U70 đua đòi ngoại tình

Chuyện ông Nam chồng bà Thu năm nay đã gần 70 tuổi còn đổ đốn ngoại tình với gái trẻ có chồng chẳng mấy mà lan truyền ra cả xóm...

Đang xới cỏ cho mấy luống lạc ở khu đồng màu, bà Thu, năm nay 67 tuổi, vội ngừng tay cuốc ngẩng đầu lên do có tiếng bà Lan là người hàng xóm gọi. Bà Lan vẫy tay gọi:
- Này, lại đầu bờ tôi bảo nhỏ cái này. Bà không thử về xóm xem thế nào chứ lúc tôi đi ngang qua cổng nhà cô Thìn thì thấy người ta kháo nhau ầm lên rằng ông Nam, chồng bà sang đó tằng tịu với cô Thìn và bị chồng cô ta bắt được…
- Thật thế sao? Bà Thu sốt ruột hỏi lại.
- Thì tôi cũng nghe láng máng là như vậy, bởi lúc tôi đi qua thấy đông người và ầm ĩ cả xóm, tôi hỏi có chuyện gì thì mấy người nói vậy, chứ tôi cũng không nhìn thấy cô Thìn hay ông nhà bà đâu cả…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Được bà hàng xóm thông báo như vậy, bà Thu vội vàng bỏ dở buổi xới cỏ lạc chạy về làng xem sự thực như thế nào? Vừa đến sân nhà bà cũng gặp ngay cô con gái lớn lấy chồng cùng xóm ngồi ở bậc cửa. Thấy bà về nó khóc mếu bảo:
- Con cũng đang đi làm thấy người ta mách là bố mò sang nhà cái Thìn ngủ với nó và bị chồng nó bắt quả tang nên con vội chạy về ngay. Trời ơi, thế này thì xấu hổ với dân làng quá mẹ à!
- Thế ông ấy đâu rồi?- Bà Thu hỏi con gái.
- Thì chồng cái Thìn và người nhà nó gọi công an xã áp giải bố con lên hội trường xã rồi còn gì. Mà cả cái Thìn cũng phải lên…
Chuyện ông Nam chồng bà Thu năm nay đã gần 70 tuổi còn đổ đốn ngoại tình với gái trẻ đã có chồng chẳng mấy mà lan truyền ra cả xóm, cả làng khiến cho bà Thu và các con cháu của ông bà đều cảm thấy rất xấu hổ.
Một người đã lên chức ông nội, ông ngoại, đáng lẽ ra phải sống sao cho đúng mực, phải đạo lý để con cháu noi theo, đằng này ông đổ đốn chẳng khác nào bôi tro trát trấu vào mặt vợ, con và các cháu.
Sau cái vụ đó, ra đường thi thoảng bà Thu vẫn nghe tiếng thiên hạ người ta nói kháy đại loại như: “Lão ấy già còn dê”, “Chẳng khác gì con chó đực đi nhảy lung tung”… Nghe được những lời đàm tiếu ấy bà càng xấu hổ về người chồng già “mất nết” ấy.
Thực ra bà Thu quá hiểu tính của ông Nam - chồng bà từ khi còn trẻ. Vốn là một người ít nói, ít giao du và không hề mắt la mày láo với gái trẻ, gái lạ nên bà rất tin tưởng an tâm.
Thế nhưng, từ khi bước qua tuổi 50 chồng bà sinh đổ đốn khi hay la cà giao tiếp với những cô gái quá lứa lỡ thì trong xóm, hoặc những cô gái trẻ đã có chồng nhưng chồng hay vắng nhà.
Bà quá biết cái tính “mất nết” ấy của chồng nên đã không ít lần khuyên bảo. Có lần bà nói với ông:
- Ông già rồi, sống phải làm gương cho con cháu, đừng có tòm tem nhăng nhít vớ vẩn để xấu mặt mọi người.
Ông Nam vội bảo:
- Bà cứ lo xa, nghi ngờ không có cơ sở. Tôi ngần này tuổi rồi ai lại đi làm những cái chuyện không phải phép.
- Thì tôi là cứ dặn ông trước như thế, ông liệu mà sống…
Những buổi nói chuyện, “giáo huấn” vợ chồng như vậy thường là sau khi bà Thu nghe láng máng người làng, người ta đồn thổi ông đến nhà cô này, tạt qua cô nọ mà họ nhìn thấy.
Từ cái hôm ông Nam bị bắt quả tang ngủ với cô Thìn, bị ăn đòn và bị phạt vạ 10 triệu đồng thì ông cũng ít ra khỏi nhà, chỉ khi nào có việc cỗ bàn họ hàng ông mới đi.
Dường như ông cũng cảm thấy xấu hổ, bởi không xấu hổ sao được khi đã bước vào cái tuổi gần đất xa trời, con cháu đề huề mà còn đi làm cái chuyện ngoại tình khiến làng xóm cười chê.
Chuyện ngoại tình, "hủ hóa" trong xã hội thì ở thời nào cũng có và có khá nhiều, nhất là với những người trẻ.
Chuyện đổ đốn như ông Nam ở trên cũng không phải là hiếm, nhưng sự thể phần nào có thể "chấp nhận" được khi ông tìm những người bạn già để giãi bày “tâm sự”, đằng này ông lại đổ đốn đi tìm “cỏ non” để giải trí, vì thế khi chuyện vỡ lở ra và bị con cháu, xã hội cười chê là điều hiển nhiên.

