Thủ tướng: Tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác đã xuất hiện ở bệnh viện

Dẫn chứng Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng và nhiều cơ sở y tế gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác đã xuất hiện tại bệnh viện.

Chiều 13/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thăm Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy để tìm hiểu về công tác phòng, chống dịch bệnh của các cơ sở y tế này.
210 cán bộ xung phong ra tuyến đầu
Báo cáo với Thủ tướng, PGS. TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết ngay từ khi dịch bùng phát, bệnh viện đã chuẩn bị nguồn lực, nhân lực, vật lực, công tác chuyên môn để phòng chống dịch với tiêu chí “lấy bệnh nhân làm trung tâm”.
Ông Bắc cho biết Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM có trên 3.800 nhân viên. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện có 7.000 lượt khám và 1.000 lượt bệnh nhân điều trị, phẫu thuật 100 trường hợp. Giám đốc bệnh viện ước tính mỗi ngày có khoảng 14.000 người ra vào cơ sở y tế này.
Thu tuong: Tu tuong chu quan, mat canh giac da xuat hien o benh vien
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Ảnh: Thuận Thắng. 
Với thực tế đó, ông Bắc cho biết bệnh viện ý thức cao việc đảm bảo an toàn tối đa trong dịch Covid-19. Bệnh viện đã tổ chức sàng lọc tất cả bệnh nhân, người thăm nuôi. Các nhân viên phải khai báo y tế hàng ngày và sẵn sàng các phương án xử lý khi có ca bệnh nghi ngờ.
"Ví dụ có trường hợp một sản phụ sốt nhưng có nhu cầu sinh ngay. Qua thăm khám đánh giá có khả năng phải mổ. Để tránh lây nhiễm trong khoa sản, trong đêm, các bác sĩ đã chuyển tất cả nguồn lực đến nơi an toàn và ca mổ thành công lúc 2h sáng", ông Bắc nêu ví dụ.
Về khu cách ly, hiện bệnh viện thuê một container đặt ngay tại cổng. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ, bác sĩ sẽ tiến hành khám sàng lọc bệnh nhân tại container này, trong container có kết nối hệ thống camera đến các chuyên khoa khác nhau trong viện để hỗ trợ bác sĩ thăm khám cho từng tình trạng bệnh.
Bệnh viện Đại học Y dược đã có một trung tâm xét nghiệm và đến nay đã hỗ trợ ngành y tế thành phố xét nghiệm 7.000 mẫu sàng lọc. Ngoài ra, các nhân viên, bệnh nhân, thân nhân, thậm chí là người giao hàng đến bệnh viện, cũng được xét nghiệm thử, đến nay là hơn 14.000 mẫu.
Ông Bắc cho biết bệnh viện hiện cũng đã chích ngừa vaccine Covid-19 cho 2.930 nhân viên. Ngoài ra, lãnh đạo bệnh viện cho biết đến nay đã có 210 cán bộ nộp đơn xung phong tình nguyện sẵn sàng ra tuyến đầu chống dịch.
Tìm cách tiếp cận vaccine nhanh nhất
Mở đầu bài phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời cám ơn đến lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ông nhận định dịch bùng phát do nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là sự lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
"Tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác cũng xuất hiện tại bệnh viện, ví dụ như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng và đến nay là 7-8 bệnh viện khác. Rõ ràng ngành y chúng ta bên cạnh việc làm tốt cũng có lơ là, chủ quan, mất cảnh giác gây khuyết điểm, thiếu sót, để nơi chống dịch lại bị dịch khiến nhân dân không hài lòng", Thủ tướng nói.
Thu tuong: Tu tuong chu quan, mat canh giac da xuat hien o benh vien-Hinh-2
 Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần tìm cách tiếp cận mọi nguồn vaccine sớm nhất có thể. Ảnh: Thuận Thắng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sau 3 đợt dịch, lần này, phương châm chỉ đạo là kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội; đồng thời, chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công, trong đó tấn công là chính. Bên cạnh đó, ông yêu cầu phải tăng cường xét nghiệm diện rộng; tăng phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Lý giải nguyên tắc "tấn công" trong phòng chống dịch, Thủ tướng cho biết các địa phương, đơn vị phải chuẩn bị kịch bản cho các tình huống có thể xảy ra; tăng cường trang thiết bị y tế; đẩy mạnh tiêm vaccine.
Ông lưu ý cần có các biện pháp tiếp cận nguồn vaccine đang khan hiếm vì cả thế giới đều muốn mua. "Phải nghiên cứu, tập trung sản xuất vaccine bằng hình thức nào nhanh nhất, có thể mua bản quyền nếu họ bán hoặc sản xuất trong nước", ông đề nghị.

Cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam triển khai phòng chống Covid-19

Ngay khi dịch bệnh covid-19 có dấu hiệu lây lan trở lại từ cuối tháng 4 năm 2021 đến nay Lãnh đạo và Tổ phòng chống covid-19 của cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam đưa ra nhiều quy định và biện pháp nhằm chủ động phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, nhân viên.

Co quan Lien hiep Hoi Viet Nam trien khai phong chong Covid-19

Nhà Xuất bản Tri thức tặng 6.500 chiếc khẩu trang cho Công đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam. 

Lãnh đạo cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam cùng với Tổ phòng chống covid-19 đã ra các văn bản chỉ đạo, phổ biến đến tất cả các cán bộ, nhân viên làm việc tại trụ sở Liên hiệp Hội Việt Nam, chủ động khai báo y tế, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Bộ Y tế về quy tắc 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Khai báo y tế, Không tụ tập) trong công việc và gia đình. Cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam cũng ban hành văn bản quy định về việc tạm dừng các cuộc họp chưa cần thiết, đối với các hoạt động quan trọng, số lượng người tham gia không quá 30 người cho hội trường sức chức 100 người, không quá 20 người đối với hội trường sức chứa 50 người, đồng thời áp dụng nghiêm các biện pháp dãn cách và an toàn trong khi làm việc.

Bản tin COVID-19: Sáng 5/3, không ca mắc COVID-19

Bản tin 6h ngày 5/3 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết không có ca mắc mới COVID-19. Sáng nay, Hải Dương bắt đầu xét nghiệm COVID-19 mẫu gộp cho lái xe, học sinh, sinh viên người Hải Dương đang theo học tại các tỉnh, thành phố khác.

Tính từ 18h ngày 04/3 đến 6h ngày 05/3: Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Đến thời điểm này, nước ta vẫn có 2.488 bệnh nhân, trong đó có tổng cộng 1572 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước- riêng số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 879 ca.