Mẹ kế

Nhưng hình như sự “tàn nhẫn” của mẹ, bỏ mặc con đối diện với những sự thật đã mau chóng đưa con ra khỏi vỏ bọc đau thương.

Mẹ, có bao giờ mẹ nhớ hình ảnh con ngày đó không mẹ, ngày con gặp mẹ lần đầu tiên cách đây vừa đúng 30 năm. Mà không, con biết chắc là bây giờ mẹ chẳng nhớ gì đâu. Bây giờ mẹ còn không nhớ nổi mẹ là ai thì làm sao mẹ nhớ được con và cả mẹ khi đó.
Nhưng con thì con nhớ rõ lắm. Con nhớ rõ khi đó con là một con bé 7 tuổi, nhỏ xíu, ngơ ngác và đau buồn. Con đã đau buồn như vậy tới 2 năm liền, sau ngày mẹ con mất đi. Mọi người đều bảo con là con bé kỳ lạ, vì trẻ con mau quên lắm, quên rất nhanh cả nỗi đau mất mẹ. Thế mà con thì không quên, con khóc hoài và rơi vào tình trạng mà bây giờ chắc người ta gọi là trầm cảm. Một người lớn bị trầm cảm có lẽ đã khiến mọi người xung quanh phải khó sống thì một đứa bé bị trầm cảm còn khiến người ta mệt mỏi hơn. Chính vì thế, khi ba con có mẹ, điều khiến người lo lắng, sợ hãi rằng sẽ bị mẹ từ chối đó chính là sự có mặt của con. Vì vậy, ngày mẹ gặp con lần đầu tiên được ba chuẩn bị hết sức chu đáo. Ba nói chuyện với con hàng tuần trước đó, đưa con đi mua một chiếc váy mới màu trắng tinh. Ba muốn con xuất hiện trước mắt mẹ thơ ngây, trong sáng, hiền lành.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Mẹ có ấn tượng về con như ba muốn không mẹ? Con không bao giờ biết. Nhưng con không bao giờ quên ấn tượng về mẹ ngày đó, một cô gái tuyệt đẹp, sang trọng, có đôi môi đỏ chót và đôi mắt sắc lẹm. Mẹ quan sát con như quan sát một con khỉ con trong sở thú, với ánh nhìn tò mò, xa lạ. Không chịu được cái nhìn của mẹ, con bước ra bàn học vờ đọc cuốn sách mẹ tặng. Nhưng con vẫn nhìn thấy mẹ nhìn ba một cách hết sức… quyền lực và hỏi: “Con bé lúc nào cũng rầu rĩ như thế hay sao anh? Hay chỉ vì phải gặp em mà nó rầu rĩ thế”. Ba con bối rối nắm tay mẹ đầy vẻ van nài: “Anh nói em rồi, nó lúc nào cũng buồn, nhớ mẹ, hay ngủ mê, giật mình, mớ ầm ĩ. Nó nhớ mẹ. Anh mong rằng em sẽ thay thế hình ảnh mẹ nó”. Mẹ nhìn em và bảo ba: “Em không biết, em không hứa với anh được, em đồng ý làm vợ anh và anh nhớ là anh muốn lấy em làm vợ, chứ không phải kiếm mẹ cho con anh…”.
Ngay sau ngày cưới của ba với mẹ, một lần, khi không có ba ở nhà, mẹ đã gọi con đến và bảo: “Ba con nói con gọi cô bằng mẹ. Con cứ gọi như thế, nhưng cô nói thật với con, cô chưa làm mẹ bao giờ và cũng chẳng biết làm mẹ là như thế nào. Nhưng cô hứa cô sẽ làm bạn của con nếu con cũng làm bạn của cô một cách… trung thực. Con nhớ mẹ con, con cứ nhớ. Nhưng con đừng làm cuộc sống của cô mệt mỏi và u ám. Hãy cười nói tung tăng như mọi đứa trẻ con khác. Cô không muốn nhìn thấy một bóng ma trong nhà. Con có hiểu cô nói gì hay không, mặc kệ. Nhưng cô và con sẽ sòng phẳng với nhau. Cô không ỷ thế người lớn ăn hiếp con thì con cũng đừng mang cái bóng ma ấy ra dọa dẫm hạnh phúc của cô. Như thế thì cô và con mới có thể cùng sống với ba con yên bình. Còn không… cô sẽ đưa con về bên ngoại con. Con biết là ba con sẽ luôn luôn nghe lời cô”. Con không biết tại sao, tất cả những lời đó in sâu vào trí nhớ của con đến mức lạ kỳ. Có lẽ bởi vì nó thoát ra từ một đôi môi đỏ chót đầy quyền lực.
