Cứ để tình dang dở cho tình đẹp…

Suy cho cùng đàn bà chúng mình chỉ cần có một người hết lòng thương yêu thôi là đủ. Mơ mộng làm chi? Tiếc nuối cũng được gì?

Đêm cuối cùng được nằm cạnh bên nhau em thấy chị đã khóc rất nhiều. Những tiếng khóc cố kìm nén trong cơn nấc nghẹn khiến em không khỏi xót xa. Có phải người con gái nào cũng thao thức, trằn trọc, đầm đìa nước mắt trong đêm trước ngày về nhà chồng không chị? Như bao nhiêu nỗi tủi hờn cứ thế vỡ òa, giọt nào cho nỗi chia xa gia đình? Còn giọt nào cho những thương yêu ngày cũ?
Ngoài kia tiếng nhạc đám cưới vẫn vang lên, thanh niên vui hát hò tưng bừng làm xáo trộn cả con ngõ nhỏ ngày thường vốn buồn hiu hắt. Phía sau nhà được căng bạt, bật điện sáng chưng, đội nhà bếp tất bật lo chuẩn bị nguyên liệu cho cỗ cưới ngày mai. Trong lúc lòng ngập ngụa nỗi buồn chị chạy vòng từ đằng trước ra đằng sau không tìm thấy một chỗ nào vắng người để khóc. Nên đành chui vào căn buồng chật chội đang bày biện đủ thứ vật dụng cho ngày cưới để rồi tức tưởi giữa những bộn bề. Chỉ mai thôi sẽ có người đàn ông cầm hoa cưới bước vào căn phòng này đưa tay đón chị. Căn phòng này rồi chỉ còn mình em ở lại với những đêm dài rộng. Nên đêm nay lúc nghe chị dặn “Em ơi! Em ở lại nhà…” thì lòng em cũng trũng như sông…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Lời dặn của chị làm em nhớ đến những câu thơ trong bài “Lỡ bước sang ngang” của nhà thơ Nguyễn Bính. Dù chẳng có gì thi vị để nghĩ về thơ lúc này đúng không chị. Vậy mà em vẫn không khỏi xót xa cho những người phụ nữ, đâu chỉ thời của Nguyễn Bính mới thở hắt ra một tiếng than dài: “Tuổi son má đỏ môi hồng/ Bước chân về đến nhà chồng là thôi”. Chị hình như cũng mang tâm trạng buồn khổ giống người con gái trong bài thơ ấy. Người đàn ông mà chị đã dành cả tuổi thanh xuân đẹp đẽ để yêu, để chờ đợi và hy vọng cuối cùng cũng không về bên chị. Bao nhiêu mộng ước bấy lâu hóa ra chỉ có mình chị xây đắp miệt mài như loài kiến thợ.
Cuối cùng thì bão giông ập đến, mình chị đâu đủ sức chống trả nổi với đời. Người ngày mai chị chính thức gọi là chồng lại không phải người chị thương yêu. Chỉ là một cái gật đầu để thấy mình có như con thuyền buông bờ giờ đã có bến đỗ thôi. Thì vậy đi, chị hãy vui với lựa chọn của mình. Em nghe nói người ta thương chị lắm. Mà có phải ai cũng lấy được người mình yêu đâu chị. Thôi thì cứ để tình dang dở cho tình đẹp. Nếu không vì chị thì cũng nên vì người đàn ông ngày mai sẽ cùng chị cúi lạy trước bàn thờ tổ tiên ấy để mà gắng sống vui. Bởi suy cho cùng đàn bà chúng mình chỉ cần có một người hết lòng thương yêu thôi là đủ. Mơ mộng làm chi? Tiếc nuối cũng được gì?
Ngày mai chị đi lấy chồng, hẳn trong những dòng nước mắt khóc ướt vai em có nỗi lo dành cho bố mẹ già. Thuyền theo lái, gái theo chồng, chị cứ vun vén cơm lành canh ngọt nhà chồng, chuyện lớn bé ở nhà vẫn còn có em đây. Nhà không có anh em trai, nên suốt mười năm dài chị gánh vác gia đình cong oằn cả hai vai. Nào thì tiền nuôi các em ăn học, nào tiền thuốc thang chăm bẵm bố mẹ già. Chị không giữ cho riêng mình được thứ gì, dù là vài chỉ vàng làm vốn dắt lưng khi về nhà chồng. Chị coi như đã dành một phần đời thảo thơm báo hiếu mẹ cha thì giờ cũng nên nhẹ lòng mà cất bước. Em cũng lớn rồi mà chị, thôi hãy để em vỗ về những lo toan ấy. Chị ngủ đi chị ơi, vì thực ra đêm nay không phải một đêm dài…

Nỗi xót xa của người vợ bị lãnh cảm

Tôi khóc và nói thẳng thắn với anh, tôi cho phép anh kiếm niềm vui bên ngoài, để thỏa mãn khoản chăn gối.

Tôi lấy chồng đã 13 năm nay, và là mẹ của 2 cậu con trai xinh xắn. Chồng tôi là người đàn ông đã thầm yêu tôi suốt 4 năm Đại học, và từng vun vén cho chuyện tình cảm của tôi với người yêu cũ. Rồi chứng kiến chúng tôi yêu nhau say đắm, và cũng là người giúp tôi vượt qua cú sốc chia tay.

Sự tận tình và lòng tốt của anh đã khiến tôi cảm động. Chúng tôi làm đám cưới với nhau, tôi nghĩ, người tốt như anh, chưa yêu, nhưng lấy về sẽ yêu.

Đêm tân hôn, dù đã chuẩn bị tinh thần từ lâu, nhưng tôi vẫn không khỏi rùng mình sợ hãi khi anh động vào người tôi. Cả 1 tháng sau khi cưới, tôi nhất định không chịu cho anh chạm vào người thêm lần nào nữa. Giữa hai vợ chồng như có chiến tranh lạnh, chẳng nói chẳng rằng với nhau. Nhưng là phụ nữ, tôi hiểu mình đã có lỗi, vì không thể đáp ứng được chuyện chăn gối đầy đủ với anh, nhất là khi chúng tôi là vợ chồng son.

Hiểu được nỗi khổ của chồng, tôi ra sức chăm lo công việc, vun vén chu toàn cho gia đình. Có lẽ vì thế mà sự bực bội của anh cũng nguôi ngoai, anh nghĩ rằng tôi cần có thời gian. Anh không hiểu rằng, mỗi lần để cho anh gần gũi, tôi đã phải chuẩn bị tâm lý rất lâu, và chỉ nhắm mắt nhắm mũi… cho xong chuyện.

Cho tới khi đứa con thứ nhất, đứa con thứ 2 ra đời, từ lúc mang thai cho tới lúc sinh con, lúc nào tôi cũng lấy lý do có bầu, sinh nở để hoãn… chuyện vợ chồng. Nhiều lần, anh tỏ vẻ chán nản ra mặt, liền bỏ ra ngoài ngủ.

Dù chuyện vợ chồng có trục trặc, nhưng cả 2 chúng tôi đều tôn trọng nhau và hết lòng chăm con. Bề ngoài chúng tôi vẫn là một gia đình hạnh phúc.

Nhưng có lẽ, mọi chuyện sẽ chỉ như vậy cho tới một đêm, anh uống rượu say và muốn gần gũi tôi. Tôi cố sức đẩy chồng ra và chúng tôi to tiếng. Tôi khóc và nói thẳng thắn với anh, tôi cho phép anh kiếm niềm vui bên ngoài, để thỏa mãn khoản chăn gối – thứ mà tôi không làm được cho anh. Tuy nhiên, tôi cũng có điều kiện của mình: Anh không được để những cô gái anh quen nhắn tin, gọi điện về nhà, cuối tuần phải ở nhà với vợ con, và không được xao nhãng chuyện gia đình.

Đáp lại chỉ là sự im lặng. Đêm đó anh ngồi hút thuốc cả đêm, tôi cũng không ngủ được.

Một vài tháng sau, có vẻ mọi việc đã được giải quyết, tôi nghĩ anh đã “kiếm” được một em nào đó, vì thái độ của anh vui vẻ hơn ngày thường. Anh vẫn chăm lo vợ con như vậy, nhưng tinh thần đã khá hơn trước. Tôi cũng vui, và nghĩ rằng đó là quyết định sáng suốt, thoải mái tinh thần cho cả 2 người.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Tôi đã nhầm. Thời gian gần đây, anh thường đi về rất khuya, say mềm. Về nhà là có một cô gái thường xuyên nhắn tin, gọi điện, tầm 15 phút một lần cô ta lại gọi cho chồng tôi. Một vài cuối tuần anh cũng biến mất với lý do bận việc và những chuyến công tác nhiều hơn thường lệ.

Tôi khó chịu ra mặt. Tôi tìm hiểu và biết chồng tôi mới có cô nhân tình trẻ, cô ta cũng rất yêu chồng tôi, và ngược lại, chồng tôi cũng yêu chiều cô ta. Thậm chí, nhiều lần cô ta còn gọi điện thẳng cho tôi, sỉ nhục tôi không có khả năng làm… đàn bà đích thực,và tuyên bố sẽ sớm để chồng tôi ly dị vợ.

Tôi phẫn uất, tức nghẹn cổ, cô ta nói cũng không sai, đúng là tôi có lỗi, nhưng cô ta dám đe dọa tới gia đình tôi sao? Ly dỵ ư? Không bao giờ, còn các con của tôi, tôi muốn chúng lớn lên trong một gia đình có đầy đủ bố mẹ.

Nghĩ phải làm một việc gì đó, tôi nói chuyện thẳng thắn với chồng. Anh vẫn im lặng như mọi lần, nhưng liền một tháng sau đó, chuyện chẳng thay đổi được gì. Thậm chí, một lần cô ta còn trâng tráo tìm đến tận nhà tôi, may thay lúc đó bố mẹ chồng tôi đi về quê. Nếu không, mọi chuyện chắc sẽ ầm ĩ.

Nhiều bạn bè khuyên tôi nên mạnh dạn ly dị, để có cuộc sống yên ổn cho cả 2, nhưng tôi không thể, chúng tôi dù không có tình nhưng vẫn còn nghĩa, phải sống vì các con, vì gia đình, họ hàng. Còn nếu muốn giữ cuộc hôn nhân này, thì tôi phải làm sao khi bản thân đã mắc chứng lãnh cảm. Nếu tiếp tục muốn giữ chồng, tôi phải làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu cho anh.

Hiện tại, tôi đang rất hoang mang và rối trí. Tôi phải làm gì trong lúc này đây?

“Cứ để đó cho anh…”

Câu nói quen thuộc đến nỗi em thấy điều đó là bình thường, là đương nhiên, là chuyện đàn ông, giờ em mới nhận ra mình hạnh phúc thế nào.

Anh đi công tác xa, ngày đầu tiên em thấy bình thường; sang ngày thứ hai đã thấy nhơ nhớ; đến ngày thứ ba thì nhìn trước ngó sau đều thấy trống vắng vô cùng.

Bóng đèn hư, em phải ra tiệm điện mua cái mới rồi mày mò gắn vào. Cái lược nước của máy giặt bị bẩn, nước chảy yếu, em phải lên hỏi “anh Gu-gồ” xem khắc phục thế nào... Rồi cái quạt máy bị bẩn, em chẳng biết tháo, lắp làm sao để lau chùi; cái máng xối đọng rác, em không cách gì trèo lên trên nóc nhà để dọn dẹp được…

Chợt nhớ anh quá đỗi. Có anh ở nhà, mỗi khi em than phiền cái này hư, cái kia hỏng, bao giờ cũng nghe câu trả lời của anh: “Cứ để đó cho anh”. Sau câu nói ấy, yêu cầu của em được đáp ứng, mọi hư hỏng được khắc phục. Quen thuộc đến nỗi em thấy điều đó là bình thường, là đương nhiên, là chuyện của đàn ông. Em chẳng bao giờ nghĩ rằng sẽ có một lúc nào đó những chuyện ấy sẽ dành cho mình.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vậy mà bây giờ điều đó đang xảy ra. Khi anh vắng nhà, không chỉ những công việc “của đàn ông” em phải tự làm mà ngồi vào mâm cơm, không có đàn ông cũng thấy nhà cửa vắng vẻ. Mấy ngày qua, không nghe câu anh nói “cứ để đó cho anh”, em thấy nhớ anh vô cùng.

Giờ em mới biết không phải người đàn ông nào cũng đáng yêu như anh. Mấy chị bạn kể các chị phải làm hết chuyện trong ngoài, mấy anh chồng chỉ biết đi làm mang tiền về rồi thôi chứ chẳng bao giờ quan tâm giúp đỡ, chia sẻ việc nhà với vợ. Em may mắn có được một người chồng không chỉ yêu thương mà còn rất cưng chiều vợ. Vậy mà trước giờ em thấy mọi chuyện thật bình thường. Chỉ khi anh đi vắng, em mới biết anh quan trọng như thế nào.

Em tính từng ngày, mong cho qua cái thời hạn 2 tuần để anh về với em. Chắc chắn khi anh trở về, câu đầu tiên em sẽ nói với anh là: Chồng ơi, em nhớ anh quá chừng…

Chỉ vì tiền, không yêu cũng cố giữ

Muốn níu giữ hôn nhân không vì yêu mà chỉ vì tài sản, con cái, sĩ diện... thì chỉ gây ra sự bất hạnh cho cả hai.

Gá nghĩa vợ chồng được 10 năm, một ngày nọ, ông Bình - ngụ ở quận Tân Bình, TP HCM - biết tin bà Hương, vợ ông, đã nộp đơn đơn phương xin ly hôn tại TAND quận. Vừa bất ngờ, tức giận vừa không cam tâm để bà đến với nhân tình, ông xuống nước năn nỉ vợ rút đơn ly dị.

Tài sản không đổi được hạnh phúc

Để chứng tỏ “tấm chân tình”, ông Bình đã soạn thảo bản “hợp đồng hôn nhân”. Trong bản hợp đồng, hai bên cam kết: Nếu bà Hương đồng ý rút đơn xin ly hôn thì sau này ông sẽ chia cho bà 60% tài sản, là giá trị 2 căn nhà mà ông đứng tên. Bà Hương đồng ý.

Thế nhưng, chưa đến 1 năm sau, ông bà lại dắt nhau ra tòa xin ly hôn. Tại phiên sơ thẩm, TAND quận Tân Bình quyết định cho ông bà ly hôn. Khi phân chia tài sản, vì 2 căn nhà có trước hôn nhân nên tòa phán bà Hương chỉ được nhận một nửa phần tài sản mà 2 ông bà đã tạo dựng được trong thời gian chung sống, gồm: xe máy, nồi cơm điện, máy lạnh và một số đồ dùng lặt vặt khác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Bà Hương làm đơn kháng cáo yêu cầu ông Bình phải thực hiện lời hứa chia 60% giá trị 2 căn nhà cho bà. Trình bày tại phiên tòa phúc thẩm, ông Bình cho rằng bà Hương là người phá vỡ giao ước, không thực hiện đúng thỏa thuận trong bản hợp đồng là tiếp tục xây dựng gia đình hạnh phúc cùng ông. Bà Hương đáp lại: “Hạnh phúc phải do 2 người vun đắp, một mình tôi làm sao làm được. Ông ấy suốt ngày khủng bố tinh thần tôi, chửi tôi ra rả”. “Nhân tình của bà ấy cứ đúng 12 giờ đêm lại nhắn tin chọc tức tôi khiến tôi không thể nào ngủ được, tôi không nổi nóng với bà ấy mới lạ” - ông Bình phản pháo. Vị chủ tọa phiên tòa đề nghị: “Hoàn cảnh bà Hương rất khó khăn, không có tài sản, chỗ ở. Dù ông bà đã ly hôn nhưng đã có 10 năm chung sống, không còn tình cũng còn nghĩa với nhau. Ông có thể hỗ trợ cho bà Hương một khoản tiền?”. Ông Bình đáp gọn hơ: “Tôi không có tiền”.

Không yêu cũng giữ

Với lý do không còn tình cảm với nhau và đã ly thân hơn 2 năm, anh Sơn, nhà ở quận Phú Nhuận, TP HCM, nộp đơn xin ly hôn. Xét thấy mâu thuẫn giữa hai vợ chồng không nghiêm trọng đến mức phải ly hôn, tòa sơ thẩm tuyên bác đơn của anh Sơn. Anh kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, chị Lam, vợ anh, tiếp tục bảo vệ ý kiến của mình. Chị trình bày: Cách đây 2 năm, tình cảm vợ chồng vẫn tốt đẹp nhưng do anh Sơn bị stress trong công việc nên đề nghị được sống riêng để ổn định lại tinh thần. Thương chồng, chị đồng ý và tạo mọi điều kiện để anh sớm hồi phục chứ không phải ly thân. Còn anh Sơn khẳng định: “Vợ tôi không chịu ly hôn chẳng phải vì còn yêu tôi mà vì sợ phải chia đôi tài sản mà cô ấy cho rằng một tay mình tạo dựng nên. Suốt 6 năm chung sống, cô ấy luôn cho mình tài giỏi, kiếm được nhiều tiền nên coi thường tôi. Đã vậy, 2 năm tôi sống riêng, cô ấy cũng chẳng thèm ngó ngàng tới. Thậm chí, khi đưa con đến gặp tôi, cô ấy cũng muốn tránh mặt, thấy tôi ra là cô ấy đi ngay”.

Khi chủ tọa phiên tòa phúc thẩm nhận định: “Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng chưa đến mức phải ly hôn. Anh hãy vì con mà suy nghĩ lại”. Anh Sơn bật khóc: “Tòa không hiểu, với tòa là không nghiêm trọng nhưng với tôi là nghiêm trọng. Tôi là giáo viên nên dù tức giận đến mấy cũng không bao giờ động tay động chân với vợ. Nếu tòa xét khi có bạo lực gia đình mới nghiêm trọng thì có lẽ tôi chẳng bao giờ được ly hôn”.

Kết thúc phiên tòa với kết quả y án sơ thẩm, chị Lam nhanh chóng đi ra bãi giữ xe, chẳng thèm nhìn chồng. Còn anh Sơn ngồi phịch xuống ghế đá trong sân tòa, ngửa mặt lên trời thiểu não.

Hết yêu, hãy cư xử đẹp

“Đời sống hôn nhân không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Những khi sóng gió là lúc cả hai nên bình tĩnh suy xét lại tình cảm của mình, tránh đưa ra những quyết định sai lầm trong một phút nóng giận, bốc đồng. Khi tình yêu không còn, chúng ta cũng nên cư xử thật đẹp để chứng tỏ bản lĩnh của mình. Muốn níu giữ hôn nhân không vì yêu mà chỉ vì tài sản, con cái, sĩ diện... thì chỉ gây ra sự bất hạnh cho cả hai” - bà Lê Thị Thùy Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý Những người bạn, chia sẻ.