Vợ ơi, anh thích mập!

Thấy vợ ăn kiêng, anh không mấy quan tâm, cho đó là chuyện đàn bà. Nhưng, sau một tuần vợ ăn kiêng, anh bắt đầu thấy có... vấn đề.

Những bữa cơm gia đình gần đây có nhiều thay đổi. Giờ ăn chiều sớm hơn, dù bọn trẻ trong nhà đi học chưa về chị vẫn dọn cơm ra bàn. Nhiều hôm anh về còn thấy vợ đã ăn xong, úp lồng bàn để phần mấy cha con. Bữa sáng chị thôi không nấu xôi nữa, bớt hẳn vụ chiên cơm, chuyển sang các món nước, trứng, rau củ. Mấy vụ nấu chè để sẵn trong tủ lạnh cũng thôi hẳn, những hộp bánh ngọt, sô cô la… tuyệt nhiên vắng bóng. Thỉnh thoảng anh mở tủ lạnh, thấy ngăn nào cũng trống trơn.
Chị đang ăn kiêng - sau nhiều lần cả nhà thắc mắc, chị bẽn lẽn thú nhận. Anh thì không bất ngờ: các bà các cô ở cơ quan chồng cũng suốt ngày ỉ eo chuyện mập ốm, giảm cân, thể dục... Anh không mấy quan tâm, cho đó là chuyện đàn bà. Nhưng, sau một tuần vợ ăn kiêng, anh bắt đầu thấy có... vấn đề.
Gần 16 năm kết hôn, vòng eo thời con gái của chị nay chỉ còn trong hoài niệm. Thời sinh viên, anh chở chị nhẹ tênh trên chiếc xe đạp cà tàng, nay thì mỗi lần vợ leo lên sau xe đều phải nhắc trước chồng chống chân cho kỹ. Lâu rồi anh đã quen mắt với hình ảnh vợ trong những bộ quần áo rộng, màu tối, hoa văn rối rắm để che lấp chỗ này chỗ nọ. Mà nào có phải chị lười! Hai đứa con và một ông chồng khiến chị luôn tất bật chợ búa, cơm nước, lau dọn nhà cửa đến khuya. Chị cực vì chồng con nhiều, nhưng mập vẫn mập. Nay thì chị quyết định không mập nữa. Theo chị, cũng vì chồng, vì con mà thôi.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Anh quan sát vợ gồng mình cố gắng, thầm thán phục phụ nữ: họ có ý chí và mạnh mẽ hơn anh tưởng. Hỏi mười bà vợ thì hết cả mười bà đều thích được giảm cân, thích có dáng mảnh mai như mấy cô người mẫu. Các phương pháp từ ăn kiêng đến nhịn đói, từ tập thể dục ngoài công viên đến đầu tư tiền triệu cho những phòng tập, máy tập đắt tiền… hầu như chị em nào cũng ít nhất một lần trải qua. Bao nhiêu thực đơn kiểu này kiểu nọ đều được áp dụng triệt để. Anh hoảng hốt thấy vợ có gọn hơn một chút, nhưng thần thái lờ đờ, mệt mỏi. Ăn kiêng nghe đâu có những thứ đắt đỏ đến tiền triệu, mà đi kèm với nó là cơn hành xác và ác mộng tăng cân không kiểm soát trở lại sau mỗi đợt kiêng. Vậy mới có chỗ cho mấy thẩm mỹ viện chui hoành hành, mấy dịch vụ làm ốm, giảm mỡ móc túi các bà, các cô.
Cái hôm vợ phải nhập viện cấp cứu sau khi uống một thứ trà giảm cân gì đó, anh thật sự hoảng, vì đây đâu còn là chuyện làm đẹp nữa, đã chạm mức nguy hiểm đến tính mạng rồi, đã là chuyện của cả gia đình rồi. Mấy đứa nhỏ đi học về không ai đưa đón, không ai cơm nước chăm nom, trong khi vợ nằm thiêm thiếp với ống truyền dịch trên cổ tay, người xanh như tàu lá. Cũng may là chị chỉ bị rối loạn, chứ có bà còn bị tai biến, nhiễm trùng, thậm chí mất mạng...
Cả ba cha con bàn nhau cách để giữ mẹ cho cả nhà. Đầu tiên là tấm ảnh chụp cả gia đình được phóng lớn. Trong ảnh chị cười tươi tắn, đầy đặn cạnh hai cậu con trai. Những tấm ảnh một thời con gái của chị cũng được anh rửa lại, treo trong phòng ngủ. Anh vào bếp loay hoay làm những món ăn chị thích, cố ép chị ăn bằng hết. Sức khỏe chị đỡ dần, anh bớt nhậu, bớt la cà, về nhà sớm hơn. Một bữa, anh mua về tặng vợ một đôi giày thể thao, cười “cầu tài”: "Từ nay anh với em cùng đi bộ buổi tối nha".
Những cuộc đi bộ ấy không làm cho chị giảm được bao nhiêu cân, nhưng mang lại vẻ rạng ngời tươi tắn trên gương mặt chị. Đến giờ thì không phải lúc nào anh cũng cùng đi với chị, nhưng trong câu chuyện của chị với bạn đồng hành, đã không còn những bí quyết giảm cân, thay vào đó, chị bảo: phụ nữ không sinh ra để làm người mẫu hay đồ chơi tình dục cho đàn ông. Phụ nữ sinh ra để sống, để hạnh phúc, để sinh con và nuôi con. Cái đẹp và sự hấp dẫn của phụ nữ nằm ở sức khỏe, ở khả năng mang thai, sinh nở, và cảm giác êm ấm tự nhiên - cảm giác chỉ có được khi trong người đàn bà thực sự có một cái tổ để nuôi dưỡng con người.
Thế giới vẫn đầy những phụ nữ ấm áp, tròn trịa, phúc hậu đó thôi. Sức sống nữ là sức sống tuyệt đối không bao giờ bị khuất phục hay hóa giải. Mấy dòng anh nhắn vào điện thoại làm chị rất hạnh phúc: “Vợ ơi, anh thích mập!”.

