TP HCM thống nhất phương án cấp giấy chủ quyền cho hàng chục ngàn căn hộ bị treo sổ hồng

(Vietnamdaily) - Có ít nhất 27.709 căn nhà thuộc 63 dự án bị treo sổ hồng và 88,4% số này có chủ đầu tư là các doanh nghiệp top đầu TP HCM.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan vừa có kết luận, chỉ đạo liên quan đến việc xác định diện tích đất ở, cấp sổ hồng, trách nhiệm quản lý công trình công cộng tại các dự án xây dựng nhà ở chung cư.

Cơ hội thoát "treo” cho 27.000 căn hộ đang chờ cấp sổ hồng

Theo UBND TP, đối với các dự án xây dựng chung cư trên địa bàn có thể chia thành 2 loại để đề xuất phương án giải quyết.

Loại 1: các dự án chung cư có tính chất biệt lập, chỉ có một số hạng mục công trình khép kín (như: bồn hoa, mảng xanh, hồ bơi, đường nội bộ…) thì toàn bộ diện tích đất dự án được xác định là đất ở để thu tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) theo quy định.

Loại 2: các dự án lớn có nhiều hạng mục phục vụ công cộng, ngoài diện tích đất xây dựng công trình chung cư, còn có các công trình tiện ích khác (như: khu thương mại, khu thể dục thể thao, công viên, trường học, bệnh viện… các trục đường chính kết nối với đường giao thông công cộng bên ngoài chung cư) thì diện tích đất xây dựng chung cư để thu tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận, được xác định theo cơ cấu sử dụng đất của dự án đã được phê duyệt theo quy hoạch và có thể chia thành 3 nhóm.

Trong đó, nhóm 1: nhóm đất xây dựng nhà ở (đất xây dựng chung cư), phải thu tiền sử dụng đất 100% diện tích phân bổ đất ở (bao gồm diện tích đã trừ mật độ xây dựng), cấp Giấy chứng nhận cho chủ đầu tư đủ diện tích đã đóng tiền sử dụng đất ở và nhà nước không quản lý diện tích này.

Nhóm 2: nhóm đất xây dựng công trình công cộng (công viên cây xanh, bệnh viện, trường học, thể dục thể thao) nhà nước lập thủ tục quản lý, sau đó mới quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có giải pháp cho thuê (khuyến khích cho chủ đầu tư dự án tham gia đầu tư và khai thác hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định).

Nhóm 3: nhóm đất xây dựng công trình giao thông hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, viễn thông…) chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng hoàn thành để bàn giao cho nhà nước quản lý theo quy định. Đối với phần diện tích này sẽ không thu tiền sử dụng đất và không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

TP HCM thong nhat phuong an cap giay chu quyen cho hang chuc ngan can ho bi treo so hong
 Nhiều hộ dân ở chung cư Dream Home Luxury bức xúc treo băng rôn đòi sổ hồng.

Về phương thức xử lý, đối với các dự án đã triển khai thực hiện trong giai đoạn trước đây, TP giao Sở Tài nguyên Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch Đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát các quy định trước đây, kiểm tra thực tế xây dựng để phân loại dự án, nhóm đất xây dựng các công trình như trên để có cơ sở thu tiền sử dụng đất. Trước mắt, tập trung tháo gỡ, giải quyết đối với các dự án trọng điểm, có nhiều hộ dân, chủ đầu tư bức xúc.

Đối với các dự án mới bắt đầu triển khai, các đơn vị tham mưu phải xác định rõ, cụ thể ngay từ đầu từng loại đất xây dựng công trình nhà ở chung cư và các công trình khác để làm cơ sở thu tiền sử dụng đất ở và cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

Giao Sở Tài nguyên Môi trường hệ thống hoá quy định pháp luật có liên quan từng thời kỳ, hoàn thiện lại đề xuất, lấy ý kiến Hiệp hội Bất động sản TP HCM và tham khảo Bộ Tài nguyên Môi trường, sau đó trình Thường trực UBND TP để thống nhất chủ trương áp dụng chung trên toàn TP, hoàn thành báo cáo trong thời hạn 1 tháng.

Hàng chục ngàn căn hộ bị treo sổ hồng thuộc dự án nào?

Theo dữ liệu vừa được Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cập nhật, ít nhất 27.709 căn nhà thuộc 63 dự án bị treo sổ hồng và 88,4% số này có chủ đầu tư là các doanh nghiệp top đầu TP.

Dẫn đầu là Tập đoàn Hưng Thịnh (ghi nhận 7.944 căn), Tập đoàn Novaland (6.118 căn), Công ty Quốc Cường Gia Lai (3.414 căn), Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (1.377 căn), Công ty cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam (1.092 căn). Ngoài ra, còn có hai công ty bất động sản khác lần lượt 3.489 căn và hơn 1.000 căn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết việc tắc tiền sử dụng đất khiến hàng chục ngàn căn hộ bị “treo” sổ hồng là vấn đề bức xúc của khách hàng lẫn doanh nghiệp thời gian qua. Ông Châu nói rằng Hiệp hội đã đề xuất tháo gỡ khó khăn nhưng quy trình sử dụng tính tiền đất phải qua rất nhiều khâu và việc tắc tiền sử dụng đất có nhiều nguyên nhân.

