Đi đi anh, rồi ta sẽ quên…

Em luôn tin rằng, đàn bà, riêng những chuyện liên quan đến trái tim đau, thì đã muốn là sẽ làm được.

Dùng dằng mãi, cuối cùng thì anh cũng dứt khoát. Đơn nghỉ việc đã nộp, thông tin bắt đầu loang ra rằng em chỉ là vật thế thân; khó nghe hơn, chỉ là “mối” để người đàn ông như anh “qua đường” trong lúc quạnh quẽ một mình; là em đã bị lừa, cứ tưởng lấp lánh kia là chân tình nên bây giờ “đùng một cái”, anh chọn con đường sum vầy với vợ con ở phương xa kia… Không đến mức cúi mặt trước những thị phi của thiên hạ, nhưng hỏi ai tránh được nỗi buồn? Tủi thân em cố giấu trong vẻ dửng dưng lạnh lùng, dù việc xa anh, là chuyện không sớm thì muộn.
Nơi ấy, ở một đất nước cách xa gần nửa vòng trái đất, anh có cuộc sống, bổn phận của anh, hai đứa con đang đợi. Những vướng víu còn lại, có lẽ là sự ổn định đang có ở nơi này, và chắc là em, người đã gắn bó với anh mấy năm qua trong bóng tối không danh phận. Đó là suy nghĩ của em, và cũng là sự đắn đo dằn vặt từ mối tình muộn màng của chúng mình bấy lâu. Em không đủ dũng khí để bằng mọi cách giữ anh lại cho mình, bất chấp tất cả. Em luôn tin rằng, đàn bà, riêng những chuyện liên quan đến trái tim đau, thì đã muốn là sẽ làm được. Nhưng thâm tâm em thừa biết, mình không thể nào đạp lên mọi thứ.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Ừ thì anh đi. Hiếm ai chết vì một cơn đau tình, nên chắc chắn là, em cũng sẽ vật vã mà bước tiếp. Cuộc đời dài rộng thế, tìm cho mình một bờ vai khác, với em chẳng phải là quá khó. Nhưng để làm gì kia chứ, khi tình yêu em dành cho anh đã dốc cạn như giọt rượu cuối cùng. Vòng tay tự ôm lấy thân, em tự hỏi, dông gió của những ngày xa anh trước mặt, em biết lấy gì để dựa vào bây giờ?
Chúng mình vốn là đồng nghiệp. Quan trọng gì đâu, cái việc người quen tha hồ hả hê soi mói, phải không anh? Bởi đơn giản là, anh đã rời khỏi, chỉ còn em đối diện với quá khứ. Mỗi ngày, khi em chạy xe ra vô cổng cơ quan, em sẽ bàng hoàng mà nhớ rằng, chẳng còn lần nào gặp anh ở nơi chốn này nữa.
Người ta vẫn bảo, hạnh phúc là tấm chăn hẹp. Những năm tháng đắp lên mình tấm chăn ấy, em vẫn đôi lúc băn khoăn, nhiều lần bất an, những dự cảm chia xa đứt đoạn luôn đè nặng. Giờ cương quyết buông tay, để một mái gia đình vốn đã lỏng lẻo có thêm trụ cột, em thực tâm mong tấm chăn ấy đủ ấm cho những mùa đông xứ lạnh. Không phải để tỏ ra cao thượng hay nhường nhịn gì, với em, đơn giản chỉ là buông tay…
Mạnh mẽ lên anh nhé, đừng ngoảnh lại chi, người ta sẽ bị vấp ngã nếu cứ vừa đi vừa ngoái lại. Em không muốn phải nghĩ ngợi nhiều, chẳng hề đắn đo tìm hiểu xem, vì sao anh có thể gom góp những yêu thương em trao đi trong từng ấy năm tháng, để giờ chỉ còn là chuyện quá khứ. Vẫn biết cuộc sống chẳng hề đơn giản, không phải cứ muốn là được, nhưng trái tim anh đã bao giờ thực sự dành cho em hết lòng? Hay em cứ vùng vẫy một cách bản năng, cho thỏa nỗi thua thiệt của mình, như bấy lâu nay, đã cố gắng ru mình trong một cuộc tình dài?
Có nhau một đoạn đường trong đời, dẫu lỡ làng thì cũng là duyên phận. Em không đợi chờ, anh càng chẳng hứa hẹn.
Đi đi anh, rồi ta sẽ quên…

Tâm tình vợ gửi cho nhân tình chồng

Nghe râm ran chuyện chồng mình với ấy, mình cũng hơi chột dạ, nhưng ấy đừng vội đắc thắng vì mình chưa đến nỗi xoắn lên đâu.

