Dù “sụt giảm” nhưng cơ cấu phát hành trái phiếu doanh nghiệp đa dạng hơn
Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của FiinRatings vừa công bố cho thấy, tại thị trường sơ cấp, giá trị phát hành tháng 10/2024 giảm đáng kể so với tháng trước do quy mô phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng (TCTD) chậm lại, đạt 33.000 tỷ đồng với 38 đợt phát hành, giảm 41,4% so với tháng trước nhưng tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là tháng có giá trị phát hành thấp nhất kể từ tháng 7 năm nay, chủ yếu do hoạt động của nhóm ngành dẫn dắt thị trường là nhóm tổ chức tín dụng chậm lại, sau khi đã phát hành đáng kể trong tháng trước để đáp ứng các tỷ lệ an toàn cuối quý 3 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đặc biệt, cơ cấu phát hành theo ngành nghề có phần đa dạng hơn khi trái phiếu của TCTD giảm tỷ trọng còn 58% so với mức trên 80% các tháng trước đây do nhiều nhóm ngành khác đã phát hành những lô trái phiếu có giá trị lớn trong tháng 10. Hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 10/2024 đạt gần 17,5 nghìn tỷ đồng, giảm 14,5% so với tháng trước.
Đối với thị trường thứ cấp, thanh khoản trên thị trường thứ cấp tăng nhẹ trở lại trong tháng 10/2024, đạt mức bình quân 5.100 tỷ đồng/ngày. Trong đó, ngân hàng và bất động sản vẫn chiếm phần lớn giá trị giao dịch của tháng, với lần lượt tỷ trọng đạt 45,9% và 29,3%. Dữ liệu cho thấy, giao dịch trên thị trường thứ cấp sôi động nhất ở các kỳ hạn 1-3 năm đối với trái phiếu ngân hàng và 3-5 năm đối với trái phiếu phi ngân hàng.
Áp lực đáo hạn trong giai đoạn cuối năm 2024 đạt 54,4 nghìn tỷ đồng, đặc biệt là tháng 12 khoảng hơn 43 nghìn tỷ đồng và tập trung vào nhóm doanh nghiệp phi tài chính, cụ thể là ngành bất động sản và sản xuất (chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và ô tô). Trong đó, FiinRatings đánh giá có khoảng 10.000 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu có nguy cơ chậm trả đến cuối năm đến từ một vài doanh nghiệp bất động sản có tình hình tài chính không tốt.
|
Việt Nam đang trong quá trình xây dựng dự thảo để ban hành khung phân loại trái phiếu xanh và tín dụng xanh |
Sự sôi động trở lại của trái phiếu xanh
Các chuyên gia nhận định thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam có tín hiệu sôi động. Tuy nhiên, so với một số quốc gia trong khu vực, số lượng trái phiếu xanh còn khá khiêm tốn. Do đó, để thúc đẩy doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh cần hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam.
FiinRatings thông tin thêm, tính từ đầu năm đến 20/11/2024, đã có 4 lô trái phiếu xanh được phát hành theo Nguyên tắc Xanh của Hiệp hội Thị trường vốn Quốc tế (ICMA) với tổng giá trị gần 6,9 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng giá trị phát hành trong kỳ. Các lô trái phiếu này đều được các tổ chức độc lập thực hiện đánh giá xác nhận.
Tháng 10 vừa qua ghi nhận lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng do CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I phát hành (thuộc lĩnh vực thủy sản) được bảo lãnh thanh toán bởi GuarantCo. Đây cũng là lô trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành bởi một doanh nghiệp phi tài chính.
Giai đoạn 2016-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,1 tỷ USD (khoảng gần 27 nghìn tỷ đồng) trái phiếu xanh, xã hội và bền vững.
Đồng thời, chuyên gia nhận định so với những năm trước, thị trường đang chứng kiến sự sôi động trở lại của trái phiếu xanh, xã hội và bền vững. Các doanh nghiệp đang chủ động xây dựng khung tài chính xanh/khung trái phiếu xanh và thực hiện đánh giá độc lập trước phát hành theo tiêu chuẩn quốc tế như của CBI và ICMA, với những khung phát hành tiên phong từ Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mới đây là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I và Công ty TNHH Nước Sạch Hòa Bình – Xuân Mai.
Việt Nam đang trong quá trình xây dựng dự thảo để ban hành khung phân loại trái phiếu xanh và tín dụng xanh nhưng các giao dịch trái phiếu xanh được phát hành trong thời gian gần đây có phần khởi sắc hơn nhờ vào khung pháp lý cơ bản bước đầu và đặc biệt là sự tự nguyện của các thành viên trên thị trường. Thực tế các giao dịch trái phiếu xanh gần đây cho thấy đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, FiinRatings đánh giá.
Mới đây nhất, Vietcombank đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh để cho vay các dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và dự án mang lại lợi ích về môi trường.