Đời sống người dân bị đảo lộn vì công trình "rùa bò"
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên vào sáng ngày 1/7/2025 và ngày 3/7/2025, toàn tuyến đường Nguyễn Tri Phương vẫn là một công trường dang dở. Mặc dù đơn vị thi công đã chặn hai đầu đường để thảm nhựa, phần vỉa hè hai bên đa phần vẫn chưa được thi công hoặc làm một cách ngắt quãng. Việc thi công kéo dài đã biến tuyến đường huyết mạch này thành nỗi ám ảnh của người dân.


Bà Thu Hồng, một người dân sinh sống lâu năm trên đường Nguyễn Tri Phương, không giấu được sự mệt mỏi: "Từ khi khởi công, người dân chúng tôi đã rất mong chờ có một con đường rộng rãi, không bị ngập nước. Tuy nhiên, việc thi công kéo dài quá lâu, có những lúc không thấy ai làm gì suốt một thời gian dài. Trong khi đó, chúng tôi hàng ngày phải chịu đựng ô nhiễm, khói bụi mù mịt giữa lúc vẫn phải buôn bán mưu sinh".


Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi tuyến đường này là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, cơ quan, trường mầm non và đặc biệt là trụ sở Trung tâm hành chính công phường Biên Hòa (trước đây là UBND phường Bửu Hòa). Việc thi công nhỏ giọt kết hợp với lưu lượng xe cộ đông đúc đã khiến tình trạng ô nhiễm và kẹt xe trở nên bức bối. Đỉnh điểm là vào sáng ngày 1/7, việc chặn đường không cho ô tô qua lại đã khiến nhiều người không thể tiếp cận Trung tâm hành chính công để giải quyết công việc, gây ra nhiều bức xúc.


Nhìn lại quá trình và những con số
Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Tri Phương (giai đoạn 1) được phê duyệt lần đầu vào năm 2018 với tổng mức đầu tư hơn 88,6 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, dự án được điều chỉnh xuống còn 67,276 tỷ đồng, sử dụng 100% vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí xây lắp, phần còn lại do ngân sách thành phố Biên Hòa thực hiện. Dự án có chiều dài 1,7km, nối từ đường Nguyễn Ái Quốc đến đường Bùi Hữu Nghĩa, sau khi hoàn thành sẽ có mặt đường rộng 9m và vỉa hè mỗi bên 3m.
Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Biên Hòa (BQLDA Biên Hòa) đã ký hợp đồng với các nhà thầu:

- Gói thầu số 10 (Xây dựng): Công ty TNHH Vân Nga Phát trúng thầu với giá 39,626 tỷ đồng, thời gian thực hiện 300 ngày. Hợp đồng được ký ngày 6/1/2024 và khởi công ngày 11/1/2024.
- Gói thầu số 11 (Điện và thiết bị): Công ty TNHH MTV Điện Sao Việt là đơn vị duy nhất dự thầu và trúng thầu với giá 8,439 tỷ đồng, thời gian thực hiện 240 ngày.
Mặc dù chủ đầu tư và nhà thầu cam kết hoàn thành trong 300 ngày, nhưng đến ngày 25/11/2024, khối lượng thi công của dự án mới chỉ đạt khoảng 20%. Chính Bí thư Thành ủy Biên Hòa tại thời điểm đó cũng đã nhìn nhận rằng có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị dẫn đến tiến độ đáng báo động này.




Trách nhiệm thuộc về ai?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Lập (Đoàn luật sư TP.HCM) đã chỉ ra mấu chốt của vấn đề: "Việc chủ đầu tư - Ban quản lý dự án Biên Hòa - lựa chọn nhà thầu thi công khi dự án chưa có đầy đủ mặt bằng sạch đã dẫn đến hệ lụy dự án bị chậm tiến độ, kéo dài, phải gia hạn, gây lãng phí ngân sách của Nhà nước, cũng như làm xáo trộn cuộc sống của nhân dân".
Theo luật sư Lập, đây rõ ràng là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác phối hợp giữa các đơn vị, cũng như trong việc chỉ đạo sát sao để đảm bảo tiến độ dự án. Ông nhấn mạnh: "Đặc biệt, Ban quản lý dự án Biên Hòa đã chưa thật sự làm tốt vai trò trách nhiệm của mình".
Vấn đề chậm trễ do vướng mặt bằng không phải là mới, nhưng việc khởi công một dự án lớn khi chưa giải quyết được yếu tố tiên quyết này cho thấy sự yếu kém trong công tác quản lý dự án. Việc này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm giảm sút niềm tin của người dân.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Luật sư Lập cho rằng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cần phải vào cuộc quyết liệt. "Thiết nghĩ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cần phải xem xét kiểm tra, việc chấp hành quy định pháp luật cũng như những chỉ đạo của lãnh đạo, công tác phối hợp của các đơn vị liên quan trong việc thực hiện dự án. Xem xét xử lý đối với tập thể, cá nhân có vi phạm", ông đề xuất.

Dư luận và người dân TP Biên Hòa đang chờ đợi những hành động cụ thể và quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để sớm đưa công trình đường Nguyễn Tri Phương về đích, ổn định đời sống và xử lý nghiêm trách nhiệm liên quan đến sự chậm trễ này.