Cấm xe máy xăng vào Vành đai 1 chỉ nên thực hiện từng bước

Chủ trương cấm xe máy động cơ xăng trong vành đai 1 của Hà Nội là đúng, nhưng chỉ nên thực hiện từng bước cùng với hệ thống giao thông công cộng hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng dầu) lưu thông trong Vành đai 1.

PGS.TS Vũ Thanh Ca, Giảng viên cao cấp của trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống cho rằng, cấm xe máy dùng động cơ xăng ở khu vực bên trong đường vành đai 1, sau đó mở rộng ra các khu vực khác là một trong những giải pháp có tính căn cơ để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm.

67.jpg
Ảnh minh họa.

Cấm xe máy dùng động cơ xăng, khu vực trong vành đai I có còn ô nhiễm?

Cấm xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng dầu) lưu thông trong Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026 được cho là giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, chuyên gia nhìn nhận thế nào?

Trái ngược với rất nhiều nỗ lực của chính quyền thành phố Hà Nội, trong thời gian gần đây ô nhiễm không khí ở Hà Nội vẫn không giảm đáng kể và diễn biến rất phức tạp. Trong thời gian từ cuối năm 2024 tới đầu năm 2025, có những ngày Hà Nội đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI trong không khí vượt ngưỡng 250 là ngưỡng chất lượng không khí từ rất kém, tiệm cận tới mức độ nguy hại.

Ô nhiễm không khí nặng xảy ra ở Hà Nội chủ yếu vào cuối thu, mùa đông hoặc đầu xuân, khi có hiện tượng nghịch nhiệt trong lớp không khí sát mặt đất. Nghịch nhiệt thường xảy ra trước những đợt gió mùa đông bắc trong điều kiện trời lặng gió.

Vì vậy, chất ô nhiễm bị xả ra gần mặt đất sẽ bị giữ lại, được xáo trộn và pha loãng với các lớp không khí sạch hơn phía trên rất chậm, dẫn tới có nồng độ tích tụ cao gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở gần mặt đất.

Đã có đủ bằng chứng khoa học rằng xe có động cơ nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm không khí phải chặn chất ô nhiễm từ nguồn. Do vậy, cấm xe máy dùng động cơ xăng ở khu vực bên trong đường vành đai 1, sau đó mở rộng ra các khu vực khác là một trong những giải pháp có tính căn cơ để giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, vì ô nhiễm không khí sẽ được gió vận chuyển từ vùng này sang vùng khác nên giảm được một phần nguồn gây ô nhiễm không khí ở khu vực trung tâm Hà Nội không có nghĩa là có khả năng có giảm được đáng kể mức độ ô nhiễm không khí ở đó.

Người dân bị ảnh hưởng thế nào nếu cấm xe máy chạy xăng?

Xe máy dùng động cơ xăng được nhiều người dân sử dụng để đi lại, mưu sinh, nếu việc cấm xe mô tô, xe gắn máy xăng dầu lưu thông trong vành đai 1 có hiệu lực có ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống người dân?

Tôi cho rằng, ngoài xem xét những nhược điểm của xe máy, đặc biệt là xe máy dùng động cơ xăng, cũng cần phải xem xét những ưu điểm của xe máy.

Ở Hà Nội, hệ thống giao thông công cộng chưa tốt, nhưng về cơ bản mọi người vẫn có thể đi làm đúng giờ nếu tính toán thời gian cẩn thận.

Điều này là do tuyệt đại đa số dân Hà Nội sử dụng xe máy để đi làm, đưa đón con cái đi học. Ngoài ra, một lượng khá lớn người dân Hà Nội và dân các tỉnh khác di cư về Hà Nội, chủ yếu là những người có thu nhập thấp, sử dụng xe máy để mưu sinh. Tất cả những hoạt động mưu sinh này đã giúp cho Hà Nội có được một nền kinh tế sôi động và mức độ tăng trưởng như hiện nay. Xe máy chiếm rất ít diện tích đường, có thể di chuyển được trong những cái ngõ rất dài và đôi khi chỉ rộng đủ cho 2 xe máy tránh nhau trong rất nhiều phố và làng giữa trung tâm Hà Nội.