Ba dọn bàn thờ, hình ảnh của mẹ con đưa về bên ngoại. Tất cả là ý của mẹ. Và cũng là ý của mẹ khi mẹ nói ba: “Tấm hình chị ấy trong phòng con bé anh đừng cất đi. Đó là mẹ của nó”. Khi ba nói với mẹ: “Từ bây giờ, em mới là mẹ của nó”. Mẹ nhắc lại: “Nó thua em gái em chỉ 7 tuổi. Nên em sẽ là chị hay là bạn của nó. Mà điều đó không quan trọng, quan trọng là chúng ta sống được với nhau, chứ không phải là cái danh xưng thế nào”. Mẹ đã làm tất cả mọi người sốc với những phát ngôn, tuyên bố như thế của mẹ. Mọi người lo lắng cho con, tuyên đoán này kia về cuộc sống của con. Thế nhưng với con, điều đó lại khiến con hết sức nhẹ nhõm. Con không phải gồng mình lên coi mẹ là mẹ, con không phải gượng ép để ngoan ngoãn, lễ phép với mẹ. Mẹ để con tự do trong góc nhà riêng, trong nỗi buồn riêng, trong cuộc sống riêng của con.
Mẹ là người bản lĩnh, cứng rắn, rạch ròi đến… phát sợ. Mẹ không hề ve vuốt, chiều chuộng con ban đầu, như những người mẹ kế thường làm khi mới bước vào quan hệ mẹ ghẻ con chồng. Mẹ cũng không hà khắc, nghiệt ngã, rình rập con như nhiều mẹ kế trong giai đoạn sau mà con biết từ bạn bè. Mẹ không hề an ủi, không hề động viên, không hề nhỏ nhẹ với con. Mẹ không làm con có cảm giác mình là người đáng tội nghiệp. Mẹ bắt con lớn lên, thậm chí bắt con phải tự bảo vệ mình trước mẹ. Đã có những lúc con cảm thấy ghét mẹ, cực kỳ ghét mẹ. Vì con cần một người mẹ. Nhưng hình như sự “tàn nhẫn” của mẹ, bỏ mặc con đối diện với những sự thật đã mau chóng đưa con ra khỏi vỏ bọc đau thương. Con đã trưởng thành lên nhanh hơn bởi có mẹ thúc đẩy một cách vô tình.
Ở vào tuổi còn khá trẻ, mẹ bị tai nạn và tỉnh lại trong trạng thái sống vô thức. Mẹ lúc nào cũng mơ mơ, tỉnh tỉnh, không nhớ ai, không nhận ra ai, không nhớ cả chính mình. Vậy mà mẹ trong sự vô ý thức của mình nhất định chỉ chịu sự chăm sóc của con, chứ không phải của 2 em con, con của mẹ, cũng không phải của những người thân của mẹ. Nhìn con vất vả, ngược xuôi, vừa chăm sóc gia đình, vừa chăm sóc mẹ, nhiều người chép miệng thương con, nhiều người chép miệng… lo cho mẹ. Một nỗi lo… ngược lại, như ngày người ta lo cho con. Còn con, những khi thay đồ, tắm rửa cho mẹ, con lại thầm nghĩ: phải chăng giữa con và mẹ có một mối nhân duyên kỳ lạ, để chúng ta mắc nợ và trả nợ nhau tới… suốt đời. Và con cám ơn số phận vì điều đó, cám ơn số phận cho con cơ hội để làm những gì mẹ đã làm cho con, cho mẹ những gì mẹ cho con.