Đàn ông nam tính đâu phải lạnh lùng

Một người đàn ông nam tính, ngoài việc làm được những chuyện lớn cho gia đình, còn phải có trái tim ấm áp, lúc nào cũng sẵn sàng yêu thương.

Con đón sinh nhật lần thứ 18, ba muốn nói với con nhiều điều với tư cách là một người đàn ông đi trước chia sẻ với người đàn ông đi sau, chàng trai của ba!

Con đã phụng phịu khi nhận từ mẹ món quà không ưng ý. Ba biết là con thích món quà đắt tiền hơn, nhưng mẹ không đủ khả năng để đáp ứng. Mẹ đã cố gắng giải thích để con vui lòng, vậy mà con tỏ thái độ lạnh tanh. Một người đàn ông nhận quà từ phụ nữ, mà có thể lạnh tanh như vậy sao? Ba thật sự buồn, nhất là khi người đàn ông đó lại là con ba.

Trong nhà mình, chẳng phải ba đã thỏa thuận với con rằng, hai người đàn ông chúng ta phải học cách yêu thương và chiều chuộng người phụ nữ là mẹ con, con không nhớ sao? Có lần, con khen một nhân vật trong phim Hàn là “đầy nam tính” bởi anh ấy lúc nào cũng lạnh lùng, không bao giờ mở miệng nói xin lỗi bạn gái, để cuối cùng cô bạn gái phải hạ mình xin lỗi ngược hòng giữ tình yêu. Nhưng con ơi, cái lạnh lùng và bất cần chẳng làm nên nam tính đúng nghĩa đâu.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Một người đàn ông nam tính, ngoài việc làm được những chuyện lớn cho gia đình, còn phải có trái tim ấm áp, lúc nào cũng sẵn sàng yêu thương. Thay vì cố tạo ra ánh mắt lạnh lùng, bất cần đời như nhân vật trong phim, con hãy tập quan tâm đến người khác, để ánh mắt con luôn trìu mến. Vài năm nữa thôi, con sẽ có bạn gái, và sau đó sẽ có vợ. Rồi con sẽ hiểu, người phụ nữ yêu người đàn ông của họ vì rung động trước những cử chỉ quan tâm, đỡ đần, bảo vệ…

Ba cũng không hài lòng khi con đã lớn mà chưa biết làm những việc cơ bản cho bản thân. Con luôn muốn có một đôi giày thời thượng, nhưng con lại lúng túng trong cách xỏ dây giày, phải nhờ đến ba. Con sung sướng khi có một chiếc áo hiệu đắt tiền, nhưng con không biết cách ủi nó, cũng không biết cách xếp nó. Ba cũng đồ rằng, con chưa biết cách thắt cà vạt. Đó là lỗi của ba. Ba sẽ dạy con cách xếp một chiếc áo sơ mi vào vali như thế nào để không bị nhăn, dạy con cách xỏ dây giày cơ bản, dạy con cách thắt cà vạt. Có thể, đó là những việc lặt vặt, nhưng một người đàn ông phải bắt đầu trở thành người “lớn” bằng cách làm thật tốt những việc nhỏ. 

