Là giống dê xuất phát từ Nam Phi, hiện giống dê Boer đã được nhiều người nông dân ở Việt Nam lựa chọn thành vật nuôi chủ lực và nhận nhiều tín hiệu khả quan.
Để nhận diện giống dê này so với những loại dê thông thường khác thì hãy nhìn vào phần lông. Dê Boer thông thường sẽ có bộ lông màu trắng tinh khiết, phần đầu đến cổ có lông màu đen hoặc nâu. Tai của dê to dài và cụp thòng xuống. Dê đực có sừng cuộn lại quanh tai và còn dê cái sẽ có sừng to hơn.

Dê Boer có đặc tính dễ nuôi, không gây nhiều tiếng ồn, chỉ cần cung cấp môi trường sống phù hợp, đủ thức ăn thì chúng có thể phát triển tốt, tăng cân nhanh.
Theo một số nông dân cho biết, quá trình nuôi dê Boer không quá cầu kỳ, phức tạp. Nguồn thức ăn dễ tìm kiếm hoặc có thể tự sản xuất để cung cấp trong quá trình chăn nuôi. Cụ thể, mỗi ngày dê Boer sẽ ăn 3 lần, khẩu phần ăn cần đảm bảo 70% nguồn thức ăn thô xanh như rau, cỏ và 30% thức ăn chứa tinh bột nhiều như cám, ngô, sắn…
Để mô hình nuôi dê Boer phát triển bền vững, yếu tố kỹ thuật đóng vai trò quyết định. Theo các hộ chăn nuôi, điều kiện chuồng trại cần khô ráo, thoáng mát, tránh gió lùa và không để dê tiếp xúc với nước đọng, hay các chất thải ô nhiễm vì những yếu tố này dễ gây bệnh đường tiêu hóa hoặc viêm móng ở dê.
Chuyển từ nuôi thủy sản sang loài dê xuất thân từ Nam Phi, anh Phạm Trung Hiếu (ngụ huyện An Lão, TP.Hải Phòng) quyết tâm tìm hiểu, chọn lựa giống dê kỹ càng và dày công nghiên cứu các kỹ thuật chăn nuôi anh đã thu về lợi nhuận trăm triệu đồng mỗi năm.
“Trước kia tôi chuyên nuôi về thủy sản nhưng giá thành thức ăn tăng khiến chi phí nuôi tăng cao, ảnh hưởng đến kinh tế. Thế nhưng, khi tôi chuyển qua nuôi giống dê Boer này, cùng việc đã chủ động trồng được cỏ voi, trồng ngô, rồi có thể trồng thêm nhiều loại cây cối khác làm nguồn thức ăn chính cho dê, không cần phải sử dụng đến cám. Giá cám không ảnh hưởng nhiều đến việc chăn nuôi nữa. Từ đó, cũng đem lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh” - anh Hiếu tâm sự.
Theo anh Hiếu, giống dê Boer có nhiều ưu điểm hơn các giống dê khác trong nước hiện nay. Giống dê Boer khi trưởng thành bình quân có trọng lượng khoảng 47-52kg. Dê cái nuôi từ lúc đẻ ra đến tầm 6 tháng là có thể sinh sản. Từ năm thứ 2, bình quân mỗi lứa sẽ đẻ ổn định từ 2-3 con. Sau 3-4 tháng thì dê con có trọng lượng từ 25-30kg, giá mỗi ký dê Boer hiện nay khoảng 120.000 - 150.000 đồng/kg.
Được biết, mỗi một con dê đực có thể phối giống cho khoảng 25 con dê cái. Bình quân, mỗi năm đàn dê sẽ tăng thêm 150 con, đáp ứng được sản lượng giống mới cho trang trại. Để chăn nuôi đạt chất lượng cao, mỗi năm, anh Hiếu chỉ cho đàn dê đẻ 1 lứa để đảm bảo sức khỏe cho dê.