Chồng bạt tai, vợ nộp đơn!

Thực ra, họ làm vậy chỉ là để thỏa mãn cái tôi quá lớn của bản thân, để dằn mặt chồng, mà quên mất “cái thiệt” đi liền sau đó.

Dù vẫn yêu chồng, vẫn muốn vợ chồng gắn bó, nhưng đụng chuyện lớn nhỏ gì cũng đòi ly hôn có vẻ như đã thành thói quen của không ít bà vợ. Thực ra, họ làm vậy chỉ là để thỏa mãn cái tôi quá lớn của bản thân, để dằn mặt chồng, mà quên mất “cái thiệt” đi liền sau đó.

Chồng bạt tai, vợ nộp đơn!

Mới đây, Tòa án nhân dân Q.Cái Răng (TP. Cần Thơ) đã xét xử vụ đơn phương xin ly hôn của chị Nguyễn Thị Diệu.

Theo chị Diệu, năm 2007, chị kết hôn với anh Dương Hoàng Thái, chung sống được hai năm thì bắt đầu phát sinh mâu thuẫn, vợ chồng thường xuyên cãi vã. Anh Thái hay rượu chè, cờ bạc, không chí thú làm ăn, không quan tâm, lo lắng cho gia đình, bỏ bê nhà cửa, con cái. Dù vợ đã nhiều lần khuyên nhủ nhưng Thái vẫn không chịu sửa đổi, thậm chí còn đánh cả vợ.

Trái với những gì vợ “tố”, anh Thái cho rằng nguyên nhân vợ anh xin ly hôn là do anh lỡ bạt tai vợ và đó cũng là lần đầu tiên anh đánh vợ. Anh kể, anh sống chung với gia đình nhà vợ nên đôi khi có nhiều chuyện đụng chạm, bực bội trong lòng không nói ra được. Diệu đã không thông cảm, chia sẻ với chồng mà còn dựa thế nhà cha mẹ mình “bắt chẹt” anh. Mỗi lần vợ chồng cãi nhau, dù lớn hay nhỏ Diệu cũng đòi ly hôn. Biết tính vợ chỉ dọa chứ không làm thật nên anh Thái luôn nhịn cho trong ấm ngoài êm. Vừa rồi, vợ chứng nào tật ấy, nóng quá không kiềm chế được, anh lỡ đánh chị một bạt tai. Vậy là chị đùng đùng viết đơn ly hôn bắt anh ký. Anh đã xuống nước năn nỉ chị suốt cả tuần mà chị vẫn nộp đơn ra tòa. Thật lòng anh Thái vẫn thương vợ con, vẫn hằng ngày phụ vợ chăm lo kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái và chưa có khoảng thời gian nào vợ chồng anh mâu thuẫn đến độ phải ly thân. Đến nước này thì chị Diệu mới lí nhí thừa nhận vẫn còn tình cảm với chồng, hai vợ chồng vẫn “ăn chung, ngủ chung” với nhau dù đã nộp đơn xin ly hôn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Những trường hợp chuyện bé xé ra to như chị Diệu không hiếm. Theo một vị thẩm phán của tòa này, thông thường cứ mười vụ xin ly hôn thì có một vụ không nhằm mục đích ly hôn mà chỉ muốn “dằn mặt” bạn đời. Đối với những cặp đôi này, khi hòa giải, chỉ vài ba câu hỏi là nhận ra nội tình ngay và thường sau phiên hòa giải, người trong cuộc xin rút lại đơn. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào tòa “nhận ra” thì cũng hòa giải thành công, nhất là khi “đối phương” cảm thấy bị tổn thương và chuyện đã vượt ngưỡng chịu đựng của họ.

Già néo đứt dây

Là trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Thanh An và chị Trần Thu Thủy (Q.Tân Phú, TP.HCM). Cho rằng chồng không chung thủy, thường xuyên đi sớm về muộn bỏ mặc vợ con và có thái độ vũ phu với vợ, chị Thủy đơn phương nộp đơn xin ly hôn. Anh An tuy không ký vào đơn nhưng khi ra tòa, anh lạnh lùng gật đầu, mong muốn được ly hôn. Trước tòa, khi chị Thủy kể không kịp thở về “tội lỗi” của chồng, anh vẫn giữ thái độ im lặng, chịu đựng. Có lẽ nhận ra sự “bất thường” nên chủ tọa liên tục đặt ra những câu hỏi gợi mở, chia sẻ dành cho anh, anh vẫn không một lời biện minh. Tòa nhiều lần khuyên anh và chị suy nghĩ lại, anh lạnh lùng, dứt khoát. Cuối cùng, tòa phải tuyên bố chấp thuận cho anh chị ly hôn. Chị Thủy òa khóc nức nở.

Gặp anh An sau phiên tòa, anh tâm sự, sức chịu đựng của mỗi người có hạn nhưng vợ anh đã không nghĩ đến điều đó. Lần đầu tiên vợ đòi ly hôn, anh rất buồn và hụt hẫng. Lần thứ hai anh không buồn nữa mà lại thấy đau vì vợ không tôn trọng anh, xem thường cuộc sống vợ chồng. Rồi lần ba, lần bốn… mà lần nào nguyên nhân cũng chỉ từ những việc cỏn con trong nhà, như việc chị nhờ anh trên đường đi làm về mua giùm chị mớ rau, anh lỡ quên. Chuyện nhỏ xíu mà chị càm ràm cả buổi, bực bội anh quát lại, vậy là chị bù lu bù loa đòi thôi nhau. Hay như chuyện chị soạn ra bản phân công công việc nhà, từ chuyện ủi đồ, rửa chén đến lau nhà cũng phó cho chồng. Anh không đồng ý, chị cay cú: “Vậy thì thôi đi, anh kiếm con khác về mà hầu hạ”.

Rất nhiều chuyện tương tự như vậy, anh An phải nhẫn nhịn cho qua. Công việc của anh phải thường xuyên tiếp đối tác sau giờ làm, trước khi cưới chị cũng biết rõ điều đó, nhưng vẫn hoạnh họe chồng. Lần nào anh về muộn chị cũng mặt nặng mày nhẹ, anh gọi cửa phải chờ hơn nửa tiếng chị mới ra mở. Hôm rồi không kiềm chế được, vợ chồng cãi vã, anh lỡ nặng lời, chị khăn gói bỏ về bên ngoại không quên để lại tờ đơn xin ly hôn trên bàn. Cho đến khi có giấy mời của tòa anh mới biết chị còn viết thêm một lá khác gửi tòa. Anh đã tìm gặp chị khuyên nên rút lại đơn, nhưng chị cự tuyệt, thách thức. Anh thở dài: “có lẽ đến lúc tôi phải chấp nhận sự mất mát này”.

Có đặt mình vào vị trí của đối phương, mới cảm nhận được hết mức độ tổn thương của việc “hở ra là đòi ly hôn”. Thế nhưng, khi “máu nóng” đã bốc lên, ít ai chịu đặt mình vào vị trí của người khác mà thường hành xử theo bản năng nhằm thỏa mãn cái tôi của mình. Những giọt nước mắt muộn màng của chị Thủy sau phiên tòa đã không còn cứu vãn được gia đình.

Quên để vượt qua “cái nư”

Theo tiến sĩ Võ Văn Nam, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, sử dụng chiêu “đòi ly hôn” hoặc đơn phương nộp đơn xin ly hôn để dọa người bạn đời thì chẳng khác nào đang chơi dao hai lưỡi, người đứt tay đầu tiên là người cầm dao. Mặt khác, việc vợ chồng đang chung sống với nhau, giận dỗi đòi ly hôn cũng là một hành động xúc phạm, không tôn trọng bạn đời. Tâm lý đàn ông thường hiếu thắng nên đừng bao giờ thách thức họ. Ban đầu họ cũng không muốn ly hôn, nhưng nếu cứ bị vợ thách thức, chắc chắn sẽ nổi tự ái, “muốn tới đâu thì tới”. Vì thế, nếu thật sự không muốn gia đình đổ vỡ, con cái bơ vơ thì người trong cuộc nên biết kiềm chế cảm xúc.

Thực tế, việc “lạm dụng” này chỉ là giải pháp bất đắc dĩ của các bà vợ, trong một lúc không kiềm chế được, nhằm giải tỏa nỗi ấm ức của mình. Việc này thường xảy ra đối với những phụ nữ không làm chủ được cảm xúc. Ngay từ đầu, họ đã mang cảm giác bị thiệt thòi trong gia đình và luôn có tâm lý muốn "vùng lên". Tiến sĩ Võ Văn Nam chia sẻ thêm, do cuộc sống hằng ngày phụ nữ thường chịu nhiều áp lực, vừa đi làm, vừa chăm sóc con cái, nhà cửa, thậm chí còn chăm luôn cả chồng. Trong khi đó, ông chồng chỉ mỗi việc đi làm rồi về xem ti vi, đọc báo, rảnh rỗi thì tụ tập với bạn bè. Suy nghĩ mình đang phải chịu đựng bất công đã vô tình khiến chị em nghĩ đến những điều tiêu cực như ly hôn, ly thân.

Theo tiến sĩ Nam, để tránh được tình trạng mỗi lần “bốc hỏa” là mỗi lần đòi ly hôn, trước hết người phụ nữ phải tạm quên đi cái gọi là bất công, thiệt thòi của bản thân. Đừng nghĩ đến đổ vỡ mà hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp phía trước: một gia đình êm ấm, hòa thuận, con cái ngoan hiền... Khi ấy, tự thân mỗi người sẽ thấy trân trọng hơn cuộc sống hôn nhân, trân trọng bạn đời. Chị em đừng tự ám thị mình đang chịu thiệt thòi vì lâu dần điều đó sẽ hình thành những suy nghĩ tiêu cực trong tiềm thức.

