![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Rất nhiều hứa hẹn sống đẹp được thốt ra và thật sự là ai cũng sẵn sàng thực hiện, nhưng cuộc sống thường ngày nhiều điều chi phối.
Anh có thói quen phóng xe thẳng vô nhà rồi mới tắt máy, dù nhiều lần cô nói mình không chịu được mùi xăng bức bí trong nhà và cả dấu vết bánh xe cùng đế giày của anh in đậm trên nền gạch hoa mà cô vừa lau láng bóng. Về tới nhà là anh bật ti vi trong phòng khách, cho dù con đang ngủ trong nôi gần đó. Rồi, anh ngay lập tức đi thẳng vô phòng tắm. Liếc mắt qua món trứng kho tàu cô dọn ra mâm, anh phẩy tay: “Ngày nào cơm văn phòng bữa trưa cũng có món này”. Trời mưa, không có nắng, áo quần phơi bốc mùi, anh cầm đưa lên mũi rồi nhăn mặt: “Em giặt cái này không sạch”...
Riết rồi cô chẳng buồn phản ứng nữa, viết lá đơn ly hôn để trên bàn, cô xách vali bế con về nhà má. Má im lặng nghe cô kể tội chồng, rồi từ tốn: “Chỉ vậy thôi hả con?”. Cô cười khổ, còn gì khác nữa?
![]() |
Ảnh minh họa. |
Nước mắt cô lã chã, chẳng lẽ vì nhà mình đã có chị Hai ly hôn mà cô phải chịu đựng suốt đời sao? Má thở dài: “Con hãy cố gắng một hai năm nữa, nếu vẫn không chịu được thì má sẽ không năn nỉ con thêm ngày nào”.
Cô bế con quay về, trong lòng tự nhủ, tối đa là hai năm nữa thôi, từ nay là chuỗi ngày hy sinh vì má. Tờ đơn ly hôn vẫn còn nằm trên bàn, chữ ký của cô vẫn còn in đậm. Cô xếp nó lại cất sâu dưới đáy tủ áo quần. Để đó, sau hai năm nữa, cô không xé đi vì không muốn mất công viết lại.
Má tới thăm vợ chồng cô thường xuyên hơn. Má chồng cũng vậy. Má chồng đi lui đi tới dọn dẹp cái này cái kia rồi la mắng con trai không biết phụ vợ một tay. Chồng cô nhún vai cười, cái kiểu cười nhạo thiên hạ được voi đòi tiên. Má chồng hạ giọng ngọt ngào mà nhấn từng tiếng: “Bình đẳng cho nên đàn bà thời nay hai vai gánh hai gánh đó con à, vừa việc nhà vừa việc cơ quan, coi như phải làm việc gấp đôi”.
Chủ nhật, hai người mẹ lại rủ nhau tới như thường lệ. Hai người mẹ chứng kiến chồng cô đang lấy áo quần từ máy giặt xỏ vô móc rồi phơi lên dây. Lần đầu tiên chồng cô làm việc này nên khi móc treo lên dây rồi thì ai nhìn cũng buồn cười vì áo quần xộc xệch. Trái với thường ngày ti vi lúc nào cũng oang oang, giờ thì im lặng, chỉ giọng chồng nhỏ nhẹ: “Em đi chợ sớm cho mát, để anh giữ con, lau nhà cho”.
Hai người mẹ kín đáo nhìn nhau cười, cái cười ý nói "tưởng vừa giữ con vừa lau nhà mà dễ à". Nhưng biết nói vậy và tâm thế sẵn sàng giúp vợ là tốt hơn nhiều rồi. Má chồng hỏi to: “Hai đứa ăn sáng chưa?”. Cô mỉm cười, lâu lắm rồi mới thấy cô cười tươi tắn: “Dạ Chủ nhật tụi con thường ăn trễ lắm”, rồi cô quay qua chồng: “Anh thích ăn gì để em mua?”. Chồng trả lời bằng giọng của người dễ tính: “Em thích ăn gì thì anh cũng thích ăn món đó”. Hai người mẹ lại nhìn nhau cười.
Hai năm trôi qua, cũng có thêm vài lần cô khóc vì giận, nhưng lá đơn nằm dưới ngăn áo quần thì cô đã xé đi. Hàng xóm trầm trồ hiếm thấy nhà ai như vợ chồng cô, hai bà sui mà giống bạn bè.
Mỗi khi cô bế con về thăm, má thường kể: “Hồi đó, nghe chị Hai con khóc lóc kể tội chồng, má cũng qua gặp bà sui để bàn chuyện hàn gắn cho hai đứa, nhưng mà... Con thật may mắn có được mẹ chồng thương dâu thương cháu”.
