Ngày càng nhiều người tin vào lời khuyên trong các hội nhóm trên mạng xã hội để tự mua thuốc uống mà không cần ý kiến bác sĩ. Xu hướng tưởng chừng tiện lợi, tiết kiệm này thực chất lại đang tiềm ẩn hàng loạt rủi ro nguy hiểm, có thể khiến người dùng rơi vào cảnh tiền mất, tật mang, thậm chí đánh đổi bằng chính mạng sống.
Từ hội chị em bỉm sữa, làm đẹp, giảm cân, đến các nhóm chữa bệnh bằng đông y gia truyền... mạng xã hội đang trở thành nơi "kê đơn”, “chữa bệnh" của hàng ngàn người không có chuyên môn y tế. Thực tế đã có nhiều trường hợp gặp biến chứng nghiêm trọng vì tự ý uống thuốc theo các lời khuyên trong hội nhóm, một kiểu chữa bệnh phản khoa học đang trở nên phổ biến đáng báo động.

Cẩn thận rước họa vào thân
Chỉ cần một cú nhấp chuột, bất kỳ ai cũng có thể tham gia các nhóm sức khỏe trên mạng xã hội. Từ những hội nhóm hàng trăm nghìn thành viên chia sẻ bí quyết sống khỏe, đến các diễn đàn chữa bệnh bằng “thuốc gia truyền”, “bài thuốc dân gian”, tất cả đang hoạt động sôi nổi với hàng loạt bài đăng, hình ảnh, clip về các loại thuốc, thực phẩm chức năng cứu người như thần.
Nhưng ẩn sau những lời khuyên nghe có vẻ hợp lý đó là vô số nguy cơ. Việc uống thuốc theo chia sẻ của người khác, người không có kiến thức chuyên môn, không hiểu rõ tình trạng sức khỏe của người dùng là hành vi rất nguy hiểm, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Niềm tin mù quáng vào “kinh nghiệm người đi trước”
Tâm lý phổ biến hiện nay là thấy ai đó từng dùng một sản phẩm hiệu quả thì tin tưởng làm theo. Nhiều người cảm thấy lời khuyên trong các hội nhóm dễ tiếp cận, gần gũi hơn bác sĩ. Có người còn cho rằng “bác sĩ kê nhiều thuốc, tốn tiền”, còn “chị này dùng rồi khỏi bệnh, giá lại rẻ, tội gì không thử?”.
Chính từ tâm lý đó, nhiều người đổ xô mua các loại thuốc đông y, thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân, thuốc bổ não, tăng sức đề kháng, thậm chí cả thuốc điều trị tiểu đường, cao huyết áp... qua các hội nhóm trên mạng. Không cần đơn, không kiểm tra sức khỏe, không tư vấn chuyên môn… tất cả chỉ dựa vào lòng tin mù quáng.
Bác sĩ cảnh báo: Đừng đùa với thuốc
Theo các chuyên gia, thuốc là một lĩnh vực khoa học phức tạp, cần có chẩn đoán, đánh giá kỹ lưỡng về cơ địa, bệnh nền, thể trạng, lịch sử điều trị của từng người. Không ai giống ai trong cách đáp ứng thuốc. Tự ý dùng thuốc theo lời mách nước có thể gây tương tác thuốc, dị ứng, quá liều, hoặc khiến bệnh nặng thêm.
Hiện nay trên thị trường trôi nổi nhiều loại thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc quảng cáo quá mức trên mạng xã hội. Không ít sản phẩm được gắn mác “gia truyền”, “thảo dược thiên nhiên”, “an toàn tuyệt đối” thực chất chứa các hoạt chất tân dược bị cấm hoặc chưa được kiểm chứng. Người tiêu dùng rất khó phát hiện, hậu quả có thể là suy gan, suy thận, rối loạn nội tiết, thậm chí tử vong.
Mạng xã hội không thay thế được bác sĩ
Không thể phủ nhận mạng xã hội là nơi tiện lợi để chia sẻ kinh nghiệm. Nhưng kinh nghiệm không thể thay thế cho chẩn đoán y khoa. Việc kê đơn qua mạng là một hành vi phản khoa học. Người dùng cần ý thức rõ, mỗi cơ thể là một cá thể riêng biệt. Một loại thuốc hiệu quả với người này có thể là chất độc với người khác.
Ngoài ra, còn một vấn đề lớn, nhiều người bán thuốc trong các hội nhóm thực chất không phải người tiêu dùng thật, mà là người kinh doanh, sử dụng tài khoản ảo để tung hô sản phẩm, tạo hiệu ứng đám đông nhằm bán hàng. Việc này khiến người mua càng dễ tin lầm.
Làm gì để tránh rơi vào bẫy thuốc online?
Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ khi muốn dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thực phẩm chức năng hay thuốc đông y.
Không nên tin tuyệt đối vào các bài chia sẻ kinh nghiệm trong hội nhóm mạng xã hội, nhất là khi không có dẫn chứng khoa học, không rõ danh tính người viết.
Không mua các loại thuốc không có nguồn gốc, không có giấy phép của Bộ Y tế, không rõ thành phần, liều lượng.
Cảnh giác với những lời quảng cáo “hiệu quả nhanh”, “chữa khỏi 100%”, “gia truyền quý hiếm”... vì đó là những dấu hiệu phổ biến của lừa đảo.
Sức khỏe không thể đặt cược bằng sự cả tin. Uống thuốc theo hội nhóm là một hành động tiềm ẩn nhiều rủi ro mà người dùng cần hết sức tránh. Hãy lựa chọn thông tin y tế từ nguồn đáng tin cậy, lắng nghe lời khuyên từ bác sĩ thay vì nghe theo những chuyên gia online không tên tuổi. Đừng để một phút cả tin trên mạng xã hội đánh đổi bằng tháng ngày nằm viện, thậm chí là sinh mạng của chính bạn.