Con cần phải phân biệt được các chất liệu vải để biết loại nào có thể giặt máy, loại nào phải giặt bằng tay, loại nào chỉ phơi trong mát chứ không phơi ngoài nắng. Con cũng cần tập quan sát những đôi giày của phụ nữ, để biết từng loại đế, từng loại da. Khi con có gia đình, người phụ nữ của con có thể hờ hững với số tiền lớn con mang về, nhưng sẽ rất xúc động và yêu con thật nhiều khi chồng biết giúp vợ giặt đồ, âm thầm sửa lại đôi giày cho vợ…

Ba cần nhấn mạnh với con rằng, người đàn ông nam tính không phải là người khệnh khạng bước vào nhà hàng, nói năng trịch thượng với người phục vụ, ngồi ăn ung dung, lạnh lùng. Đó phải là người nhã nhặn với mọi người, thuần thục trong động tác kéo ghế cho người phụ nữ đi cùng và quan tâm, chăm chút đối với người cùng bàn.

Có thể, khi đọc những dòng này, con sẽ nghĩ, nhà mình có người giúp việc rồi, sao con vẫn phải quan tâm đến những chuyện vặt vãnh như vậy? Con ạ, người giúp việc có thể giúp chúng ta đỡ đần việc nhà, nhưng bản lĩnh của một người đàn ông là có thể làm được cả việc lớn lẫn việc nhỏ, từ đó làm chủ mình. Nếu con đang rảnh, con tự tay ủi chiếc áo cho mình, trông con sẽ nam tính hơn là lạnh lùng “lệnh” cho người giúp việc ủi áo.

Và, ba cần nhắc lại rằng, trước một người phụ nữ, kể cả người đó là mẹ con, việc yêu chiều, quan tâm, nâng đỡ sẽ tô đậm nét nam tính hơn là lạnh tanh, lười động tay vào những việc nhỏ.

Ba mong, sau này, khi không còn ba bên cạnh nhắc nhở, con vẫn là người đàn ông ấm áp yêu thương trong ánh mắt, nhẹ nhàng và dịu dàng trong hành động, nhất là đối với phụ nữ; và luôn ở tâm thế quan tâm, chia sẻ với người khác trong từng việc nhỏ nhất, con nhé!

Có cần phải giữ gia đình cho con?

Thà là một con người hạnh phúc một mình, còn hơn là kẻ bất hạnh có đôi. Hãy để con trẻ học bài học đó từ thời thơ ấu...

Hầu như mọi ông bố bà mẹ khi đứng trước ngưỡng quyết định ly hôn thường được nghe lời khuyên sau đây: “Bố mẹ ly hôn sẽ ảnh hưởng xấu đến con cái”. Tất nhiên, không thể bàn cãi gì nữa, trong gia đình ly hôn, con trẻ chịu thiệt thòi và đau khổ.

Trẻ con sẽ hạnh phúc hơn khi được sống trong gia đình toàn vẹn, được nhận sự quan tâm, chăm sóc của cả mẹ lẫn cha, nhận được sự quan tâm, chia sẻ, chăm sóc của cả hai người – chiếc chìa khóa cho hạnh phúc riêng của đứa trẻ trong tương lai khi nó hiểu được ý nghĩa của một gia đình bên nhau. Nhưng tất cả những sự phát triển hòan hảo đó, thật không may, chỉ diễn ra trong hình ảnh của các nhà tâm lý học.

