![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Dắt xe ra khỏi nhà, chị cương quyết bỏ lại phía sau câu lầm bầm khó chịu của anh: “Đàn bà gì mà bỏ chồng con ở nhà đi chơi hoài!”. Nếu là lúc khác, hẳn chị sẽ dừng lại, làm cho ra lẽ cái tiếng “hoài” đó, nhưng chị e là chỉ cần nấn ná một chút thôi, dù để đôi co với anh cho khỏi bị “kết tội” oan ức, chị cũng sẽ bị (hay tự) giam chân ở nhà như bao lần trước.
Chị biết, dù không có ý “kể tội” chị vì rõ ràng trong vòng một năm, số lần chị ra khỏi nhà để gặp bạn như sáng nay chưa đếm hết một bàn tay, nhưng anh vẫn lầm bầm như để trút nỗi bực dọc âm ỉ từ hai hôm trước, khi nghe chị bảo sẽ đi gặp cô bạn thân mà anh không có lý do gì để cản trở. Dường như đã quen thấy chị quẩn quanh ở nhà, lui cui nơi góc bếp hoặc luộm thuộm trong bộ quần áo cũ kỹ để làm việc nhà, nên khi thấy chị áo quần chỉn chu, dù là để đi đến nơi anh đã biết rõ, gặp người anh đã quá quen, trong anh vẫn dấy lên một cảm giác khó chịu mơ hồ.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Bạn bè mời đám cưới, chị muốn đi một mình. Nói ra thì kém tế nhị, nhưng thời buổi khó khăn, dự tiệc cưới mà cứ đi cả cặp hầu bao nào chịu nổi? Thế nhưng anh cứ quạu quọ, bảo chị tiệc tùng suốt. Mà bạn bè mấy khi cưới, người ta đi đám cưới mình rồi, giờ lẽ nào không đi? Bạn học 20 năm gặp lại, chị cũng đi họp mặt một mình sau khi rút kinh nghiệm vài lần dắt anh theo trong những cuộc gặp gỡ bạn bè mà anh cứ ngồi trơ một mình, nói chuyện với bạn của vợ thì không hợp, mà anh cũng không phải týp người xởi lởi, quảng giao.
Ngày thường, anh vẫn dắt xe tận cửa cho chị đi làm, vợ “đi chơi” thì anh để mặc chị xoay xở với chiếc xe tay ga nặng trịch. Cơm chị dọn sẵn trước khi đi, anh chẳng màng đụng đũa. Vài lần, thấy anh khó chịu, chuẩn bị đi đâu đó rồi chị lại thôi, phần vì áy náy nỗi “đàn bà ham vui”, phần chị tự biện minh “những cuộc vui ngoài kia thực ra cũng chẳng quan trọng gì”, rồi tự huyễn hoặc mình với những điều thuộc về công-dung-ngôn-hạnh. Dần dà, anh cho những dịp ấy vô bổ nên chị mới không tham gia, còn chị không nghĩ rằng chính chị đã tự giới hạn sự tự do của mình vì thái độ do dự, nhún nhường đó. Giờ, chị đi đâu anh cũng gắt gỏng, ngay cả khi chị có lý do chính đáng. Quá nửa đời người, chị mới nhận ra ở ngoài kia vẫn còn nhiều điều khiến cuộc sống lung linh, thú vị và đáng sống hơn.
Chị thèm được độc lập như cô bạn thân: thích đi đâu là đi, muốn làm gì thì làm (dĩ nhiên là vẫn chu toàn vai trò làm vợ, làm mẹ). Cần vắng nhà bất kể lâu mau, bạn chỉ cần thông báo với chồng mình một tiếng, chẳng phải xin phép, hỏi han như chị. Bạn bảo: “Làm một cuộc cách mạng đi, nếu lệ thuộc sẽ suốt đời lệ thuộc!”. Mà chị có phụ thuộc gì cho cam? Không có anh, chị vẫn sống khỏe với thu nhập không tệ và khả năng vén khéo của mình, nhưng không có chị, anh cứ cuống lên không biết xoay xở ra sao ấy chứ! Chị biết mình đã sai khi tự tròng vào cổ cái “ách” lệ thuộc. Vì thế, chỉ có chị mới sửa chữa được sai lầm đó. Chị sẽ không khoan nhượng nữa, để được sống cho chính mình. Chợt nhớ một câu trong truyện của Phạm Lữ Ân: “Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu...”. Đời người có bao lâu, nếu không biết quý yêu, trân trọng những mong muốn chính đáng của bản thân thì còn ai có thể thay chị làm điều ấy?
Lành và Mạnh là hai anh em song sinh quê ngoại thành Hà Nội. Lành vốn người giống tên nên tính tình hiền hậu, luôn nghe lời cha mẹ. Cũng vì thế mà Lành lấy một cô vợ hơn tuổi, không yêu, vốn là con gái của một ông bạn cựu chiến binh với bố. Đôi trẻ lấy nhau theo lời hẹn ước từ hồi ở chiến trường của hai ông bố.
Không yêu nhau nên cuộc sống của vợ chồng Lành đầy tẻ nhạt. Sự tẻ nhạt nhiều lúc khiến Lành ước muốn mình được hóa thành con chim tung cánh bay đi. Rồi ước mơ đó cũng thành hiện thực khi quê Lành thành khu đô thị. Nông dân mất đất, nháo nhác đi học nghề kiếm sống, Lành cũng trong làn sóng người đó ra thành phố học nghề sửa xe máy.
Trong thời gian học nghề, ăn ở tại nhà ông chủ cơ sở sửa chữa xe máy, cũng chính là thầy dạy nghề, giữa Lành và cô con gái chủ nhà đã nảy sinh tình yêu. Tình yêu ngấm ngầm ấy bị phát hiện khi ông thầy của Lành nhìn thấy dáng đi khác thường và cái bụng lùm lùm của con gái.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Sau đó, không hiểu nghĩ thế nào, Lành “hiến kế” để Mạnh – người em trai song sinh - “thế chân” mình làm chú rể. Và cũng không hiểu thế nào, cả hai bố con ông thầy đều đồng ý với “phương án” này. Về phần Mạnh, sau khi nghe lời hứa hẹn, thuyết phục của anh trai, cũng đồng ý làm chồng của cô gái mà mình chưa hề yêu.
…Bẵng đi một thời gian, cả hai anh em Lành và Mạnh đều có nghề ổn định và mua nhà ở ngay sát cạnh nhau. Vợ chồng Lành có với nhau hai mặt con, vợ chồng Mạnh cũng có hai con, nhưng đó chỉ là về mặt danh nghĩa, còn sự thật phía sau có ba người trong cuộc biết rằng, đứa con đầu không phải là con Mạnh.
Có lẽ vì sống ngay cạnh nhau nên cuộc sống của hai cặp vợ chồng không hề hạnh phúc, với những mối ràng buộc tréo ngoe giữa những người trong cuộc mà không thể nói ra.
Để thoát khỏi sự buồn chán và cuộc hôn nhân không tình yêu, Mạnh xin đi xuất khẩu lao động. Thấm thoắt gần chục năm trôi qua, Mạnh không một lần trở về nhà và không hề có tin tức liên lạc gì với vợ con.
Người vợ của Lành vốn là một người phụ nữ hiền lành, quen cam chịu, sống trong cuộc hôn nhân lạnh lùng với người chồng không tình yêu đã phát sinh căn bệnh trầm cảm và dần dần dẫn đến điên loạn.
Lành và người vợ của Mạnh dù trên danh nghĩa là anh chồng và em dâu nhưng do sống trong hoàn cảnh ngày ngày chạm mặt nhau, bên vợ điên, bên bị chồng bỏ lửng, đã nối lại tình cảm thuở xa xưa lúc nào không biết.
Một người bạn rất thân của cả hai anh em biết rõ những câu chuyện “thâm cung bí sử” của họ đã khuyên rằng: “Thôi thì tình cảnh đã thế này, hai người nên đến với nhau đàng hoàng, nương tựa vào nhau mà sống để chăm sóc 4 đứa trẻ, dù gì cũng máu mủ ruột rà cả”.
Lời khuyên này làm Lành suy nghĩ rất lung, bởi nếu thế thì Lành phải ra tòa xin ly hôn với người vợ tâm thần, vợ Mạnh cũng phải làm vậy với người chồng đã gần như mất tích lâu nay. Hơn nữa, về mặt quan hệ họ hàng hiện tại, họ đang là anh chồng và em dâu. Việc làm này của họ không biết có được phép về cả phương diện pháp luật lẫn đạo lý hay không?
Tuy ở đời không ai muốn rơi vào tình cảnh đau khổ như anh em Lành và Mạnh, nhưng nếu chẳng may câu chuyện đó là của chính bạn, hay tương tự những gì mà người thân, bạn bè của bạn đang trải qua, bạn sẽ khuyên họ thế nào?
Hai nhà đối diện nhau trong con hẻm nhỏ. Chẳng hiểu có phải vì từ cùng một bàn tay kiến trúc sư nào đó không mà gần như tất cả những căn nhà trong con hẻm này đều có cấu trúc giống nhau: một trệt một lầu, cổng cao vút không hở một chỗ trống, một khoảnh sân nhỏ để xe và một phần ban công nhô ra, buông rủ vài hàng hoa ẻo lả. Nhưng, khác với cái kiến trúc giống nhau ấy, hai nhà tương phản nhau đến kỳ lạ.
Một ngôi nhà có sáu người ở, là cả một không gian văn hóa miền Trung. Thứ tiếng "quê quê" mà dễ nhớ, dễ thương không phát ra từ người này thì lanh lảnh từ người kia, nhà chẳng khi nào ngớt tiếng. Vì nhà không rộng, lại đông người, nên từ phía đối diện nhìn sang, lúc nào cũng thấy người: buổi sáng í ới đi học đi làm, buổi trưa trải chiếu lăn ra phòng khách mà ngủ, buổi tối rộn ràng bình luận thời sự hay phim Hàn… Những bữa ăn, sáu người ngồi kín gần hết cái phòng khách nhỏ, giọng trẻ giọng già cứ như đua nhau. Ngôi nhà ấy trở nên “lạ” giữa những ngôi nhà hẻm thường trầm lắng đến mức không biết đang có ai ở bên trong hay không. Và nhà ấy cũng bừa bộn đến khó hiểu. Sau một ngày, cư dân hẻm lại thấy mấy túi rác to đùng trước nhà, để sẵn cho người dọn rác đến lấy. Xe máy xe đạp chen chúc trước nhà, tràn cả ra hẻm. Đồ đạc thì chất tận đến mép ban công, chỉ nhìn thôi đã ngán.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Tại sao có lúc sự gọn gàng, sạch sẽ toát lên từ một ngôi nhà lại khiến người ta bức bối, khó chịu đến vậy? Ấy là vì nó được đặt trong tương quan so sánh với ngôi nhà rộn ràng bừa bộn bên kia. Cô thấy nhà mình như một thực thể không sống. Sự gọn gàng cứ như biểu hiện của một sự đông cứng, một sức ỳ không chuyển động. Tủ lạnh là thứ cô dùng thường xuyên nhất, nhưng cô không thể “kham” nổi cả cái tủ lớn, cứ cuối tuần là cô lại tổng vệ sinh bằng cách bỏ bớt những thức ăn chưa kịp dùng tới. Hai ngày một lần, cô phải lột hết vỏ gối, drap giường ra để giặt cùng quần áo cho đủ một “mẻ”. Vì thế, căn nhà đã sạch lại càng chẳng có lúc nào… được bẩn.
Người đi qua con hẻm không thể biết bên trong hai ngôi nhà giống hệt nhau, nhịp sống lại khác nhau đến thế. Những cô gái độc thân, những chàng trai độc thân đang sống một mình trong những ngôi nhà mà nhìn từ bên ngoài, ta cứ tưởng là không gian của cả một gia đình. Tôi hình dung về gia đình như ngôi nhà của bố mẹ tôi, quanh năm ra vào dễ “đá thúng đụng nia”, làm việc nhà thôi đã không ngớt tay, vậy mà vẫn thấy chỗ này còn bừa, chỗ kia cần chỉnh. Nhưng, cái sự nền nếp, thuận hòa như một nhịp sống đang trôi chảy bên trong mà ai cũng nhận biết được. Cái nhịp sống ấy như tiếp thêm năng lượng cho mọi thành viên. Người ta phải sống trong một gia đình, đâu phải sống trong “xác” một ngôi nhà.
Tôi là người đang sống ở một trong hai ngôi nhà vừa kể.