Trong những ngày gần đây, một trào lưu mới trên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận và dấy lên nhiều tranh cãi: sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những bức ảnh, video giả mạo cảnh người dùng "bị Cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt" vì vi phạm luật giao thông. Dù được nhiều người hưởng ứng với mục đích giải trí, "đu trend" hay "thử công nghệ", trào lưu này đang tiềm ẩn những nguy cơ pháp lý và đạo đức thông tin nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến việc "sống ảo" nhưng lại nhận về "phạt thật".
Tham gia trào lưu để chứng minh độ "ngầu"?
Trào lưu này phổ biến trên các nền tảng như TikTok, Facebook, nơi người dùng chỉ cần nhập hình ảnh cá nhân và một vài câu lệnh, công cụ AI sẽ tự động ghép họ vào khung cảnh bị CSGT thổi phạt, lập biên bản. Các bức ảnh thường trông rất chân thật, với bối cảnh quen thuộc tại các tuyến đường lớn hay trung tâm thành phố, khiến nhiều người xem dễ lầm tưởng là sự việc có thật. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lượt tương tác với những bình luận như "thần thái", "ngầu", "chịu chơi" đã cho thấy sức hút của trào lưu này.
Kèm theo hình ảnh được tạo bằng AI, nhiều người còn đăng tải cùng với những dòng trạng thái thể hiện sự "chất chơi" như: "Viết hộ chị cái bill/Em là cảnh sát giao thông/OK em cảnh sát giao thông viết hộ chị cái bill".


Thậm chí, có những tên tuổi nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng cũng đã tham gia trào lưu này. Lê Phương Thảo, Á hậu 1 Hoa hậu Thể thao Việt Nam năm 2022, gần đây đăng tải trên trang cá nhân một bức ảnh do AI tạo ra, thể hiện cảnh cô tạo dáng bên xe sang trong khi những người mặc trang phục giống cảnh sát giao thông đang lập biên bản. Dòng trạng thái đi kèm các icon mang tính đùa vui: "Mời chị ký vào đây".

Bài viết được cho đu trend "phú bà, đại gia bị xử phạt giao thông" này nhanh chóng thu hút sự chú ý. Tuy nhiên hình ảnh này của cô nàng nhanh chóng nhận về loạt bình luận chỉ trích. Sau đó, Phương Thảo đã gỡ bỏ hình ảnh này vào ngày 8/7.
"Sống ảo" coi chừng "phạt thật"
Dù được chia sẻ với mục đích giải trí và có gắn nhãn "Hình ảnh được tạo bởi AI", trào lưu này nhanh chóng gây ra tranh cãi vì có dấu hiệu giả mạo lực lượng chức năng, gây hiểu lầm hay lan truyền thông tin không đúng sự thật.
Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi cung cấp hoặc chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các lực lượng Công an nhân dân, có thể bị xử phạt hành chính lên tới 50 triệu đồng. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không chỉ thế, việc sử dụng hình ảnh giả mạo có thể tạo ra những hiểu lầm không mong muốn trong công chúng, làm giảm uy tín và tính nghiêm túc của lực lượng thực thi pháp luật. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền về an toàn giao thông mà còn có thể gây tổn hại đến lòng tin của người dân đối với các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, trào lưu này phản ánh một vấn đề xã hội đáng quan tâm về xu hướng "sống ảo" trên mạng xã hội. Việc tạo ra những tình huống giả mạo để thu hút sự chú ý không chỉ thể hiện sự thiếu nhận thức về pháp luật mà còn cho thấy tâm lý "làm màu" trong việc thể hiện bản thân trên các nền tảng số.
Trước sự phát triển nhanh của công cụ tạo ảnh bằng AI, các chuyên gia khuyến cáo người dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng khi dàn dựng hình ảnh có yếu tố nhạy cảm. Việc sử dụng công nghệ không phù hợp bối cảnh có thể dẫn đến hệ lụy ngoài ý muốn, đặc biệt khi được lan truyền rộng rãi trên môi trường mạng.