Chẳng khó để tìm ra “lịch sử chát” của chồng mình với ấy qua Skype mà anh quên "xoá dấu". Nhờ vậy, mình biết mối quan hệ giữa hai người chỉ mới ở mức độ… ve vãn nhau!

Công ty của vợ chồng ấy là đối tác của công ty chồng mình. Sau vài lần theo chồng đến công ty chồng mình giao dịch, chẳng biết bằng cách nào ấy đã "câu" được chồng mình. Hẳn chồng ấy cũng không ngờ mình đem vợ mình "cúng" cho một gã đàn ông khác. Đàn bà bây giờ đáng sợ thật, có chồng con rồi mà tư tình với chồng người khác chẳng biết ngượng! Đọc những dòng tán tỉnh của chồng mình dành cho ấy, mình không tức giận mà trái lại thấy buồn cười, mình cũng từng nghe những lời lẽ ấy từ một vài người đàn ông khác, cứ như thể tất cả họ - những người đàn ông thích “đánh bắt xa bờ” đều đọc những câu ấy từ một quyển sách, học cùng lớp, cùng… thầy mà ra.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nhưng mình tự hào vì mình sáng suốt hơn ấy khi không “mắc bẫy” của những người đàn ông tham lam, trong khi chẳng biết ấy có “giả nai” không mà cứ tin chồng mình sái cổ, lại còn chia sẻ, an ủi khi anh than thở về sự “cơm không lành canh không ngọt” ở nhà. Ấy có biết là chồng mình có đi đâu cũng về nhà ăn vì cơm đường cháo chợ, thậm chí “phở” là món ưa thích cũng chẳng khiến anh “chung thủy” được lâu vì anh bảo không ăn ở đâu vừa miệng như cơm nhà vợ nấu? Ấy có biết chồng mình yêu con hơn tất cả những thứ quý giá nhất trên đời này? Và anh chẳng bao giờ đi đâu qua đêm chỉ vì không muốn ngủ mà thiếu vợ bên cạnh? Thế mà, buồn cười làm sao khi ấy cứ ngây thơ tin vào cái bi kịch mà anh sáng tác ra để... "lừa tình" ấy! Thật tội nghiệp khi mình biết gia đình ấy cũng hạnh phúc, chồng ấy không tệ, vậy mà ấy vẫn tự đưa mình vào bẫy… tình.

Công ty chồng mình tổ chức tiệc cuối năm. Vợ chồng ấy cũng đến dự. Mình cảm nhận được chồng mình và ấy vẫn giữ một khoảng cách vừa phải giữa đám đông dù vài lần bắt gặp ánh mắt cùng nụ cười hai người khẽ trao nhau dưới "lớp vỏ" xã giao thông thường. Mình thất vọng vì ấy không đẹp, không trẻ hơn mình dù kém mình đến vài tuổi, vóc dáng ấy thô kệch, trang phục lại xoàng (mình rất tự tin về ngoại hình của mình nhé). Nhìn mọi người vui vẻ hưởng ứng những câu pha trò duyên dáng của mình, trong khi ấy cứ lủi thủi, thỉnh thoảng chen vào vài câu nhạt nhẽo, mình lại tin rằng khả năng ngoại giao của mình hơn hẳn ấy! Trông hai cục cưng của mình bụ bẫm, đáng yêu bao nhiêu, lại được mẹ chăm chút từ đôi giày đến chiếc nón thật sành điệu thì hai cô công chúa của ấy trông tội nghiệp bấy nhiêu. Nếu ấy dành thời gian lo cho con thay vì tung tẩy với người đàn ông khác hẳn các con ấy trông đã khoẻ mạnh, xinh xắn hơn! Hoặc nếu ấy dùng thời gian đưa đẩy với người khác để tập trung cho công việc, hẳn ấy đã thoát khỏi cái bóng mờ nhạt bên chồng như hiện tại.

Thì ra, chồng mình đến với ấy chẳng qua vì bản năng cố hữu ở những người đàn ông luôn háo hức với những cuộc chinh phạt ái tình chứ chưa hẳn vì ấy hơn mình. Thực ra, không phải phụ nữ không biết chán những cái đã cũ, mòn trong cuộc sống vợ chồng, mình tin rằng ấy cũng thế. Có điều, mình không refresh (*) hôn nhân bằng cách đi tìm một vòng tay mới như cách ấy đang tìm ở chồng mình. Mình không cao ngạo đến mức lố bịch khi tự nâng mình lên trước một kẻ được cho là (sắp) đánh bại mình khi chồng mình có biểu hiện “say nắng” ấy nhưng khi đã xác định được điểm yếu, điểm mạnh của mình sau lần gặp ấy trong phạm vi "cận cảnh", việc trị “cảm nắng” cho chồng mình xem chừng đã dễ dàng hơn.

Hãy khoan hạnh phúc với những niềm vui vừa “nhặt” được, đừng vội ngủ quên khi tưởng mình đã là người chiến thắng cũng như hãy còn quá sớm để ấy vui mừng khi đã hai “lửa” rồi mà vẫn “hạ gục” được một ông sếp tài ba như chồng mình, anh ấy chỉ vờ bị “đốn ngã” để ấy tự dẫn mình vào "hang cọp" đấy thôi. Đàn ông muôn đời vẫn thế bởi họ đâu có mất gì, ai dại thì cứ tự "nạp mạng" thôi. Mình không dám cho rằng mình sẽ luôn "bách chiến bách thắng" nhưng trong cuộc cạnh tranh này, nếu xem mình với ấy là đối thủ thì hãy tin một điều: mình sẽ không bao giờ là người thua cuộc!

Chồng “ngoan ngoãn” mang phong bì về cho vợ

“Em không quan trọng mỗi tháng anh đem về bao nhiêu tiền, nộp cho vợ bao nhiêu phong bì. Em thích cách anh nhẹ nhàng đưa tiền cho vợ...”.

Lần đầu tiên anh vô tình nghe vợ khoe với chị gái về việc chồng “ngoan ngoãn” mang phong bì về cho vợ. Chả hiểu sao khi đó anh rất vui, cả ngày cứ lâng lâng với ý nghĩ “mình không giấu giếm vợ, không lập quỹ đen nên vợ càng thương mình hơn chăng?”.

Em biết tại sao anh lại tự nguyện như thế không? Bởi vì mỗi lần nhận phong bì từ anh, không bao giờ em vội vã xem bên trong có bao nhiêu tiền, mà em chỉ băn khoăn: “Anh đi họp vất vả vậy hay để lại mà dùng?”. Nhìn em phải chắt chiu từng đồng vì mái ấm này, anh nỡ lòng nào để lại dùng cho riêng mình.

Em bảo: “Em không quan trọng mỗi tháng anh đem về bao nhiêu tiền, nộp cho vợ bao nhiêu phong bì. Em thích cái cách anh nhẹ nhàng đưa tiền cho vợ, vậy thôi”. Anh vẫn chưa hiểu nên em giải thích: “Tức là anh không bao giờ tỏ thái độ nộp lương cho vợ như bị bắt buộc, không ném tiền về cho vợ cho xong nghĩa vụ”. À ra là thế! Anh chậc lưỡi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Thú thực anh thấy rất hãnh diện khi đem những phong bì bồi dưỡng sau những cuộc họp quan trọng hay xong công trình hay những số tiền thưởng các dịp lễ tết về cho vợ. Bởi lần thì mặt em rạng rỡ: “Bà bầu lại có thêm tiền bồi dưỡng rồi”. Lần khác thì em tủm tỉm: “Con yêu có thêm hộp sữa rồi nhé”. Phong bì bồi dưỡng nhận được nhiều khi chỉ có vài chục, vài trăm ít ỏi, nhưng vợ luôn bảo: “Vài chục nghìn em cũng quý, đó là mồ hôi của chồng mà”. Mặc dù anh biết với đồng lương của mình, em dư sức có thể cáng đáng những khoản chi tiêu ấy. Lương em gấp đôi lương chồng nhưng chưa khi em nào em hách dịch hay so bì.

Công việc hai năm nay khó khăn, ít công trình hơn nên lương của anh cứ giảm xuống. Anh nôn nóng muốn tìm công việc mới. Anh định giấu em nhưng không hiểu sao em vẫn nhận ra là anh đang muốn thay đổi. Em nhỏ nhẹ nói:

“Đang khó khăn chung nên anh đừng nóng. Em thấy nhiều người bạn của em cũng kêu ca ghê lắm. Có khi họ còn bị nợ lương cả năm ấy chứ. Dù sao ít nhiều thì lương anh vẫn lĩnh đủ vào mùng 10 hàng tháng”. Bao căng thẳng trong anh tiêu tan. Bởi ít nhất trong lòng em, anh vẫn là chỗ dựa của gia đình, anh vẫn chưa phải là kẻ thất bại. Anh dẹp luôn ý nghĩ nôn nóng tìm công ty mới.