Cấm xe máy dùng động cơ xăng sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân Hà Nội. Các dòng xe máy điện an toàn thường là khá đắt và với những người có thu nhập thấp thì việc chi một khoản tiền để đổi xe máy xăng thành xe máy điện rất không dễ dàng. Đối với những người mưu sinh bằng xe máy, việc đổi xe máy xăng thành xe máy điện lại còn khó khăn hơn.

Việc hạn chế phương tiện cá nhân chỉ nên thực hiện từng bước

Chuyển đổi từ xe máy chạy xăng sang xe điện cũng có nhiều băn khoăn về hạ tầng sạc điện, thậm chí nguy cơ cháy nổ, chuyên gia đánh giá thế nào?

Một khó khăn nữa là hạ tầng sạc điện cho xe máy còn cực kỳ yếu kém. Rất nhiều nhà dân, thậm chí nhiều chung cư cao tầng, được xây dựng và thiết kế chưa tính tới việc bố trí hạ tầng cho việc nạp xe điện. Nguy cơ cháy nổ trong quá trình nạp điện ô tô, xe máy là hiện hữu và đã từng gây ra những vụ cháy với hậu quả thảm khốc ở Việt Nam. Pin xe điện bị cháy do các phản ứng hóa học giữa các chất bên trong viên pin khi thoát ra môi trường nên không cần oxy để duy trì. Đám cháy pin xe điện giải phóng ra lượng nhiệt rất lớn và tạo ra nhiệt độ rất cao, dẫn tới hiện tượng nổ pin, làm đám cháy lan rộng. Ngoài ra, khi cháy, pin xe điện sẽ giải phóng ra rất nhiều chất độc hại, cực kỳ nguy hiểm cho con người. Không có bất cứ loại bình chữa cháy thông thường nào có thể dập được đám cháy pin xe điện. Nếu dùng nước để chữa cháy trong trường hợp này, nước gặp nhiệt độ cao sẽ phân hủy thành hydro và làm tăng cường đám cháy, thậm chí gây nổ. Bình chữa cháy pin xe điện là loại bình chuyên dụng và cực kỳ đắt.

Vì những điều nêu trên nên quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các khu vực có sạc xe điện là các vị trí sạc điện phải thông thoáng, đảm bảo khoảng cách giữa các xe, phải có người trông khi sạc xe, dễ thoát hiểm và phải ngăn cách với các khu vực có người ở bằng cửa và tường chống cháy, nổ.

Ngoài ra, còn có một số yêu cầu khác để đảm bảo sạc điện an toàn. Với các yêu cầu như vậy hầu như các chung cư hiện tại nếu có khu vực sạc điện cho xe điện thì cũng chỉ sạc được một số lượng rất giới hạn xe. Rất ít nhà riêng thỏa mãn yêu cầu phòng cháy chữa cháy để có thể sạc xe điện tại nhà. Đối với rất nhiều chung cư cao tầng, đặc biệt là chung cư cao tầng cũ, việc sạc điện xe máy trong nhà là bất khả thi.

56.jpg
PGS.TS Vũ Thanh Ca

Chủ trương cấm xe máy động cơ xăng tại khu vực nằm trong vành đai 1 của thành phố Hà Nội là đúng, thể hiện quyết tâm giảm ô nhiễm không khí, nhưng cần nhiều giải pháp đồng bộ khi triển khai?

Đúng vậy, tôi nhấn mạnh một điều là bất cứ chính sách công nào cũng có những tác động tốt và xấu tới kinh tế - xã hội và môi trường. Vì vậy, khi xây dựng các chính sách công luôn rất cần phải đánh giá kỹ các tác động như nêu trên của chính sách. Các tác động kinh tế - xã hội quan trọng nhất phải tính đến là sinh kế, thu nhập và cuộc sống của người dân, kể cả thời gian người dân sử dụng để tham gia giao thông, sức khỏe và sự hài lòng, thư thái của người dân.

