Thứ xưa "nhà nghèo" ăn đến chán ngán, nay làm thành món đặc sản lạ được người thành phố ưa chuộng, tốt cho sức khỏe

Từ món ăn "cứu đói" của những đứa trẻ ở quê, giờ đây hạt mít được nâng tầm thành các món đặc sản ngon và lạ miệng, có nhiều tác dụng đối với sức khỏe mà ít người biết tới.

Mít vốn là loại quả quen thuộc ở cả 3 miền, rất nhiều người yêu thích trái cây này bởi chúng có mùi thơm và vị ngọt hấp dẫn. Còn hạt mít từng được xem là "phụ phẩm", chỉ trẻ con nhà nghèo ngày xưa mới háo hức chờ để luộc ăn. Những năm gần đây, hạt mít trở thành món đặc sản được săn đón ở thành phố vì hương vị đặc biệt.

Hồi tưởng về những năm tháng tuổi thơ, anh Thanh (quê ở Nghệ An) bồi hồi nhớ lại: “Ngày xưa, hạt mít là món quà vặt đáng quý của lũ trẻ con chúng tôi. Nhà nào ăn mít chín, bọn trẻ con liền xúm vào xin gom hạt để luộc hoặc rang. Cái vị bùi bùi, dẻo dẻo của hạt mít luộc đến giờ mình vẫn nhớ mãi. Có hôm còn giấu vài hạt trong cặp để dành ăn dọc đường đi học cho đỡ đói”.

Thế rồi thời gian trôi, cuộc sống khấm khá hơn, các loại bánh kẹo, đồ ăn vặt tràn ngập, hạt mít dần vắng bóng trong bữa ăn, chỉ còn sống trong hoài niệm. Nhưng bất ngờ thay, vài năm gần đây, hạt mít lại "hot" trở lại, xuất hiện trên chợ mạng, các sàn thương mại điện tử với giá không hề rẻ, từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg.

Không chỉ dừng lại ở món luộc hay rang, hạt mít giờ đây được sáng tạo thành nhiều món độc đáo như: mứt hạt mít, bánh hạt mít, hạt mít nướng tẩm mật ong... Dù ở dạng nào, hạt mít cũng giữ được vị ngọt bùi đặc trưng, tạo cảm giác lạ miệng và hấp dẫn với cả người trẻ lẫn người lớn tuổi.

Ở Nhật Bản, hạt mít còn được đóng gói chỉn chu, bày bán trong siêu thị với giá tới 200.000 đồng/kg. Điều đó cho thấy, thứ từng bị xem là "thức ăn nhà nghèo" giờ lại được đánh giá cao bởi giá trị dinh dưỡng. Hạt mít chứa nhiều protein, chất xơ, vitamin nhóm B và các khoáng chất tốt cho tim mạch, tiêu hóa và làm đẹp da.

Trong khoảng 28 gram hạt mít thường có chứa: Lượng calo: 53, Carbs: 11 gram, Chất đạm: 2 gam, Chất béo: 0 gram, Chất xơ: 0,5 gam, Riboflavin: 8% lượng tham chiếu hàng ngày (RDI), Thiamine: 7% RDI, Magiê: 5% RDI, Phốt pho: 4% RDI...

Những tác dụng của hạt mít đối với sức khỏe:

Tác dụng kháng khuẩn

Một nghiên cứu cho thấy bề mặt hạt mít được bao phủ bởi các hạt nhỏ có khả năng hoạt động như chất kháng khuẩn tự nhiên. Thử nghiệm cho thấy chúng có thể ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn phổ biến như E. coli, cho thấy tiềm năng ứng dụng hạt mít trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền qua thực phẩm.

Hỗ trợ chống ung thư

Hạt mít chứa nhiều hợp chất thực vật và chất chống oxy hóa mạnh như flavonoid, saponin và phenol. Những hợp chất này giúp chống viêm, tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ sửa chữa tổn thương ADN. Một nghiên cứu trong ống nghiệm còn cho thấy chiết xuất từ hạt mít có thể làm giảm đến 61% sự hình thành các mạch máu nuôi khối u.

Tốt cho hệ tiêu hóa

Tương tự nhiều loại hạt khác, hạt mít giàu chất xơ hòa tan và không hòa tan – đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhu động ruột và hỗ trợ tiêu hóa. Chất xơ còn được xem là một loại prebiotic, giúp nuôi dưỡng các lợi khuẩn đường ruột, từ đó cải thiện tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch. Bổ sung hạt mít vào chế độ ăn còn giúp giảm táo bón, chống viêm ruột và hỗ trợ điều trị trĩ.

Cải thiện mức cholesterol

Hàm lượng cao chất xơ và chất chống oxy hóa trong hạt mít giúp điều hòa cholesterol. Cụ thể, việc tiêu thụ hạt mít có thể làm giảm cholesterol LDL (xấu) – yếu tố gây tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh tim – đồng thời tăng cholesterol HDL (tốt), góp phần bảo vệ tim mạch hiệu quả.

Những lưu ý khi ăn hạt mít

Nguy cơ chảy máu: Hạt mít có thể làm chậm quá trình đông máu. Người đang dùng thuốc như aspirin, thuốc chống đông, thuốc chống viêm không steroid... nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Chứa chất kháng dinh dưỡng: Hạt mít sống có tannin và chất ức chế trypsin - làm giảm khả năng hấp thụ khoáng chất và tiêu hóa protein. Do đó, không nên ăn sống mà cần luộc, hấp hoặc nướng chín trước khi dùng.