Giá trị của chồng gà mờ

Ai cũng khen Phượng lấy được chồng hiền lành. Phượng bĩu môi, thở dài: “Hiền cái gì, ổng gà mờ muốn chết. Sai đâu đánh đó, riết rồi phát ngán”.

Ngày còn con gái, Phượng xinh xắn, ăn nói duyên dáng, hoạt bát nên có nhiều chàng theo đuổi. Anh hơn Phượng một con giáp. Ở tuổi 36, vừa xấu lại già, người thì gầy nhẳng như cây tre miễu nên hồi đó anh bị xếp vào diện “ế”. Mỗi ngày sau giờ làm, anh đều ghé qua nhà Phượng. Vừa về nhà, mở cửa ra đã thấy anh ngồi uống nước, nói chuyện với bố mẹ, Phượng giận đỏ mặt tía tai. “Người đâu mà lì lợm, chai mặt”, Phượng nghĩ thầm. Nhưng cô chẳng có lý do nào để đuổi anh. Vì rõ ràng anh đến chuyện trò với cha mẹ chứ không hề ngỏ lời hay bóng gió tán tỉnh Phượng.
Mỗi ngày Phượng đều nghe bố mẹ khen anh là người hiền lành, tốt bụng. Mẹ cô còn ngâm nga: “Cha mẹ cho con thúng lúa quan tiền. Không bằng lấy được chồng hiền sướng thân”. Mưa dầm thấm lâu, Phượng cũng dần dà có tình cảm với anh. Từ khi yêu cho đến khi lấy, anh chưa một lần nói câu “anh yêu em”. Quen được gần năm, anh thưa với bố mẹ Phượng chuyện cưới xin. Phượng gật đầu, vậy là về làm vợ anh.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Tính anh ít nói, ngược lại Phượng lại là người nhanh miệng. Mỗi lần đi đâu, cô cũng phát rầu vì cái miệng luôn ngậm tăm của chồng. Anh là người giỏi kiếm tiền, nhưng không biết làm bất cứ việc gì trong nhà. Từ cơm nước, giặt giũ đến việc chăm sóc cho con cái đều một tay vợ lo liệu. Đến cả việc anh đi tắm, vợ cũng phải chuẩn bị sẵn bộ quần áo cho chồng. Những khi Phượng vắng nhà, anh và cô con gái chỉ biết ra tiệm ăn. Sửa nhà hay mua sắm bất cứ cái gì, nói chung tất tần tật mọi chuyện trong gia đình Phượng đều phải tự mình cáng đáng, lo liệu. Nhiều khi Phượng bảo thấy mệt mỏi và chán nản vô cùng. Không ít lần vì chuyện này mà hai vợ chồng hục hặc.
Nhiều lần Phượng nặng nhẹ so bì. Cô bảo chồng người ta yêu thương, quan tâm vợ hết mực. “Ông Xuân râu đầu hẻm sắm cho vợ từ quần áo đến giày dép. Vợ đi làm về là nhà cửa, cơm nước tươm tất, ai giống như anh”. Anh cười buồn, chống chế: “Thì anh đưa hết tiền lương cho em đó. Em thích gì thì lấy mua, anh đâu có cấm”. Phượng hờn dỗi, trách: “Cứ đưa ít tiền là xem như xong chuyện à?”. Anh im lặng. Hôm sau, Phượng thấy chồng xách về một cái bịch đen. Anh lẳng lặng bỏ dưới góc giường. Cô tò mò giở bịch ra xem. Một đôi dép nhựa. Cô khẽ mỉm cười, xỏ đôi dép mang thử. Cô nhăn mặt, cau có: “Mua đôi dép cũng không xong”. Phượng giở hai chiếc lên xem kỹ thì ra cùng một loại giống nhau nhưng chiếc to, chiếc nhỏ. Đến bữa cơm, cô nhỏ nhẹ nhắc chồng: “Sao anh mua dép mà không để ý số?”. Anh cười hiền lành, gãi đầu: “Đi vô chợ mua dép cho em ngại muốn chết. Đi cho lẹ chứ hơi đâu mà để ý”.
Phượng đem chuyện chồng “gà mờ” kể cho mấy cô bạn nghe, các chị cười vui vẻ. Nhưng sau đó, ai cũng gật gù, tấm tắc khen ngợi chồng Phượng. Tính ra, Phượng may mắn hơn đám bạn thân. Người than thở chồng lăng nhăng, người bảo chồng nhậu nhẹt, người thì chê chồng “kẹo”, người lại rầu vì chồng gia trưởng. Họ khen chồng Phượng siêng làm, hiền lành, lại yêu thương vợ con. Ngẫm lại, Phượng thấy đám bạn nói cũng có lý. Dù anh không giỏi việc nhà, không thể kề vai sát cánh với vợ lo toan những việc nhỏ to trong gia đình, chuyện con cái học hành hay ứng xử nội ngoại, nhưng gần mười năm chung sống, anh chưa bao giờ làm điều gì có lỗi với vợ. Một người chồng chung thủy, đi làm về là chỉ biết có vợ con, đối xử hiếu thuận với nội ngoại. Những lúc Phượng nóng nảy, vung vít, anh thường im lặng, nín nhịn vợ. Chờ khi vợ nguôi giận mới nhỏ nhẹ phân tích cho vợ hiểu đúng sai.
Sau khi “tám” xong với lũ bạn, Phượng về với một tâm trạng nhẹ nhàng. Trong góc nhà, anh đang cặm cụi bên cái máy tính cũ. Rõ ràng về chuyên môn, anh chẳng thua kém ai. Về độ siêng năng cũng thuộc dạng “cày ngày không đủ, tranh thủ cày đêm”. Nhìn chồng ngày làm việc ở công ty, tối lại nhận thêm máy tính về nhà sửa, Phượng thấy mình có lỗi khi bấy lâu luôn hằn học, trách móc chồng. “Anh có muốn ăn gì không để em đi chợ?”. Nghe vợ hỏi anh giật mình, nhìn vợ ngạc nhiên. Phượng cười tủm tỉm đi vào bếp. Trên đời chẳng ai sinh ra là thập toàn thập mỹ, điều quan trọng là cô có nhìn thấy những điểm “hoàn hảo” trong tính cách của một người chưa hoàn hảo như anh.

Vợ kén ăn, ham ngủ

Hai vợ chồng cùng nằm xem bộ phim hay chưa được bao lâu thì vợ đã ngáy vô tư. Mẹ chồng tỏ ra lo lắng “sau này có con...”.

Vợ khó ăn nhưng dễ ngủ. Vì khó ăn nên vợ làm rất tốt vai trò đầu bếp, thường tìm tòi học hỏi để nấu các món “nhà hàng tại gia” khiến chồng mê tít, ít khi muốn ăn ngoài. Còn chuyện ngủ thì vợ hay kể chồng nghe hồi nhỏ, tối tối vừa nằm lăn ra giữa nhà xem ti vi cùng gia đình là vợ... khò ngay. Đêm nào mẹ cũng phải bế vợ vào buồng sau khi vợ đã ngủ say. Bây giờ, mỗi khi hai vợ chồng nằm bên nhau xem một bộ phim hay chưa được bao lâu thì vợ đã ngáy vô tư. Mẹ chồng tỏ ra lo lắng “sau này có con...”.

Vừa cấn thai, vợ đã thay đổi. Vợ bắt đầu chương trình “trò chuyện đêm khuya” bằng cách nằm rúc vào ngực chồng tưởng tượng về cục cưng tương lai, hay trằn trọc... dăm ba phút nghĩ tới những vấn đề phát sinh khi trong nhà xuất hiện thành viên nhí. Vợ cũng không còn dang tay, dạng chân ngủ thoải mái như trước nữa mà luôn trong tư thế phòng thủ, vòng tay che chắn trước bụng như sợ chồng vô ý đụng phải.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Con chào đời, vợ thực hiện triệt để sự phân công “vợ lo chuyện ăn, chồng lo chuyện ngủ”. Biết vợ cả ngày chăm con mệt phờ, lại không thể thức khuya nên chồng đêm nào cũng dậy hai lần pha sữa cho con, chưa kể dỗ con, thay tã, chăm con những khi đau ốm... Đến khi con gần hai tuổi, bỏ bú bình và hết khóc đêm thì dù vợ mơ màng một cô công chúa nhỏ, chồng vẫn quyết tâm... không sinh thêm bé nào nữa.

