
Nga suýt nữa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine như thế nào?
Tờ New York Times của Mỹ vừa qua đăng tải một bài viết dài, tiết lộ hàng loạt bí mật của chính phủ Mỹ, hay chính xác hơn là chính quyền của cựu Tổng thống Biden, trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Xét theo phản ứng từ phía Ukraine, phần lớn nội dung trong bài viết là khá đúng.
Đầu tiên là sự kiện Quân đội Ukraine (AFU) đánh chìm tàu tuần dương Moscow của Hải quân Nga.
Theo tờ New York Times, vào giữa tháng 4/2022, các sĩ quan hải quân Mỹ và Ukraine đã vô tình phát hiện ra điều mà họ không bao giờ nghĩ tới trên màn hình radar trong quá trình trinh sát thường lệ. Khi đó, soái hạm của Hạm đội Biển Đen, là tàu tuần dương Moscow.
Hải quân Ukraine đã ngay lập tức hành động và đánh chìm tàu tuần dương có lượng giãn nước đầy tải là 11.280 tấn xuống đáy biển.
Mỹ rất ngạc nhiên và tức giận về điều này. Washington ngạc nhiên khi Ukraine có tên lửa có khả năng đánh chìm tàu tuần dương, và tức giận vì Ukraine không cảnh báo Washington về điều này. Chính quyền Biden tin rằng, soái hạm Moscow có ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ đối với Nga.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Hải quân Ukraine Pletenchuk đã phủ nhận thông tin của tờ New York Times về vụ đánh chìm tàu Moscow, nói rằng "không cần phải phối hợp với bất kỳ ai" và rằng, "hoạt động đánh chìm tàu chiến chủ lực của Hạm đội Biển Đen, đã được chính Hải quân Ukraine lên kế hoạch và thực hiện".
Tính đến thời điểm viết bài này, đây là lời phủ nhận duy nhất của Ukraine đối với bài báo của tờ New York Times.
Sau khi thành công trong việc phản công tái chiếm Kharkov vào tháng 8/2022, AFU đã cố gắng tiếp tục phản công và chiếm lại phần phía nam của Ukraine ở tỉnh Kherson. Tình hình lúc đó rất nguy cấp đối với Quân đội Nga (RFAF), khi tuyến phòng thủ của RFAF, ở miền Nam Ukraine có thể sụp đổ hoàn toàn.
Vào tháng 10/2022, Đô đốc Surovikin, khi đó là Tư lệnh "Lực lượng quân sự đặc biệt" của RFAF, đã thảo luận về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật và cuộc trao đổi này đã bị cơ quan tình báo Mỹ CIA “nghe lén”.
Trước đó, các cơ quan tình báo Mỹ ước tính khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine là 5% đến 10%; nhưng sau khi nghe được cuộc gọi của Surovikin, “rủi ro” đã tăng lên 50%.
Lầu Năm Góc ủng hộ cuộc phản công của AFU ở phía nam, nhưng Nhà Trắng, hay chính xác hơn là các cố vấn của Tổng thống Biden, phản đối do lo ngại rằng, động thái này sẽ dẫn đến leo thang chiến tranh.
Cuối cùng, với sự "can thiệp" của Nhà trắng, các đơn vị RFAF đã rút lui thành công khỏi bờ Tây sông Dnieper, mà hầu như không có tổn thất nào. Vào thời điểm đó, thế giới bên ngoài nghĩ rằng tướng Surovikin đã thực hiện một cuộc “đánh lừa chiến lược” thành công. Nhưng cuối cùng người ta phát hiện ra rằng, AFU “cố tình” để quân Nga rút lui an toàn.

