Mẹ chồng phải lòng trai trẻ

Có lần, mẹ chồng tôi dẫn ông ta về nhà, giới thiệu với chúng tôi là bạn trai khiến vợ chồng tôi thấy rất khó xử.

Ngày tôi theo anh về nhà ra mắt mẹ, bà nhìn tôi từ đầu đến chân, nheo nheo mày rồi “phán”: “Thời đại gì rồi còn quần bò, áo sơ mi cắm thùng. Ngày mai mặc váy đi cháu, chân dài thế kia mà không mặc váy thật phí quá”. Trong khi tôi đỏ mặt vì xấu hổ thì, chồng đứng ở bên cười khúc khích rồi thì thầm: “Đấy anh đã bảo rồi, mẹ anh tính hiện đại ‘xì tai” lắm, cứ mặc váy thật đẹp, càng ngắn bà càng thích. Đã nói rồi mà không chịu nghe”.
Vừa kéo ghế ngồi xuống, như vẫn muốn bình luận về phong cách của tôi, bà tiếp tục: “Chao ôi, cháu chăm chỉ thật đấy, công việc bận rộn như thế mà vẫn để được tóc dài thế kia à, cắt ngắn đi gội cho nhanh”.
Rồi qua dăm ba câu chuyện, tôi vừa nghe vừa toát mồ hôi về phong cách, lối sống của bà. Quả thực, mẹ chồng tương lai của tôi rất hiện đại, rất xì tin, vượt xa so với những gì tôi tưởng tượng trước đó khi nghe con trai kể về bà. Tôi thực sự rất ngạc nhiên, bởi gia đình tôi vốn là gia đình gia giáo, nề nếp, mẹ tôi là giáo viên về hưu, mọi tác phong, lễ giáo, nhất là với con gái mẹ đều răn dạy nghiêm khắc. Đặc biệt, mẹ tôi quan niệm con gái là phải để tóc dài, như thế mới dịu dàng thướt tha. Con gái là phải đi nhẹ, nói khẽ cười duyên, ăn vận kín đáo, chiếc váy nào của tôi cao trên đầu gối mẹ nhất quyết không cho mặc.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Mặc dù rất ngạc nhiên vì phong cách “trẻ quá” của mẹ chồng tương lai nhưng tôi như “cá gặp nước”, ao ước được ăn mặc phóng khoáng, tung tăng váy ngắn lâu nay không được thực hiện từ giờ có lẽ tôi sẽ được thoải mái. Tôi thấy thích tính cách đó của bà, và thực sự nghĩ rằng mình sẽ rất thoải mái khi ở cùng với bà dưới một mái nhà. Thay vì lo phải làm thế nào để lấy lòng mẹ chồng, thì từ giờ, tôi sẽ lo thay đổi phong cách để hợp hơn với tính cách trẻ trung của bà.
Nhưng sau khi làm con dâu bà, tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và thú thực, tôi khó có thể thích nghi với lối sống quá Tây ấy.
Mẹ chồng tôi đã xấp xỉ tuổi 60 nhưng tủ quần áo của bà toàn là gam màu nóng, xanh, đỏ tím vàng. Hơn nữa, tất cả những chiếc áo của mẹ chồng đều không hề có dấu hiệu của phần cổ áo, thậm chí, 90% số áo ấy đều được may theo dáng cổ thuyền, trễ nải.
Chiều đến, thay vì tập yoga, tập dưỡng sinh, bà lại bận rộn với việc chọn quần áo, chọn giày để cùng với một số bà bạn khác đi tập aerobic, khiêu vũ….
Tôi tự nhủ, dù sao bà cũng hy sinh nhiều vì con trai, một mình nuôi con khôn lớn, trưởng thành (bố chồng tôi mất sớm), nên bây giờ, để bà tự do làm những gì mình thích. Nhưng nếu chỉ đơn giản là việc đi tập aerobic, khiêu vũ mỗi chiều thì đã không nên chuyện, đằng này, mẹ chồng tôi khiến cả tôi và chồng đều xấu hổ khi hàng xóm xì xầm, bà đang hẹn hò, yêu đương một ông trong câu lạc bộ khiêu vũ kém bà đến hơn chục tuổi.
Tôi không dám nói với bà vì sợ bà tự ái nên để chồng tôi khuyên nhủ bà. Ban đầu, mẹ chồng tôi kiên quyết không nghe lời phân tích của chồng, một mực cho rằng, tình yêu không có tội và tiếp tục duy trì mối quan hệ với người đàn ông kia. Có lần, mẹ chồng tôi dẫn ông ta về nhà, giới thiệu với chúng tôi là bạn trai khiến vợ chồng tôi thấy rất khó xử. Tuy nhiên, gã trai chỉ biết nhảy nhót cuối cùng cũng lộ rõ bản chất thật, khi moi được kha khá tiền từ mẹ chồng tôi, hắn bỏ của chạy lấy người khiến bà thất tình, buồn bã cả tháng trời.
Nhưng ngoài tính tình trẻ trung quá mức, xì tin thái quá thì mẹ chồng tôi là người rất thương con, quý cháu. Có những thời điểm công việc bận bịu, tôi phải làm việc ngày, đêm, mẹ chồng tôi một mình cơm nước, giặt giũ cho con cháu mà không hề than trách hay đá xéo con dâu.
Từ ngày về làm dâu, tôi chưa bao giờ bị mẹ chông mắng mỏ hay trách than điều gì. Bà yêu thương đối xử với tôi chẳng khác gì con ruột.
Ngẫm cho cùng, trên đời quả thực không có ai hoàn hảo. Nếu như phải đánh đổi mẹ chồng tôi với một bà mẹ chồng khác chắc chắn tôi sẽ không đồng ý.
Ngày mai, tôi được lĩnh lương, có lẽ tôi sẽ cùng bà đi mua sắm một chuyến thật đã. Bà còn khỏe, còn thích cứ để bà sống vui vẻ hàng ngày với những sở thích đó. Biết đâu sau này, khi mẹ chồng tôi đã già yếu, bà sẽ sống đúng với tuổi của mình hơn. Khi đó, chắc chắn không ai có thể tuyệt vời và hoàn hảo hơn bà.

Gái ngoan

Để nhận được lời khen đó, em dần đánh mất chính mình. Và anh cũng chẳng còn là anh nữa. 

Anh vẫn hay khen em như thế. Khỏi phải nói, em sung sướng, hỉ hả làm sao. Anh khen vì em biết vâng lời, dù những yêu cầu của anh chẳng phải lúc nào cũng hợp lý. Anh khen bởi em nhẫn nhịn, dù không ít lần, anh quá đáng, thiếu quan tâm, thậm chí thiếu tôn trọng em. Em bực mình anh, cũng chẳng dám nói. Em hờn giận anh, cũng không tỏ thái độ ra mặt…

Em đã nghĩ đó là tình yêu. Yêu là cho đi, là hy sinh, là quên mình. Yêu có nghĩa là thỏa hiệp với những tâm tính thất thường của người yêu, là chín bỏ làm mười, là củ ấu cũng tròn…

Để nhận được lời khen đó, em dần đánh mất chính mình. Và anh cũng chẳng còn là anh nữa. Khi người khác dễ dàng bỏ qua những sai trái của mình, anh dần tự mãn với sự ngang ngược, trở nên ít biết trân trọng, càng chẳng biết nâng niu, chăm chút những gì đang có. Anh quen với sự trịch thượng, gia trưởng và hay bắt lỗi.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Phần em, mải miết với ảo tưởng “gái ngoan” theo chuẩn mực của anh, em đã làm cho sự hấp dẫn của mình giảm đi, sự cuốn hút và độc lập của mình ngày càng ít lại. Em thiếu tự tin vào bản thân, làm điều gì cũng chờ đợi ánh mắt anh, chờ một câu khen. Em sẵn sàng bỏ chiếc áo mới mình thích, đơn giản vì anh nói cái màu đó anh không ưa. Em cắt phăng mái tóc dài mượt mà của mình, vì anh bảo trông nó… hơi quê quê, em hợp với vẻ đẹp hiện đại hơn, dù tóc xoăn xoăn nhuộm màu chưa bao giờ là lựa chọn của em...

Em cũng không dám la cà ăn vặt như xưa, vì anh cho rằng gái ngoan không bao giờ làm thế. Em không dám phản kháng hay thậm chí nêu ý kiến gì, đơn giản vì sợ anh phật ý, cho là em “không ngoan”, ngay cả khi anh nhậu nhẹt say sưa quá đà, điện thoại cho em lè nhè cả buổi. Khi anh quyết định bỏ việc mà không bàn bạc cùng em, em cũng chẳng lên tiếng. Để rồi cuối cùng, cũng vì chữ “ngoan” mơ hồ ấy mà em nhẫn nhịn không dám hắt ly nước vào anh, khi tình cờ bắt gặp anh đang ngồi quán với một cô gái lạ, tay quàng vai, thân mật... Sự im lặng chịu đựng như một thói quen anh “đào tạo” đã thấm vào em, khiến em trở nên u mê, nhạt nhẽo.

Em đau nhiều khi biết mình chẳng thể nào ngoan mãi theo chuẩn mực của anh. Càng buồn hơn khi em hiểu ra, cũng do em ngay từ đầu đã “nối giáo cho giặc”. Em cứ ngỡ phục tùng là khôn ngoan, mà không hiểu việc đó cũng đồng nghĩa với tự đánh mất mình.

Thì thôi anh nhé, anh cứ tiếp tục tìm kiếm cô gái ngoan của riêng anh, em không thể ngoan thêm được nữa…

Nuôi lại tình cũ?

Cảm giác chênh vênh gặp lại người cũ đeo đẳng anh cho đến lúc về nhà. Nhìn lại cuộc hôn nhân hiện tại của mình, anh âm thầm nuối tiếc...

Anh tình cờ gặp lại Nhung trong tiệc cưới của một người bạn. Chỉ có anh nhìn thấy Nhung còn cô thì không. Cô đến hát cho đám cưới chứ không phải khách mời dự tiệc. Nhung vẫn như ngày nào, nhỏ nhắn, trẻ trung và luôn “cháy” hết mình trên sân khấu. Cảm giác chênh vênh gặp lại người cũ vẫn đeo đẳng anh cho đến lúc về nhà. Nhìn lại cuộc hôn nhân hiện tại của mình, anh âm thầm nuối tiếc vì đã để mất Nhung…

Anh và Nhung yêu nhau gần bảy năm, hai người đã tính tới chuyện kết hôn. Lúc yêu nhau, mọi thứ đều hòa hợp, bạn bè nhận xét hai người xứng đôi vừa lứa. Vậy mà, khi bàn đến chuyện lấy nhau, mâu thuẫn lại nảy sinh từ những điều không ngờ tới. Nhung lo lắng vì chưa có việc làm ổn định mà lập gia đình. Anh thì không thể chờ đợi mãi được, bố mẹ chỉ có mình anh, họ mong ngóng anh lấy vợ từng ngày. Nhung vốn là người tự trọng, không muốn phụ thuộc vào người yêu, chưa xin được việc làm nên cô đi hát kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Bố mẹ anh biết chuyện con dâu tương lai hết chạy show ở đám cưới thì đến quán cà phê, mặt mũi lúc nào cũng tô son trát phấn đậm nên không bằng lòng. Bố mẹ anh yêu cầu, cưới xong Nhung không được đi hát nữa, phải ở nhà phụ nhà chồng buôn bán, lúc nào xin được việc thì hẵng hay. Khi anh kể với Nhung chuyện đó, cô giãy nảy lên. Công sức học thanh nhạc ở trường cao đẳng nghệ thuật mấy năm trời giờ lại bắt ở nhà bán tạp hóa, cô làm sao chịu nổi. Nghề mà cô chọn là dạy nhạc, giờ chưa xin được việc thì tạm thời đi hát, vừa luyện thanh vừa kiếm tiền, có gì sai đâu mà cấm. Vả lại, cưới nhau rồi, nghĩ tới cảnh bị trói chân ở quầy hàng, chắc cô buồn mà chết mất.

Bố mẹ anh nghe vậy thì đâm ra tự ái, nhà anh đâu đến nỗi không nuôi được con dâu mà nó phải đi hát hò vớ vẩn. “Ghét thì bồ hòn cũng méo”, mẹ anh quay ra chê Nhung: người nhỏ, gò má cao, liệu có sinh được con hay lại sát chồng nữa đây. Anh mệt mỏi khi đứng giữa hai chiến tuyến: một bên là gia đình, một bên là người yêu. Vì sức ép từ gia đình quá lớn, anh đành ngậm ngùi chia tay Nhung. Cô không buồn, không khóc, chỉ nói một câu: “Lúc nào anh lấy vợ, em mới lấy chồng”. Anh hiểu, mình còn yêu Nhung nhiều lắm và Nhung cũng vậy…

Bốn tháng sau, anh vội vàng kết hôn với con gái của một gia đình vốn là bạn hàng thân thiết của bố mẹ anh. Vợ anh rất được lòng bố mẹ chồng vì làm nghề buôn bán, tính toán giỏi giang, sẵn sàng kế nghiệp gia đình. Nhưng giữa anh và vợ luôn tồn tại một khoảng cách không thể lấp đầy. Vợ anh quá bận rộn với việc làm ăn. Những chuyến đi lấy hàng ở xa, việc tính toán sổ sách mỗi ngày đã ngốn sạch thời gian dành cho chồng của cô. Anh làm công chức nhà nước, hết giờ là về nhà, thời gian rảnh buổi tối nhiều. Thỉnh thoảng anh muốn tâm sự trò chuyện với vợ chuyện cơ quan, công việc cũng không thể vì vợ không hiểu, nghe được vài câu thì đã lại bắt qua chuyện buôn bán, lời lỗ. Thỉnh thoảng, nghe chồng than thở, vợ lại ném cho cọc tiền bảo đi chơi cho đầu óc thoáng ra. Nói chung, mọi bế tắc của anh đều được vợ giải quyết bằng tiền chứ không phải chia sẻ tâm sự…

Sau lần gặp Nhung, anh tìm kiếm những quán cà phê cô thường đến hát. Từ đó, anh không bỏ lỡ buổi biểu diễn nào của Nhung. Anh ngồi cách xa và lắng nghe, chỉ vậy thôi mà thấy lòng ấm áp đến lạ…

Anh tự hỏi liệu có thể kềm lòng mình đến bao giờ khi “tình cũ không rủ cũng đến” không phải là chuyện hiếm…Nhất là khi anh cứ chìm trong cảm giác nuối tiếc đến như thế này?