Sập bẫy tình bạn tay ba

Cô ấy tự hiểu hết mọi tình thế mà cả ba chúng tôi đang lâm vào và cô ấy quyết định lợi dụng chuyện này đề chiếm lấy tôi. 

Chúng tôi là một bộ ba chơi thân với nhau từ ngày còn học cấp 2. Thông thường người ta thấy một nhóm 2 chàng trai và 1 cô gái. Nhưng chúng tôi là 2 cô gái và 1 chàng trai. Tôi yêu quý cả 2 cô bạn gái của tôi vì tính cách trái ngược của họ: một người thì mạnh mẽ, sôi nổi, phóng khoáng, tự tin. Còn người kia thì dịu dàng, nhỏ nhẹ, thâm trầm, sâu sắc. Họ khác nhau đến kì lạ và tôi luôn là điểm giữa cân bằng giữa họ. Đôi lúc, tôi từng nghĩ họ thân nhau chỉ vì tôi. Vì cả hai đều không muốn mất tôi, mà tôi thì cần cả hai người họ.
Ngay từ ngày còn bé, tình cảm bộ ba của chúng tôi đã không mấy đơn giản vì tính cách khác nhau giữa 2 cô bạn gái và tôi đã luôn tìm cách chiều lòng cả người này lẫn người kia. Chỉ có tôi mới hòa giải được họ và làm cho họ chịu đựng được nhau. Nhưng ngày đó, tôi và ngay cả các cô bạn cũng nghĩ rằng đó chỉ là vì sự trẻ con của cả 3 đứa.
Lên đến cấp 3, mối quan hệ của chúng tôi ngày càng khó khăn hơn. Những xung đột xảy ra nhiều hơn và thường là xung quanh tôi, hay chính xác hơn là xung quanh lý do: tôi chiều bạn nào hơn, đứng về phía nào hơn. Riêng bản thân tôi, tôi cảm thấy mình ngày càng nghiêng về N, vì nàng mạnh mẽ, lôi cuốn và làm tôi cảm thấy thoải mái hơn khi bên cạnh. Nhưng thể hiện ra bên ngoài thì tôi lại phải nhịn và chiều H hơn vì cô ấy luôn yếu đuối, mít ướt. Tôi luôn nghĩ rằng H có thể tự vượt qua mọi điều và hiểu “tình thế” của tôi trong tình bạn tay ba này. Chúng tôi cũng bắt đầu ít đi chơi chung, ít gặp nhau chung. Thường là tôi gặp một trong hai người. Hiếm hoi lắm, khi tôi rất cố gắng thì mới có thể có cuộc gặp tay ba. Dù vậy, chúng tôi vẫn tự coi mình là một nhóm.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Tôi xác định tình cảm của mình và ngỏ lời với N năm tôi học năm thứ hai đại học. Cô ấy cũng yêu tôi và tình yêu của chúng tôi đã có thể rất hạnh phúc nếu không… vướng H. Cả hai chúng tôi đều biết rằng H rất yêu tôi, quá yêu tôi. Điều làm chúng tôi khổ sở nhất chính là H vừa trải qua những cú sốc lớn trong gia đình và cô ấy đang rất suy sụp. Cô ây gần như sống dựa hẳn vào tôi. Chính vì thế, cả tôi và N. quyết định không vội nói ra chuyện chúng tôi yêu nhau và dự định sẽ kết hôn khi tốt nghiệp đại học, tìm được việc làm. Thậm chí người yêu tôi còn tỏ ra hết sức cao thượng khi dẹp bỏ lòng ghen tuông của phụ nữ, chấp nhận cho tôi dành nhiều thì giờ với H hơn để giúp cô ấy vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc đời.
Thế nhưng tôi hoàn toàn không ngờ là H cũng đã tự hiểu hết mọi tình thế mà cả ba chúng tôi đang lâm vào và cô ấy quyết định lợi dụng chuyện này đề chiếm lấy tôi. Cô ấy đã đặt ra một kế hoạch để bẫy tôi trở thành người đàn ông của cô ấy và tôi đã không biết kiềm chế. Không ngờ, chỉ một lần duy nhất đó đã khiến cô ấy có thai. Khi tôi phát hiện ra sự thật và biết rằng tất cả được cô ấy lên kế hoạch từ trước, cô ấy tuyên bố rằng tôi chỉ có 1 chọn lựa là cưới cô ấy thì cô ấy sẽ giấu chuyện mình có thai. Tôi chỉ cần nói với N và tất cả mọi người trong gia đình ba người là tình cảm thay đổi và muốn cưới cô ấy. Bằng không, cô ấy sẽ nói với tất cả là bị tôi lợi dụng tình cảnh cưỡng hiếp này nọ, để N căm thù và khinh bỉ tôi nhiều hơn.
Thật sự giờ đây trong lòng tôi rất rối. Tôi chỉ muốn bỏ đi xa, biến mất với cả N và H, để tự trừng phạt mình. Nhưng còn đứa con trong bụng H… Cô ấy nói nhất quyết sẽ sinh nó ra dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu và sẽ chờ đợi tôi cả đời này cũng được. Tôi thương N, cô ấy vẫn chưa biết chuyện gì mà cứ hỏi thăm tôi về H xem H có thấy khỏe hơn không, vui hơn không.
Tôi biết rằng viết ra câu chuyện này, tôi sẽ bị mọi người xỉ vả, chửi bới nặng nề. Nhưng điều tôi cần đây không phải là sự trách mắng, mà xin mọi người hãy cho tôi một lời khuyên: tôi phải làm gì đây? Cưới H và làm bố của con cô ấy dù tôi không hề yêu và đang hết sức khinh bỉ cô ấy vì những gì cô ấy cố tình làm để cột chân tôi, phản bội tình bạn của N? Dứt khoát mọi chuyện với H, thú nhận sự thật với N và giữ tình yêu của mình? Chấm dứt với cả hai và bắt đầu cuộc sống khác?