Con lên ba, tưởng “chuyện ngủ” đã nhẹ nhàng hơn, hóa ra không phải. Mỗi tối, sau khi cả nhà ăn uống và vợ dọn dẹp xong chén bát là chồng... ngán, nghĩ tới cảnh vợ “thăng” trước trong khi chồng loay hoay giúp con đánh răng, lau mình, thay đồ ngủ, rồi đọc truyện cổ tích cho con nghe, trong giấc ngủ chập chờn thì canh giờ tắt quạt hay đắp chăn cho cả vợ lẫn con...

Con càng lớn càng đeo dính cha. Chồng nằm giữa, dang tay làm gối kê đầu lẫn gối ôm cho hai mẹ con nằm hai bên. Tối nào chồng có tiệc tùng, khách khứa thì y như rằng mẹ bấm số cho con gọi, giọng tha thiết: “Con đợi ba về mới ngủ”. Không ai có thể cam tâm về trễ. Chồng đành nửa đùa nửa thật giơ cao khẩu hiệu: “Về nhà trước 9 giờ tối” khiến ông bạn nào cũng tròn mắt ngạc nhiên.

Thấy mình bị... ép quá, chồng vùng lên: “Đổi ca đi! Chồng lo ăn, vợ lo ngủ”. Vợ miễn cưỡng đồng ý, nhưng chỉ được vài ngày thì chính chồng mới là người giơ tay xin hàng. Vào bếp đã mệt, lên thực đơn đi chợ còn mệt hơn, dọn dẹp càng đuối...

Thôi thì ai làm tốt việc gì cứ phát huy việc ấy. Thỉnh thoảng được hai mẹ con khen “cha là số một”, cũng mát ruột.

Chồng về đi! Vợ mới là thực tại của chồng!

Chồng yêu!. Đã 10h tối! Là tối thứ 3 chồng không trở về nhà với vợ và con gái sau giờ làm việc.

Giống như mọi ngày con gái mình vừa uống hết ly sữa nóng rồi tự trèo lên chiếc cũi nhỏ xinh, con gái ôm em gấu bông chẳng cần mẹ ru con gái đã lăn ra ngủ khì! Vợ cũng kịp lau chùi, dọn dẹp nhà cửa và giặt giũ quần áo. Vợ đã hoàn thành hết công việc của một ngày như thường lệ.

Từ ngày chồng bỏ đi tìm lại “mối tình đầu”, không một dòng tin nhắn, không một cú điện thoại, không một lời nhắn gửi cho vợ nhưng vợ biết chồng cũng khổ tâm lắm! Vợ nhớ chồng! Vợ yêu chồng nhiều nhiều hơn những gì chồng nghĩ đấy! Dẫu rằng lá thứ này vợ biết sẽ không đến bên chồng nhưng vợ vẫn hy vọng và mong chồng hãy sống với thực tại chồng nhé!

Thời gian thấm thoắt trôi nhanh quá, chồng nhỉ ? Vợ thì cứ ngỡ như mới gặp chồng ngày hôm qua! Vậy mà chúng mình đã sống với nhau tròn 5 năm rồi! Một căn nhà nhỏ với một cô công chúa đáng yêu. Tổ ấm của vợ chồng mình không lớn nhưng với một không gian yên tĩnh nhà mình có khoảng không gian xanh có sân vườn đủ để con gái chơi với bố mẹ. Sáng sáng cả nhà mình cùng đi làm. Chồng là “bác tài xế” chung thành của hai mẹ con. Trường con gái gần cơ quan chồng thế nên chồng trở con gái đến lớp rồi mới đến cơ quan làm việc. Có bữa vợ cũng được “ké cẩm” trên những chuyến xe như thế. Quang đường chỉ dăm bảy cây số nhưng cả nhà mình đã hát hò rất vui vẻ, chồng nhỉ!

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vợ đi làm bằng xe máy, chiều chiều tan sở vợ về sớm để lo chuyện cơm nước cho hai người vợ yêu quý nhất là chồng và con gái. Chẳng cần khoe nhưng vợ dám chắc ai nấy nhìn vào vợ chồng mình sẽ mơ ước. 5 năm qua, niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và cả những giọt nước mắt gia đình mình đã cũng nhau nếm trải.

Vợ nhớ mãi, vào buổi chiều đông, trời mưa tầm tã, đứng trú mưa dưới hiên của những ngôi nhả cổ vợ chồng mình đã gặp nhau. Có lẽ chồng không biết từ ngày đó đến nay vợ vẫn luôn nghĩ rằng “Có lẽ trên thế gian này duy nhất có đôi mình gặp nhau như thế !”. Dưới mái hiên nhà, tiếng mưa rơi rả rích, gió lạnh hơn nhưng hai kẻ “xa lạ” đã không thấy lạnh nữa!

Khi ấy, vợ khoác trên người chiếc áo phao của người đàn ông lạ mặt- giờ là chồng của vợ để trú mưa. Vợ không những thấy cơ thể mình ấm mà còn cảm thấy con tim mình đang thổn thức trước cơn mưa buổi chiều Đông ấy. Chồng biết không! Lúc đó, vợ có linh cảm người đàn ông này chắc chắn sẽ là người chồng của mình. Sự thật đúng như vậy. Vợ hạnh phúc nhiều lắm!

Một đám cưới đơn giản nhưng có đông đủ họ hàng nội ngoại hai bên. Bạn bè, họ hàng chúc tụng mừng vì vợ -chồng mình là một cặp đôi hoàn hảo. Vợ làm công chức nhà nước. Chồng công tác ngân hàng hàng đầu. Vợ xinh xắn, đảm đang. Chồng hiền lành, chuẩn mực. Chồng không rượu bia, không la cà hàng xá. Chồng chiều vợ, yêu con. Chồng là mỗi tình đầu của vợ. Nhưng vợ thì không phải là mối tình đầu của chồng. Thế nhưng tình yêu thương của chồng dành cho vợ thật nồng thắm, vợ biết là như thế mà!

Chồng yêu!

Mọi chuyện sẽ khác nếu như buổi chiều đó chồng không gặp lại “mối tình đầu”. Sau gần 10 năm, chồng và cô ấy đã tình cờ gặp lại nhau. Vợ biết! Người ta vẫn thường bảo tình cũ không rủ cũng đến. Chồng đã xốn xang khi gặp lại cô ấy. Chẳng hiểu có phải là duyên nợ hay không nữa, chồng nhỉ? Con gái cô ấy và con gái mình học cùng một trường chẳng thế mà chồng và cô ấy gặp lại nhau trong lúc chờ đón con.

Vợ biết, kể từ ngày hai người gặp lại nhau cả hai đã có nhiều buổi càfe trò chuyện với nhau hàng giờ. Vợ cũng biết hai người chưa có gì vượt quá giới hạn cho phép. Nhưng vợ cũng biết chồng vẫn còn thương cô ấy. Lúc trước, cha mẹ ngăn cản chuyện yêu đương của hai người. Để bảo vệ tình yêu, chồng và cô ấy đã thuyết phục cha mẹ nhưng không thành. Không ai muốn lựa chọn, nhưng giữa bên hiếu bên tình chồng đã chọn chữ hiếu.

Giờ thì mọi chuyện đã khác xưa rất nhiều. Sau khi hai người chia tay, cô ấy vào Nam lập nghiệp. Cô ấy cũng đã có một tổ ấm cho riêng mình. Vợ biết, tổ ấm đó tuy thiếu người đàn ông nhưng họ vẫn hạnh phúc. Chồng cô ấy đã chết do tai nạn giao thông nhưng hai mẹ con cô ấy đã sống như thế 3 năm nay rồi. Vợ cũng biết chồng thương cô ấy muốn bù đắp cho cô ấy, muốn chuộc lỗi với cô ấy. Nhưng vợ cũng biết cô ấy là người tốt.

Chính cô ấy là người đã chủ động tìm gặp vợ. Cô ấy tâm sự với vợ mọi chuyện như thế đấy! Cô ấy còn bảo rằng: “Trước kia em đã yêu anh ấy rất nhiều nhưng giờ thì không còn tình yêu nữa. Với em anh ấy chỉ là người bạn thôi! Thời gian này, em cũng đang có “người đàn ông mới” để ý. Em không muốn vì em mà hạnh phúc gia đình anh chị tan vỡ. Mong chị hiểu em! Sự thật là như thế!