Hàng tháng lĩnh lương anh đều đem về để em tính toán chi tiêu. Không bao giờ vồ vập đếm tiền hay hỏi bao nhiêu, em thủng thẳng: “Chồng có để lại một ít ở ví mà tiêu không thế? Còn tiền ăn trưa, xăng xe, điện thoại, đi đường nữa”. Chỉ đến khi anh gật đầu thì em mới yên tâm.

Có không ít lần anh bắt gặp em lục ví anh để âm thầm bỏ vào đấy khi thì một triệu, khi thì vài trăm vì sợ anh hết tiền thì “lười” ăn trưa. Bởi có lần ví anh hết tiền thật, lại ngại mượn đồng nghiệp nên anh nhịn luôn. Em biết điều này nên giận anh suốt hai ngày. Anh lấy lý do béo lắm rồi nên phải ăn kiêng để giảm cân nhưng em không chịu. Em chốt lại một câu: “Em rất ân hận khi để ví anh trống trơn như thế”.

Buổi sáng, anh thường đi làm trước em. Hầu như hôm nào em cũng nhắc: “Anh cầm ví chưa?”. Lúc nào em cũng lo anh chểnh mảng, hay quên. Bởi với em, đi ra đường bây giờ cái gì cũng phải tiền, ngồi uống cốc trà đá thôi cũng tiền. Rồi em bảo nếu hết tiền nhỡ may xe hỏng giữa đường thì biết làm sao? Lúc nào em cũng lo lắng cho anh như thế.

Ở công ty, thi thoảng anh nghe mấy chị, mấy cô ngồi tám chuyện rằng chồng cứ “quỹ đen quỹ đỏ”, không bao giờ chịu “cống nạp” phong bì hay tiền thưởng dịp lễ cho vợ. Ngẫm lại vợ mình, bao năm lấy nhau chưa một lời em kêu ca, so sánh lương chồng với một ai khác. Thậm chí em còn động viên lại anh: “Lương anh cao chắc gì đã chịu giúp vợ nấu cơm, rửa bát mỗi khi vợ mệt thế này? Cái gì cũng có giá của nó thôi anh ạ”. Nhìn tổ ấm lúc nào cũng rộn rã hạnh phúc, nhất là nụ cười biết bằng lòng và mãn nguyện của vợ, anh cảm thấy mình là người may mắn nhất cuộc đời này. Dân gian quả không sai, tổ ấm có ấm hay không đều từ người phụ nữ mà nên.

Yêu thương thôi chưa đủ

Hôn nhân thật ra không phải là yêu nhau đến mức nào, sống với nhau bao lâu, mà là chấp nhận nhau được bao nhiêu để biết cách xử sự.

Chị là một người cá tính, thẳng thắn, và có tính độc lập khá cao. Còn anh là con một trong nhà nên rất được cưng chiều từ nhỏ, nhiều lúc phụ thuộc gia đình hơi quá, và là người thiếu quyết đoán. Chị khá chín chắn trong chuyện tình cảm, trong khi anh lại khá trẻ con. Lúc đi ăn, chị thích ngồi cạnh người yêu, còn anh thì thích ngồi đối diện. Quan điểm sống của hai người cũng khác nhau. Vậy mà, hai người lại quyết định tiến tới hôn nhân sau ngày gặp lại của cuộc chia tay cách đây 5 năm.

Ngày chia tay anh cách đây 5 năm, chị vẫn khó chịu trong lòng khi anh cho thấy dấu hiệu của kẻ “bắt cá nhiều tay”. Một mặt, anh nói yêu chị, nhưng mặt khác lại vẫn đi tán tỉnh người khác. Chị quyết định chia tay anh chỉ trong một ngày.