Cứ để tình dang dở cho tình đẹp…

Suy cho cùng đàn bà chúng mình chỉ cần có một người hết lòng thương yêu thôi là đủ. Mơ mộng làm chi? Tiếc nuối cũng được gì?

Đêm cuối cùng được nằm cạnh bên nhau em thấy chị đã khóc rất nhiều. Những tiếng khóc cố kìm nén trong cơn nấc nghẹn khiến em không khỏi xót xa. Có phải người con gái nào cũng thao thức, trằn trọc, đầm đìa nước mắt trong đêm trước ngày về nhà chồng không chị? Như bao nhiêu nỗi tủi hờn cứ thế vỡ òa, giọt nào cho nỗi chia xa gia đình? Còn giọt nào cho những thương yêu ngày cũ?

Ngoài kia tiếng nhạc đám cưới vẫn vang lên, thanh niên vui hát hò tưng bừng làm xáo trộn cả con ngõ nhỏ ngày thường vốn buồn hiu hắt. Phía sau nhà được căng bạt, bật điện sáng chưng, đội nhà bếp tất bật lo chuẩn bị nguyên liệu cho cỗ cưới ngày mai. Trong lúc lòng ngập ngụa nỗi buồn chị chạy vòng từ đằng trước ra đằng sau không tìm thấy một chỗ nào vắng người để khóc. Nên đành chui vào căn buồng chật chội đang bày biện đủ thứ vật dụng cho ngày cưới để rồi tức tưởi giữa những bộn bề. Chỉ mai thôi sẽ có người đàn ông cầm hoa cưới bước vào căn phòng này đưa tay đón chị. Căn phòng này rồi chỉ còn mình em ở lại với những đêm dài rộng. Nên đêm nay lúc nghe chị dặn “Em ơi! Em ở lại nhà…” thì lòng em cũng trũng như sông…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Lời dặn của chị làm em nhớ đến những câu thơ trong bài “Lỡ bước sang ngang” của nhà thơ Nguyễn Bính. Dù chẳng có gì thi vị để nghĩ về thơ lúc này đúng không chị. Vậy mà em vẫn không khỏi xót xa cho những người phụ nữ, đâu chỉ thời của Nguyễn Bính mới thở hắt ra một tiếng than dài: “Tuổi son má đỏ môi hồng/ Bước chân về đến nhà chồng là thôi”. Chị hình như cũng mang tâm trạng buồn khổ giống người con gái trong bài thơ ấy. Người đàn ông mà chị đã dành cả tuổi thanh xuân đẹp đẽ để yêu, để chờ đợi và hy vọng cuối cùng cũng không về bên chị. Bao nhiêu mộng ước bấy lâu hóa ra chỉ có mình chị xây đắp miệt mài như loài kiến thợ.

Cuối cùng thì bão giông ập đến, mình chị đâu đủ sức chống trả nổi với đời. Người ngày mai chị chính thức gọi là chồng lại không phải người chị thương yêu. Chỉ là một cái gật đầu để thấy mình có như con thuyền buông bờ giờ đã có bến đỗ thôi. Thì vậy đi, chị hãy vui với lựa chọn của mình. Em nghe nói người ta thương chị lắm. Mà có phải ai cũng lấy được người mình yêu đâu chị. Thôi thì cứ để tình dang dở cho tình đẹp. Nếu không vì chị thì cũng nên vì người đàn ông ngày mai sẽ cùng chị cúi lạy trước bàn thờ tổ tiên ấy để mà gắng sống vui. Bởi suy cho cùng đàn bà chúng mình chỉ cần có một người hết lòng thương yêu thôi là đủ. Mơ mộng làm chi? Tiếc nuối cũng được gì?

Ngày mai chị đi lấy chồng, hẳn trong những dòng nước mắt khóc ướt vai em có nỗi lo dành cho bố mẹ già. Thuyền theo lái, gái theo chồng, chị cứ vun vén cơm lành canh ngọt nhà chồng, chuyện lớn bé ở nhà vẫn còn có em đây. Nhà không có anh em trai, nên suốt mười năm dài chị gánh vác gia đình cong oằn cả hai vai. Nào thì tiền nuôi các em ăn học, nào tiền thuốc thang chăm bẵm bố mẹ già. Chị không giữ cho riêng mình được thứ gì, dù là vài chỉ vàng làm vốn dắt lưng khi về nhà chồng. Chị coi như đã dành một phần đời thảo thơm báo hiếu mẹ cha thì giờ cũng nên nhẹ lòng mà cất bước. Em cũng lớn rồi mà chị, thôi hãy để em vỗ về những lo toan ấy. Chị ngủ đi chị ơi, vì thực ra đêm nay không phải một đêm dài…

Tình chồng, nghĩa vợ cao hơn núi

Tình yêu bao la và sự tận tụy của ông là “thần dược” giúp người vợ chiến thắng bệnh tật hiểm nghèo.

Suốt 10 năm qua, chưa một đêm nào ông yên nhấc. Ông thức để chăm sóc, đỡ đần người vợ hiền của mình mang bệnh trọng. Tình yêu bao la và sự tận tụy của ông là “thần dược” giúp người vợ chiến thắng bệnh tật hiểm nghèo.

Người đàn ông được cả xã ca tụng ấy là Cao Văn Thảnh (SN 1956) ở thôn Xuân Trì, xã Hoàng Hanh, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Suốt 10 năm qua, một mình ông quán xuyến việc nhà, chăm sóc vợ bị tai biến não và nuôi các con ăn học nên người. Tất cả sự ấm cúng, đủ đầy trong ngôi nhà nhỏ sạch sẽ và ngăn nắp đều do đôi bàn tay của ông tạo dựng.

Chăm vợ là hạnh phúc

Mặt trời chưa tỏ, ông Thảnh đã thức giấc. Như một cái máy, ông nhanh tay nhặt rau, vo gạo nấu cơm… Tiếp đó, ông lại tất bật chuẩn bị cám bã, dọn dẹp mấy chuồng lợn. Mặt trời ló rạng cũng là lúc ông cho đàn cá trong ao ăn xong. Ông làm mọi việc nhanh ngọn và chuẩn xác tựa như được lập trình. Đàn cá, đàn lợn, đám gà đã êm dạ, không kêu inh ỏi nữa cũng là lúc ông vào đỡ người bạn đời (bà Nguyễn Thị Nhan sinh năm 1963) dậy. Từ nhiều năm nay, vợ ông bị tai biến não nên không thể tự lo cho bản thân, mọi việc sinh hoạt hàng ngày đều do ông đỡ đần.

Đôi tay chai sần của ông lúc này tựa như một làn gió mát, một tay ông đỡ sau lưng, một tay ông nhẹ nhàng dùng khăn rửa mặt, đánh răng cho vợ. Bà Nhan tựa vào vai người chồng để cho chồng giúp mình vệ sinh buổi sáng mà ánh mắt tràn muôn hạnh phúc. Đoạn ông, nhẹ nhàng chải tóc cho bà. Tay nâng niu từng đọn tóc phần nhiều đã chuyển màu bạc của bà, ông trêu: “Tóc mình vẫn mượt như ngày hẹn hò bên bụi tre đầu làng ấy nhỉ”. Nghe chồng “tán”, bà Nhan … mắng yêu: “Ông chỉ giỏi nịnh!”.

Mỗi khi chăm sóc vợ là lúc ông Thảnh cảm thấy hạnh phúc nhất.
Mỗi khi chăm sóc vợ là lúc ông Thảnh cảm thấy hạnh phúc nhất. 
Với ai đó khi phải chăm sóc người thân ốm đau là cực hình thì với ông Thành, mỗi khi chăm sóc vợ là lúc ông Thảnh cảm thấy hạnh phúc nhất. Mái tóc của bà Nhan được búi cao hay búi thấp, dùng cặp mái hay cặp ngôi đều do ông Thảnh … tự quyết. Ông Thảnh thường nói vui với vợ rằng: “Tôi thích nhất là bà để mái tóc buông xuôi như ngày là thiếu nữ, thơm mùi bồ kết”. Từ ngày vợ bị ốm không thể tự chăm sóc cho mình, ông Thảnh được “toàn quyền” quyết định chuyện tết tóc hay búi tó cho bà. Nhìn cách ông âu yếm mái tóc bà mà tôi cũng thấy…nao nao trong lòng. Thấy tôi khen tài nghệ búi tóc của ông Thảnh, bà Nhan làm vẻ trách móc: “Ông ấy thích tết, cặp tóc kiểu gì là phụ thuộc vào tâm trạng của ông ấy mỗi ngày”.

Mỗi ngày mới của vợ chồng ông Thảnh quả là đặc biệt. Người cựu binh năm xưa nhẫn nại, ân cần thay vợ làm mọi việc bếp núc một cách hoàn hảo. Vệ sinh các nhân cho vợ xong xuôi, ông lại đỡ bà ngồi tựa ghế, nhanh chân xuống bếp mang cơm lên cho vợ ăn sáng. Hôm nào bà Nhan thấy trong người mệt mỏi, ông Thảnh thay cơm bằng cháo, ngồi bên đút cho vợ từng thìa. Khi bà ăn xong, ông để bà ngôi xem ti vi hoặc thư giãn rồi lại tất bật xách cái làn đi chợ để lo bữa trưa, bữa chiều.

Suốt 10 năm qua, ngày nào ông Thảnh cũng lo cơm ngon canh ngọt và vỗ về từng giấc ngủ cho vợ. Ông Thảnh kể, chăm sóc vợ bị tai biến, ông phải thay đổi giờ giấc sinh hoạt của bản thân: Ăn cơm tối xong ông đi ngủ sớm để tầm giữa đêm là thức dậy. Vợ ông không thể nằm lâu một chỗ, cứ khoảng mỗi nửa tiếng ông lại phải giúp vợ trở mình một lần. Bà trở mình xong, ông lại nhè nhàng ngồi bên vỗ về để … ru bà ngủ. Con cái đã lớn nhưng hai cô gái lớn thì đã lấy chồng, cậu út đang học đại học xa nhà nên mọi việc của gia đình đều một tay ông lo liệu.

Yêu trọn một đời

“Nếu như Hội Phụ nữ địa phương mà cho cánh nam giới tham gia phong trào đảm việc nước giỏi việc nhà có lẽ ông Thảnh năm nào cũng dành giải cao nhất” – nhiều người xung quanh nói về ông Thản. Vất vả là thế, hy sinh là thế nhưng trong câu chuyện của ông Thảnh, không bao giờ có chỗ ở cho những thở than.

Hôm chúng tôi đến thăm nhà, ông và người bạn đời của mình đang ngồi nghỉ ở phòng khách. Mỗi khi thấy vợ muốn đứng dậy, ông Thảnh lại nhanh chóng chạy qua đỡ bà. Tuy bà Nhan không tự làm mọi việc được vì đôi tay bị co quắp nhưng nom thần sắc của bà khá tốt, nét rạng rỡ trên khuôn mặt trái xoan xinh đẹp của cô thôn nữ được coi là hoa khôi của thôn Xuân Trì năm nào chưa phôi phai. Nhìn tinh thần phấn khởi, đầy lạc quan của người bệnh đủ để cảm nhận ông Thảnh đã chăm sóc vợ chu đáo đến nhường nào.

Còn nhớ, năm 1983, khi “anh bộ đội cụ hồ” là ông Thảnh rời quân ngũ về địa phương đã làm lao xao trái tim nhiều thôn nữ. Người có may mắn “bắt” được anh bộ đội đó là cô Nhan – hoa khôi của thôn. Đôi trai tài gái sắc nên duyên, bà con trong thôn ai cũng mừng. Vùng quê lúa Ninh Giang khi đó còn khó khăn lắm nhưng đôi vợ chồng trẻ luôn cố gắng làm lụng dựng xây mái ấm hạnh phúc. Ông Thảnh biết nhiều nghề, lại tại xoay sở, bà Nhan chịu thương, chịu khó nên những khó khăn ban đầu của đôi vợ chồng trẻ qua mau.

Gia đình vợ chồng ông Thảnh – bà Nhan với 3 người con đang êm đềm hạnh phúc thì năm 2004, bà Nhan bỗng dưng bị một cơn tai biến não. Từ một người phụ nữ khỏe mạnh, bà Nhan rơi vào cảnh “bán thân bất toại”, chân tay co quắp, không tự chủ được các động tác của cơ thể. Vợ bị bệnh, ông Thảnh đã không quản ngại khó khăn đưa vợ đi khắp các bệnh viện để chữa trị. Hễ nghe đâu có bài thuốc hay ông đều lặn lội tìm mua cho vợ bằng được. Suốt 2 năm ròng, vừa lo làm kinh tế, vừa lo cho các con ăn học, vừa lo chạy chữa cho bà nhưng không không hề nản chí. Trong khó khăn, tinh thần kiên cường của anh lính cụ Hồ lại như được tôi luyện ở ông. Gần năm trời ông Thảnh đón cả thầy thuốc về ăn ở tại nhà mình để trị bệnh cho vợ. 3 người con đang tuổi ăn tuổi học, mẹ bị bệnh nặng sinh ra nản chí, ông Thảnh phải ra sức động viên, làm chỗ dựa cho các con tiếp tục anh tâm học hành.

Cô con gái lớn đỗ đại học, rồi con gái thứ hai, cậu út cũng theo chân nhau lên Hà Nội. Các con càng học cao càng tốn kém nhưng ông không để các con thua bạn kém bè. Suốt cả ngày ông vật lộn với ao cá, đàn lợn, đàn gà để kiếm tiền lo cho vợ con. Giờ đây, 2 cô con gái đã ăn học nên người và lập gia đình, cậu út đang học năm thứ hai trường đại học Bách khoa Hà Nội.

Từ ngày vợ bị bệnh, ông chưa rời nhà lấy một ngày. Ông bảo chẳng dám đi đâu vì để bà ở nhà không có bàn tay chăm chút của chồng thì ông không an tâm. Có việc đi đâu ra khỏi đầu làng cuối xóm là ruột gan ông nóng như lửa đốt, nhanh nhanh chóng chóng là về nhà với vợ ngay. Thi thoảng, bạn bè đồng ngũ ở khắp nơi lại đánh xe về tận nhà mời ông đi chơi, ông chỉ cười xòa xin .. kiếu.

