
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho biết, UAV tự sát giá rẻ tầm xa của quân đội Nga (RFAF), đã phá hủy thành công hệ thống phòng thủ của Ukraine và vô hiệu hóa hệ thống phòng không Ukraine, có sự giúp sức của phương Tây.

UAV Geran-2 đã trở thành vũ khí tấn công tầm xa chính của Nga, các chuyên gia Benjamin Jansen và Yasser Atalan của CSIS viết, “UAV Geran-2 giá rẻ được sản xuất hàng loạt, thậm chí còn nguy hiểm hơn cả tên lửa hành trình hiện đại”.

Kể từ tháng 9/2024, quân đội Nga (RFAF) đã tăng đáng kể số lần phóng UAV Geran, từ khoảng 130-200 lần phóng mỗi tuần, lên hơn 1.000 lần. Các nhà phân tích từ các nguồn thông tin tình báo mở của Mỹ viết rằng, sử dụng rộng rãi UAV Geran thực tế đã trở thành cơ sở cho một học thuyết quân sự mới của Nga.

Ban đầu, chiến lược này tập trung vào các đợt tấn công chính xác (còn gọi là “ chiến thuật Surovikin ”, đã chứng tỏ hiệu quả vào mùa đông năm 2022-2023). Tuy nhiên, chiến thuật sau đó đã thay đổi: ngoài độ chính xác, tính kinh tế cũng được đưa vào làm tiêu chí chính.

Mỗi chiếc UAV Geran-2 có giá khoảng 10-20 nghìn USD, thấp hơn nhiều lần so với giá của một tên lửa hành trình, đặc biệt là tên lửa đạn đạo. Đồng thời, ngay cả khi tỷ lệ tổn thất UAV cao, thì các cuộc tấn công hàng loạt theo kiểu bầy đàn vẫn có hiệu quả trong khuôn khổ chiến thuật mới.

Chuyên gia Jansen và Atalan viết trong báo cáo của họ rằng, chiến thuật sử dụng UAV kết hợp với UAV mồi nhử trong chiến thuật tấn công đường không của RFAF, đã làm quá tải hệ thống phòng không vốn đã yếu kém của Ukraine, vét sạch những quả tên lửa cuối cùng của Ukraine.

Nhà phân tích quân sự người Mỹ Robert Pape gọi cách tiếp cận này là của RFAF là “chiến lược trừng phạt”. Logic của nó là gây ra thiệt hại tối đa cho cơ sở hạ tầng quân sự, cũng như làm tê liệt hệ thống phòng không của Ukraine, vốn đã lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn.

Ngoài ra, các cuộc tấn công ban đêm bằng UAV Geran-2 của RFAF còn có giá trị quân sự thứ cấp. Ngay cả khi UAV giá rẻ dễ bị đánh chặn, chúng vẫn buộc quân đội Ukraine phải sử dụng nguồn lực phòng không hạn chế để đánh chặn chúng. Nghĩa là, các cuộc tấn công không giá rẻ không chỉ phá hủy các mục tiêu, mà còn bào mòn các hệ thống phòng không, báo cáo nhấn mạnh.

Các cuộc tấn công bằng Ukraine giá rẻ của Nga, được các chuyên gia CSIS ví như những “hố đen”, hút cạn những quả tên lửa phòng không cuối cùng trong kho của phương Tây; khi lãnh đạo Kiev liên tục yêu cầu cung cấp thêm tên lửa đánh chặn mới cho hệ thống phòng không, nhưng kết quả là như “muối bỏ biển”.

CSIS viết rằng, tình hình chiến thuật và tác chiến ở chiến trường Ukraine, thực tế loại trừ khả năng đạt được đột phá sâu rộng ở cả hai bên. Các đơn vị của cả quân đội Nga và Ukraine, chỉ triển khai một phần nhỏ quân của mình tới các vị trí tiền phương.

Các cuộc tấn công trên chiến trường hiện nay, thường được thực hiện bởi các nhóm nhỏ lính xung kích, khiến cho mỗi cuộc tấn công đều nguy hiểm và khó khăn. Các nhà phân tích trích dẫn một ví dụ, khi quân Ukraine cố gắng phản công vào trung tâm thành phố Toretsk bằng xe bọc thép, nhưng đã bị đánh bại.

Các chuyên gia của CSIS đã phân tích liên kết những thực tế mới, hiện dọc theo đường chiến tuyến, vũ khí mà hai bên tổ chức tấn công vào nhau chính là UAV FPV, thứ đã thay đổi hoàn toàn bản chất của các hoạt động chiến đấu giữa hai bên. Quân đội Ukraine (AFU) cũng đang cố gắng thay đổi chiến thuật sử dụng của họ.

Ví dụ vào đầu năm nay, trên hướng mặt trận Pokrovsk, quân đội Ukraine đã thử sử dụng cái gọi là "tuyến UAV". Vì vậy, mặc dù trong điều kiện thiếu hụt nghiêm trọng về quân số, hỏa lực và xe bọc thép, quân đội Ukraine vẫn có thể cầm chân được quân Nga.

Ở phía bên kia, theo ghi nhận của CSIS, quân đội Nga cũng có hành động tương tự, khi liên tiếp thành lập các đơn vị UAV mới và đưa vào chiến đấu trên hướng mặt trận Pokrovsk, giúp ngăn chặn các cuộc phản công của quân đội Ukraine.

Và trên hướng mặt trận Kursk, chính UAV của Nga đã cắt đứt hoàn toàn nguồn tiếp tế cho lực lượng vũ trang Ukraine gần Sudzha, dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống phòng thủ Ukraine và sự tháo chạy của quân Ukraine khỏi lãnh thổ Nga; đồng thời gây ra những tổn thất rất lớn của AFU.

Việc thiếu hụt nguồn viện trợ vũ khí từ các nước phương Tây, khiến các chuyên gia của CSIS mô tả là "nạn đói đạn dược" của AFU. Để ứng phó với tình hình này, AFU đang cố gắng bù đắp cho việc thiếu hỏa lực pháo binh bằng UAV FPV. Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ cho rằng, UAV FPV không thể thay thế hoàn toàn hỏa lực pháo binh.

Mặc dù vai trò của pháo binh như phương tiện hủy diệt chính trên chiến trường, nhưng hỏa lực quan trọng này của AFU đang suy giảm, do thiếu nguồn cung đạn pháo từ phương Tây. Nhưng lợi thế của Nga về hỏa lực pháo binh và không quân vẫn mang tính quyết định, CSIS viết.

Tóm lại chiến dịch không kích ồ ạt bằng UAV Geran-2 của Nga không chỉ là một loạt các cuộc tấn công bằng UAV. Các tác giả của báo cáo CSIS tóm tắt rằng, đây là một trang mới trong lịch sử nghệ thuật quân sự, khi độ chính xác không còn cần thiết để giành chiến thắng nữa. Điều cần thiết là quy mô, tốc độ và sự sẵn sàng sử dụng các vũ khí giá rẻ để phá vỡ các biện pháp phòng thủ đắt đỏ nhất. (nguồn ảnh Military Review, Sputnik, Ukrinform).