Kết phiên giao dịch 14/2, chỉ số VN-Index giảm 29,75 điểm (-1,98%) xuống 1.471,96 điểm; HNX-Index giảm mạnh 1,38% xuống 421,01 điểm và UPCoM-Index giảm 1,5% xuống 110,85 điểm.
Áp lực bán tháo diễn ra vào cuối phiên đã kéo hàng loạt cổ phiếu ngân hàng lao dốc, trong đó, LPB và STB đều bị kéo xuống mức giá sàn.
Giữa lúc thị trường gặp khó và giảm điểm, vẫn còn cổ phiếu nhóm than - nhóm được mệnh danh là "vàng đen" vẫn tăng trưởng tích cực, như NBC của Than Núi Béo bứt tốc 6,9% lên mức 17.100 đồng/cp. Chỉ sau hơn một tuần giao dịch, cổ phiếu này đã tăng 34% giá trị.
Bên cạnh đó, TVD của Than Vàng Danh cũng tăng 5,4% lên mức 15.700 đồng/cp, có thời điểm cổ phiếu này đã tăng trần. So với mức giá 12.500 đồng/cp vào phiên 28/1, mã này đã tăng 27% giá trị.
Tương tự, TC6 cũng là một cái tên sáng giá trong nhóm cổ phiếu "vàng đen" khi đạt mốc 12.300 đồng/cp. Cũng tương tự như những mã trên, cổ phiếu này xác lập đà tăng sau kỳ nghỉ Tết khi tăng giá đến 26% giá trị chỉ sau vài phiên giao dịch.
Bên cạnh đó hàng loạt cổ phiếu than cũng đua nhau bứt phá trong phiên sáng này, điển hình là TDN (+2,9%), CST (+2,4%),...
|
Cổ phiếu than tăng mạnh giữa lúc thị trường gặp khó. |
Nguyên nhân tác động đến đà tăng của cổ phiếu than đến từ việc giá than quốc tế biến động mạnh trong thời gian gần đây. Tính đến ngày 14/2, giá than tương lai ở mức 245 USD/tấn, tăng 2,5% so với ngày trước đó và tăng 180,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2021 khi giá mặt hàng này gần chạm 270 USD/tấn.
Giá than tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá dầu mỏ thế giới tăng mạnh tuần qua, bên cạnh nhu cầu tiêu thụ "vàng đen" toàn cầu đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, trong khi nguồn cung gặp khó khăn để theo kịp.
Trong một báo cáo mới đây, SSI Research cũng cho rằng giá than ở Việt Nam không đồng pha với giá than thế giới do chính sách quản lý giá ở Việt Nam với chỉ hai đơn vị được phép khai thác và bán than trong nước là TKV và Tổng công ty Đông Bắc. Đáng chú ý, giá than trong nước thường chỉ được điều chỉnh khi có mức tăng lớn về chi phí sản xuất và thường chỉ diễn ra 3-4 năm/lần.
Sang năm 2022, SSI Research cho rằng ngành than sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực khi giá than trong nước dự kiến điều chỉnh từ 10 – 15% do chi phí sản xuất than đã tăng cao trong năm 2021 và nhu cầu từ nhiệt điện bắt đầu phục hồi trở lại khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Nhờ đó, các doanh nghiệp khai thác than đang niêm yết cũng sẽ bắt đầu được hưởng lợi khi đàm phán lại giá bán mới cho TKV trong năm 2022.
Tuy nhiên, báo cáo của SSI Research cũng lưu ý việc giá than khai thác ở Việt Nam đang đắt hơn nhiều so với thế giới ở trong giai đoạn bình thường, do đó dư địa tăng giá trong nước không còn nhiều, nhất là khi giá than thế giới có khả năng hạ nhiệt nhanh trong năm 2022.