Vợ bị ăn hiếp mà chồng “bỏ của chạy lấy người”

Tôi nghe tiếng la ré như xé vải quen quen, không ai khác là cô vợ yêu quý. Xấu hổ quá, tôi cứ thế chạy luôn không về nhà.

Chiều hôm ấy, sau khi tan sở, tôi chạy xe về nhà. Về gần đến nhà thì tôi thấy xóm tôi đang xảy ra một vụ cãi nhau làm náo loạn cả xóm. Tôi nghe tiếng la ré như xé vải của ai đó, nghe quen quen. Chẳng cần nhìn kỹ tôi cũng biết nhân vật chính của cuộc náo loạn đó không ai khác mà là cô vợ yêu quý của tôi. Xấu hổ quá, tôi cứ thế chạy luôn không về nhà.

Khi thành phố đã lên đèn tôi mới trở về nhà, tưởng thế là được yên chuyện. Ai ngờ vừa vào cửa, tôi đã bị vợ mắng cho té tát vì tội thấy vợ bị ăn hiếp mà “bỏ của chạy lấy người”. Tôi luôn là chỗ để vợ trút tàn dư cơn thịnh nộ với xóm giềng.

Không phải tôi không thương vợ, không phải tôi không đau lòng khi thấy vợ bị ăn hiếp, không phải tôi không can đảm che chở cho vợ mà đơn giản chỉ một điều: Những chuyện như vậy xảy ra như cơm bữa ở xóm tôi mà trong ¾ số vụ đó vợ tôi thủ vai chính. Có hôm mới sáng sớm chưa thức dậy, tôi đã nghe tiếng chửi bới the thé “mở hàng” của vợ chỉ vì một sự xích mích nhỏ với hàng xóm. Tôi chẳng còn dám ngẩng cao đầu nhìn hàng xóm khi mà vợ luôn làm tôi mất mặt. Tôi luôn lấy cớ để ra khỏi nhà từ sáng sớm và trở về nhà khi thành phố đã lên đèn. Vậy mà tôi cũng không được yên thân, vợ hay xách mé: "Anh mới được thăng chức lên làm sếp à? Sếp gương mẫu nhỉ? Được thế thì tôi đây đâu phải khổ…”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Ngày xưa, tôi đã từng bị “đổ” vì giọng nói như hát, tính cách nhẹ nhàng của vợ. Từ khi đứa con đầu lòng ra đời, cuộc sống gia đình tôi đã chẳng còn chút yên ấm nào. Những lo toan thường nhật khiến cho tính cách dịu dàng của vợ đã biến mất. Cuộc sống vô vàn khó khăn của đôi vợ chồng trẻ với hai bàn tay trắng đã biến vợ thành một con người hoàn toàn xa lạ. Vợ bỗng trở nên chanh chua, chát chúa, không biết phải trái khiến cho tôi bị sốc, bị tổn thương rất nhiều . Rất nhiều lần, tôi tự hỏi chính mình, phải chăng tôi quá bất tài khi không lo được cho vợ con một cuộc sống sung sướng. Phải chăng nếu tôi để vợ không phải lo lắng đến “cơm áo gạo tiền” thì vợ sẽ trở lại như ngày xưa kia?

Tôi lao vào kiếm tiền, tôi làm tất cả những điều đó chỉ vì tình yêu dành cho vợ con, để vợ con không phải hổ thẹn với đời. Chỉ buồn một nỗi, vợ chưa bao giờ cảm thấy vừa lòng. Vợ luôn so bì với những đứa bạn cùng trang lứa. Vợ luôn tự trách bản thân sao ngày xưa không chọn anh A, anh B đã có sẵn địa vị cao quý để giờ đây chỉ việc mà “ngồi mát ăn bát vàng”. Vợ đâu biết rằng chính những lời nói và hành động của vợ càng ngày càng đẩy hạnh phúc gia đình mình xuống bờ vực thẳm. Bữa cơm gia đình hầu như chỉ nghe thấy âm thanh khô khốc, lạch cạch của bát đũa, của tiếng thở dài mà không phải là những câu chuyện vui, chuyện buồn cần chia sẻ với nhau. Chưa dừng lại ở đó, vợ còn “giận cá chém thớt” sang cả con, vợ quát con bằng những lời lẽ chợ búa rất khó nghe. Tôi luôn lo lắng cách dạy con như vậy sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của một đứa trẻ, làm nhiễm thói quen xấu ấy vào tâm hồn trong trắng của chúng. Những bất đồng vợ chồng ngày càng nhiều, khoảng cách vợ chồng ngày càng xa.

Đã có lúc tôi cảnh báo vợ rằng cái gì cũng phải có mức độ giới hạn của nó. Tôi đã không thể tìm thấy sự bình yên, thoải mái mỗi khi trở về nhà và vì thế càng ngày tôi càng không muốn trở về nhà. Nếu vợ không dừng lại trước khi quá muộn thì chắc một ngày không xa, tôi cũng sẽ “ Bỏ của chạy lấy người” như những lời mà vợ tôi đã từng nói…

Thế nhưng, vào một buổi chiều đẹp trời, tan sở về nhà, tôi bỗng rùng mình khi thấy cảnh nhà vắng lặng như tờ. Cứ tưởng là không có vợ ở nhà, ai dè khi bước vào phòng khách thì thấy vợ đang cắm hoa. Tôi gần như không tin vào mắt mình trước chuyện lạ đó, vì từ trước tới giờ, hoa đối với vợ là thứ xa xỉ, vô bổ, tốn tiền vô ích. Chưa hết, đêm hôm đó khi tôi đang lơ mơ ngủ thì bị vợ đánh thức dậy để xem nàng trình diễn thời trang đồ ngủ với vẻ mặt hớn hở. Trước đây, cứ hễ vợ mở miệng ra là hỏi tiền, vậy mà đã qua ngày lãnh lương mấy hôm rồi mà chẳng thấy vợ hỏi câu tiền đâu. Vợ tự dưng không hối thúc tôi lao vào kiếm tiền như trước, đã vậy còn “dở chứng” rủ cả gia đình đi ăn nhà hàng, đi du lịch. Hàng xóm cũng vô cùng ngạc nhiên khi thấy vợ không kiếm cớ gây sự như trước, gặp ai cũng cười toe toét. Còn con tôi thì khỏi phải nói, cháu cứ tấm tắc: Mẹ tự dưng hóa thành nàng tiên…

Hóa ra tất cả mọi chuyện thay đổi 360 độ như vậy từ cái hôm vợ đi đám ma chồng một cô bạn học. Chứng kiến nỗi đau mất chồng của cô bạn vì tai nạn giao thông, mà trước đó hai vợ chồng cô bạn đã có một cuộc cãi nhau kịch liệt chỉ vì cơm áo gạo tiền. Do muốn kết thúc cuộc cãi nhau, anh chồng phóng xe ra khỏi nhà trong trạng thái chán đời và bi kịch đã xảy ra ngay chính lúc đó. Tiếng khóc than cùng dòng nước mắt hối hận, đau khổ tột cùng của cô bạn đã khiến vợ tỉnh ngộ. Hình ảnh cô bạn ngất lên ngất xuống trước quan tài chồng cùng những lời hối tiếc, ân hận cứ ám ảnh vợ mãi. Vợ chợt nhận ra rằng: Cuộc sống thật mong manh, đời người thật ngắn ngủi, hạnh phúc ở trong tay, tại sao không biết trân trọng giữ gìn, tại sao tự mình đầy đọa mình và làm khổ những người thân yêu bên cạnh mình. Khi nghe vợ tâm sự như vậy tôi mới chợt nhớ ra ý định “ Bỏ của chạy lấy người” mà trước đây tôi thường hay nghĩ tới. May mà vợ tôi đã kịp nhận ra…