Vào ngày 12/9, giá dầu Brent tăng lên 92 USD/thùng (gần mức cao 10 tháng qua) do triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn và quan điểm lạc quan của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về khả năng phục hồi nhu cầu năng lượng ở các nền kinh tế lớn.
Theo ước tính của Bloomberg, thị trường dầu toàn cầu có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung hơn 3 triệu thùng/ngày trong quý 4/2023 - có khả năng là mức thâm hụt lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Vào ngày 5/9, Ả Rập Xê-út và Nga đã gia hạn cắt giảm sản lượng dầu cho đến cuối năm 2023. Cam kết này đã nâng tổng sản lượng cắt giảm của OPEC+ lên 4,96 triệu thùng/ngày (khoảng 5% nhu cầu toàn cầu) trong tháng 10 - 12/2023.
Theo Báo cáo thị trường dầu tháng 9 của OPEC, OPEC giữ nguyên dự báo về mức tăng trưởng mạnh của nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2023 và 2024 do tình hình kinh tế của các nền kinh tế lớn tốt hơn kỳ vọng. OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Theo Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn tháng 9 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), EIA dự báo mức tồn kho dầu toàn cầu sẽ giảm 0,6 triệu thùng/ngày trong quý 3/2023 và 0,2 triệu thùng/ngày trong quý 4/2023. Điều này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ giá dầu tăng với giá dầu Brent trung bình là 93 USD/thùng vào quý 4/2023.
Giá dầu Brent trung bình tính từ đầu năm đến nay đạt khoảng 81 USD/thùng, cao hơn 8% so với dự báo hiện tại của Chứng khoán VietCap (VCSC) là 75 USD/thùng cho năm 2023.
VCSC nhận thấy tiềm năng điều chỉnh tăng đối với dự báo giá dầu Brent năm 2023. Giá dầu cao có tác động tích cực cho các cổ phiếu dầu khí. Do đó, VCSC hiện có khuyến nghị Mua cho PVS, khuyến nghị Khả quan cho GAS, PVD và PVT, riêng BSR khuyến nghị Phù hợp thị trường.
Giá dầu tăng có tác động tích cực đối với GAS và BSR. Dự báo giá dầu cao hơn tương ứng tiềm năng điều chỉnh tăng đối với dự báo của VCSC đối với GAS do tác động trực tiếp đến giá khí đầu ra. Tương tự, VCSC kỳ vọng BSR sẽ hưởng lợi từ chênh lệch cao hơn của giá đầu vào và đầu ra.
Ngoài ra, giá dầu tăng gián tiếp mang lại tác động tích cực cho PVS, PVD và PLX. VCSC lưu ý rằng PVS có các mảng kinh doanh đa dạng hơn nên ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá dầu hơn so với PVD.
Ngược lại, tác động của giá dầu lên PVT là hạn chế do hầu hết các hợp đồng của PVT đều là hợp đồng thuê tàu định hạn, không sử dụng nhiên liệu. Triển vọng tích cực của PVT duy trì nhờ vào triển vọng nhu cầu cao do xung đột Nga-Ukraine và nguồn cung tàu chở dầu mới hạn chế.
Giá dầu cao có tác động tiêu cực nhẹ đến các công ty sản xuất phân bón DPM và DCM do giá khí đầu vào của các công ty này phụ thuộc vào giá dầu. Tuy nhiên, giá dầu cao hơn thỉnh thoảng có thể dẫn đến giá urê tăng.
Cuối cùng, giá dầu và khí tăng có thể tác động tiêu cực nhẹ đến các nhà máy điện khí như NT2 và POW. Các nhà máy này chuyển 100% giá khí cao hơn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho sản lượng theo hợp đồng (khoảng 80% tổng sản lượng điện thương phẩm).