Ông bà ta có câu “chén trong sóng còn khua”, vợ chồng không thể tránh khỏi những xung đột, quan trọng là phải biết kiềm chế và biết dừng đúng lúc, đừng để chén nước đổ đi rồi không thể hốt đầy lại được.

Đi đi anh, rồi ta sẽ quên…

Em luôn tin rằng, đàn bà, riêng những chuyện liên quan đến trái tim đau, thì đã muốn là sẽ làm được.

Dùng dằng mãi, cuối cùng thì anh cũng dứt khoát. Đơn nghỉ việc đã nộp, thông tin bắt đầu loang ra rằng em chỉ là vật thế thân; khó nghe hơn, chỉ là “mối” để người đàn ông như anh “qua đường” trong lúc quạnh quẽ một mình; là em đã bị lừa, cứ tưởng lấp lánh kia là chân tình nên bây giờ “đùng một cái”, anh chọn con đường sum vầy với vợ con ở phương xa kia… Không đến mức cúi mặt trước những thị phi của thiên hạ, nhưng hỏi ai tránh được nỗi buồn? Tủi thân em cố giấu trong vẻ dửng dưng lạnh lùng, dù việc xa anh, là chuyện không sớm thì muộn.

Nơi ấy, ở một đất nước cách xa gần nửa vòng trái đất, anh có cuộc sống, bổn phận của anh, hai đứa con đang đợi. Những vướng víu còn lại, có lẽ là sự ổn định đang có ở nơi này, và chắc là em, người đã gắn bó với anh mấy năm qua trong bóng tối không danh phận. Đó là suy nghĩ của em, và cũng là sự đắn đo dằn vặt từ mối tình muộn màng của chúng mình bấy lâu. Em không đủ dũng khí để bằng mọi cách giữ anh lại cho mình, bất chấp tất cả. Em luôn tin rằng, đàn bà, riêng những chuyện liên quan đến trái tim đau, thì đã muốn là sẽ làm được. Nhưng thâm tâm em thừa biết, mình không thể nào đạp lên mọi thứ.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Ừ thì anh đi. Hiếm ai chết vì một cơn đau tình, nên chắc chắn là, em cũng sẽ vật vã mà bước tiếp. Cuộc đời dài rộng thế, tìm cho mình một bờ vai khác, với em chẳng phải là quá khó. Nhưng để làm gì kia chứ, khi tình yêu em dành cho anh đã dốc cạn như giọt rượu cuối cùng. Vòng tay tự ôm lấy thân, em tự hỏi, dông gió của những ngày xa anh trước mặt, em biết lấy gì để dựa vào bây giờ?

Chúng mình vốn là đồng nghiệp. Quan trọng gì đâu, cái việc người quen tha hồ hả hê soi mói, phải không anh? Bởi đơn giản là, anh đã rời khỏi, chỉ còn em đối diện với quá khứ. Mỗi ngày, khi em chạy xe ra vô cổng cơ quan, em sẽ bàng hoàng mà nhớ rằng, chẳng còn lần nào gặp anh ở nơi chốn này nữa.

Người ta vẫn bảo, hạnh phúc là tấm chăn hẹp. Những năm tháng đắp lên mình tấm chăn ấy, em vẫn đôi lúc băn khoăn, nhiều lần bất an, những dự cảm chia xa đứt đoạn luôn đè nặng. Giờ cương quyết buông tay, để một mái gia đình vốn đã lỏng lẻo có thêm trụ cột, em thực tâm mong tấm chăn ấy đủ ấm cho những mùa đông xứ lạnh. Không phải để tỏ ra cao thượng hay nhường nhịn gì, với em, đơn giản chỉ là buông tay…

Mạnh mẽ lên anh nhé, đừng ngoảnh lại chi, người ta sẽ bị vấp ngã nếu cứ vừa đi vừa ngoái lại. Em không muốn phải nghĩ ngợi nhiều, chẳng hề đắn đo tìm hiểu xem, vì sao anh có thể gom góp những yêu thương em trao đi trong từng ấy năm tháng, để giờ chỉ còn là chuyện quá khứ. Vẫn biết cuộc sống chẳng hề đơn giản, không phải cứ muốn là được, nhưng trái tim anh đã bao giờ thực sự dành cho em hết lòng? Hay em cứ vùng vẫy một cách bản năng, cho thỏa nỗi thua thiệt của mình, như bấy lâu nay, đã cố gắng ru mình trong một cuộc tình dài?

Có nhau một đoạn đường trong đời, dẫu lỡ làng thì cũng là duyên phận. Em không đợi chờ, anh càng chẳng hứa hẹn.

Đi đi anh, rồi ta sẽ quên…