Khốn khổ vì chồng xem bóng đá trong... khách sạn

Trước giờ, chồng tôi xem bóng đá ở nhà một mình, dù đôi lúc bị vợ cằn nhằn nhưng anh vẫn vui vẻ, sao năm nay lại “giở chứng”? 

Chồng tôi nhắn tin, báo đêm không về, cùng nhóm bạn thân thuê khách sạn xem bóng đá cho vui. Tôi hơi choáng khi nghe tin, phản ứng dữ dội. Anh giải thích: “Nhóm bạn tụi anh đều mê bóng đá, muốn nhậu nhẹt cho vui rồi xem. Cùng thuê khách sạn, thích thì coi, mệt thì có chỗ ngả lưng cho khỏe, nằm coi mà vẫn có thể hét to, chứ không như ở nhà”.
Nghe cũng có lý, nhưng tôi vẫn không thể chấp nhận ngay được kiểu xem bóng đá lạ đời như vậy. Trước giờ, chồng tôi xem bóng đá ở nhà một mình, dù đôi lúc bị vợ cằn nhằn nhưng anh vẫn vui vẻ, sao năm nay lại “giở chứng”? Tôi điện thoại cho một anh đồng nghiệp để hỏi ý kiến. Anh ấy cũng hơi bất ngờ: “Thuê khách sạn để xem bóng đá à? Anh chưa bao giờ làm như vậy. Nhưng nếu em tin tưởng chồng, thì để chồng ra ngoài xem cùng bạn bè cũng được, có gì đâu mà nặng nề”.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nghe đồng nghiệp trấn an, tôi đỡ hoang mang, nhưng lòng vẫn cứ băn khoăn. Chồng tôi vốn chưa bao giờ vắng nhà qua đêm, dù đi nhậu trễ đến mấy cũng về nhà ngủ, hôm nay lại phá lệ như vậy. Đêm đó, tôi mất ngủ.
Hôm sau tôi bảo: “Anh ra ngoài xem bóng đá làm em mất ngủ”. Chồng tròn mắt: “Anh ở nhà xem, em bảo anh làm ồn, mất ngủ. Anh ra ngoài xem để em dễ ngủ, em vẫn cứ mất ngủ là sao? Có gì đâu mà em lo”. Đàn bà vốn nhẹ dạ, nghe chồng nói ngọt một tiếng là xuôi. Hôm sau nữa, dù chồng “lấy khách sạn làm nhà”, tôi vẫn yên tâm ngủ ngon. Tôi nghĩ đơn giản, thôi thì World Cup diễn ra hơn một tháng, để chồng thoải mái giải trí, ba mẹ con ở nhà không bị làm ồn, cũng là giải pháp không tồi.
Không ngờ, đến ngày thứ ba, một người họ hàng xa bên chồng tranh cãi, ẩu đả và gây thương tích cho một người khác. Nguyên nhân liên quan đến cá độ bóng đá. Công an điều tra. Tôi bàng hoàng khi biết chồng mình có liên quan.
Hóa ra, chồng tôi bị lôi kéo vào khách sạn xem bóng đá, xem thì ít, mà tổ chức cá độ thì nhiều. Ở trong phòng khách sạn ấy, có hai người túc trực bên máy tính xách tay cùng điện thoại di động để ghi lệnh, điều tiết kèo cá độ. Chồng tôi được giao nhiệm vụ ghi lệnh và rủ rê thêm người quen cá độ. Trong lúc chờ đến trận đấu mới, nhóm người trong khách sạn này tổ chức đánh bài ăn tiền, và theo lời khai, chồng tôi cũng là một trong những người có tham gia. Tôi còn nghe, những phòng bên cạnh được thuê và để trống. Ai nhậu nhẹt, đánh bạc chán chê, muốn “giải trí”, sẽ được phục vụ tới bến.
Chồng tôi vốn không phải người ham mê cờ bạc, cá độ, nhưng ham vui nên bị lôi kéo. Cũng vì chuyện này, hai vợ chồng giận nhau. Tôi thấy xấu hổ khi nghe ai đưa chuyện đó ra bàn luận. Chỉ vì tham gia giải trí theo cách vớ vẩn như vậy, hình ảnh tốt đẹp của chồng tôi như bị phủi sạch. Họ hàng phía nhà tôi cũng ngán ngẩm mỗi lần nhắc chuyện.
Hóa ra, đa phần đàn ông vào khách sạn xem bóng đá chỉ là cái cớ để làm những trò đồi trụy khác. Tôi muốn chia sẻ với những người vợ khác rằng, nếu một ngày, chồng bạn bảo vào khách sạn để xem bóng đá, bạn phải tỉnh táo xem xét vấn đề, đừng cả tin như tôi. Nếu người chồng sợ phiền đến giấc ngủ của vợ con, lại muốn được lai rai cùng bạn bè cho có tụ, hãy ra quán nhậu, hết trận đấu là về nhà ngủ. Khách sạn không phải là nơi dành để xem bóng đá.

“Ly thân” vì… trái bóng

Hơn một tháng diễn ra World Cup là hơn một tháng tôi “có chồng hờ hững cũng như không”.

Ai bảo tôi quê, tôi chịu, nhưng tôi vẫn khẳng định mình không thích bóng đá và thật sự bực bội với World Cup. Từ ngày thấy chồng tháo bức tranh yêu thích của tôi trên tường để dán lịch thi đấu World Cup lên, tôi bực và thấy... khó ở ghê gớm.

Tôi phải chịu đựng chồng ba mùa World Cup và tôi biết lần thứ tư này cũng chẳng có gì sáng sủa. Giải bóng đá này thường diễn ra vào giờ rất oái ăm là giữa đêm. Hơn một tháng diễn ra World Cup là hơn một tháng tôi “có chồng hờ hững cũng như không”. Đã thế, sinh hoạt của hai mẹ con tôi còn bị đảo lộn nghiêm trọng.

Căn nhà cấp 4 của tôi không tách biệt được âm thanh giữa phòng khách và phòng ngủ. Đến mùa World Cup, chồng biết thân biết phận, ôm gối ra phòng khách xem bóng đá và ngủ luôn. Tôi vốn khó ngủ, nên dù chồng có để âm thanh rất nhỏ, tôi vẫn nghe thấy. Cuối cùng, chồng cũng nhượng bộ tắt âm thanh, nhưng “khuyến mãi” thêm câu lầm bầm: “Coi đá banh mà không được nghe tiếng, cứ như ăn thịt chó mà không có mắm tôm”. Dù để ti vi "câm" nhưng mỗi khi gặp tình huống gay cấn chồng tôi lại nhảy cẫng lên, hét to. Dù chỉ hét một tiếng rồi im bặt, nhưng đủ làm cho tôi tỉnh giấc. Có lần, nửa đêm, mệt mỏi lại mất ngủ, “bản tính đàn bà” trong tôi nổi lên. Tôi cằn nhằn, giận dỗi, nhưng chồng tôi cứ như “giả điếc”, vẫn cắm mắt vô màn hình ti vi. Tôi không kiềm chế được, tắt phụp ti vi, ném remote vỡ tan. Rõ ràng là tôi đã quá đáng, vượt qua sức chịu đựng của chồng, nên anh nổi giận, lời qua tiếng lại. Sau trận cãi vã lúc nửa đêm, chồng tôi chốt lại: “Từ mai không coi bóng đá nữa”. Vậy mà, hôm sau anh đi làm về, tay cầm remote mới, đon đả lấy lòng vợ.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Cái món bóng đá ấy không chỉ ảnh hưởng đến gia đình trong lúc trận đấu diễn ra, mà còn khiến chồng tôi như người mất hồn, đờ đẫn suốt cả ngày. Buổi tối, cả nhà cùng ăn cơm, mặc cho vợ lụi hụi nấu nướng vất vả, anh cầm đũa hờ hững, mắt dán vào ti vi để xem tin tức World Cup. Con gái thấy vậy, nhắc: “Trong lúc ăn cơm, ba không được xem ti vi, ba dạy con vậy mà”, "quê độ" kèm bực bội (do đội nhà bị thua tan tác) nên anh cứ thế mà quát con. Có lúc nửa đêm, tôi đang ngủ, bị... khều dậy, tưởng gì, hóa ra “anh đói quá, cho anh cái gì ăn tạm”. Tôi phải bò dậy nấu nướng, nấu xong lại càng mất ngủ. Được vài hôm đầu chịu khó chăm sóc chồng, sau đó tôi bỏ mặc, không kham nổi.

Cả nhà đi chung một chiếc xe nhưng vào mùa World Cup, con gái trễ giờ học, vợ trễ giờ làm vì chồng tôi dậy không nổi, ngáp lên ngáp xuống. Có hôm anh ấy còn đòi nghỉ làm để ở nhà… ngủ! Tôi chưa từng có ý nghĩ, một người vốn chăm chỉ, nghiêm túc trong công việc như chồng tôi lại có thể xin nghỉ phép để ngủ! Tôi nhất quyết không đồng ý, bắt chồng phải đi làm. Có hôm, anh ấy kể, vì quá buồn ngủ nên đã ngủ gục một giấc dài trong nhà vệ sinh cơ quan. Không thể tưởng được!

Tôi không hiểu về bóng đá, nên không biết bóng đá hấp dẫn đến mức nào, nhưng theo cách nghĩ kiểu “đàn bà bé mọn” như tôi, đó cũng chỉ là một môn giải trí, như tôi ghiền phim Hàn là cùng chứ gì! Tôi ghiền phim Hàn nhưng nếu phim chiếu quá trễ, tôi có thể bỏ phim để bảo đảm giấc ngủ; cớ sao chồng tôi bỏ một trận bóng đá mà vật vã như thế?

Tôi biết World Cup bốn năm mới có một lần, nhiều người mong chờ để được thưởng thức. Nhưng, tại sao chỉ vì môn giải trí, mà một người đàn ông vốn sống tình cảm, có trách nhiệm với vợ con lại trở thành một người hoàn toàn khác như vậy? Những giận hờn, khúc mắc thường ngày của hai vợ chồng, những căng thẳng trong công việc của vợ cứ chất chồng ngày nọ qua ngày kia, chẳng có dịp chia sẻ, tháo gỡ. Mỗi khi tôi tỏ ý khó chịu và muốn chồng dành thời gian để trò chuyện, anh ấy vẫn không rời mắt khỏi màn hình ti vi, còn tỏ vẻ khó chịu. Tôi phát hiện, World Cup còn khiến chồng tôi bẳn tính ra.

Chán nản, tôi chẳng buồn trò chuyện, hỏi han, chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho chồng nữa. Chồng tôi cũng vậy, chỉ quan tâm đến thông tin cầu thủ, kết quả trận đấu hơn là việc hôm nay vợ buồn hay vui. Hai vợ chồng chẳng khác nào đang ly thân.

Có lẽ, tôi sẽ không bao giờ hiểu được vì sao đàn ông mê xem bóng đá đến vậy. Tôi chịu đựng hết mùa World Cup này đến mùa World Cup khác, chỉ còn biết ngồi đếm cho một tháng World Cup trôi qua thật nhanh. Giờ thì nó chỉ mới bắt đầu. Có cách nào để giúp chồng tôi vừa xem bóng đá vừa để mắt đến vợ con không nhỉ?

Áp lực khiến chồng tự tử

Chị đâu có ngờ, mình đã vô tình đặt lên vai chồng một áp lực nặng nề…

Từ khi bị tai nạn phải cắt bỏ hai chân, chị trở nên khó tính, lúc nào cũng tìm cớ gây sự với chồng. Đó là cách chị chọn để nhắc anh nhớ, chị vẫn sống sờ sờ và vẫn là vợ của anh. Bởi sâu thẳm trong lòng, chị sợ một ngày nào đó, anh sẽ bỏ rơi chị.

Nỗi sợ cứ ngày càng lớn dần lên khi anh ngày một ít nói, chỉ cặm cụi làm việc, hết giờ ở công ty lại tất bật việc nhà. Nhiều lần, chị muốn gần chồng nhưng anh mệt mỏi từ chối. Biểu hiện của anh khiến ruột gan chị nóng như lửa đốt vì giờ chị ngồi một chỗ, không thể nào kiểm soát được chồng. Và thế là những xỉ vả chồng cứ tăng dần lên…

Bao giờ, chị cũng bắt đầu bằng câu hờn mát: “Tôi biết thân biết phận của mình mà, giờ què quặt đâu xứng với anh, anh không bỏ tôi là may lắm rồi…”. Lúc đầu, anh còn nhẹ nhàng an ủi nhưng lâu dần, anh không dám nói gì nữa, vì càng nói chị càng tru tréo, hết than thân trách phận lại nổi cơn tam bành.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Từ ngày chị gặp nạn, anh phải vắt kiệt sức lực mới nuôi nổi cả gia đình. Anh vay mượn họ hàng mở cho chị cửa hàng tạp hóa nhỏ để chị buôn bán, vừa đỡ tủi thân vừa đỡ đần kinh tế. Hàng ngày, anh dậy từ sớm tinh mơ, mở hàng, dọn dẹp, nấu sẵn bữa trưa rồi giúp chị làm vệ sinh cá nhân, đưa hai con đi học. Chị ngồi trên xe lăn túc tắc bán hàng cả ngày, ăn thì có cơm để sẵn, cần thì gọi mẹ chồng ở ngay bên cạnh. Kể ra, nếu chịu khó thì thu nhập hàng ngày của chị cũng đủ tiền ăn cho cả nhà.

Còn anh, ngoài công việc lái máy xúc cho mỏ đá tranh thủ chạy thêm mối này mối kia để trang trải tiền thuốc thang cho vợ. Công việc quần quật cả ngày khiến anh rã rời, đi làm về, anh còn phải cố gắng thu xếp thật nhanh việc nhà để nghỉ ngơi nên chuyện vợ chồng không đều đặn như ngày trước. Chị ở nhà thì mong anh về để hâm nóng tình cảm, thấy anh vậy, chuyện nọ xỏ chuyện kia, chị suy đoán anh đã thay lòng đổi dạ, hết chửi bởi lại dằn vặt. Chị đâu có ngờ, mình đã vô tình đặt lên vai chồng một áp lực nặng nề…

Mấy tháng gần đây, anh đi làm về muộn hơn phải nhờ mẹ sang đỡ đần chị. Thực tình, anh kiếm được mối hàng mới, định xong đợt này sẽ đưa chị đi lắp chân giả. Anh cũng nói thật với chị như vậy nhưng chị không tin, cứ bảo anh nhờ mẹ để rảnh rang đi hú hí với nhân tình. Anh cười bảo: “Nhìn anh như que củi thế này, ai thèm theo mà em phải lo”. Nào ngờ, chị bẻ lại: “Anh đang xỏ xiên tôi đấy à, anh chê tôi là con què phải không?”. Chuyện chẳng đâu vào đâu thế mà vợ chồng cãi nhau to. Vài ngày sau, anh về sớm hơn, kêu mệt cần đi tắm. Thế rồi, khi đứa con lớn đi học về chạy tìm bố, đã thấy anh tự tử ở trong phòng tắm…

Anh đi rồi. Mọi người mới biết, anh bị chủ hàng lừa, không trả tiền công. Món tiền anh đang mong mỏi để lắp chân cho vợ tan thành mây khói. Không có tiền, vợ anh lại lúc nào cũng nghi ngờ anh lừa dối, áo lực đè nặng khiến anh không đủ sáng suốt để lựa chọn…

Anh mất rồi. Hai đứa con bơ vơ không có cha, chị ngồi khóc thẫn thờ bởi từ đây, cả nhà biết bám víu vào cái gì mà sống…