Sau khi chia tay anh, chị gần như lao vào công việc, lúc nào cũng đi sớm về muộn, tập trung toàn lực cho sự nghiệp. Thấy chị siêng năng, chịu khó, nhiều người trong công ty ghép đôi chị với nhiều nhân viên nam cùng phòng để chị không thấy trống vắng. Chị cũng vài lần rung động.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
5 năm sau khi chia tay, một ngày đẹp trời, anh gọi lại cho chị khi chị đang đi cùng một anh đồng nghiệp. Đột nhiên tim chị xốn xang, chị ngỡ đã có thể quên đi mối tình ấy. Nhưng nào ngờ, cá tính mạnh mẽ của chị dù có thế nào đi nữa, cũng phải chào thua trước trái tim và tình cảm chị dành cho anh. Tận sâu trong trái tim chị, anh vẫn chiếm một vị trí quan trọng. Chỉ khi đi với anh, chị mới trở về là một người phụ nữ nhỏ bé, muốn được yêu thương và che chở.

Ngày anh đề nghị quay lại, chị đồng ý không do dự. Năm đó, chị 32 tuổi.

Dù rất yêu nhau, nhưng anh nhùng nhằng không muốn tiến đến hôn nhân. Anh sợ lĩnh trách nhiệm trụ cột vào người. Anh cũng sợ hôn nhân sẽ bó buộc tính cách thích tự do, phóng khoáng của mình. Nhưng cùng lúc đó, thấy con mình đã hơn 35, mẹ anh bắt đầu sốt sắng. Ngày anh dẫn chị ra mắt gia đình, không cần hỏi ý anh, mẹ anh đã ngỏ ý muốn cưới chị cho con trai. Quyết định kết hôn của cả hai người diễn ra vô cùng chớp nhoáng.

Nhiều lần chị cười mỗi khi kể lại: “Hai anh chị tính tình khác nhau lắm, sở dĩ sống được với nhau tới giờ chắc do nhịn nhau được. Cách nghĩ của hai người như nước với lửa. Chưa kể là từng ấy năm rồi, ổng chả biết tặng hoa hay quà gì vào dịp lễ đâu em. Vậy mà cũng được với nhau 2 đứa con rồi đó!”

Thật ra không chỉ có chị, chính anh cũng nhận ra sự khác biệt giữa mình và vợ. Mỗi khi cãi nhau, hai anh chị thường không bao giờ to tiếng. Chỉ cần thấy một bên nổi cáu, người còn lại sẽ im lặng không nói gì thêm, đến khi cả hai thực sự bình tâm thì mới ngồi lại với nhau để nói cho nhau hiểu. Nhưng với sỉ diện của người đàn ông, anh hiếm khi nhận lỗi về mình, thường chị là người xuống nước trước.

Một lần, chị ngỏ ý với anh muốn cả nhà về quê ngoại ăn Tết, vì đã lâu không về nhà. Anh nhất quyết không chịu. Còn chị nhất mực đặt vé. Hai anh chị chiến tranh lạnh với nhau trong suốt thời gian dài. Ngày chị về quê, anh không ra tiễn. Lần đầu tiên chị thấy thật ấm ức, bật khóc giữa sân bay.

Ngày 30 Tết, chị loay hoay cùng mẹ làm đồ ăn để cúng. Chị thấy tủi thân và có lỗi với mẹ khi con gái lấy chồng bao năm mà chẳng thấy hai vợ chồng về nhà một lần, còn 2 đứa con nhỏ thì chẳng biết quê ngoại là gì. Chị cảm thấy thật thiệt thòi.

Đêm 30, khi cả nhà đang quây quần đón giao thừa, xem pháo bông, chị lặng người đi khi nhìn thấy anh chồng đang đứng ở trước cổng nhà, tay xách nách mang ba lô và vali. Chị thêm một lần nữa òa khóc, nhưng là khóc trong hạnh phúc, trong xúc động.

Sau ngày ấy, chị không còn cảm thấy phiền lòng hay cho rằng những lần mình xuống nước trước là nhịn nữa, chị thấy mình cần phải chấp nhận. Hôn nhân thật ra không phải là yêu nhau đến mức nào, sống với nhau bao lâu, mà là chấp nhận nhau được bao nhiêu để biết cách xử sự. Vì chị, anh chăm sóc con cái để chị yên tâm làm việc, cũng ít tụ tập bạn bè đàn đúm để chị bớt lo. Còn vì anh, chị giảm bớt cái “tôi” của mình, chịu lắng nghe nhiều hơn, và chịu chia sẻ nhiều hơn.

Và đó, hai con người đến từ hai thế giới khác nhau, yêu thương thôi là chưa đủ, vẫn cần lắm những sẻ chia, những cảm thông và biết chấp nhận người bạn đời của mình. Chỉ có thế, cuộc sống hôn nhân mới thật sự bền vững theo thời gian.