Thực phẩm giả được Cục An toàn thực phẩm cấp phép thế nào?

Các công ty sản xuất thực phẩm giả đã đưa tiền "lobby" cho một số lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục ATTP để được bỏ qua các lỗi vi phạm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thẩm định, hậu kiểm...

Theo tài liệu điều tra, từ năm 2016, Nguyễn Năng Mạnh (giám đốc Công ty MegaPhaco, chủ tịch HĐQT Công ty MEDIUSA - trụ sở tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng Đỗ Mạnh Hoàng (giám đốc Công ty MediPhar), Khúc Minh Vũ (giám đốc Công ty Việt Đức) tổ chức, điều hành 9 Công ty, Nhà máy MediPhar và Nhà máy Mediusa sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả với số lượng đặc biệt lớn, chủng loại đa dạng.

Đưa tiền "lobby" để bỏ qua lỗi vi phạm

Theo quy định tại Điều 7 và Điều 29 Nghị định số 15 ngày 2/2/2018, điều kiện để sản xuất thực phẩm chức năng là nhà máy sản xuất phải được Cán bộ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thẩm định, cấp Giấy chứng nhận GMP với thời hạn 3 năm; điều kiện để tiêu thụ thực phẩm chức năng trên thị trường là sản phẩm phải được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy phép công bố sản phẩm.

Để sản xuất và tiêu thụ thực phẩm chức năng giả trên thị trường, Nguyễn Năng Mạnh và Đỗ Mạnh Hoàng thống nhất chi tiền “lobby” cho Cục An toàn thực phẩm trong việc thẩm định, hậu kiểm và cấp phép công bố sản phẩm.

90000.jpg
Các bị can Đinh Quang Minh, Nguyễn Thị Minh Hải, Lê Thị Hiên, Cao Văn Trung.

Để các Nhà máy Mediusa và MediPhar sớm được thẩm định, hậu kiểm, cấp Giấy chứng nhận GMP và đi vào sản xuất, Nguyễn Năng Mạnh và Đỗ Mạnh Hoàng đã chi tiền cho Đoàn kiểm tra thẩm định (do Cục An toàn thực phẩm chủ trì) để được ghi giảm số lỗi khi thẩm định, hướng dẫn cách khắc phục, cho thời gian để khắc phục lỗi.

Quá trình khắc phục lỗi, Công ty Mediusa và Công ty MediPhar chỉ thực hiện qua loa, mang tính hình thức, đối phó. Cao Văn Trung cũng chỉ đánh giá báo cáo khắc phục tồn tại của hai công ty trên hồ sơ và ảnh chụp do 2 công ty gửi, không kiểm tra tính xác thực. Từ đó, Cục An toàn thực phẩm cấp 4 Giấy chứng nhận GMP cho Công ty Mediusa và Công ty MediPhar; tạo điều kiện cho Công ty Mediusa và Công ty MediPhar sản xuất thực phẩm giả với số lượng lớn.

Cơ quan CSĐT cũng làm rõ sai phạm trong việc cấp Giấy chứng nhận công bố sản phẩm.

Cụ thể, để hồ sơ xin cấp phép công bố sản phẩm của nhóm Công ty của Nguyễn Năng Mạnh không phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần, kéo dài việc cấp phép hoặc không cấp phép, Nguyễn Năng Mạnh và Đỗ Mạnh Hoàng đã chỉ đạo nhân viên Hoàng Thị Hương đưa tiền cho chuyên viên tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép công bố sản phẩm thuộc Cục An toàn thực phẩm.

Từ đó, lãnh đạo, nhân viên Cục An toàn thực phẩm đã tạo điều kiện cấp phép 207 sản phẩm cho 9 nhóm công ty của Nguyễn Năng Mạnh gồm: MediPhar, Mediusa, MegaLife, Việt Đức, Mega Pharco, Việt Pháp, Liên doanh USA, PharmaCist và Vita Phar.

Cơ quan điều tra bước đầu làm rõ, Nguyễn Năng Mạnh thông đồng, móc ngoặc và đưa tiền "lobby" cho một số lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế. Từ đó, các lãnh đạo, cán bộ này bỏ qua các lỗi vi phạm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thẩm định, hậu kiểm, cấp 4 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt cho 2 Nhà máy (MediPhar và MediUSA); cấp 207 Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (cấp phép) cho 207 sản phẩm thực phẩm chức năng của 9 Công ty (gồm: MediPhar, MediUSA, MegaLife, Việt Đức, MegaPharco, Việt Pháp, Liên doanh USA, PharmaCist, VitaPhar).

Hành vi của một số lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã giúp Nguyễn Năng Mạnh và đồng phạm sản xuất thực phẩm chức năng giả với số lượng đặc biệt lớn, thu lời bất chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, gây bức xúc trong xã hội.

Thực phẩm trôi nổi được đóng mác Âu, Mỹ

Trước đó, ngày 26/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự Sản xuất, Buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời khởi tố 5 bị can.

Theo cơ quan chức năng, năm 2016, Nguyễn Năng Mạnh, Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MediUSA; Đỗ Mạnh Hoàng, Giám đốc Công ty MediPhar, Khúc Minh Vũ, Giám đốc Công ty Việt Đức; Phạm Thị Hường, kế toán phụ trách 4 Công ty MediPhar, MediUSA, MegaLife, Hùng Phương; Lê Thị Toan, thủ quỹ 6 công ty MediPhar, MediUSA, MegaLife, Hùng Phương, MegaPhaco, Việt Đức đã thành lập và điều hành nhiều công ty để hợp thức hóa hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả.

Các đối tượng thực hiện từ khâu nhập khẩu nguyên liệu đến sản xuất, đóng gói bao bì và tiêu thụ trên thị trường. Đồng thời, Mạnh cho nhân viên sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán (một sổ sách kế toán nội bộ và một sổ sách kê khai nộp thuế) để giảm số thuế phải nộp, gây thất thu thuế cho Nhà nước.

Đối với các sản phẩm giả, các đối tượng cho in trên bao bì, nhãn mác sản phẩm là nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu..., nhưng trên thực tế chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và mua trôi nổi trên thị trường. Về chỉ tiêu chất lượng, nhiều thành phần chỉ đạt dưới 30% so với công bố. Nhóm người tiêu dùng mà các đối tượng nhắm đến để bán sản phẩm chủ yếu tập trung vào người già, trẻ em. Khi nghi ngờ bị điều tra, các đối tượng tẩu tán, tiêu hủy nguyên liệu, sản phẩm, đóng cửa nhà máy.

Khám xét tại các kho hàng và một số cơ sở kinh doanh, Bộ Công an thu giữ số lượng thực phẩm chức năng đặc biệt lớn, đa dạng về chủng loại, được phân phối rộng rãi trên cả nước với tổng số thực phẩm chức năng thu giữ khoảng 100 tấn.

Lãnh đạo Cục ATTP "tiếp tay" sản xuất hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả

5 lãnh đạo, cán bộ Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế thông đồng với "sếp lớn" Công ty MegaPhaco, MeDiusa sản xuất thực phẩm chức năng giả với số lượng lớn, thu lời bất chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe người dân.

Chiều 13/5, Bộ Công an thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn, khám xét đối với 5 đối tượng thuộc Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế liên quan vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Công ty MediPhar và các đơn vị, tổ chức liên quan.

99999.jpg
Các bị can vừa bị khởi tố

6 cách đơn giản nhận biết hàng giả, hàng nhái ai cũng làm được dễ dàng: Tránh mất tiền oan, ảnh hưởng sức khoẻ

Hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, len lỏi khắp các lĩnh vực từ thực phẩm, mỹ phẩm đến thời trang, điện tử. Nếu không cẩn thận, người tiêu dùng rất dễ mua nhầm, vừa mất tiền vừa rước họa vào thân. Vì vậy, việc nhận biết và phân biệt hàng thật – hàng giả là kỹ năng vô cùng cần thiết.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng tăng cao thì tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng diễn ra ngày một phổ biến và tinh vi hơn. Từ thực phẩm, sữa bột, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh cho đến quần áo, giày dép, đồ gia dụng… hầu như không có mặt hàng nào thoát khỏi "vòng xoáy" hàng giả.

Gần đây nhất, vụ triệt phá công ty Famimoto Việt Nam tại xã Thụy Vân, TP Việt Trì, Phú Thọ sản xuất mì chính, dầu ăn, hạt nêm, bột canh giả với quy mô hàng trăm tấn đã khiến dư luận hoang mang. Cơ quan công an phát hiện và tạm giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính (bột ngọt), 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả, cùng gần 84 tấn phụ gia và hơn 1,5 triệu vỏ bao bì, can nhựa dùng để đóng gói sản phẩm giả. Các sản phẩm này đã được bán cho các bếp ăn tại các khu công nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động .