Đô đốc Surovikin, Tư lệnh "Lực lượng quân sự đặc biệt" của RFAF vào tháng 10/2022, đề xuất sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ảnh Sputnik
Đến nguyên nhân thất bại của chiến dịch phản công mùa hè 2023
Tờ New York Times cũng đưa tin về cuộc phản công năm 2023. Vào thời điểm đó, Lầu Năm Góc và Tổng tư lệnh AFU khi đó là Tướng Zaluzhny, đều chủ trương tập trung lực lượng tấn công Melitopol, phá vỡ tuyến tiếp tế của RFAF và cắt đứt hành lang trên bộ giữa lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea.
Mục tiêu không lớn và khả năng thành công khá cao; nhưng Tư lệnh lục quân AFU lúc bấy giờ là Tướng Syrsky, muốn tấn công Bakhmut và giành được sự ủng hộ của Tổng thống Zelensky. Trước đó, cuộc phản công ở Kharkov do tướng Syrsky chỉ huy, đã để lại cho Tổng thống Zelensky ấn tượng về sự thành công.
Cuối cùng, Bộ Tổng tham mưu AFU quyết định tấn công Melitopol và Bakhmut cùng lúc, với lượng đạn dược được phân bổ đều. Năm lữ đoàn tốt nhất do tướng Syrsky chỉ huy sẽ tấn công Bakhmut, trong khi bảy lữ đoàn mới thành lập sẽ tấn công Melitopol. Người Mỹ không biết về điều này và chỉ phát hiện ra "những chuyển động kỳ lạ" trên ảnh vệ tinh.
Kết quả là, mọi người đều biết rằng AFU đã thất bại trong cuộc phản công vào mùa hè năm 2023 và buộc phải rút vào trạng thái phòng thủ chiến lược thụ động. May mắn thay, mặc dù mất nhiều vị trí chiến lược vào tay Nga, nhưng tuyến phòng thủ vẫn không sụp đổ hoàn toàn.

Mâu thuẫn giữa Nhà trắng và Lầu Năm góc trong cuộc chiến Nga-Ukraine
Đầu năm 2024, để đáp lại yêu cầu của chính phủ Ukraine về việc khôi phục lại đường biên giới năm 1991, Mỹ đã đề xuất một kế hoạch mang tên "Chiến dịch Moon Hail", trong đó sử dụng tên lửa tầm xa và UAV tự sát, để tấn công cơ sở hạ tầng của Nga ở Crimea và cuối cùng buộc Nga phải rút khỏi Crimea.
Kế hoạch của Ukraine đã thành công, khi mạng lưới phòng không của Nga không thể bảo vệ được các cơ sở quân sự tại Crimea và cuối cùng đã buộc RFAF phải rút khỏi Crimea.
Nhưng Tổng thống Zelensky muốn nhiều hơn thế, cụ thể là phá hủy Cầu Crimea, biểu tượng cho sự sáp nhập Crimea của Nga. Để đạt được mục đích này, AFU đã tiến hành nhiều cuộc tấn công, bao gồm cả việc tấn công cây cầu bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS, nhưng Nga đã nhanh chóng sửa chữa nó.

Cầu Crimea đã mất đi chức năng quân sự thực sự và không thể sử dụng cho mục đích vận chuyển quân sự, và Tổng thống Zelensky muốn phá hủy hoàn toàn cây cầu này.
AFU đã sử dụng một số lượng lớn vũ khí của Mỹ để tấn công Crimea. Lầu Năm Góc rất không hài lòng với điều này và gọi đó là hành động "tống tiền"; nhưng vẫn tiếp tục hỗ trợ Ukraine, kể cả khi AFU tấn công vào Kursk.
Nếu thông tin của tờ New York Times là đúng thì có rất nhiều điều có thể rút ra từ những thông tin này, chẳng hạn như:
Lầu Năm Góc và Nhà Trắng có quan điểm khác nhau về cuộc chiến ở Ukraine. Lầu Năm Góc đã cung cấp lời khuyên quân sự cực kỳ chuyên nghiệp, bao gồm hướng dẫn chiến thuật và cung cấp cho AFU đủ vũ khí và đạn dược, với mục tiêu giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến.
Nhà Trắng có những cân nhắc chính trị riêng và đang cố gắng hết sức để tránh leo thang chiến tranh. Điều này cũng có thể được giải thích bởi thực tế là nhiều đồng minh không hài lòng với việc Tổng thống Biden không ủng hộ Ukraine “hết mình”. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Nhà trắng hoàn toàn dễ hiểu, khi nước Mỹ giữ vai trò là lãnh đạo của toàn bộ phương Tây và một phần nào đó là thế giới.

