Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, Mcredit chỉ đạt vỏn vẹn 43 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lao dốc 87% so mức 328 tỷ đồng của cùng kỳ 2023.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, vốn chủ sở hữu của Mcredit cũng giảm 3,6% so cùng kỳ, xuống còn 3.038 tỷ đồng.
Do đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Mcredit cũng giảm mạnh từ mức 21,92% của cùng kỳ xuống còn 1,39%.
Nợ phải trả cũng gấp tới 8,19 lần vốn chủ sở hữu, tương ứng tới 24.881 tỷ đồng, so mức 21.086 tỷ của cùng kỳ. Trong đó dư nợ trái phiếu chỉ chiếm 1.093 tỷ đồng.
Tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật cũng giảm từ mức 14,42% xuống còn 13,35%.
|
Một số chỉ tiêu tài chính của Mcredit |
Trước đó, năm 2021, Mcredit đạt hơn 479 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế với ROE 28,83%. Tuy nhiên sang năm 2022 các chỉ số này cải thiện mạnh khi lãi tăng gấp đôi lên 960 tỷ đồng và ROE đạt tới 40,65%.
Năm 2023, Mcredit bắt đầu thoái trào khi giảm tới gần 79% lợi nhuận sau thuế về còn 240 tỷ đồng, ROE cũng vỏn vẹn 8,2%.
Theo Chứng khoán Vietcap (VCSC), MCredit là công ty hàng đầu duy nhất có thể tăng dư nợ cho vay một cách nhất quán từ mức thấp kể từ năm 2021. VCSC cho rằng có thể là do MCredit tận dụng mạng lưới toàn quốc của Tập đoàn MB và Tập đoàn Viettel và chiến lược tập trung vào mảng thẻ và hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử để thúc đẩy cho vay tiêu dùng.
MCredit là công ty duy nhất trong số các công ty tài chính tiêu dùng lớn có thể cải thiện ROE trong giai đoạn 2018-2022 nhờ tăng trưởng năng động để chiếm thị phần trong khi vẫn đảm bảo chất lượng tài sản.
Theo VCSC, tỷ lệ nợ xấu của MCredit có dấu hiệu cải thiện trong 2 quý vừa qua nhờ chiến lược xử lý nợ tích cực.
VCSC kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng sẽ được cải thiện vào năm 2024, nhờ tín dụng tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian còn lại của năm 2024, nâng cao quy trình thẩm định tín dụng và hoạt động kinh tế cải thiện và lãi suất giảm so cùng kỳ sẽ hỗ trợ khả năng trả nợ của khách hàng tài chính tiêu dùng.
Bất chấp những thách thức còn tồn tại trong hoạt động thu hồi nợ do khuôn khổ pháp lý chưa toàn diện, các công ty tiêu dùng cho biết, hoạt động thu hồi nợ đang dần trở lại với kết quả tích cực và các công ty tài chính tiêu dùng đang chuyển hướng sang dịch vụ nội bộ hơn là sử dụng dịch vụ thuê ngoài, nhằm giảm thiểu rủi ro pháp lý.