Mắc kẹt giữa làn đạn của chồng và người cũ

Họ vừa kêu gọi lòng cao thượng, sự nhân hậu của tôi, vừa ngầm ý đe dọa phá vỡ hạnh phúc gia đình tôi mãi mãi...

Có một lần chồng tôi trong giây phút dịu dàng, nhẹ nhàng, ngọt ngào nhất hỏi tôi: “Nếu tự dưng có một hôm anh nói rằng anh có một đứa con rơi thì em nghĩ sao?”. Tôi giật thót cả người hỏi ngay: “Anh nói thế là thế nào”.

Chồng tôi cười giả lả: “Chuyện của bạn anh, nó nghe người ta nói là hồi trước khi nó lấy vợ, có người sinh cho nó đứa con rơi, bây giờ đứa con đó cũng đã lớn lắm rồi, lớn hơn con nó nữa. Nó đang rất bối rối, không biết nói sao với vợ”. Tôi vẫn nhìn anh dò xét nghi ngờ: “Chuyện của bạn anh thật không đó?”. Anh cười tự nhiên: “Trời, chứ chuyện của anh, dại gì mà anh nói với em thế này. Làm sao em không nghi ngờ. Anh đang hỏi em cho biết tâm lý phụ nữ thế nào để tư vấn cho bạn”. Tôi phân vân tự hỏi: “Có phải anh đang tung hỏa mù, nói lòng vòng?”, nên tôi cũng đặt cái bẫy: “Nếu anh ấy có con rơi lúc chưa lấy vợ thì chắc cô vợ cũng phải… thông cảm thôi. Biết làm sao”. Cái bẫy của tôi không tác dụng, chồng tôi gật gù, gật gù. Nhưng lòng tôi từ lúc đó quả thật bắt đầu không yên.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Thế mà cũng phải đến 5 năm sau, câu chuyện “thử lòng” của chồng tôi mới được chính thức lộ diện. Chồng tôi đã có một đứa con rơi với một phụ nữ ở tận Củ Chi, vào thời gian anh còn là sinh viên, về đó thực tập. Mối quan hệ thoáng qua giữa chàng sinh viên trẻ và cô thôn nữ ngây thơ tưởng không để lại dấu vết gì khi chàng sinh viên xong tháng thực tập, rời miền quê, thênh thênh trở về phố, học tiếp, yêu tiếp một tiểu thơ thành phố (là tôi) rồi ra trường, cưới vợ, sinh hai đứa con đẹp như thiên thần.

18 năm sau, trong một cuộc gặp tình cờ nơi quán nhậu, một người đàn ông cùng xóm của cô gái đã thông báo cho anh biết rằng anh có một đứa con ở quê. Nó năm nay đã 17 tuổi, và giống anh không thể nào tưởng tượng được. Ngay đêm đó, trong cơn cao hứng say ngây ngất của rượu, anh theo người đàn ông đó về tận Củ Chi, nhận vợ nhận con. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ nỗi kinh hoàng của mẹ con tôi hôm đó khi bắt đầu từ 10 giờ đêm, sau cuộc gọi với giọng lè nhè say của chồng thì máy anh ngoài vùng phủ sóng. Cho đến tận trưa hôm sau, anh từ cơ quan gọi về, thông báo rằng đêm qua xỉn quá, ngủ tại nhà bạn luôn. Đó chính là ngày anh vượt mấy chục cây số đường đêm về để nhìn mặt đứa con rơi và bắt đầu cảnh sống “Một kiểng hai quê” mà đến tận giờ này, hơn 5 năm sau tôi mới được biết.

Sau lần gặp mặt đó, anh bắt đầu chu cấp, động viên, tận tình hướng dẫn để thằng bé học hết 12 và thi đại học. Thế nhưng vốn không có nền tảng kiến thức cơ bản, lại không được chăm sóc dạy dỗ tốt nên thằng bé rớt đại học và ở nhà lêu lổng hai năm. Cho đến khi thằng bé có nguy cơ hư hỏng thì người phụ nữ đó, người âm thầm sinh con cho chồng tôi, nuôi con cho chồng tôi và âm thầm làm vợ hai của chồng tôi suốt 5 năm quyết không nhịn nữa. Cô ta muốn chồng tôi đưa con lên thành phố, nuôi dậy cho nó được “bằng hai em” là những đứa con của tôi, đang học hành giỏi giang, ngoan ngoãn và là niềm hãnh diện của chồng tôi, của gia đình. Và chính anh, như anh nói, xót thương, tội nghiệp thằng bé, cũng muốn nó được chính thức thừa nhận là con của anh và được hưởng mọi sự chăm sóc của anh bình đẳng với hai con của chúng tôi.

Khi gặp người phụ nữ đó, tôi cảm nhận thấy một nguy cơ hết sức kinh khủng: đó là âm mưu của người đàn bà đang bắt đầu nhen nhúm những tham vọng và của cậu con trai cơ hội. Họ “hợp đồng tác chiến” với nhau để gây sức ép với chồng tôi bằng nước mắt, những lời kêu ca tủi phận, những cơn đau tim xỉu lên xỉu xuống của người mẹ và bằng tâm trạng chán nản, bất mãn, bức xúc, nghi ngờ và trò giả bỏ nhà đi bụi của cậu con trai.

Giờ đây, tôi như người bị kẹt giữa hai làn đạn của chồng tôi và mẹ con người phụ nữ đó. Họ vừa kêu gọi lòng cao thượng, sự nhân hậu của tôi, vừa ngầm ý đe dọa phá vỡ hạnh phúc gia đình tôi mãi mãi nếu tôi không chấp nhận cảnh chồng chung, con riêng. Tôi phải làm sao bây giờ? Chấp nhận cho chồng tôi công khai nuôi nấng chăm sóc một gia đình thứ hai, đứa con thứ hai hay… chia tay vì một quá khứ tưởng như không liên quan gì đến tôi?

Giá trị của chồng gà mờ

Ai cũng khen Phượng lấy được chồng hiền lành. Phượng bĩu môi, thở dài: “Hiền cái gì, ổng gà mờ muốn chết. Sai đâu đánh đó, riết rồi phát ngán”.

Ngày còn con gái, Phượng xinh xắn, ăn nói duyên dáng, hoạt bát nên có nhiều chàng theo đuổi. Anh hơn Phượng một con giáp. Ở tuổi 36, vừa xấu lại già, người thì gầy nhẳng như cây tre miễu nên hồi đó anh bị xếp vào diện “ế”. Mỗi ngày sau giờ làm, anh đều ghé qua nhà Phượng. Vừa về nhà, mở cửa ra đã thấy anh ngồi uống nước, nói chuyện với bố mẹ, Phượng giận đỏ mặt tía tai. “Người đâu mà lì lợm, chai mặt”, Phượng nghĩ thầm. Nhưng cô chẳng có lý do nào để đuổi anh. Vì rõ ràng anh đến chuyện trò với cha mẹ chứ không hề ngỏ lời hay bóng gió tán tỉnh Phượng.

Mỗi ngày Phượng đều nghe bố mẹ khen anh là người hiền lành, tốt bụng. Mẹ cô còn ngâm nga: “Cha mẹ cho con thúng lúa quan tiền. Không bằng lấy được chồng hiền sướng thân”. Mưa dầm thấm lâu, Phượng cũng dần dà có tình cảm với anh. Từ khi yêu cho đến khi lấy, anh chưa một lần nói câu “anh yêu em”. Quen được gần năm, anh thưa với bố mẹ Phượng chuyện cưới xin. Phượng gật đầu, vậy là về làm vợ anh.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Tính anh ít nói, ngược lại Phượng lại là người nhanh miệng. Mỗi lần đi đâu, cô cũng phát rầu vì cái miệng luôn ngậm tăm của chồng. Anh là người giỏi kiếm tiền, nhưng không biết làm bất cứ việc gì trong nhà. Từ cơm nước, giặt giũ đến việc chăm sóc cho con cái đều một tay vợ lo liệu. Đến cả việc anh đi tắm, vợ cũng phải chuẩn bị sẵn bộ quần áo cho chồng. Những khi Phượng vắng nhà, anh và cô con gái chỉ biết ra tiệm ăn. Sửa nhà hay mua sắm bất cứ cái gì, nói chung tất tần tật mọi chuyện trong gia đình Phượng đều phải tự mình cáng đáng, lo liệu. Nhiều khi Phượng bảo thấy mệt mỏi và chán nản vô cùng. Không ít lần vì chuyện này mà hai vợ chồng hục hặc.

Nhiều lần Phượng nặng nhẹ so bì. Cô bảo chồng người ta yêu thương, quan tâm vợ hết mực. “Ông Xuân râu đầu hẻm sắm cho vợ từ quần áo đến giày dép. Vợ đi làm về là nhà cửa, cơm nước tươm tất, ai giống như anh”. Anh cười buồn, chống chế: “Thì anh đưa hết tiền lương cho em đó. Em thích gì thì lấy mua, anh đâu có cấm”. Phượng hờn dỗi, trách: “Cứ đưa ít tiền là xem như xong chuyện à?”. Anh im lặng. Hôm sau, Phượng thấy chồng xách về một cái bịch đen. Anh lẳng lặng bỏ dưới góc giường. Cô tò mò giở bịch ra xem. Một đôi dép nhựa. Cô khẽ mỉm cười, xỏ đôi dép mang thử. Cô nhăn mặt, cau có: “Mua đôi dép cũng không xong”. Phượng giở hai chiếc lên xem kỹ thì ra cùng một loại giống nhau nhưng chiếc to, chiếc nhỏ. Đến bữa cơm, cô nhỏ nhẹ nhắc chồng: “Sao anh mua dép mà không để ý số?”. Anh cười hiền lành, gãi đầu: “Đi vô chợ mua dép cho em ngại muốn chết. Đi cho lẹ chứ hơi đâu mà để ý”.

Phượng đem chuyện chồng “gà mờ” kể cho mấy cô bạn nghe, các chị cười vui vẻ. Nhưng sau đó, ai cũng gật gù, tấm tắc khen ngợi chồng Phượng. Tính ra, Phượng may mắn hơn đám bạn thân. Người than thở chồng lăng nhăng, người bảo chồng nhậu nhẹt, người thì chê chồng “kẹo”, người lại rầu vì chồng gia trưởng. Họ khen chồng Phượng siêng làm, hiền lành, lại yêu thương vợ con. Ngẫm lại, Phượng thấy đám bạn nói cũng có lý. Dù anh không giỏi việc nhà, không thể kề vai sát cánh với vợ lo toan những việc nhỏ to trong gia đình, chuyện con cái học hành hay ứng xử nội ngoại, nhưng gần mười năm chung sống, anh chưa bao giờ làm điều gì có lỗi với vợ. Một người chồng chung thủy, đi làm về là chỉ biết có vợ con, đối xử hiếu thuận với nội ngoại. Những lúc Phượng nóng nảy, vung vít, anh thường im lặng, nín nhịn vợ. Chờ khi vợ nguôi giận mới nhỏ nhẹ phân tích cho vợ hiểu đúng sai.

Sau khi “tám” xong với lũ bạn, Phượng về với một tâm trạng nhẹ nhàng. Trong góc nhà, anh đang cặm cụi bên cái máy tính cũ. Rõ ràng về chuyên môn, anh chẳng thua kém ai. Về độ siêng năng cũng thuộc dạng “cày ngày không đủ, tranh thủ cày đêm”. Nhìn chồng ngày làm việc ở công ty, tối lại nhận thêm máy tính về nhà sửa, Phượng thấy mình có lỗi khi bấy lâu luôn hằn học, trách móc chồng. “Anh có muốn ăn gì không để em đi chợ?”. Nghe vợ hỏi anh giật mình, nhìn vợ ngạc nhiên. Phượng cười tủm tỉm đi vào bếp. Trên đời chẳng ai sinh ra là thập toàn thập mỹ, điều quan trọng là cô có nhìn thấy những điểm “hoàn hảo” trong tính cách của một người chưa hoàn hảo như anh.

Vợ ơi, anh thích mập!

Thấy vợ ăn kiêng, anh không mấy quan tâm, cho đó là chuyện đàn bà. Nhưng, sau một tuần vợ ăn kiêng, anh bắt đầu thấy có... vấn đề.

Những bữa cơm gia đình gần đây có nhiều thay đổi. Giờ ăn chiều sớm hơn, dù bọn trẻ trong nhà đi học chưa về chị vẫn dọn cơm ra bàn. Nhiều hôm anh về còn thấy vợ đã ăn xong, úp lồng bàn để phần mấy cha con. Bữa sáng chị thôi không nấu xôi nữa, bớt hẳn vụ chiên cơm, chuyển sang các món nước, trứng, rau củ. Mấy vụ nấu chè để sẵn trong tủ lạnh cũng thôi hẳn, những hộp bánh ngọt, sô cô la… tuyệt nhiên vắng bóng. Thỉnh thoảng anh mở tủ lạnh, thấy ngăn nào cũng trống trơn.

Chị đang ăn kiêng - sau nhiều lần cả nhà thắc mắc, chị bẽn lẽn thú nhận. Anh thì không bất ngờ: các bà các cô ở cơ quan chồng cũng suốt ngày ỉ eo chuyện mập ốm, giảm cân, thể dục... Anh không mấy quan tâm, cho đó là chuyện đàn bà. Nhưng, sau một tuần vợ ăn kiêng, anh bắt đầu thấy có... vấn đề.