Chắc chắn là với hệ thống giao thông công cộng hiện nay của thành phố Hà Nội và hạ tầng sạc xe điện, các tác động xấu tới người dân và nền kinh tế sẽ lớn hơn khá nhiều so với các tác động tốt. Đối với những người dân có sinh kế dựa vào xe máy, tác động lại càng nghiêm trọng hơn. Cần chú ý là các tác động kinh tế - xã hội có sức lan tỏa. Thí dụ, nếu người làm nghề vận chuyển bằng xe máy bị ảnh hưởng, tác động toàn bộ chuỗi cung ứng và những người liên quan cũng bị tác động, ảnh hưởng.

Như vậy, có thể thấy rằng chủ trương cấm xe máy động cơ xăng tại khu vực nằm trong vành đai 1 của thành phố Hà Nội là đúng, thể hiện quyết tâm giảm ô nhiễm không khí của chính quyền thành phố.

Tuy vậy, quyết định liên quan được ban hành có chiều hướng quá vội vàng và có thể sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây nhiều tác động xấu. Để cấm xe máy hay ô tô động cơ xăng thì trước hết Hà Nội và TP HCM cần khẩn trương hoàn thiện và vận hành hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị.

Với nguồn lực hữu hạn hiện nay, có thể cần phải phân tích thấu đáo nhu cầu và nguồn lực để quyết định đặt ưu tiên cao hơn cho xây đường sắt cao tốc Bắc Nam hay cho việc hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội và TP HCM. Việc cấm/hạn chế phương tiện cá nhân chỉ nên thực hiện từng bước cùng với hệ thống giao thông công cộng hiệu quả.

Đối với xe máy động cơ xăng, nên kiểm định khí thải nghiêm ngặt càng sớm càng tốt và loại bỏ những xe cũ, không đạt chuẩn. Việc này sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí mà vẫn đảm bảo sinh kế của người dân, hạn chế các tác động kinh tế - xã hội.

Xin cảm ơn PGS.TS Vũ Thanh Ca về cuộc trao đổi trên!

Hà Nội cấm xe máy xăng vào Vành đai 1, chuyên gia nói gì?

Liên quan lộ trình Hà Nội cấm xe máy xăng, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần nhiều giải pháp đồng bộ vì liên quan tới kế sinh nhai của người dân.

Sáng nay, 14/7, theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, vào lúc 7h30, Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách 126 thành phố ô nhiễm trên thế giới. Cụ thể, với chỉ số AQI ở mức 167, chất lượng không khí của Hà Nội ở mức màu đỏ "không lành mạnh".

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Hà Nội thực hiện lộ trình chấm dứt xe mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026 là đúng, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, trong đó có không khí ở Hà Nội vào mức báo động. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những băn khoăn, lo ngại, khi xe máy đang là phương tiện mưu sinh của nhiều người dân Thủ đô.

Cấm xe máy chạy xăng vào Vành đai 1: Người dân đi bằng gì?

Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe máy chạy xăng vào Vành đai 1.

Nhiệm vụ cấp bách

Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/7 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với UBND thành phố Hà Nội trong việc tập trung chỉ đạo, triển khai ngay một số giải pháp trọng tâm với lộ trình cụ thể.

Hà Nội cấm xe máy chạy xăng vào vành đai 1 từ tháng 7/2026

Theo chỉ thị mới của Thủ tướng, Hà Nội sẽ cấm xe máy chạy xăng trong khu vực vành đai 1 từ 1/7/2026. 

Ngày 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ cấp bách nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Chỉ thị yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để từ ngày 1/7/2026, không còn xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch (xe xăng) lưu thông trong khu vực vành đai 1.