Nhiều doanh nghiệp lên tiếng về danh sách chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu

Nhiều doanh nghiệp bị HNX “bêu tên” đã đính chính về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu của mình. 
Ngày 21/2, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố danh sách 54 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023.
Trong đó có nhiều cái tên quen thuộc như Novaland, Anh ngữ Apax, Chứng khoán Tân Việt, Bất động sản Hà An, Điện mặt trời Trung Nam, Hưng Thịnh Invest, Quốc tế Sơn Hà, Tập đoàn Danh Khôi, Đất Xanh miền Nam, Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Đầu tư Hải Phát, Địa ốc No Va, Đầu tư An Đông...
Nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp bị “bêu tên” đã đính chính về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu của mình. 
Theo đó, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương tín (TTC Land, SCR) cho biết đã hoàn tất thanh toán trái phiếu và không còn dư nợ trái phiếu sau khi có thông tin HNX công bố danh sách 54 doanh nghiệp từng chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu trong giai đoạn 16/9/2022-31/1/2023.
Cụ thể, Công ty có gói trái phiếu mã SCRBOND2019 (trị giá 80 tỷ đồng) đến hạn ngày 22/11/2022, đến ngày 23/11/2022, SCR đã thực hiện thanh toán cả nợ lãi và gốc trái phiếu.
Việc chậm thanh toán gốc, lãi của TTC Land đã được công ty xử lý ngay sau 1 ngày mà danh sách HNX được công bố. Điều này cũng đồng nghĩa, hiện nay dư nợ trái phiếu của TTC Land bằng 0.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản TTC Land khoảng 9.691 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả 4.623 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay ngắn và dài hạn 1.908 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 5.068 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu là 0,37 lần, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 0,9 lần.
Ngay sau đó, CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI) cũng lên tiếng lô trái phiếu SHIH212400 đã phát hành ngày 28/7/2021 và đến hạn ngày 28/7/2024. Tổng giá trị phát hành lô trái phiếu này là 280 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 21/12/2022, SHI đã gửi công văn số 146/CV-SH về việc đề xuất mua lại trước hạn trái phiếu SHIH2124001 và đã được Trái chủ chấp thuận theo công văn số 435/PVIAM-KĐT ngày 24/12/2022.
Theo thống nhất của hai bên, SHI sẽ mua lại trái phiếu sớm hơn so với phương án phát hành ban đầu. Cụ thể, SHI sẽ mua lại trái phiếu thành 5 đợt, bắt đầu từ ngày 18/1/2023 và sẽ kết thúc vào ngày 29/12/2023 (trước đây là 28/7/2024).
Ngày 18/1/2023, SHI đã thực hiện mua lại trước hạn 15% mệnh giá trái phiếu, tương đương 42 tỷ đồng, theo đúng lộ trình đã được thống nhất với Trái chủ. Giao dịch này đã thực hiện công bố thông tin tới Sở GDCK Hà Nội (HNX) và các tổ chức liên quan theo quy định hiện hành.
Vừa qua, ngày 23/2/2023, HNX đã công bố Danh sách tổ chức phát hành có công bố thông tin bất thường/báo cáo theo yêu cầu có nội dung chậm trả lãi cho Trái chủ, trong đó có SHI.
Theo thông tin công bố chính thức từ SHI thông tin thêm, ngày 24/2/2023, Công ty cũng đã có Công văn số 19/CV-SH giải trình về nội dung trên gửi đến HNX, được đăng tải trên website chính thức của Sơn Hà.
Nhieu doanh nghiep len tieng ve danh sach cham thanh toan goc, lai trai phieu
 Nhiều doanh nghiệp lên tiếng về tình trạng chậm trả gốc, lãi trái phiếu.
CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hà An - một doanh nghiệp con thuộc Tập đoàn Đất Xanh cho rằng gói trái phiếu có mã HAAN201910-07 đáo hạn ngày 24/10/2022 với tổng dư nợ trái phiếu đến hạn là 498 tỷ đồng, Hà An đã chủ động sắp xếp nguồn để thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo cam kết trái phiếu.
Tuy nhiên, do phát sinh lỗi kỹ thuật trong việc xử lý thủ tục chuyển tiền tại các Ngân hàng đã dẫn đến việc các giao dịch không được hoàn thành đúng hạn trong ngày 24/10/2022 và kéo dài tới ngày 26/10/2022.
Việc thanh toán chậm nêu trên hoàn toàn xuất phát từ nguyên nhân khách quan, đồng thời, Hà An cũng đã thanh toán đầy đủ toàn bộ số tiền lãi và lãi phạt phát sinh liên quan đến việc thanh toán trên.
Song song, CTCP BCG Energy (thuộc Bamboo Capital) cũng đính chính. Theo BCG Energy, hiện nay trên thị trường có một số thông tin hiểu chưa đầy đủ và đúng về thỏa thuận với đối tác của công ty về việc thay đổi thời hạn trả gốc trái phiếu phát hành bởi BCG Energy trên thông tin công bố về việc chậm trả lãi cho trái chủ theo Thông báo số 306/TB-SGDHN ngày 21/2/2023 của HNX.
BCG Energy cho biết đã cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý liên quan đến vấn đề này.
