Cổ phiếu bất động sản khiến nhà đầu tư vui trở lại

Trong nửa cuối tháng 11, thị trường chứng khoán Việt ghi nhận đà phục hồi ấn tượng của nhóm cổ phiếu ngành bất động sản với nhiều mã tăng nhiều lần.
Kết phiên giao dịch 2/12, cổ phiếu L14 của Licogi 14 tiếp tục ghi nhận mức tăng kịch trần 10%, đóng cửa ở 62.200 đồng/cp, đây đã là phiên tăng trần thứ 13 liên tiếp sau chuỗi giảm liên tục kéo dài.
Với đà tăng trần liên tiếp, L14 đã tăng một mạch hơn 219% chỉ sau nửa tháng, trở thành cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất thị trường giai đoạn này.
Tương tự L14, CEO của Tập đoàn CEO cũng ghi nhận mức tăng gần 170% trong nửa sau của tháng 11, hiện giao dịch ở mức 22.000 đồng/cp. Dù vẫn thấp hơn 74% so với giá giao dịch đầu năm, đà phục hồi mạnh trong hai tuần qua đã giúp CEO khép lại tháng 11 với mức tăng gần 42%.
Cũng ghi nhận hàng loạt phiên tăng trần liên tiếp giai đoạn này, cổ phiếu NLG của Đầu tư Nam Long đã khép lại tháng 11 với mức tăng 25% và cao hơn 60% so với đáy ghi nhận vào giữa tháng.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng tăng tích cực trong thời gian ngắn như HQC tăng gần 90% từ đáy; DIG, SCR tăng 80%; DXG tăng hơn 70%; KDH tăng 55%; CII tăng 48%...
Bộ đôi cổ phiếu bất động sản giao dịch tiêu cực nhất trong tháng 11 là NVL (Novaland) và PDR (Phát Đạt) sau hơn chục phiên giảm sàn liên tục cũng đã được giải cứu và ghi nhận tăng kịch trần 2-3 phiên gần nhất.
Co phieu bat dong san khien nha dau tu vui tro lai thang 11
 Cổ phiếu bất động sản hồi phục trở lại nửa cuối tháng 11.
Kỳ vọng đà phục hồi tới đâu?
Theo giới phân tích, đà giảm quá mạnh trước đó đã khiến thị giá các mã nhóm bất động sản giảm rất sâu, thậm chí về dưới giá trị sổ sách (giá trị dựa trên báo cáo tài chính của một doanh nghiệp, được tính theo toàn bộ tài sản trừ các khoản nợ phải trả), điều này đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy.
Bên cạnh đó, cổ phiếu bất động sản được đón nhận thông tin Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức cân đối nguồn vốn, giải ngân tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện tại, dư nợ tín dụng toàn hệ thống mới tăng khoảng 11,5%, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 là 14%, do đó, vẫn còn dư địa để các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Agriseco nhấn mạnh không đánh giá cao đợt hồi phục của nhóm cổ phiếu bất động sản, bởi các rủi ro, khó khăn của ngành vẫn còn kéo dài trong 1-2 năm tới, song đây là cơ hội để cơ cấu lại danh mục.
Dù vậy, nhà đầu tư vẫn nên kiểm soát rủi ro danh mục thông qua việc duy trì tỷ lệ tiền mặt nhất định và chỉ tham gia với tỷ trọng vừa phải khoảng 20-20% danh mục cũng như hạn chế sử dụng đòn bẩy ở thời điểm hiện tại phòng trường hợp thị trường đột ngột đảo chiều.
Thống kê của VNDirect cho biết trong quý 4, bất động sản là nhóm có khối lượng trái phiếu riêng lẻ đáo hạn lớn nhất với hơn 20.000 tỷ đồng. Trong đó, số lượng này chỉ bao gồm các đợt phát hành riêng lẻ từ năm 2019 và không bao gồm các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn.
VNDirect cũng dự báo ngành bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như chính sách thắt chặt tín dụng và giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà và các nút thắt về pháp lý bất động sản nhà ở khó có cải thiện đáng kể, ít nhất đến khi Luật đất đai sửa đổi hoàn thành trong quý 4/2023.
Trong khi đó, báo cáo mới của Chứng khoán BSC cho rằng sau khi giảm rất mạnh từ đầu năm, bất động sản, ngân hàng, tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng, cảng biển đang là các nhóm ngành có định giá hấp dẫn so với mức bình quân 5 năm.
Các chuyên gia tại đây kỳ vọng nhóm cổ phiếu trên sẽ có hiệu suất tốt so với phần còn lại trong nửa cuối năm 2022. Trong đó, tâm điểm hướng đến của dòng tiền sẽ là các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, có câu chuyện riêng đi kèm yếu tố tăng trưởng lợi nhuận và bảng cân đối tài chính khỏe mạnh.
Hiện nay, nhiều cơ quan đã quyết liệt đưa ra các giải pháp để tháo dỡ khó khăn cho ngành bất động sản nên nhiều hy vọng cổ phiếu ngành này được hưởng lợi và phục hồi đà tăng trước đó.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đề nghị xem xét nới trần (room) tín dụng thêm 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng hơn 100 ngàn tỷ đồng trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 đến trước Tết Quý Mão 2023.
Hiệp hội đánh giá nguồn vốn tín dụng bổ sung này còn tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay để dần trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa quan trọng để chia sẻ, làm giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng chủ yếu là cung ứng vốn lưu động cho nền kinh tế và chỉ nên sử dụng tối đa không quá 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn (tiền gửi tiết kiệm) để cho vay trung hạn, dài hạn theo lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản của Ngân hàng Nhà nước
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN