![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Nhà hàng xóm mới chuyển đến, cửa sổ gần ban công dường như rất ít khi đóng. Ngoài ban công có mấy chậu hoa nho nhỏ, xinh xinh.
Buổi tối, hai vợ chồng trẻ thường ngồi đó uống trà. Họ trò chuyện, cười đùa, có khi còn hôn nhau đắm đuối.
Ngày nghỉ, cô vợ mang quần áo lên phơi, anh chồng đứng bên cạnh. Ngày lễ, anh chồng đi làm về ôm một bó hoa nhìn đã thấy mê. Cô vợ đón chồng ở cổng ngất ngây với hoa và những nụ hôn.
Trước đây thì ít nghĩ, nhưng từ khi nhà hàng xóm dọn đến, nhìn sang chị bỗng cảm thấy chạnh lòng.
Chồng người chu đáo, ga-lăng, lãng mạn là thế, ai lại dùi đục như chồng mình. Không còn là vợ chồng son nhưng cũng đâu đã già, vậy mà nhiều khi muốn nhõng nhẽo hay bày đặt hẹn hò với chồng cho cuộc sống bớt nhàm chán, đơn điệu, chị lại bị mắng là vẽ chuyện, rỗi hơi. Bật ti vi thấy bộ phim hay rủ chồng xem cùng thì chồng chẳng thèm ngó, phán luôn: Mấy cái phim Hàn sến hết chỗ nói, coi làm chi cho mất thời gian. Rồi chồng bỏ vào phòng trong bật ti vi xem bóng đá. Ngày thì mải miết với công việc, tối về mỗi người ôm một cái ti vi, cứ như thể chẳng liên quan gì đến nhau.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Chán! Từ đấy cũng chẳng muốn thay đổi chồng nữa, mỗi ngày cứ để cuộc sống nhạt nhẽo tự trôi qua. Nhưng, từ ngày nhà hàng xóm dọn đến, cứ mỗi lần mở cửa trông sang, trong lòng lại trỗi dậy những ao ước...
Bẵng đi mấy hôm, không thấy cửa sổ nhà hàng xóm mở. Cổng ngoài cũng khóa lạnh tanh. Nghĩ chắc vợ chồng họ đưa nhau đi du lịch rồi. Trong đầu lại nảy ra so sánh: Cũng là phụ nữ, sao người ta an nhàn, sung sướng thế kia? Cách nhau có một bức tường mà sao cuộc sống khác nhau nhiều đến thế?
Chiều muộn đi làm về thấy nhà hàng xóm treo biển bán nhà. Không hiểu sao có chút hụt hẫng. Bác hàng xóm cạnh nhà chạy sang mượn cái bật lửa, tiện thể đứng lại buôn mấy câu: Đúng là đời chả biết thế nào. Hôm trước thấy vợ chồng vẫn ríu rít bên nhau mà hôm nay đã đưa nhau ra tòa. Nghe phong thanh anh này có bồ nhí, còn có cả con riêng.
Đứng lặng người lúc lâu. Hình ảnh ông chồng hàng xóm đẹp trai, lịch lãm, chiều vợ… lướt qua nhưng không còn long lanh trong tâm trí chị nữa. Lại nhớ đến lời nhắc khéo của chị đồng nghiệp cùng phòng: Gỗ sơn trông bóng loáng nhưng chắc gì đã bền. Đừng có trông sang cái ban công nhà hàng xóm rồi mơ nọ, ước kia. Hãy nhìn vào nhà mình xem, cái gì dùng lâu mà chẳng cũ, có khi còn bám đầy bụi bặm. Lo mà lau dọn và tân trang lại đi, chỗ nào tối và lạnh thì thắp đèn và treo tranh lên cho nó ấm áp, sẽ thấy nhà mình cũng đẹp lung linh đấy.
Quê anh chị đều ở miền Bắc nhưng gia đình chị đã chuyển vào Sài Gòn sống nhiều năm. Chị và anh quen nhau khá lâu mới tiến đến hôn nhân, hiểu nhau đến từng cái nheo mày.
Anh làm thầu xây dựng, thường vắng nhà cả tuần, chỉ ngày nghỉ mới về thăm chị được một đêm rồi lại đi. Sức khỏe chị không tốt, thỉnh thoảng lại bị một cơn rối loạn tiền đình hành hạ. Thời tiết nóng nực, lại thêm áp lực công việc của nghề biên kịch khiến nhiều hôm chị ngất xỉu nằm sõng soài dưới nền nhà, may mà hàng xóm phát hiện. Tình hình càng tệ hơn khi chị mang bầu, những ngày tháng thai nghén không ăn ngủ được càng làm chị ốm yếu. Lo cho sức khỏe của vợ, anh gửi chị về nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Khoảng thời gian đó gia đình chị lại xảy ra bao nhiêu chuyện không vui. Chị chỉ mong đến cuối tuần anh về để than thở cho vơi bớt nỗi lòng.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Về phòng riêng, anh nhẹ nhàng bảo chị: “Mẹ đã khổ tâm rồi, em nói mấy lời đó chỉ càng làm cho mẹ đau lòng chứ có thay đổi được gì đâu. Em mình đã vậy thì mình cũng phải nghĩ khác đi”. Chị lặng lẽ cúi đầu khi nhớ tới hình ảnh mẹ nhiều lần khóc nghẹn trong mâm cơm. Những lời cay nghiệt chị đay nghiến các em như xát muối vào lòng mẹ. Chị thầm cảm ơn những bữa cơm có anh, bởi ít ra mẹ còn cười được trước những câu chuyện hài hước anh vui vẻ kể.
Chị mang bầu những tháng cuối cũng là lúc anh nhận công trình ở gần nhà nên sang ngoại đón chị về, nhưng công việc bận quá, anh cũng không có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc chị. Sáng nào anh cũng đi rất sớm, trở về nhà lúc tối muộn. Bao công việc lặt vặt trong nhà vẫn một mình chị quán xuyến. Có đêm nằm cạnh chồng, chị than thở đủ điều, anh không nói gì, chỉ giục vợ đi ngủ sớm cho đỡ mệt. Chị tấm tức trong lòng, tự trách bản thân đã đâm đầu vào chỗ khổ. Ngay từ khi yêu anh, gia đình và bạn bè ai cũng khuyên chị đừng lấy chồng làm xây dựng cực trăm đường, nhưng chị bỏ ngoài tai. Đã vất vả thì chớ, lại còn không có lấy một lời động viên an ủi. Thời kỳ chị bầu bí, cực nhọc mà anh còn vậy thì trông đợi gì ở những năm tháng về sau?
Ý nghĩ đó giày vò tâm can chị suốt đêm, trằn trọc mãi gần sáng mệt quá chị mới thiếp đi. Tỉnh dậy, chị nhìn quanh thấy nhà cửa gọn gàng tinh tươm, quần áo đã giặt phơi, mở tủ lạnh thấy đồ ăn tươi ngon đã sẵn, cơm bữa sáng cũng chín rồi. Chị rơm rớm nước mắt, ân hận vì đã trách nhầm anh.
Nghề thầu xây dựng thời buổi này cũng bấp bênh. Bao nhiêu vốn liếng trong nhà đều mang ra xoay xở. Vất vả mãi chỉ mong xong công trình để được chủ đầu tư nghiệm thu, quyết toán. May ra thì kiếm được chút ít coi như tiền công mấy tháng trời, nhưng nhiều khi lỗ vốn, công sức bỏ ra chẳng nhận lại được gì. Chị ở nhà không thấu hiểu được những khó khăn ấy, cuối công trình vẫn thấy anh mang tiền về đưa vợ. Chị ngồi nhẩm tính, gói ghém tiền nong dành dụm, thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ đến những khoản cần chi tiêu cho ngày sinh sắp đến.
Một hôm, bạn làm ăn của anh đến chơi nhà, vô tình kể chuyện gói thầu bị lỗ nặng do công nhân gặp tai nạn, máy móc hay hỏng hóc, vật tư thất thoát. Chị ngồi nghe, nghĩ đến món tiền anh đưa tự nhiên thấy nhói lòng. Đêm về chị hỏi chồng, anh cười bảo: “Ừ thì… có lỗ thật, nhưng mà sau đó anh tranh thủ làm thêm với các anh em khác. Số tiền đó chồng em được trả công đàng hoàng chứ không phải tiền vay mượn, em cứ yên tâm mà chi dùng”. Chị nghẹn ngào trách anh gặp khó khăn mà không nói, sao cứ phải chịu đựng và gánh vác một mình? Sao còn để chị đổ lên đầu anh bao nhiêu lời than vãn? Anh ôm chị vào lòng: “Vì anh không muốn vợ con anh lo lắng. Em cũng vất vả nhiều rồi. Anh hiểu mà. Đừng khóc!”. Nhưng chị vẫn không thôi thổn thức trên vai anh, phần vì thương chồng, phần vì chị thấy mình thật may mắn khi có anh trong đời. Các cụ nói không sai:“Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Trước tình yêu của anh, chị thấy mình còn bé nhỏ và nông nổi lắm…