Cụ thể, ngày 4/9/2019, BCG Energy đã phát hành trái phiếu chuyển đổi, mã trái phiếu BONDBE/2019.01 cho Hanwha Energy Corporation Singapore Pte Ltd. Gói trái phiếu chuyển đổi trên trị giá 115,75 tỷ đồng (tương đương 5 triệu USD).
Trái phiếu sẽ đáo hạn sau 3 năm kể từ ngày phát hành, tức ngày 4/9/2022, và có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu của BCG Energy trong trường hợp Hanwha Energy lựa chọn chuyển đổi, trong trường hợp này phía BCG Energy sẽ không có nghĩa vụ thanh toán thêm.
Việc phát hành trái phiếu chuyển đổi này được thực hiện theo việc thỏa thuận chiến lược giữa hai bên để phát triển các Dự án năng lượng tái tạo tại thị trường Việt Nam.
Trong giai đoạn trái phiếu sắp đến hạn, xét đến những thay đổi về điều kiện thị trường cũng như việc chưa có một chính sách dài hạn về Năng lượng tái tạo trên thị trường Việt Nam, cùng với bối cảnh kinh tế toàn cầu có những biến động, Hanwha Energy và BCG Energy đã thương thảo việc chuyển đổi một phần khoản trái phiếu thành khoản nợ với kỳ hạn thanh toán cuối cùng được thay đổi đến ngày 30/6/2023.
Cho tới thời điểm 31/12/2022, BCG Energy đã thanh toán toàn bộ phần lãi phát sinh và 45 tỷ phần gốc cho Hanwha Energy. Khoản gốc còn lại là 70,75 tỷ đồng (tương đương với 3 triệu USD) đã được BCG Energy cùng với Hanwha Energy thống nhất phương án thanh toán phù hợp với nhu cầu của hai bên.
Sau khi hai bên cùng đạt thỏa thuận về thời gian trả gốc và lãi trái phiếu, BCG Energy tiến hành công bố thông tin lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội theo quy định pháp luật.
Liên quan đến Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No va (Novaland, NVL), công ty bất động sản của Chủ tịch Bùi Thành Nhơn vừa lên tiếng liên quan đến 2 lô trái phiếu NVLH2123009 phát hành ngày 12/8/2021 và NVLH2224005 phát hành ngày 16/2/2022.
Theo Novaland, vừa qua các biến động từ kinh tế vĩ mô cũng như các chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản, vướng mắc pháp lý... đã ảnh hưởng và gây khó khăn về thanh khoản cho hàng loạt doanh nghiệp bất động sản và công ty cũng không ngoại lệ.
Đối với lô trái phiếu NVLH2224005, Novaland cho biết chưa thu xếp được nguồn tiền để thực hiện thanh toán phần lãi đến hạn. Còn lô trái phiếu NVLH2123009, công ty đã rất nỗ lực thực hiện thanh toán phần lãi đến hạn.
Bên cạnh đó, Novaland cũng đề xuất trong thời hạn 2 tháng sẽ cùng trái chủ đưa ra phương án thanh toán tiền gốc trái phiếu phù hợp với thực tế dòng tiền của công ty.
Novaland còn đề xuất phương án bao gồm giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu trong thời gian phù hợp, hoặc hoán đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm bất động sản do công ty đang đầu tư và phát triển.
Novaland cho biết cũng đang quyết liệt tiến hành tái cấu trúc toàn diện với sự hỗ trợ và tư vấn của nhiều đối tác như EY - Parthenon, KPMG... nhằm đưa ra những giải pháp cơ cấu tài chính phù hợp, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi; hơn hết là nỗ lực để thực hiện các quyền lợi của các trái chủ, khách hàng và các bên liên qua.
Công ty cũng đang tập trung xây dựng bàn giao các sản phẩm bất động sản theo từng giai đoạn, từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước đó, VNDirect thông tin, với sự bùng nổ phát hành trái phiếu trong giai đoạn 2019 – 2021, tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn năm 2023 vào khoảng 300.000 tỷ đồng, (tăng 90% so với 2022). Trong đó bất động sản và tài chính - ngân hàng lần lượt chiếm 30% và 40%.
Từ đó đến nay, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều thông điệp nhằm xoa dịu tâm lý hoang mang của thị trường nhưng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cụ thể vẫn chưa được triển khai.
FiinRatings dự báo kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp sẽ chưa thể hồi phục về quy mô một cách mạnh mẽ và sôi động cho đến hết nửa đầu năm 2023.
Nguyên nhân do môi trường lãi suất sẽ cần thời gian giảm để kênh trái phiếu trở nên hấp dẫn trở lại so với các kênh đầu tư thay thế khác và các biện pháp chính sách can thiệp qua tín dụng ngân hàng, tháo gỡ pháp lý bất động sản và trực tiếp cho TPDN hiện nay vẫn đang trong giai đoạn trao đổi và thiết kế.
Trong trường hợp những vấn đề trên được giải quyết từ quý 2/2023, hoạt động huy động TPDN có thể có cơ hội bắt đầu hồi phục từ đầu quý 3/2023. Dĩ nhiên, một số tổ chức phát hành có chất lượng tín dụng tốt, hồ sơ pháp lý sạch và chương trình dự án sử dụng vốn TPDN rõ ràng và minh bạch vẫn sẽ có cơ hội phát hành thành công trên thị trường nợ trong nước cũng như một số giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN