. Nếu người tiêu dùng bắt đầu siết chặt hầu bao, áp lực giảm giá mới xuất hiện.

Michael Swanson cho rằng ngành thịt bò đang tiến gần tới đỉnh của chu kỳ giá hiện tại. Điều khiến các nhà sản xuất lo lắng nhất lúc này là việc giữ hàng tồn kho lớn khi giá bắt đầu giảm – điều từng khiến nhiều người “ôm bom” trong các chu kỳ trước.

Về lâu dài, chỉ khi chi phí sản xuất hạ xuống, nguồn cung phục hồi và nhu cầu điều chỉnh, thị trường thịt bò mới có thể quay trở lại mức giá dễ chịu hơn cho người tiêu dùng.