Hệ quả của việc tắc tiền sử dụng đất là người dân không được cấp sổ hồng, quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng. Bởi khi có sổ hồng, doanh nghiệp mới thu được 5% số tiền còn lại sau khi bàn giao nhà, nếu chậm ngày nào doanh nghiệp khó khăn ngày đó, trong khi áp lực dòng vốn với doanh nghiệp rất lớn.

TP HCM thong nhat phuong an cap giay chu quyen cho hang chuc ngan can ho bi treo so hong-Hinh-2
 Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA

Ông Trần Văn Thạch, Phó giám đốc Sở TN-MT TP HCM thừa nhận công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho các dự án trên địa bàn thành phố thời gian qua bị tắc nghẽn khá dài. Trong đó, vướng mắc chủ yếu là do chưa có bộ quy tắc về tiêu chí và phương án thẩm định giá đất.

Ông Thạch nhìn nhận những vướng mắc phổ biến của các dự án nhà ở trong quá trình cấp sổ hồng không chỉ ách tắc ở khâu tính tiền sử dụng đất mà còn nằm ở nghĩa vụ bổ sung hoặc là vướng đất công xen cài, vướng tài sản có nguồn gốc công sản...

Nếu dự án làm bài bản, đấu giá, tính tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính đã hoàn tất thì quá trình cấp sổ hồng diễn ra bình thường. Tuy nhiên, do có quá nhiều luật liên quan điều chỉnh và thực tế các dự án trong quá trình triển khai cũng phát sinh thêm nhiều công đoạn nên phải mất thời gian bổ sung hồ sơ pháp lý.

Liên quan đến tình trạng tắc sổ hồng vì vướng tiền sử dụng đất mà báo chí phản ánh cùng với kiến nghị của UBND TP HCM gửi các bộ ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc xác định, thẩm định giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính trên địa bàn TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND TP HCM sớm giải quyết.

Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao UBND TP HCM tập trung chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM và các đơn vị liên quan tăng cường, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn. Đồng thời chủ động phối hợp với các bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản để kịp thời có các giải pháp khắc phục các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu Công văn số 3461 của UBND TP HCM, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn và kiến nghị nêu trong công văn theo chức năng, thẩm quyền. Trường hợp không thuộc thẩm quyền thì nghiên cứu, đề xuất giải pháp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; phối hợp chặt chẽ và kịp thời hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra UBND TP HCM thực hiện công tác này tốt hơn, kịp thời hơn để tạo điều kiện cho người dân thành phố.

Chung cư An Gia Star: Người mua mòn mỏi chờ sổ hồng

(Vietnamdaily) - Nhiều cư dân tại chung cư An Gia Star rất bức xúc vì nhận nhà vào ở hơn 3 năm nhưng chủ đầu tư vẫn chưa cấp giấy chủ quyền căn hộ (hay còn gọi là sổ hồng).

Mới đây, PV đã nhận được đơn phản ánh của cư dân chung cư The Star (hay còn được gọi là chung cư An Gia Star) có địa chỉ tại Quốc lộ 1A, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM về việc Công ty Cổ Phần Đầu tư và Phát triển An Gia (Công ty An Gia) chậm bàn giao sổ hồng theo hợp đồng.

Theo đó, năm 2015, cư dân ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư The Star với Công ty An Gia. Đến ngày 15/4/2017, cư dân có nhận được thư thông báo về việc nhận bàn giao căn hộ và hai bên tiến hành bàn giao căn hộ.

HoREA: Lễ trao 1.000 sổ hồng là không cần thiết, gây tốn kém cho ngân sách

(Vietnamdaily) - Theo HoREA, việc tổ chức lễ trao 1.000 sổ hồng cho chủ đầu tư không thực sự cần thiết và tốn kém thêm ngân sách nhà nước, vì các doanh nghiệp và người mua nhà chỉ mong sớm được nhận sổ hồng.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi UBND TP về việc đề nghị sớm giải quyết thủ tục liên quan đến tiền sử dụng đất để sớm cấp sổ hồng cho người mua nhà tại các dự án nhà ở. Đáng chú ý, HoREA đã có đánh giá về lễ trao 1.000 sổ hồng của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM.

HoREA cho rằng đây là chuyển động tích cực bước đầu. Tuy nhiên, theo ghi nhận của HoREA, một số chủ đầu tư được nhận sổ hồng lần này cho biết là dự án của công ty có đầy đủ thủ tục pháp lý, lẽ ra phải được cấp sổ hồng sớm hơn, nhưng đến nay mới được cấp.

Mỗi năm phải tăng khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị

(Vietnamdaily) - Nhận định nhu cầu về nhà ở giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị, đại diện Bộ Xây dựng tính toán mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị.

Sáng 27/11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hiệp hội Bất động sản TP HCM và Đại học Mở TP HCM tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đại diện Bộ Xây dựng dự báo nhu cầu về nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị. Nguyên nhân chính đến từ tốc độ gia tăng dân số cùng xu hướng đô thị hóa; sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với mức thu nhập của người dân tăng làm tăng khả năng chi trả; nhu cầu cải tạo, thay thế nhà ở.