Ngày 28/3, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HoSE: SSB) đã quyết định dừng triển khai lấy ý kiến cổ đông về phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Thay vào đó, phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ được HĐQT trình ĐHĐCĐ thường niên 2023 xem xét, thông qua vào tháng 4 tới.
Hồi năm 2022, SeABank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng bằng phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành ESOP và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Trong đó đã phát hành trả cổ tức và cổ phiếu thưởng tăng vốn lên 20.403 tỷ đồng. Còn phương án chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài 228.7 triệu cổ phiếu chưa được thực hiện.
Trong một động thái khác, gần đây Ngân hàng Nhà nước đã có Tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.
Theo kế hoạch, có 4 ngân hàng thương mại cổ phần sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Trong đó có 2 ngân hàng nhận chuyển giao tại phương án có đề xuất được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%.
Với phương án điều chỉnh quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại TCTD nhận chuyển giao bắt buộc vượt 30% nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của TCTD nhận chuyển giao sẽ có 2 ngân hàng TMCP.
Về tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng TMCP, NHNN cho rằng hiện nay chỉ nên mở rộng và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư vào các TCTD yếu kém và TCTD nhận chuyển giao chưa nên mở rộng ra tất cả các TCTD.