Gần 16 năm kết hôn, vòng eo thời con gái của chị nay chỉ còn trong hoài niệm. Thời sinh viên, anh chở chị nhẹ tênh trên chiếc xe đạp cà tàng, nay thì mỗi lần vợ leo lên sau xe đều phải nhắc trước chồng chống chân cho kỹ. Lâu rồi anh đã quen mắt với hình ảnh vợ trong những bộ quần áo rộng, màu tối, hoa văn rối rắm để che lấp chỗ này chỗ nọ. Mà nào có phải chị lười! Hai đứa con và một ông chồng khiến chị luôn tất bật chợ búa, cơm nước, lau dọn nhà cửa đến khuya. Chị cực vì chồng con nhiều, nhưng mập vẫn mập. Nay thì chị quyết định không mập nữa. Theo chị, cũng vì chồng, vì con mà thôi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Anh quan sát vợ gồng mình cố gắng, thầm thán phục phụ nữ: họ có ý chí và mạnh mẽ hơn anh tưởng. Hỏi mười bà vợ thì hết cả mười bà đều thích được giảm cân, thích có dáng mảnh mai như mấy cô người mẫu. Các phương pháp từ ăn kiêng đến nhịn đói, từ tập thể dục ngoài công viên đến đầu tư tiền triệu cho những phòng tập, máy tập đắt tiền… hầu như chị em nào cũng ít nhất một lần trải qua. Bao nhiêu thực đơn kiểu này kiểu nọ đều được áp dụng triệt để. Anh hoảng hốt thấy vợ có gọn hơn một chút, nhưng thần thái lờ đờ, mệt mỏi. Ăn kiêng nghe đâu có những thứ đắt đỏ đến tiền triệu, mà đi kèm với nó là cơn hành xác và ác mộng tăng cân không kiểm soát trở lại sau mỗi đợt kiêng. Vậy mới có chỗ cho mấy thẩm mỹ viện chui hoành hành, mấy dịch vụ làm ốm, giảm mỡ móc túi các bà, các cô.

Cái hôm vợ phải nhập viện cấp cứu sau khi uống một thứ trà giảm cân gì đó, anh thật sự hoảng, vì đây đâu còn là chuyện làm đẹp nữa, đã chạm mức nguy hiểm đến tính mạng rồi, đã là chuyện của cả gia đình rồi. Mấy đứa nhỏ đi học về không ai đưa đón, không ai cơm nước chăm nom, trong khi vợ nằm thiêm thiếp với ống truyền dịch trên cổ tay, người xanh như tàu lá. Cũng may là chị chỉ bị rối loạn, chứ có bà còn bị tai biến, nhiễm trùng, thậm chí mất mạng...

Cả ba cha con bàn nhau cách để giữ mẹ cho cả nhà. Đầu tiên là tấm ảnh chụp cả gia đình được phóng lớn. Trong ảnh chị cười tươi tắn, đầy đặn cạnh hai cậu con trai. Những tấm ảnh một thời con gái của chị cũng được anh rửa lại, treo trong phòng ngủ. Anh vào bếp loay hoay làm những món ăn chị thích, cố ép chị ăn bằng hết. Sức khỏe chị đỡ dần, anh bớt nhậu, bớt la cà, về nhà sớm hơn. Một bữa, anh mua về tặng vợ một đôi giày thể thao, cười “cầu tài”: "Từ nay anh với em cùng đi bộ buổi tối nha".

Những cuộc đi bộ ấy không làm cho chị giảm được bao nhiêu cân, nhưng mang lại vẻ rạng ngời tươi tắn trên gương mặt chị. Đến giờ thì không phải lúc nào anh cũng cùng đi với chị, nhưng trong câu chuyện của chị với bạn đồng hành, đã không còn những bí quyết giảm cân, thay vào đó, chị bảo: phụ nữ không sinh ra để làm người mẫu hay đồ chơi tình dục cho đàn ông. Phụ nữ sinh ra để sống, để hạnh phúc, để sinh con và nuôi con. Cái đẹp và sự hấp dẫn của phụ nữ nằm ở sức khỏe, ở khả năng mang thai, sinh nở, và cảm giác êm ấm tự nhiên - cảm giác chỉ có được khi trong người đàn bà thực sự có một cái tổ để nuôi dưỡng con người.

Thế giới vẫn đầy những phụ nữ ấm áp, tròn trịa, phúc hậu đó thôi. Sức sống nữ là sức sống tuyệt đối không bao giờ bị khuất phục hay hóa giải. Mấy dòng anh nhắn vào điện thoại làm chị rất hạnh phúc: “Vợ ơi, anh thích mập!”.