Một trong những lý do khiến Tổng thống Biden bị chỉ trích rộng rãi trong cuộc chiến tranh Ukraine, là vì sự ủng hộ của ông dành cho Ukraine không đủ quyết đoán. Nhiều loại vũ khí, như bệ phóng tên lửa HIMARS và tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS, nếu được cung cấp cho AFU ngay từ đầu chiến tranh, tình hình chiến trường có thể sẽ hoàn toàn khác so với hiện tại.
Lý do là vào thời điểm đó, Nga chưa sẵn sàng để thực sự đối mặt với một cuộc chiến tranh tiêu hao cường độ cao và RFAF cũng chưa vận hành tốt chiến thuật. Mặc dù RFAF hiện nay thiếu vũ khí hiện đại, nhưng hiệu quả chiến đấu đã được cải thiện nhiều, so với những ngày đầu của cuộc chiến.
Theo các tài liệu công khai, Điện Kremlin không ngờ sẽ phải tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao cường độ cao ở Ukraine mà chưa có thời điểm kết thúc. Đến lúc họ nhận ra mọi thứ đã khác, so với tính toán ban đầu, thì đã quá muộn để lùi bước. Điện Kremlin không thể thua cuộc chiến này và thậm chí sẽ không thể thua bằng mọi giá. Trong trường hợp này, khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là khá cao.
Với tư cách là nhà lãnh đạo của Mỹ và phương Tây, Tổng thống Biden có đủ lý do để tránh leo thang chiến tranh. Không ai biết cuộc chiến này sẽ như thế nào, sau khi RFAF có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Liệu Ukraine có phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình và đưa vào sử dụng không? Liệu một cuộc chiến tranh hạt nhân có nổ ra giữa Nga và phương Tây không?
Những lo ngại này không thể giải quyết được bằng nghiên cứu lý thuyết. Điện Kremlin có logic riêng của mình, thậm chí còn khó có thể dự đoán được. Không ai biết được suy nghĩ thực sự của người đứng đầu Điện Kremlin; còn Tổng thống Zelensky cũng như Tổng thống Putin cũng đang chịu áp lực rất lớn. Áp lực tinh thần to lớn, có thể dễ dàng khiến mọi người đưa ra những quyết định thiếu lý trí.
Bất kỳ ai có lý trí bình thường và ở vị trí của Tổng thống Biden, đều phải tránh điều này xảy ra và giảm thiểu rủi ro. Tổng thống Biden muốn buộc Điện Kremlin phải nhượng bộ thông qua lệnh trừng phạt và sự hao hụt trên chiến trường, giống như cách phương Tây giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh.

Tướng Zaluzhny có năng lực chỉ huy; nếu cuộc phản công mùa hè năm 2023 được tiến hành theo ý tưởng của ông, có thể cũng không giành chiến thắng. Tuy nhiên, tướng Zaluzhny phải chịu trách nhiệm cho thất bại của cuộc phản công mùa hè và bị cách chức Tổng tư lệnh AFU. Điều này có thể là do sự bất hòa giữa quân đội và chính phủ ở Ukraine, nhưng cần phải ghi nhận những công lao mà tướng Zaluzhny đã thực hiện vì tình hình chung.
Và thực tế cũng cho thấy rằng, ngay cả khi tướng Syrsky không giỏi bằng tướng Zaluzhny, nhưng ít nhất thì hiện tại ông cũng đang làm tốt nhiệm vụ và đã kiềm chế thành công cuộc tấn công chiến lược của RFAF.
Hơn nữa, so với tướng Zaluzhny, với tư cách là Tổng tư lệnh AFU, tướng Syrsky có mối quan hệ hòa thuận hơn đáng kể với Tổng thống Zelensky. Sự quan tâm lớn lao của tướng Zaluzhny tới chính trị, thực sự có phần "quá tự tin", điều này rất không phù hợp trong thời chiến.