Người vô hình trong nhà

Người ta phải sống trong một gia đình, đâu phải sống trong “xác” một ngôi nhà.

Hai nhà đối diện nhau trong con hẻm nhỏ. Chẳng hiểu có phải vì từ cùng một bàn tay kiến trúc sư nào đó không mà gần như tất cả những căn nhà trong con hẻm này đều có cấu trúc giống nhau: một trệt một lầu, cổng cao vút không hở một chỗ trống, một khoảnh sân nhỏ để xe và một phần ban công nhô ra, buông rủ vài hàng hoa ẻo lả. Nhưng, khác với cái kiến trúc giống nhau ấy, hai nhà tương phản nhau đến kỳ lạ.
Một ngôi nhà có sáu người ở, là cả một không gian văn hóa miền Trung. Thứ tiếng "quê quê" mà dễ nhớ, dễ thương không phát ra từ người này thì lanh lảnh từ người kia, nhà chẳng khi nào ngớt tiếng. Vì nhà không rộng, lại đông người, nên từ phía đối diện nhìn sang, lúc nào cũng thấy người: buổi sáng í ới đi học đi làm, buổi trưa trải chiếu lăn ra phòng khách mà ngủ, buổi tối rộn ràng bình luận thời sự hay phim Hàn… Những bữa ăn, sáu người ngồi kín gần hết cái phòng khách nhỏ, giọng trẻ giọng già cứ như đua nhau. Ngôi nhà ấy trở nên “lạ” giữa những ngôi nhà hẻm thường trầm lắng đến mức không biết đang có ai ở bên trong hay không. Và nhà ấy cũng bừa bộn đến khó hiểu. Sau một ngày, cư dân hẻm lại thấy mấy túi rác to đùng trước nhà, để sẵn cho người dọn rác đến lấy. Xe máy xe đạp chen chúc trước nhà, tràn cả ra hẻm. Đồ đạc thì chất tận đến mép ban công, chỉ nhìn thôi đã ngán.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Ngược với ngôi nhà ấy, ngôi nhà kia thật im ắng. Chủ nhân của nó - một cô gái không già cũng chẳng còn trẻ, không vui cũng chẳng buồn, sáng dắt xe đi, chiều dắt xe về. Cô thường chỉn chu mỗi khi ra đường đúng kiểu của dân văn phòng. Nhà cô cũng gọn gàng, sạch sẽ như cô vậy, bởi có bao giờ cô phải bày biện hay xới tung vẻ bình lặng của nó đâu. Bàn ghế trong nhà cô bình yên và cố định. Một chiếc bàn to đặt giữa bếp, xung quanh là bốn chiếc ghế đặt cân xứng đến độ cô lười biếng kéo bất cứ chiếc nào ra khỏi cấu trúc đối xứng đó. Thường thì bữa tối cô nhẹ nhàng mang cả phần cơm lên phòng khách, vừa ăn vừa xem ti vi. Âm thanh từ ti vi là thứ âm thanh gần như duy nhất trong nhà.
Tại sao có lúc sự gọn gàng, sạch sẽ toát lên từ một ngôi nhà lại khiến người ta bức bối, khó chịu đến vậy? Ấy là vì nó được đặt trong tương quan so sánh với ngôi nhà rộn ràng bừa bộn bên kia. Cô thấy nhà mình như một thực thể không sống. Sự gọn gàng cứ như biểu hiện của một sự đông cứng, một sức ỳ không chuyển động. Tủ lạnh là thứ cô dùng thường xuyên nhất, nhưng cô không thể “kham” nổi cả cái tủ lớn, cứ cuối tuần là cô lại tổng vệ sinh bằng cách bỏ bớt những thức ăn chưa kịp dùng tới. Hai ngày một lần, cô phải lột hết vỏ gối, drap giường ra để giặt cùng quần áo cho đủ một “mẻ”. Vì thế, căn nhà đã sạch lại càng chẳng có lúc nào… được bẩn.
Người đi qua con hẻm không thể biết bên trong hai ngôi nhà giống hệt nhau, nhịp sống lại khác nhau đến thế. Những cô gái độc thân, những chàng trai độc thân đang sống một mình trong những ngôi nhà mà nhìn từ bên ngoài, ta cứ tưởng là không gian của cả một gia đình. Tôi hình dung về gia đình như ngôi nhà của bố mẹ tôi, quanh năm ra vào dễ “đá thúng đụng nia”, làm việc nhà thôi đã không ngớt tay, vậy mà vẫn thấy chỗ này còn bừa, chỗ kia cần chỉnh. Nhưng, cái sự nền nếp, thuận hòa như một nhịp sống đang trôi chảy bên trong mà ai cũng nhận biết được. Cái nhịp sống ấy như tiếp thêm năng lượng cho mọi thành viên. Người ta phải sống trong một gia đình, đâu phải sống trong “xác” một ngôi nhà.
Tôi là người đang sống ở một trong hai ngôi nhà vừa kể.

Ly hôn không phải vì chồng ham của lạ

Câu trả lời của anh như đâm một nhát dao chí mạng vào tim tôi. Vậy là với anh, tôi không khác gì những cô gái điếm rẻ tiền.

Tôi đã ly hôn chỉ vì câu trả lời của chồng khi tôi hỏi: “Anh có em rồi mà còn đi gác tay gác chân; đi tăng 2, tăng 3. Anh thấy họ thế nào?”. Chồng tôi thản nhiên trả lời: “Cũng vậy thôi mà!”

Có người cho tôi là hâm, là dở người vì đã có thể chấp nhận chuyện chồng mình “ăn bánh trả tiền” mà lại không thể chấp nhận một câu nói… bình thường như thế. Sự thật, tôi là loại người vợ hèn yếu, nhẫn nhịn, nhưng sự chịu đựng nào cũng có giới hạn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Lần đầu tiên biết chồng mình đi cà phê ôm, bia ôm, gác tay gác chân, tôi đau lắm, nhưng cũng đành chấp nhận những gì anh nói: “Đàn ông bây giờ, mười thằng hết tám là vậy, còn hai thằng thì thuộc loại thử rồi không hạp. Em phải mừng là anh không nói dối, giấu diếm em, luôn cố gắng để gìn giữ, không mang bệnh về nhà”. Tôi từng khóc ngày khóc đêm với cái lý luận của anh nhưng cũng phải nhìn nhận, trong lời anh có một phần sự thật. Tôi vốn bệnh tật, yếu ớt, không đáp ứng nổi nhu cầu của anh, nên anh có ra ngoài “ăn bánh trả tiền” cũng là bất đắc dĩ, là thậm chí như anh nói: “Thà vậy còn hơn vì bức bách mà anh có bồ nhí rồi bỏ em luôn”.

Thế nhưng một lần, khi nằm cạnh nhau trong một lần anh đi hai ngày mới về nhà, tôi đã lấy hết can đảm hỏi anh câu hỏi đó, để biết cảm giác của anh là gì khi làm chuyện đó với những người phụ nữ bán thân nuôi miệng. Câu trả lời của anh như đâm một nhát dao chí mạng vào tim tôi. Vậy là với anh, tôi không khác gì họ. Với anh, tôi không phải là người vợ được tôn trọng, thương yêu; thậm chí còn tệ cả họ, là một món đồ chơi không dùng được. Mọi chịu đựng, cố gắng của tôi đã sụp đổ. Tôi hiểu ra rằng, mình còn thấp kém hơn những cô gái đó. Họ bán thân nuôi gia đình, nuôi con cái, nuôi chính bản thân; còn tôi, tôi chẳng có gì để bán nên chấp nhận mua anh làm chồng bằng sự im lặng chịu đựng những khinh rẻ, nhục nhã anh dành cho tôi.

Tôi đã làm đơn ly hôn trong nỗi đau mà tôi biết khó bao giờ mình có thể gột rửa, xóa nhòa.

Em “là gì” của anh?

Em bỗng tự vấn, xem những khoảnh khắc nào là không thể quên trong đời. Để rồi bàng hoàng nhận ra, ngập ngời trong ký ức là hình ảnh anh...

