Nợ phải trả Tổng Công ty Thăng Long hơn 2.120 tỷ đồng

Sau khi SCIC thoái vốn, Tổng Công ty Thăng Long báo quý 4 lỗ 9 tỷ đồng, lợi nhuận cả năm chỉ vỏn vẹn 2 tỷ. Trong khi đó, nợ phải trả của công ty hiện gấp 3,3 lần vốn chủ sở hữu.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2024 của Tổng công ty Thăng Long (HNX: TTL) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 460 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng cao, lợi nhuận gộp giảm mạnh 47%, chỉ còn 27 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp tạo ra không đủ để bù đắp chi phí. Kết quả, Tổng Công ty Thăng Long báo lỗ sau thuế 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 10 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2024, Tổng Công ty Thăng Long đạt doanh thu thuần 1.664 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2023. Tuy nhiên, do khoản lỗ trong quý 4, lợi nhuận sau thuế cả năm 2024 chỉ còn hơn 2 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 29 tỷ đồng của năm trước. Đáng lo ngại, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ còn âm 7,8 tỷ đồng, trong khi năm 2023 có lãi hơn 23 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Tổng Công ty Thăng Long đạt hơn 2.750,6 tỷ đồng, giảm hơn 67,4 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tập trung chủ yếu ở tài sản ngắn hạn với hơn 2.432,4 tỷ đồng, chiếm 88% tổng tài sản.
Công ty có hơn 1,2 tỷ đồng tiền mặt, hơn 453,1 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và 25 tỷ đồng các khoản tương đương tiền. Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận hơn 1.069 tỷ đồng, chiếm 39% tổng cộng tài sản.
Hàng tồn kho của công ty ghi nhận hơn 708,1 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (hơn 701,6 tỷ đồng) và nguyên liệu, vật liệu (hơn 4,1 tỷ đồng).
Nợ phải trả của Tổng Công ty Thăng Long tính đến cuối quý 4/2024 ghi nhận hơn 2.120,6 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở nợ ngắn hạn (hơn 2.099,2 tỷ đồng).
No phai tra Tong Cong ty Thang Long hon 2.120 ty dong
Ảnh minh họa 
Tổng nợ vay của công ty là hơn 815,5 tỷ đồng, chiếm 38% nợ phải trả. Vốn chủ sở hữu của công ty là hơn 630 tỷ đồng. Hiện hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của TCT Thăng Long là gấp 3,3 lần.
Trước đó, ngày 26/12/2024, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thoái toàn bộ 10,5 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty Thăng Long, tương ứng tỷ lệ 25,09% vốn, thông qua hình thức đấu giá trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Hiện tại, cơ cấu cổ đông lớn của TTL bao gồm: Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG nắm giữ 21,15 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 50,5%), ông Phạm Tuấn Vũ nắm giữ 25,09%, và Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội nắm giữ 3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,16%).
Sau khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái toàn bộ vốn, Tổng Công ty Thăng Long đã chứng kiến sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông lớn và sự ra đi của hai lãnh đạo chủ chốt.
Cụ thể, ông Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1982) đã có đơn từ nhiệm vị trí Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kể từ ngày 4/2 và ông Ngô Tiến Đạt (sinh năm 1994) từ nhiệm tư cách Thành viên Ban Kiểm soát (BKS) từ ngày 4/2.
Cả hai ông Hiếu và Đạt đều là cán bộ của SCIC, được bầu vào HĐQT và BKS của Tổng Công ty Thăng Long tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.
Minh Vy

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN