Giám đốc phân tích BSC: Chứng khoán Việt Nam vẫn chưa tăng trưởng nhiều

Tại Talkshow Phố tài chính trên VTV8 mới đây, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Chứng khoán BIDV (BSC) đã có những chia sẻ về cơ hội đầu tư trong năm 2024.
 
Ông Long cho hay từ đầu năm đến nay, thanh khoản thị trường dần tốt lên đáng kể so với trung bình của năm 2023. Trung bình mỗi phiên giao dịch khoảng 900 triệu USD đến 1 tỷ USD, thậm chí có nhiều phiên 1,3-1,5 tỷ USD. Và nếu so sánh thì mức thanh khoản này của thị trường chứng khoán Việt Nam còn tốt hơn cả một số thị trường được đánh giá là emerging market theo phân loại của FTSE.
Xét về nguyên nhân dẫn đến dòng tiền dồi dào hơn trên thị trường, thứ nhất là do nhà đầu tư đang thấy triển vọng tương lai tốt hơn, những khó khăn đã phản ánh vào diễn biến của thị trường trong thời gian qua và bây giờ là cơ hội để đón xu hướng tăng trưởng về mặt doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian sắp tới.
Ngoài ra, dòng tiền còn được kích hoạt bởi mặt bằng lãi suất đang khá thấp. Hiện, lãi suất gửi tiết kiệm thời hạn 12 tháng, trung bình tại các ngân hàng đang loanh quanh 5%. Trong khi đó, chỉ số đảo ngược của P/E là E/P của thị trường chứng khoán hiện tại tầm 6,78%, nếu như năm nay là một năm phục hồi kinh tế và phục hồi lợi nhuận doanh nghiệp vào khoảng 17% theo như dự báo trong kịch bản cơ sở BSC đưa ra, thì chỉ số E/P sẽ tăng lên 7,8%, xấp xỉ 8%, một mức chênh lệch tương đối lớn so với tiền gửi tiết kiệm hiện nay, nên đó cũng là lý do khiến dòng tiền tham gia nhiều vào thị trường hơn.
Giam doc phan tich BSC: Chung khoan Viet Nam van chua tang truong nhieu
Ông Long chia sẻ tại Talkshow Phố tài chính. 
Và theo quan sát của ông Long, thông thường khi thị trường chứng khoán đi qua một chu kỳ điều chỉnh, thanh khoản sẽ giảm xuống 20-30%, thậm chí có thể giảm 40-50 % nhưng sau đó vào nhịp hồi phục và bước vào chu kỳ mới, thanh khoản sẽ thường cao hơn cả giai đoạn trước đó.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng, các nhóm ngành cũng đã có sự phục hồi, nhưng phục hồi mạnh nhất vẫn là nhóm Bluechip, không phải nhóm Midcap hay Penny như trong nhịp tăng trước đây của thị trường. Ông Long cho rằng từ đầu năm đến nay, khối doanh nghiệp lớn tiêu biểu nhất VN30 đều có mức độ tăng giá trên 10%, trong khi đó mức độ tăng giá của chỉ số Midcap hay chỉ số Smallcap là khoảng 7 - 8%.
Điều này được lý giải bởi năm ngoái, sau một giai đoạn giảm sâu thì trong 6 - 7 tháng đầu năm của năm 2023, thị trường có sự phục hồi mạnh, lúc đó cổ phiếu Smallcap và đặc biệt cổ phiếu Midcap tăng trưởng rất mạnh, tôi thống kê mức tăng trưởng vào lúc đỉnh điểm là tăng 28%, trong khi cả thị trường tăng tầm 12%, còn nhóm Bluechip chỉ tăng khoảng 8%. Đến thời điểm hiện tại, nó tạo sự chênh lệch nhất định với nhóm Bluechip.
Ngoài ra, khi nền kinh tế phục hồi, sự khởi sắc chắc chắn hơn lại đến từ những nhóm doanh nghiệp lớn, với khả năng đạt kết quả tương đối tốt. Ngoài ra, còn liên quan đến yếu tố thanh khoản.
Vào năm 2023, thanh khoản thấp hơn rất nhiều, do vậy nên những cổ phiếu vừa và nhỏ phù hợp với quy mô giao dịch của nhà đầu tư vào thời điểm đó, nhưng đến sang năm 2024 này, khi thanh khoản đã bắt đầu tiếp cận mức 1 USD, thậm chí là cao hơn, thì lúc đó dòng tiền vào lành mạnh hơn và lớn hơn, người ta sẽ thiên về những doanh nghiệp cỡ lớn hơn.
Nhà đầu tư “đãi cát tìm vàng” thế nào cho hiệu quả?
Thông thường trong một chu kỳ tăng trưởng đủ dài sẽ luôn có sự xoay chuyển giữa các nhóm ngành, giữa các nhóm cổ phiếu, thậm chí là trong một nhóm ngành cũng có những doanh nghiệp đầu ngành dẫn dắt… Dòng tiền sẽ quay vòng và lần lượt. Đối với câu chuyện của năm nay, với những chính sách vĩ mô hiện tại, những ngành sau đây sẽ là những nhóm ngành tiềm năng.
Thứ nhất là những nhóm ngành liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Việt Nam là một nước có nền kinh tế mở, chúng ta đã rất nhiều các hiệp định FTA với nhiều hoạt động thương mại với các quốc gia lớn. Trong năm ngoái hoạt động xuất nhập khẩu bị suy giảm tương đối lớn, nhưng năm nay các doanh nghiệp đang dần có đơn hàng trở lại và kỳ vọng ngành này sẽ dần phục hồi.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng đã thực hiện nâng cấp đối tác chiếc lược với nhiều quốc gia lớn trên thế giới, do vậy dòng vốn FDI được kỳ vọng tiếp tục chảy và Việt Nam. Và những ngành như bất động sản khu công nghiệp, logistics…sẽ được hưởng lợi khá nhiều.
Nhóm thứ hai liên quan đến hạ tầng vì Việt Nam cũng đang xác định phát triển hạ tầng là một trong những giải pháp mũi nhọn của nền kinh tế và điều này được thúc đẩy bởi các chính sách đầu tư.
"Trong năm vừa rồi, chúng ta đã giải ngân tầm 660.000 tỷ đồng và năm nay kế hoạch cũng tương đương như vậy và cao hơn một chút và chúng tôi thấy Chính phủ rất quyết tâm đạt mức độ cao của kế hoạch này. Những doanh nghiệp làm về cơ sở hạ tầng, cung cấp nguồn vật liệu… cũng sẽ phát triển theo" - Giám đốc Phân tích Chứng khoán BIDV cho hay.
Cuối cùng, chúng ta thấy là các luật sửa đổi liên quan đến đất đai, bất động sản…cũng đã được thông qua, tôi không kỳ vọng sẽ có một đợt tăng giá mạnh của bất động sản như những năm trước đây, nhưng chúng ta sẽ kỳ vọng thanh khoản thị trường bất động sản tốt dần lên. Nó cũng sẽ giúp cho những ngành nghề khác trong nền kinh tế đi lên, như là ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán hay bảo hiểm.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN