Ngành Y tế Quảng Ninh đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3 (bão WIPHA) đang tiến vào Vịnh Bắc Bộ, nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe người dân và hạn chế tối đa thiệt hại.
Sáng ngày 21/7/2025, tại hội nghị trực tuyến toàn ngành, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị y tế sẵn sàng về nhân lực, vật tư, thuốc men và hóa chất.
Các biện pháp trọng tâm bao gồm việc tổ chức trực ban 24/24, thành lập các đội cơ động để kịp thời phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh và cấp cứu ngoại viện.
Đồng thời, công tác vệ sinh môi trường cũng được đẩy mạnh triển khai đến các địa phương, đảm bảo phòng ngừa dịch bệnh trước và sau bão.

Theo thông tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tính đến 12h ngày 21/7, bão số 3 đã vào vịnh Bắc Bộ, vị trí tâm bão vào khoảng 21.1 độ Vĩ Bắc; 109.3 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 140km, cách Hải Phòng khoảng 280 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất: Cấp 9-10 (75-102 km/h), giật cấp 12. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15km/h.
Bão số 3 được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp. Để chủ động ứng phó với bão số 3, đồng chí Giám đốc Sở đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình mưa, lũ, thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy theo thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và các phương tiện thông tin đại chúng; rà soát lại kế hoạch phòng chống bão lũ, hoàn thiện Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão để ứng phó kịp thời với tình hình thực tế.

Để đảm bảo công tác y tế không gián đoạn, các cơ sở y tế phải tổ chức trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị nạn nhân do mưa lũ. Việc cung ứng đầy đủ thuốc thiết yếu, bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư y tế theo phương châm “3 trước 4 tại chỗ” là ưu tiên hàng đầu.
Đặc biệt, các bệnh viện lớn như Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí phải bố trí ít nhất 4 đội cấp cứu ngoại viện, trong khi các đơn vị khác cần có ít nhất 2 đội, luôn sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần triển khai phương án bảo vệ cơ sở y tế tại các vùng có nguy cơ ngập lụt. Công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo nguồn nước sạch và an toàn thực phẩm cũng được đặc biệt chú trọng nhằm hạn chế tối đa các dịch bệnh phát sinh sau bão lũ. Sau khi bão tan, các cơ sở khám chữa bệnh cần nhanh chóng ổn định để tiếp tục phục vụ người dân.

Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 3 (bão YAGI) năm 2024, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo nguồn điện và hệ thống thông tin liên lạc. Các đơn vị phải chủ động xây dựng phương án dự phòng để không làm gián đoạn việc điều trị và thông tin. Đồng thời, tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe để người dân nắm được các kỹ năng sơ cấp cứu cần thiết trong mùa mưa bão.
Với tinh thần chủ động cao nhất, đồng chí yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành không được chủ quan, lơ là nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.