Chồng ơi! Như thế đã đủ để chồng quay về bên em chưa? Vợ và con gái nhớ chồng rất nhiều!

Ôm tủi nhục để sống mỏi sống mòn

Tinh thần, thể xác ngày càng “xuống cấp”, chị quyết định ly hôn. Nhưng chưa kịp gửi đơn ra tòa thì...

Lâu lắm rồi tôi mới gặp lại chị. Ở cái tuổi 43 nhưng chị chẳng khác nào đứa trẻ 13, 14 tuổi. Không phải chị trẻ mà chị nhỏ, người bé tí tẹo, chỉ còn da bọc xương…

Chị có ba đứa em. Bố mẹ chị là công nhân. Năm chị học lớp 11, bố chị mắc bệnh nặng, qua đời. Mẹ chị phải về hưu non để ra ngoài làm kiếm tiền nuôi các con ăn học. Chị học xong lớp 12 thì nghỉ, đi làm để giảm gánh nặng cho mẹ.

Thời gian dần trôi. Lần lượt ba đứa em của chị học hết phổ thông, rồi lên cao đẳng, đại học và lập gia đình. Lúc này chị đã bước vào cái tuổi mà mọi người thường cho là... ế - 32 tuổi. Ba năm sau, chị gặp anh. Anh trẻ hơn chị năm tuổi, chẳng có việc làm, gia đình cũng nghèo khó. Nhưng với suy nghĩ “có còn hơn không”, chị nhắm mắt lấy anh.

Vợ chồng chị ở nhà mẹ đẻ, cuối tuần mới về nhà chồng. Thời gian đầu, anh có vẻ “ngoan”, gia đình vợ kêu làm gì thì làm nấy. Nhìn chị và anh quấn lấy nhau như đôi sam, mọi người ai cũng mừng cho chị. Một năm, hai năm, rồi bốn năm qua đi nhưng anh chị vẫn chẳng có con. Lúc đầu ai cũng nghĩ là lỗi do chị, vì chị đã lớn tuổi. Đến bệnh viện phụ sản khám thì bác sĩ cho hay chị hoàn toàn có khả năng sinh sản, “mắc mứu” nằm ở chỗ “tinh binh” của anh quá yếu. Gia đình chị, nhất là mẹ chị khuyên hai vợ chồng chị vào TP.HCM hoặc ra Hà Nội làm thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng anh không đồng ý.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Rồi anh xin được một chân lái xe taxi, thế là anh chẳng còn “ngoan” nữa. Anh lấy lý do công việc rồi đi sớm về khuya, chẳng thèm ngó ngàng gì đến chị. Mẹ anh khăng khăng “cái đứa con dâu khô đét như que củi” mới chính là thủ phạm không biết “đẻ đái” gì. Bà tìm mọi cách thể hiện “quyền lực của mẹ chồng”, mắng chó chửi mèo, xài xể chị. Những lúc như vậy, anh không an ủi vợ mà còn đổ thêm dầu vào lửa. Chị chán, không muốn về nhà chồng nữa nhưng mẹ chị bắt phải về, vì “ở đâu cái thói có chồng mà không về nhà chồng. Muốn cho thiên hạ bôi tro trát trấu lên mặt mẹ mày à?”.

Tinh thần, thể xác ngày càng “xuống cấp”, chị quyết định ly hôn. Nhưng chưa kịp gửi đơn ra tòa thì em gái chị chia tay chồng rồi dẫn con về nhà mẹ ở. Thế là chị phải “hoãn” ý định bỏ chồng.

Hai năm sau, khi chuyện của em gái đã lắng xuống, chị nói với mẹ sẽ bỏ chồng. Mẹ chị đỏ mặt tía tai: “Vì mẹ, mày cứ sống vậy đi. Em mày đã ly hôn, giờ mày mà ly hôn nữa, thiên hạ người ta sẽ chửi vào mặt mẹ mày đấy. Thôi thì mẹ lạy chị, chị thương lấy cái thân già của mẹ, đợi mẹ chết rồi chị muốn làm gì thì làm”…

Chị đành lặng lẽ ôm tủi nhục để sống mỏi sống mòn.