Thủ tướng chỉ đạo rà soát dự án 'ôm' đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai.
Rà soát dự án chậm triển khai
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 01 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) khẩn trương lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan về đề xuất phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, tổng hợp, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trước ngày 15/2. Điều này đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 39/2021 ngày 13/11/2021 của Quốc hội, nghiêm cấm lợi ích nhóm, các hành vi tiêu cực, tham nhũng về đất đai.
Đồng thời, Bộ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương hoàn thiện phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, sử dụng không gian biển (đối với 28 địa phương ven biển) trong quy hoạch cấp tỉnh, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, biển và quy hoạch; khẩn trương lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm (2021 - 2025), tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hoàn thành việc phê duyệt trong năm 2022.
Đáng chú ý, Thủ tướng giao Bộ TN&MT chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai.
Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị trên địa bàn Hà Nội chậm triển khai bỏ hoang cả chục năm, thành nơi chăn thả trâu, bò của người dân.
Trên cơ sở đó, Bộ chủ trì và phối hợp với cơ quan liên quan xem xét, hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác liên quan để đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trường hợp có phát sinh vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền, Bộ báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý.
Tăng cường thanh tra
Trước đó, Bộ TN&MT cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các dự án quy hoạch treo như: việc tổ chức triển khai đầu tư xây dựng chậm hoặc không thực hiện theo quy hoạch, dự án chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý, dự án có tranh chấp hoặc có vi phạm…
Do đó, để xử lý các quy hoạch treo, Bộ TN&MT đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi các quy định về quy hoạch trong Luật Đất đai năm 2013.
Cũng theo Bộ TN&MT tại Khoản 1, Điều 6, Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch sửa đổi Điều 49, Luật Đất đai năm 2013 cũng đã có quy định để xử lý vấn đề quy hoạch treo.
Cụ thể, đối với trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch; được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa phải được cơ quan nhà nước cho phép theo quy định pháp luật.
Đồng thời, pháp luật về quy hoạch xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản cũng đã có các quy định cụ thể về việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch; yêu cầu đối với dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án.
Theo đó, tại Điều 78 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kinh doanh bất động sản trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn để thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản; báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình thị trường bất động sản.
"Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các dự án cụ thể tại các địa phương thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, theo từng chương trình, kế hoạch cụ thể hoặc trong các trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc hoặc vi phạm (nếu có) theo quy định", Bộ TN&MT thông tin.
Dự án Khu đô thị Tiến Xuân Sudico rộng hơn 1.200 ha sau gần 15 năm vẫn chỉ "nằm trên giấy". Dự án này nằm trong danh sách 29 dự án có dấu hiệu vi phạm, đề nghị bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt dự án đầu tư. Ảnh: Ninh Phan.
Thực tế, trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng trăm dự án quy hoạch cả thập kỷ nhưng chậm triển khai, "ôm" đất bỏ hoang lãng phí.
Có thể kể đến như Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp nằm trên ô đất rộng hơn 12.000m2, thuộc khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) được UBND TP Hà Nội giao đất cho Công ty CP Tập đoàn đầu tư Long Giang vào ngày 8/11/2011. Dự án này chậm tiến độ tới 66 tháng, tức hơn 5 năm. Năm 2019, dự án này đã được Hà Nội gia hạn 24 tháng (theo quyết định số 4260/QĐ-UBND ngày 9/8/2019). Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”.
Thậm chí, có những dự án sau hàng thập kỷ cấp phép đầu tư vẫn chỉ nằm “trên giấy”, ôm đất chậm triển khai như dự án Sông Hồng City và dự án khu nhà ở văn phòng IDC đều thuộc địa bàn quận Tây Hồ ảnh hưởng đến đời sống của người dân gây bức xúc mà cử tri đã kiến nghị nhiều lần.
Hay dự án Khu đô thị Tiến Xuân Sudico rộng hơn 1.200 ha nằm trên địa bàn các xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) và xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) - vốn thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình trước khi các xã này sáp nhập về Hà Nội tháng 8/2008) do Công ty TNHH MTV Sudico Tiến Xuân làm chủ đầu tư với vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Dự án khởi công từ năm 2007, tuy nhiên đến nay gần 15 năm dự án vẫn nằm trong tình trạng “treo” khiến cuộc sống người dân có đất nằm trong quy hoạch dự án gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Video: 9 phát ngôn ấn tượng của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Ngày 5/4 đặt dấu mốc lịch sử quan trọng khi ông Phạm Minh Chính được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Ngày 5/4 đặt dấu mốc lịch sử quan trọng khi ông Phạm Minh Chính được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Trong 200 ngày đầu sau khi nhậm chức, Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối diện đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát; kiên quyết, kiên trì thực hiện thành công “mục tiêu kép”; quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu trả lời chất vấn
Lần đầu trả lời chất vấn tại Quốc hội trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Phạm Minh Chính có khoảng 90 phút để phát biểu, trả lời, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra.
Theo chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sáng nay 12/11 tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội trong nhiệm kỳ này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Đẩy giá đất lên cao trong đấu giá rồi bỏ cọc: Để lại hệ luỵ nào?
Lùm xùm đấu giá đất Thủ Thiêm và ở một số nơi, đơn vị, cá nhân tham gia đấu thầu bỏ giá cao rồi bỏ cọc, khiến cơ quan quản lý và thị trường bất động sản (BĐS) rối như canh hẹ.
Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh (Công ty Bình Minh) “bỏ cọc” đấu giá đất tại Thủ Thiêm sau Tân Hoàng Minh là doanh nghiệp mới thành lập 3 tháng. Theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Bình Minh vừa được thành lập ngày 24/9/2021, trụ sở tại tòa nhà số 151 phố Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Khi mới thành lập, Công ty Bình Minh có quy mô vốn điều lệ 100 tỷ đồng và đến ngày 3/12/2021 - một tuần trước phiên đấu giá đất Thủ Thiêm, công ty này tăng gấp đôi vốn điều lệ, lên mức 200 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi ngày 10/2, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng về tác động kết quả đấu giá đất cao bất thường đến thị trường BĐS. Theo đó, một số ít trường hợp có kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm và cũng có tác động đến thị trường BĐS khu vực. Điển hình với trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm (TPHCM) cho thấy, kết quả trúng đấu giá của 4 lô đất đã có phần tác động đến mặt bằng giá đất, nhà ở, đến thị trường BĐS của khu vực Thủ Thiêm.
“Hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng "giá ảo" để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá khác thu lợi bất chính diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi và thậm chí mang tính tổ chức”, Thứ trưởng Sinh nói.
Đấu giá cao kỷ lục nhưng nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá đất tại Thủ Thiêm dần bỏ cọc
Thứ trưởng Sinh cho biết thêm, việc đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm đang bộc lộ nhiều vấn đề rủi ro tiềm ẩn. Đơn cử: có cả doanh nghiệp vừa mới thành lập được 3 tháng với vốn điều lệ chỉ vài trăm tỷ đồng nhưng cũng "nhảy" vào đấu giá đất với giá trị lên đến mấy nghìn tỷ. “Không hiểu họ lấy tiền đâu ra để trả. Thị trường bị làm loạn lên từ 4 doanh nghiệp tham gia đấu giá này”, Thứ trưởng Sinh nói.
Thứ trưởng Sinh cũng cho biết thêm, hiện tại, mới chỉ 2 doanh nghiệp xin bỏ cọc còn 2 doanh nghiệp trúng đấu giá chưa nộp tiền chắc chắn sẽ bỏ cọc tiếp. “Ngay sau việc đấu giá này được thực hiện, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái siết chặt vay vốn và huy động trái phiếu. Cũng vì không có thực lực, nên ngay lập tức, doanh nghiệp không có khả năng trả tiền đất trúng đấu giá”, Thứ trưởng Sinh cho hay.
Để ngăn chặn tình trạng đấu giá “ảo” xảy ra trong tương lai, Thứ trưởng Sinh nhấn mạnh: Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng giao các bộ TNMT, Tư pháp, Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về đấu giá đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, trục lợi trong đấu giá đất. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền đấu giá đất để đảm bảo an toàn tín dụng.
Tới đây, cần bổ sung quy định về số tiền tổ chức, cá nhân phải đặt trước khi tham gia đấu giá và số tiền đảm bảo thực hiện hợp đồng khi trúng đấu giá, đồng thời quy định rõ thời hạn tổ chức, cá nhân trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, "thổi giá" đất.
Phải lọc DN không có năng lực tài chính tham gia đấu giá
Luật sư Nguyễn Văn Đang (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, phiên đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua được Sở Tư pháp TPHCM tổ chức đấu giá theo phương thức đưa ra giá khởi điểm thấp nhất nên trong trường hợp này không có quy định về mức giá cao tối đa.
Bàn về cơ chế nào kiểm soát năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá, Luật sư Đang cho rằng, Luật Đấu giá tài sản 2016 chưa có quy định ràng buộc người tham gia đấu giá phải nộp kèm các tài liệu chứng minh năng lực tài chính, khả năng được cấp tín dụng từ ngân hàng. Đây là lỗ hổng cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể, cần thiết có quy định người tham gia đấu giá phải chứng minh năng lực tài chính, khả năng được cấp tín dụng từ ngân hàng tối thiểu bằng với giá khởi điểm của tài sản được đưa ra. Bên cạnh đó, tổ chức cá nhân tham gia đấu thầu phải chứng minh khả năng tài chính và khả năng thực hiện dự án nếu trúng đấu giá, phù hợp quy hoạch tại vị trí có quyền sử dụng đất bán đấu giá. Có như vậy mới phù hợp với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 119 Luật Đất đai 2013.
Để lấp lỗ hổng đó nên sửa Luật Đấu giá tài sản 2016 về nghĩa vụ chứng minh năng lực tài chính để tham gia đấu giá và năng lực thực hiện dự án sau khi trúng đấu giá của người đăng ký tham gia đấu giá.
Nếu chưa thể sửa luật kịp thì có thể căn cứ điểm b khoản 2 Điều 119 Luật Đất đai 2013 yêu cầu người đăng ký tham gia đấu giá phải chứng minh năng lực thực hiện dự án nếu trúng đấu giá. Điều này sẽ tránh trường hợp doanh nghiệp không có năng lực vẫn tham gia đấu giá, bỏ giá ở mức rất cao, dẫn tới khả năng trục lợi từ việc tăng nóng giá đất tại nhiều vị trí có dự án BĐS, làm méo mó thị trường.