Còn thực tế thường diễn ra như thế nào? Có một quan niệm hết sức thông thường và phổ biến rằng người phải bảo vệ gia đình, giữ gìn sự ấm áp của mái nhà là phụ nữ - và tệ hơn nữa là người ta cho rằng phụ nữ phải làm điều đó bằng mọi giá – bắt đầu từ sự hy sinh tự do riêng, cảm xúc riêng, vân vân – bất kể thực tế rằng thường sau khi ly hôn, cuối cùng là trẻ vẫn ở với mẹ. Hãy đừng xem xét các vấn đề vật chất và áp lực nuôi dạy con cái. Hãy xem xét điều gì diễn ra trong tâm lý của trẻ trong tình huống này?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Hãy tưởng tượng sự việc: người phụ nữ quyết định ly hôn với chồng. Bỏ qua những nguyên nhân như sự phản bội trắng trợn, bạo lực gia đình và những vấn đề nặng nề khác, ta chỉ xét tới nguyên nhân thông thường nhất: chồng không quan tâm tới gia đình, con cái, không kiếm tiền đủ cho đời sống sinh hoạt, anh ta chẳng mấy khi có mặt ở nhà.

Cuối cùng thì người vợ cũng nhận ra rằng đằng sau cái hàng rào hôn nhân đó là một thế giới tuyệt vời mà ở đó, cô ấy không phải chịu đựng những vấn đề căng thẳng do người chồng gây ra và cô ấy tuyên bố dự định ly hôn của mình. Chỉ cần nghe thấy thế là tất cả họ hàng, người thân sẽ đổ lên đầu cô ấy những lời mắng nhiếc: “Chị làm sao thế? Chị thật là ích kỷ. Chị chỉ nghĩ đến chị thôi sao? Phải nghĩ tới con cái chứ! Chị làm cho con chị mất cha! Nó sẽ phải chịu đựng những người xa lạ! Hãy nghĩ đến những điều tồi tệ mà con chị sẽ phải gánh chịu từ quyết định của chị! Chị làm sao nuôi dạy con cái một mình!” – vân vân và vân vân.

Cũng không hiếm trường hợp, chính người cha, người chẳng hề động đậy một ngón tay cho việc bảo vệ và gìn giữ gia đình lại là người dọa dẫm người mẹ. Và cũng có không ít trường hợp người mẹ khi không muốn buông tay thả người đàn ông đi khỏi gia đình đã từ lâu không còn tồn tại của mình thì lấy con trẻ ra đề đe dọa chồng: “Anh mà ly hôn thì đừng bao giờ mong được nhìn thấy con”.

Có một câu hỏi thú vị là con trẻ có thể có hạnh phúc hay không trong một gia đình luôn luôn xung đột, với một người mẹ suy nhược hay một người cha luôn chán nản hoặc bị kích động? Có hay không sự liên kết để giáo dục con cái trong một thỏa thuận ngầm: “Chúng ta hãy sống vì con” và im lặng chịu đựng lẫn nhau, cố gắng giấu đi sự thù hằn? Con trẻ sẽ học được gì trong mối quan hệ đầy bệnh hoạn trong gia đình, khi người ta sống một cách bất hạnh, hy sinh thời gian sống quý báu của mình vì một ai đó?

Hơn nữa với kiểu chọn lựa sống này, chẳng ai khác ngoài chính con trẻ sẽ là người phải trả giá. Chúng trở thành kẻ tội đồ khi người mẹ tuyên bố: “Mẹ sống với bố chỉ vì các con! Mẹ đã chịu đựng khổ sở bao nhiêu năm qua chỉ đề các con có một ông bố!” Và cảm giác có lỗi với cuộc sống khổ sở của mẹ sẽ đè nặng lên vai của con trẻ ngay cả khi chúng đã lớn lên. Điều tội tệ nhất chính là con người từ thế hệ này sang thế hệ khác sẽ tiếp tục lặp lại cảnh “Chúng tôi chịu đựng bất hạnh chỉ vì con cái” và không có khả năng thoát khỏi lời nguyền số phận về sự bất hạnh, sự hy sinh, cảm giác có lỗi đó.

Chẳng lẽ lại không tốt đẹp hơn khi trẻ được sống với một người mẹ vui vẻ, hạnh phúc, tự do và thanh thản – thậm chí dù là sau đó phải có một ông bố khác không phải bố ruột của mình hay có thể là hoàn toàn không có ông bố khác nữa? Thà là một con người hạnh phúc một mình, còn hơn là kẻ bất hạnh có đôi. Hãy để con trẻ học bài học đó từ thời thơ ấu, bắt đầu từ cha mẹ mình, chứ không phải từ kinh nghiệm sống buồn tủi của chúng ngay cả khi đã là người lớn.