Trong phim, cô gái nhất quyết từ hôn, vì câu trả lời của vị hôn phu về ký ức đẹp nhất trong đời không phải là mình, mà về một bàn thắng thể thao từng ghi được. Đó cũng là lần đầu tiên, cả anh và em nhất trí với nhau, tình huống ấy là ngớ ngẩn, không thật. Đàn ông mà, làm sao đủ tâm trí để lãng mạn như kiểu chị em đòi hỏi được cơ chứ! Rồi anh hỏi, em xem anh chàng kia có đáng bị “xử” như vậy không?

Trước anh, em giả vờ im lặng, chăm chú vào những pha hài hước trên màn ảnh. Nhưng, trong suy nghĩ, em vẫn ủng hộ quyết định của vai nữ chính. Em cũng băn khoăn, vậy ký ức đẹp nhất của anh là gì, với ai, có liên quan chút nào đến hai mẹ con em không?

Em bỗng tự vấn, xem những khoảnh khắc nào là không thể quên trong đời. Để rồi bàng hoàng nhận ra, ngập ngời trong ký ức là hình ảnh anh, đơn giản và đời thường đến không tin được.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Hồi đó, em “là gì” của anh. Một buổi tối anh chạy ngang nhà, điện thoại kêu em ra, chỉ để dúi vào tay em hộp sô cô la đẹp đẽ. Giải thích lý do, anh bảo đi dự sự kiện về, người ta tặng cho khách mời với lời dặn: hãy mang về cho người thân yêu nhất. Ngay giây phút đó, anh đã nghĩ đến em. Chắc anh không thể ngờ là, bao năm qua rồi, hộp kẹo ấy em vẫn còn giữ nguyên, chỉ thi thoảng tháo nơ ra để ngắm nghía, để biết thấy đời này kiếp này, được yêu anh là phần phước của riêng em…

Em nhớ lần đầu tiên chúng mình đi ăn tối, khi đi bộ anh đã hai lần đổi bên, để em có thể an tâm mà nép vào phía không xe lúc qua đường… Nhỏ nhặt thôi, mà em mãi không quên. Cảm giác xúc động lúc ấy, chắc nói ra anh cũng không tin là em… sến tới mức đó! Một lần, anh đội mưa mang đến cổng công ty em mấy ly sương sa hột lựu ngọt lừ. Món chè đó, sau này bao nhiêu dịp em nếm lại, vẫn không sao tìm được cảm giác khó tả hôm đó.

Ngày em báo tin mình mang thai, anh đã chở em đến tiệm bán đầm bầu, kiên nhẫn ngồi chờ em thử hết cái này đến cái khác. Tiệm hoành tráng, toàn hàng đẹp, mấy cô nhân viên chu đáo ân cần, chỉ có em là vụng về lóng ngóng. Khi em đứng lên cái bục lớn, bối rối xoay một vòng để anh ngắm, anh đã buột miệng khen, em đẹp giống như cô dâu đang thử áo cưới. Em đã lặng nhìn anh rất lâu, hạnh phúc tràn lên mi mắt, không sao kìm giữ được. Không có sự so sánh nào làm em bất ngờ đến vậy. Bởi, mình đã không may mắn có được cùng nhau một đám cưới đầy đủ, rỡ ràng. Giây phút ấy, em biết mình thật sự thuộc về anh, vĩnh viễn là người đàn bà của riêng anh mà thôi.

Năm đó, khi con một tháng bốn ngày, em ra ngoài lần đầu tiên sau khi sinh, mới có “cơ hội” nhìn thấy anh lọng cọng ẵm con trên đôi tay vạm vỡ, đưa qua đưa lại, dỗ dành. Giọng đàn ông rổn rảng hát một bài nhạc, đâu như là… Tiếng chày trên sóc Bombo để ru con. Kỳ lạ thay, thằng nhóc vốn hay ra rả khóc lại nằm im trên tay ba nó, vẻ như lắng nghe! Hình ảnh cha con ấm áp đó, tuy buồn cười mà in dấu mãi lòng em.

Bình yên làm sao khi em nhận ra, ký ức về anh ngập tràn quanh em. Hôm qua. Hôm nay. Và mãi mãi.