Hằng năm, định kỳ 6 tháng một lần, anh Hiếu sẽ tiêm phòng các bệnh cho đàn dê để đảm bảo chúng luôn khỏe mạnh, năng suất cao.
Khác với giống dê cỏ, dê núi, giống dê Boer được nuôi chủ yếu bằng hình thức bán chăn thả, song gia đình anh Hiếu lại nuôi nhốt hoàn toàn. Với hệ thống chuồng trại được đầu tư xây dựng, đảm bảo sạch sẽ, nhiệt độ thích hợp theo từng mùa giúp đàn dê nhà anh Hiếu hạn chế các bệnh và có khả năng sinh sản, phối giống tốt.
Không chỉ thế, anh Hiếu còn cho đàn dê nghe nhạc và không khỏi bất ngờ về kết quả thu được. "Cứ thế, khi quen dần, đàn dê của nhà tôi không còn nhảy nhót lung tung mỗi khi có người vào hay có tiếng động lạ như trước, chúng trở nên hiền hòa hơn, ăn uống tốt hơn", anh Hiếu tâm sự sau 1 thời gian triển khai cách nuôi "có một không hai".
Hiện tại, anh Hiếu đang sở hữu một đàn dê trên 200 con, trong đó có hơn 100 con sinh sản. Mỗi năm anh xuất bán từ 8-9 tấn dê thương phẩm, với giá từ 100.000-140.000 đồng/kg, anh thu về trên 300 triệu đồng/năm.

Dê không ưa độ ẩm cao hay nhiệt độ thấp. Vậy nên người nuôi cần phải giữ chuồng trại luôn thông thoáng, sạch sẽ và ổn định về nhiệt độ.
Chị Nguyễn Thị Hiền (ngụ xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) là một trong những nông dân thành công trong việc chuyển hướng canh tác, đầu tư chuồng trại sang giống dê từ Nam Phi. Theo chị, giống dê Boer không khó nuôi, dễ chăm sóc, có tốc độ sinh trưởng nhanh, thời gian nuôi ngắn nên nhanh thu hồi vốn.
Nuôi dê Boer không tốn nhiều chi phí, thời gian và công sức. Chỉ cần dành thời gian khoảng 1-2 giờ mỗi ngày để đi cắt cỏ cho dê ăn, chuồng trại chỉ cần dọn dẹp 1-2 lần/tuần.

Theo chị Hiền, dê Boer có đặc tính dễ nuôi, dễ chăm sóc, tốc độ sinh trưởng nhanh, giúp nông dân nhanh thu hồi vốn.
Chị Hiền tâm sự để việc nuôi đạt hiệu quả, ngoài am hiểu đặc tính, người chăn nuôi phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong cả quá trình nuôi. Đặc biệt, cần chủ động nguồn thức ăn, nước uống sạch sẽ vào mùa đông, mùa hè để dê đảm bảo dinh dưỡng, hạn chế các loại dịch bệnh xảy ra.
"Nhờ chăm sóc tốt, đàn dê Boer có sức đề kháng cao, ít bệnh, đầu ra ổn định, bán được giá so với các vật nuôi khác. Từ 53 con ban đầu, đàn dê Boer nhân giống lên 80 con, xuất bán được 200 con dê thịt, mỗi con có trọng lượng từ 20-25kg, giá bán dê thịt từ 120.000-130.000 đồng/kg, đem lại lợi nhuận trên 450 triệu đồng", chị Hiền bật mí.
Từ những thuận lợi như không tốn nhiều công chăm sóc, dọn dẹp chuồng trại, mô hình nuôi dê Boer đang cho thấy là một hướng đi mới mẻ nhưng đầy tiềm năng. Không cần diện tích lớn, không đòi hỏi kỹ thuật quá phức tạp, chỉ cần người nuôi có tinh thần học hỏi, đầu tư bài bản và biết liên kết các đầu mối tiêu thụ, tìm ra đầu ra cho sản phẩm thì hoàn toàn có thể vươn lên làm giàu.