Chồng tôi nhắn tin, báo đêm không về, cùng nhóm bạn thân thuê khách sạn xem bóng đá cho vui. Tôi hơi choáng khi nghe tin, phản ứng dữ dội. Anh giải thích: “Nhóm bạn tụi anh đều mê bóng đá, muốn nhậu nhẹt cho vui rồi xem. Cùng thuê khách sạn, thích thì coi, mệt thì có chỗ ngả lưng cho khỏe, nằm coi mà vẫn có thể hét to, chứ không như ở nhà”.
Nghe cũng có lý, nhưng tôi vẫn không thể chấp nhận ngay được kiểu xem bóng đá lạ đời như vậy. Trước giờ, chồng tôi xem bóng đá ở nhà một mình, dù đôi lúc bị vợ cằn nhằn nhưng anh vẫn vui vẻ, sao năm nay lại “giở chứng”? Tôi điện thoại cho một anh đồng nghiệp để hỏi ý kiến. Anh ấy cũng hơi bất ngờ: “Thuê khách sạn để xem bóng đá à? Anh chưa bao giờ làm như vậy. Nhưng nếu em tin tưởng chồng, thì để chồng ra ngoài xem cùng bạn bè cũng được, có gì đâu mà nặng nề”.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Hôm sau tôi bảo: “Anh ra ngoài xem bóng đá làm em mất ngủ”. Chồng tròn mắt: “Anh ở nhà xem, em bảo anh làm ồn, mất ngủ. Anh ra ngoài xem để em dễ ngủ, em vẫn cứ mất ngủ là sao? Có gì đâu mà em lo”. Đàn bà vốn nhẹ dạ, nghe chồng nói ngọt một tiếng là xuôi. Hôm sau nữa, dù chồng “lấy khách sạn làm nhà”, tôi vẫn yên tâm ngủ ngon. Tôi nghĩ đơn giản, thôi thì World Cup diễn ra hơn một tháng, để chồng thoải mái giải trí, ba mẹ con ở nhà không bị làm ồn, cũng là giải pháp không tồi.
Không ngờ, đến ngày thứ ba, một người họ hàng xa bên chồng tranh cãi, ẩu đả và gây thương tích cho một người khác. Nguyên nhân liên quan đến cá độ bóng đá. Công an điều tra. Tôi bàng hoàng khi biết chồng mình có liên quan.
Hóa ra, chồng tôi bị lôi kéo vào khách sạn xem bóng đá, xem thì ít, mà tổ chức cá độ thì nhiều. Ở trong phòng khách sạn ấy, có hai người túc trực bên máy tính xách tay cùng điện thoại di động để ghi lệnh, điều tiết kèo cá độ. Chồng tôi được giao nhiệm vụ ghi lệnh và rủ rê thêm người quen cá độ. Trong lúc chờ đến trận đấu mới, nhóm người trong khách sạn này tổ chức đánh bài ăn tiền, và theo lời khai, chồng tôi cũng là một trong những người có tham gia. Tôi còn nghe, những phòng bên cạnh được thuê và để trống. Ai nhậu nhẹt, đánh bạc chán chê, muốn “giải trí”, sẽ được phục vụ tới bến.
Chồng tôi vốn không phải người ham mê cờ bạc, cá độ, nhưng ham vui nên bị lôi kéo. Cũng vì chuyện này, hai vợ chồng giận nhau. Tôi thấy xấu hổ khi nghe ai đưa chuyện đó ra bàn luận. Chỉ vì tham gia giải trí theo cách vớ vẩn như vậy, hình ảnh tốt đẹp của chồng tôi như bị phủi sạch. Họ hàng phía nhà tôi cũng ngán ngẩm mỗi lần nhắc chuyện.
Hóa ra, đa phần đàn ông vào khách sạn xem bóng đá chỉ là cái cớ để làm những trò đồi trụy khác. Tôi muốn chia sẻ với những người vợ khác rằng, nếu một ngày, chồng bạn bảo vào khách sạn để xem bóng đá, bạn phải tỉnh táo xem xét vấn đề, đừng cả tin như tôi. Nếu người chồng sợ phiền đến giấc ngủ của vợ con, lại muốn được lai rai cùng bạn bè cho có tụ, hãy ra quán nhậu, hết trận đấu là về nhà ngủ. Khách sạn không phải là nơi dành để xem bóng đá.
“Dạ! Em nghe sếp ơi!”.
“Alô! Tao nè chứ sếp nào? Mày đâu rồi? Hẹn tụi tao nhậu 7h mà 7h30 chưa có mặt là sao?”.
“Sao anh? Đối tác làm khó mình à? Tình hình căng lắm sao?”.
“Đối tác nào hả? Sao lại kêu tao là anh?”.
“Sao anh? Bên đó chịu đi nhậu rồi à! Anh cứ dắt họ ra nhà hàng chỗ cũ trước đi! Dạ, chừng 30 phút nữa em có mặt. Vừa nhậu vừa bàn bạc lại, hy vọng bên đó đổi ý”.
“À! Hiểu rồi! Tao đợi ở quán nhé. Nhắn với vợ mày là dữ vừa thôi, ai mà chịu cho nổi”.
Kết thúc cuộc nói chuyện điện thoại “kinh điển” của một thằng đàn ông sợ vợ, anh dắt xe trong ánh mắt đầy hăm dọa và nghi ngờ của em. Đến quán, lại thấy tụi bạn đang hi hi ha ha, vừa cười cợt vừa nghe lại đoạn… ghi âm cuộc nói chuyện lúc nãy. Vừa ngồi vào bàn, có đứa đã hỏi thẳng: “Làm gì mà sợ vợ ghê vậy? Cứ nói thẳng có gì đâu?”. Anh chỉ ấp úng cho qua, bởi nói ra thì vạch áo cho người xem lưng, đám bạn anh làm sao hình dung được cái “sự dữ” của em.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Con còn nhỏ, chuyện gì cũng nên từ từ uốn nắn, vậy mà suốt ngày em quát nạt con. Ai yếu tim chắc không sống được trong nhà mình, bởi thỉnh thoảng lại nghe em hét lên: “Bo! Sao giờ này không đi tắm?”, “Bo! Đã dạy rồi mà sao bài tiếng Anh có bảy điểm! Ăn gì mà ngu thế?”, “Bo! Đếm từ một đến ba mà không tắt máy vi tính là ăn đòn nha!”. Mà, em không chỉ dọa suông, Bo chậm một tý là em xách chổi lông gà ra ngay. Tội thằng bé, một tháng ăn đòn năm-sáu lần, lằn đỏ cả mông.
Đâu chỉ mình Bo bị quát nạt. Anh cũng không thoát: “Sao nói hoài mà ông cứ quên tắt đèn phòng tắm vậy hả?”, “Uống cà phê xong thì phải rửa ly chứ”, “Đi đâu mà giờ này mới về? Nhậu với nhẹt. Có ngày chết bờ chết bụi!”… Giọng em rất tốt nên em hét tận trong nhà mà tuốt đầu ngõ cũng nghe. Mới dọn về xóm này có mấy năm, em đã nổi tiếng, chết tên “Bà La Sát”.
Tự đánh giá bản thân, anh thấy mình cũng là người đàn ông không đến nỗi nào. Anh lo làm ăn, không bồ bịch, không ăn chơi, nhậu nhẹt thì mỗi tháng chỉ một - hai lần với mấy đứa bạn thân. Còn mấy khuyết điểm nho nhỏ đại khái như quên tắt đèn, bỏ đồ dơ lung tung… thì đàn ông nào chả vậy. Chuyện nhỏ như con thỏ mà em cứ phải hùng hùng hổ hổ, quát tháo ầm ĩ mới chịu. Bao nhiêu năm lấy nhau, chưa bao giờ anh thấy em thể hiện sự dịu dàng của người phụ nữ.
Đám bạn cứ bảo anh “sợ vợ”, bảo anh là thằng “râu quặp”, khích anh “Mày cứ vùng lên, làm dữ coi ai sợ ai!”. Có chứ, anh làm dữ mấy lần rồi và rút ra kết luận thảm thương: “Em dữ hơn anh!”. Em la quát, anh im lặng nhẫn nhịn là trật tự quen thuộc của gia đình. Mấy lần anh “vùng lên”, đảo lộn trật tự, quát lại em. Không ngờ, quát em một câu thì em quát lại hai câu, quát em hai câu em quát lại bốn câu. Lần ấy, giận quá, anh tát em một cái, không ngờ em trả đòn dữ dội, hết cào cấu lại đến cắn xé, thậm chí còn chạy ra sau bếp xách cả… dao lên. Anh mà làm dữ nữa chắc có án mạng thật. Hoảng quá, anh đành chạy sang nhà ngoại cầu cứu… má em mới êm chuyện.
Còn chuyện đi nhậu, có lần em không cho đi, anh cũng cứ đi. Em gọi điện thoại mấy lần, nói: “Có chịu về chưa hả?”. Anh trả lời hùng dũng như đám bạn xúi: “Tôi không phải con của cô nha! Chừng nào muốn về tôi sẽ về!”. Em cúp máy. Nửa tiếng sau, em có mặt tại quán. Em lịch sự cười tươi chào hết đám bạn anh, kéo ghế ngồi xuống cạnh anh. Miệng vẫn cười, em khẽ kéo anh, chỉ cho anh thấy em đang giấu một con dao dưới đùi. Em thì thầm: “Một là ông về liền, hai là có án mạng, ông chọn đi!”. Thế anh đành ra về trong ánh mắt thương hại của đám bạn.
Người ta nói vợ chồng chung sống được với nhau là nhờ tình yêu, nhờ cái nghĩa cái tình. Nhưng, giữa anh và em sao chỉ thấy toàn nỗi ngán ngại. Em có nghĩ, sức chịu đựng của ai cũng có giới hạn? Già néo sẽ đứt dây?