![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
“Mẹ nó thương tôi thì ký đi… Tôi biết chuyện này là khó khăn với mẹ nó nhưng lần này là tôi yêu thật lòng. Với lại cô Thư cũng đã có thai với tôi, để lâu không thể được”. Tôi nhìn người đàn ông đang ngồi trước mặt mình. Vẻ mặt anh rất đau khổ.
Đây không phải lần đầu Hải đòi ly dị. Thế nhưng tôi vẫn nghe đắng chát trong lòng. Trong đời sống, có những thứ mà dù lặp lại bao nhiêu lần đi nữa thì nó vẫn không cho người ta cái cảm giác quen thuộc, nhẹ nhàng hơn.
Chúng tôi thành vợ chồng mà không hề có đám cưới vì cha mẹ tôi không đồng ý. Tôi xách quần áo theo anh, bỏ lại sau lưng khuôn mặt đầm đìa nước mắt của mẹ, vẻ khổ đau và sự giận dữ trên gương mặt cha.
Tôi, khi ấy mới 22 tuổi, đã rất tin vào sự lựa chọn của mình. Hải là người có chí, chịu thương, chịu khó lại thương tôi hết lòng. Anh đến thành phố này, làm đủ thứ việc để sống và học hành. Một người như thế thì không thể nào không trở thành chỗ dựa vững chắc của vợ con. Tôi lấy anh, bất chấp tất cả.
Chúng tôi đã có 10 năm hạnh phúc. Điều đó không có nghĩa là giữa hai người không có chuyện cắng đắng, buồn phiền. Nhưng tôi cho như vậy là đạt yêu cầu của một cuộc hôn nhân. Chúng tôi cùng làm lụng, bươn chải để xây đắp tổ ấm của mình. Điều đó khiến cha mẹ tôi cũng nguôi ngoai. Cuối cùng họ đã tha thứ.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Tôi bị sốc với lần đầu anh vướng vào chuyện ấy và nhất quyết đòi ly hôn. Nhưng Hải không đồng ý. Anh van xin tôi tha thứ bởi “đàn ông mà không có những thứ ấy thì chẳng khác nào đàn bà”. Lý lẽ của anh như vậy. Tôi nhớ lại những gì đã có giữa chúng tôi và tha thứ cho anh.
2 năm sau, anh lại vướng vào chuyện trai gái. Anh giấu tôi mang tiền cung phụng cho cô ta. Chuyện chỉ vỡ lỡ khi thằng em tôi tình cờ quen cô gái ấy và có ý định nghiêm túc với cô ta nên bỏ công tìm hiểu. Nó rụng rời khi phát hiện cô gái ấy đang lén lút qua lại với một gã đàn ông mà gã ấy chính là anh rể của mình.
Tôi đến tận nơi và bắt gặp họ đang ở cùng nhau. Lần này anh vẫn không ký đơn ly hôn với lý do “vợ là cơm nguội, ăn hoài cũng chán; thỉnh thoảng phải cho tôi ra ngoài ăn phở để thay đổi khẩu vị chứ?”.
Tôi bảo anh là đô vô liêm sĩ, anh thích thì cứ đi luôn với phở của anh đi. Nhưng Hải vẫn khăng khăng không chịu. Anh nói rằng trên đời này chỉ duy nhất coi tôi là vợ, còn những thứ khác chỉ là qua đường, là ly bia lạnh giải cơn khát giữa trưa hè.
Sau lần này, tôi hoàn toàn không còn niềm tin nơi Hải. Tôi giao hẹn: “Từ nay, phòng ai nấy ngủ, giường ai nấy nằm”. Nhưng Hải không đồng ý. Anh bảo tôi: “Anh không muốn mấy đứa nhỏ thấy ba mẹ bất hòa vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con”.
Đến non nước này mà anh còn nói được như vậy sao? Nếu nghĩ tới con, tới vợ, anh đâu làm những chuyện tác tệ như vậy? Tôi nói với anh: “Sự có mặt của anh trong nhà này mới chính là điều tác động xấu nhất tới tâm lý của con. Thôi, anh đừng nói nữa”.
Thật lạ lùng là dường như Hải chẳng để tâm gì đến những lời của tôi. Anh coi như không có chuyện gì xảy ra. Đôi khi tôi tự hỏi thật ra anh là người như thế nào? Anh có vấn đề gì về thần kinh hay không? Anh có thương mẹ con tôi thật lòng hay không?
Phải đến 2 năm sau tôi mới có câu trả lời. Thật ra thì anh rất khôn. Lần thứ ba ngoại tình, anh giấu kín như bưng. Về nhà, anh hết lòng thương con, chiều vợ. Anh trở lại đúng như con người mà tôi đã từng “xách giỏ theo không” như lời cha tôi đã nói cách đây mười mấy năm...
Giữa lúc con tim tôi đã bắt đầu vui trở lại, suy nghĩ của tôi về anh đã thay đổi thì bỗng dưng anh đòi ly dị. Tôi chới với như đang đứng trên đỉnh cao mà bị xô xuống vực sâu. Lý do anh đưa ra là “trước đây mẹ nó đã từng đòi ly hôn thì nay tôi chấp nhận để mẹ nó được hài lòng”.
Tôi đâu dễ dàng chấp nhận một lý do vớ vẩn như thế. Cuối cùng tôi cũng tìm ra nguyên nhân đích thực: Anh lại có một người phụ nữ khác. Người ấy trẻ hơn anh đến gần 20 tuổi, đang làm tiếp tân ở một khách sạn lớn của thành phố. Tôi thấy cổ mình như bị ai thít chặt. Đúng là lần này anh đã tròng thòng lọng vào cổ tôi, anh xem tôi chẳng khác nào một chén cơm nguội mà anh muốn đổ đi...
Bất giác trong tôi bỗng trào lên một sự oán giận. Đã vậy thì tôi không ly hôn xem anh làm gì. Tôi sẽ bắt anh phải chịu đựng như tôi đã từng chịu đựng. “Anh đừng mơ tới sự tự do. Hãy quên đi”- tôi gào lên.
Nhưng anh vẫn điềm nhiên. Anh không giận dữ, không tỏ thái độ bất cần mà ngày nào cũng năn nỉ. Ra khỏi nhà thì thôi, về tới là anh rỉ rả bên tai tôi điệp khúc ấy. Và cao trào là giờ đây anh thông báo, cô gái kia đã có bầu...
Thoạt đầu tôi nghĩ anh nói dối nhưng sau đó tìm hiểu tôi biết cô ta có bầu thật. Tuy nhiên, điều tôi không thể biết là cái bầu đó có phải là của chồng mình hay không?
Và nếu đúng là của Hải thì tôi phải làm sao bây giờ? Tôi phải chấp nhận trả tự do cho anh hay tiếp tục giày vò anh để thỏa mối hận trong lòng?
Em và anh đều là con một trong gia đình cũng có chút của ăn của để. Chỉ khác ba anh mất khi anh tròn 10 tuổi, mẹ dạy học nuôi anh khôn lớn. Mẹ em là điều dưỡng trong bệnh viện, ba em là thợ bảo trì trong một ví nghiệp may. Ba em là một người rất “mê” bóng đá, nếu có cá độ cùng bạn bè, hàng xóm chỉ là một chầu cà phê hay một bữa ăn sáng.
Mùa World Cup ba em chỉ thức một mình. Mẹ mua sẵn bánh mì thịt nguội cho ba bồi dưỡng giữa trận. Mùa World Cup thường rơi trúng mùa hè nên em không bận học hành. Em luôn thức với ba để xem bóng đá!
Ba đã giảng giải cho em thật kỹ những luật lệ trong bóng đá như khi nào là nhận thẻ vàng, lúc nào là việt vị, lúc nào là quả phạt đền. Từ hiểu biết, em say mê luôn môn bóng đá. Em rất yêu ba, thân thiết với ba nên cũng rất dễ hiểu em sẵn sàng thức với ba để lăn cùng…quả bóng.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Ba rất thích đội tuyển Đức. Mỗi đầu trận đấu ba “hãnh diện” nói với em: “Đấy, con xem mấy ‘lính’của ba kìa”. Em thích đội Anh vì em học tiếng Anh và vì đội Anh nổi tiếng chơi “fair play”, tức chơi rất công bằng, không ăn gian…
Rồi cũng đến ngày em gặp anh trong lớp Sư Phạm Toán của trường Đại Học Sư Phạm. Mùa bóng đá, em rất ngạc nhiên và hơi…thất vọng khi anh hoàn toàn “vô cảm” với môn bóng đá này. Anh chỉ buồn buồn chia sẻ cùng em: “Anh đâu có ba để dạy cho anh môn bóng đá đâu”.
Nhiều lần em cố dạy nhưng hình như em chỉ có khả năng sư phạm toán chứ không phải sư phạm…bóng đá. Càng nói anh càng …ngơ ngác! Tuy nhiên anh rất tôn trọng sở thích của em. Mùa bóng đá Euro, World Cup hay Sea Games…anh đều hỏi em tỉ số thắng thua dù em biết anh ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm.
Cưới nhau sau khi tốt nghiệp đại học, anh và em sở hữu hoàn toàn căn gác, mẹ ở dưới nhà. Mùa bóng đá anh lặng lẽ “soạn giáo án” dùm em, nhờ cả hai đều dạy chung trường. Anh lặng lẽ mua mì gói, trà, cà phê …để sẵn. Còn anh vào phòng trong…ngủ. Nhiều lúc em hét lên khi đội Anh hụt vào khung thành khiến anh giật mình rồi càu nhàu…yêu:_”…Ui cha…thiệt tình”.
Cảm động nhất là lúc có con, em lăn theo trái bóng, anh cũng lặng lẽ trở dậy pha sữa, dỗ con ngủ lại khi con thức giấc. Con trai bọn mình giống em cũng mê bóng đá. Anh thường mắng hai mẹ con: “Một mình mẹ con yêu trái bóng ba đã muốn chết…Giờ thêm con nữa”.
Cuối năm nay mình kỷ niệm Lễ Bạc. Con trai mình đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Nó tuyên bố vợ nó cũng phải yêu bóng đá. Em đã khuyên nó: “ Đừng bắt vợ con yêu bóng đá, mà chỉ mong cô ấy thông cảm cho niềm vui của con là đủ. Về phía con đừng xem bóng đá như trò đen đỏ. Như mẹ nè, xem cho vui, có bắt độ cũng chỉ bữa ăn sáng hay một chầu sinh tố cùng bạn bè. Dù ba con không mê bóng đá, gia đình ta cũng hạnh phúc…Có sao đâu”.
Anh ạ! Thật là sáo rỗng khi em lại cám ơn anh hiểu em. Em chỉ viết những dòng này để thấy rằng em là một phụ nữ hạnh phúc nhất trên đời khi có anh và con bên cạnh trái bóng…
Năm 18 tuổi, tôi lên thành phố làm công nhân, ở trọ gần phòng anh. Thấy anh là người có ý chí, vừa học, vừa làm nên tôi đem lòng yêu thương. Trai đơn gái chiếc, có tình cảm, lại sống gần nhau nên chỉ sau một thời gian ngắn là chúng tôi nhanh chóng góp gạo thổi cơm chung.
Thấy anh đi học vất vả, tôi tình nguyện cơm nước, giặt giũ, lo lắng, chăm sóc anh. Để anh có điều kiện học hành, tôi không tiếc tiền bạc, công sức. Biết anh học ngành xây dựng, cần có cái máy tính, tôi đã phải chạy xe hàng trăm cây số về quê, xin cái máy tính cũ của người anh họ đem lên cho anh. Những khi anh trễ học phí, tôi lấy tiền lương của mình ra đóng. Thời gian thấm thoắt, ngày anh làm luận văn tốt nghiệp cũng đến. Tôi khấp khởi hy vọng, chờ đợi anh sẽ ngỏ lời cưới tôi như đã hứa. Nhưng, trái với những gì tôi mong đợi, anh ngày càng lạnh nhạt, thậm chí kiếm chuyện xa lánh tôi.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Trong thời gian anh hắt hủi, tôi chỉ biết khóc thầm, không thể tâm sự với ai. Một người bạn nam làm chung công ty, thấy tôi rầu rĩ đã thường xuyên an ủi, động viên. Trong lúc buồn bã, mất phương hướng, tôi nhắm mắt đưa chân, nhận lời cầu hôn của anh bạn. Tôi đi chụp hình cưới mà gương mặt cô dâu cười như khóc. Tôi không có chút cảm xúc nào với anh bạn ấy nhưng khờ khạo nghĩ, việc lấy chồng rồi sẽ khỏa lấp hình bóng người yêu cũ. Tôi còn nghĩ, tôi lấy chồng sẽ khiến anh phải ray rứt, ân hận. Nhưng, dù ở bên chồng, tôi vẫn không quên được anh. Tôi nhiều lần lén chồng, nhắn tin liên lạc với người yêu cũ.
Những dịp đặc biệt, anh hẹn tôi đi chơi. Chúng tôi thường thuê khách sạn, chăn gối với nhau. Việc gì đến cũng đến, do không ngừa trước, tôi lỡ có thai với anh.
Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra. Bố mẹ chồng mắng chửi tôi rồi đuổi mẹ con tôi khỏi nhà. Đau khổ tận cùng, tôi điện thoại cầu mong anh giúp đỡ. Đáp lại những lời năn nỉ của tôi, anh lạnh lùng: “Con của cô thì cô tự lo. Tôi không có trách nhiệm gì với nó cả. Đừng làm phiền tôi”.
Những khi con gái ốm đau, mình tôi ôm con đi bệnh viện, gọi cho anh tôi luôn nhận được những lời chửi rủa. Không hiểu sao anh đối xử tồi tệ như thế nhưng tôi lại không thể quên anh được? Tôi phải làm sao khi nỗi đau giữa yêu và hận cứ ngày một lớn dần trong lòng? Không lẽ tôi cứ sống câm lặng, để con gái mình chịu thiệt thòi vì không bao giờ có được tình yêu, sự quan tâm của cha ruột?