VietJet lập công ty dịch vụ mặt đất, ông lớn SAGS có 'mất ăn mất ngủ'?

Trước thông tin VietJet đề xuất lập công ty cung cấp dịch vụ mặt đất, cổ phiếu SGN đã phản ứng khá bi quan khi nhuốm trong sắc đỏ liên tục 4 phiên.

CTCP Hàng không VietJet (mã chứng khoán VJC) đã đề xuất thành lập công ty cung cấp dịch vụ mặt đất để cung cấp dịch vụ cho chính mình tại sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Cam Ranh từ năm 2020.  

Từ khi bắt đầu hoạt động, VietJet đã sử dụng các dịch vụ mặt đất tại sân bay Nội Bài và Cam Ranh của CTCP Phục vụ Mặt đất Hà Nội (HGS) và CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS).

Theo đó, VietJet chiếm lần lượt 62% và 70% tổng lưu lượng phục vụ tại sân bay Nội Bài và sân bay Cam Ranh của hai công ty này trong 6 tháng 2019. Rõ ràng đây là một con số không hề nhỏ.

Trong khi đó, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (mã chứng khoán ACV) lại sở hữu 48% cổ phần tại SAGS và 20% cổ phần tại HGS.

VietJet lap cong ty dich vu mat dat, ong lon SAGS co 'mat an mat ngu'?
Vietjet đang là cổ đông lớn của SAGS.

HGS được ACV thành lập năm 2007, chuyên cung cấp dịch vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm thành lập, ACV đã dần thoái vốn tại HGS và chỉ nắm 20% cổ phần tại đây.

Tới đầu năm 2018, HGS cung cấp và nắm khoảng 30% thị phần dịch vụ mặt đất tại sân bay Nội Bài, với khoảng 350-400 tỷ đồng doanh thu mỗi năm.

VietJet đã đặt một chân vào SAGS

SAGS cung cấp dịch vụ mặt đất tại 3 sân bay là Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Đà Nẵng và Cam Ranh. Trong đó, SAGS hiện đang nắm tỷ lệ chi phối 51% vốn tại CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn - Cam Ranh.

Hoạt động chính tại 3 cảng hàng không quốc tế trọng điểm, SGN đang cung cấp dịch vụ mặt đất trọn gói cho hơn 50 khách hàng, trong đó có rất nhiều hãng hàng không lớn cả trong nước và quốc tế như Vietjet Air, Asiana Airlines, Qatar Airways, Emirates Airline, Turkish Airlines.

Riêng trong năm 2018, tổng sản lượng chuyến bay phục vụ của SGN là 78.449 chuyến, vượt 3% kế hoạch. Trong đó, sản lượng quốc nội chiếm 41.090 chuyến, tăng gần 12% và vượt 7% kế hoạch; còn sản lượng quốc tế là 37.360 chuyến, tăng 24% và đạt 99% kế hoạch.

Nhờ đó, doanh thu hợp nhất của SAGS đạt hơn 1.288 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với năm 2017 và vượt 6% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế 263 tỷ đồng, vượt 18% so với kế hoạch.

Theo Ban lãnh đạo SAGS, một trong những điểm nhấn quan trọng giúp Công ty vượt kế hoạch đề ra trong năm 2018 là nhờ Vietjet chuyển dịch cơ cấu máy bay từ A320 sang tàu bay lớn hơn là A32 góp phần tăng doanh thu do giá dịch vụ cao hơn.

Ngoài ACV là cổ đông lớn của SAGS còn có CTCP Chứng khoán Sài Gòn (mã chứng khoán SSI) nắm 14,96% và CTCP Đầu tư Khai thác Cảng với 12,8%. Đó là số liệu tính đến thời điểm cuối năm 2018.

Còn tới tháng 7/2019, cơ cấu cổ đông của SAGS đã có biến động đáng kể khi chính Vietjet đã đặt một bước chân vào đây khi gom hơn 1,7 triệu cổ phiếu, tăng sở hữu lên 9,13% và chính thức trở thành cổ đông lớn của SAGS.

Ngược lại cùng thời điểm này, CTCP Đầu tư Khai thác Cảng đã bán thành công đúng với số lượng cổ phiếu mà Vietjet giao dịch theo phương thức thỏa thuận, giảm nắm giữ xuống còn 7,6%. Như vậy, khả năng đã có cuộc sang tay thương lượng của của hai nhà đầu tư này.

Ngoài ra, đã có những cổ đông nội bộ của SAGS giao dịch bán bớt số lượng đang nắm giữ tại đơn vị này trong thời gian gần đây.

Rõ ràng tại SAGS đang có những biến động về cơ cấu cổ đông, nhất là lại diễn ra trong bối cảnh Vietjet vừa đề xuất thành lập công ty cung cấp dịch vụ mặt đất.

Phản ứng trước thông tin này, cổ phiếu SGN của SAGS từ mức giá 90.000 đồng/cổ phiếu (9/9) rớt xuống còn 86.200 đồng/cổ phiếu chốt phiên giao dịch ngày 15/09. Ghi nhận 4 phiên liên tiếp nhuốn trong sắc đỏ.

SAGS có lo ngại về sự cạnh tranh?

Với lợi thế đó, tình hình hoạt động kinh doanh của SAGS rất khả quan trong thời gian qua khi doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều đặn hàng năm. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) giai đoạn 2015-2018 của SAGS luôn ở mức cao trên 44%.

Hẳn nhiên cổ đông của SAGS cũng rất hài lòng khi lãi cơ bản trên cổ phiếu hàng năm đạt từ 5.844 đồng đến 10.077 đồng (giai đoạn từ 2015-2018).

Các chỉ số tài chính của SAGS giai đoạn 2015-2018

VietJet lap cong ty dich vu mat dat, ong lon SAGS co 'mat an mat ngu'?-Hinh-2
 Nguồn: VietstockFinance

Về kế hoạch năm 2019, SAGS đặt mục tiêu doanh thu 1.430 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 285 tỷ đồng, tăng 8,4%.

Với đà kinh doanh tăng trưởng mạnh, dù mới đi hết nửa năm 2019, SAGS đã đạt 53% chỉ tiêu doanh thu và 90% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch đề ra cho cả năm. Cụ thể, doanh thu 6 tháng năm 2019 đạt 754 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018; lợi nhuận đạt 172 tỷ đồng, tăng 7,5%.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.

Còn ở trong nước, tỷ lệ người dân đi máy bay của Việt Nam đang tăng nhanh. Với dân số gần 100 triệu người, hàng không nội địa Việt Nam được IATA dự báo sẽ tăng trung bình 15%/năm trong thời gian tới.

Bởi tiềm năng tăng trưởng còn cao cho nên lĩnh vực này chính là miếng mồi béo bở cho các ông lớn nhảy vào khai thác. Từ đó, cuộc chiến trong ngành sẽ trở nên gay gắt hơn.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN