Nuôi lại tình cũ?

Cảm giác chênh vênh gặp lại người cũ đeo đẳng anh cho đến lúc về nhà. Nhìn lại cuộc hôn nhân hiện tại của mình, anh âm thầm nuối tiếc...

Anh tình cờ gặp lại Nhung trong tiệc cưới của một người bạn. Chỉ có anh nhìn thấy Nhung còn cô thì không. Cô đến hát cho đám cưới chứ không phải khách mời dự tiệc. Nhung vẫn như ngày nào, nhỏ nhắn, trẻ trung và luôn “cháy” hết mình trên sân khấu. Cảm giác chênh vênh gặp lại người cũ vẫn đeo đẳng anh cho đến lúc về nhà. Nhìn lại cuộc hôn nhân hiện tại của mình, anh âm thầm nuối tiếc vì đã để mất Nhung…
Anh và Nhung yêu nhau gần bảy năm, hai người đã tính tới chuyện kết hôn. Lúc yêu nhau, mọi thứ đều hòa hợp, bạn bè nhận xét hai người xứng đôi vừa lứa. Vậy mà, khi bàn đến chuyện lấy nhau, mâu thuẫn lại nảy sinh từ những điều không ngờ tới. Nhung lo lắng vì chưa có việc làm ổn định mà lập gia đình. Anh thì không thể chờ đợi mãi được, bố mẹ chỉ có mình anh, họ mong ngóng anh lấy vợ từng ngày. Nhung vốn là người tự trọng, không muốn phụ thuộc vào người yêu, chưa xin được việc làm nên cô đi hát kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Bố mẹ anh biết chuyện con dâu tương lai hết chạy show ở đám cưới thì đến quán cà phê, mặt mũi lúc nào cũng tô son trát phấn đậm nên không bằng lòng. Bố mẹ anh yêu cầu, cưới xong Nhung không được đi hát nữa, phải ở nhà phụ nhà chồng buôn bán, lúc nào xin được việc thì hẵng hay. Khi anh kể với Nhung chuyện đó, cô giãy nảy lên. Công sức học thanh nhạc ở trường cao đẳng nghệ thuật mấy năm trời giờ lại bắt ở nhà bán tạp hóa, cô làm sao chịu nổi. Nghề mà cô chọn là dạy nhạc, giờ chưa xin được việc thì tạm thời đi hát, vừa luyện thanh vừa kiếm tiền, có gì sai đâu mà cấm. Vả lại, cưới nhau rồi, nghĩ tới cảnh bị trói chân ở quầy hàng, chắc cô buồn mà chết mất.
Bố mẹ anh nghe vậy thì đâm ra tự ái, nhà anh đâu đến nỗi không nuôi được con dâu mà nó phải đi hát hò vớ vẩn. “Ghét thì bồ hòn cũng méo”, mẹ anh quay ra chê Nhung: người nhỏ, gò má cao, liệu có sinh được con hay lại sát chồng nữa đây. Anh mệt mỏi khi đứng giữa hai chiến tuyến: một bên là gia đình, một bên là người yêu. Vì sức ép từ gia đình quá lớn, anh đành ngậm ngùi chia tay Nhung. Cô không buồn, không khóc, chỉ nói một câu: “Lúc nào anh lấy vợ, em mới lấy chồng”. Anh hiểu, mình còn yêu Nhung nhiều lắm và Nhung cũng vậy…
Bốn tháng sau, anh vội vàng kết hôn với con gái của một gia đình vốn là bạn hàng thân thiết của bố mẹ anh. Vợ anh rất được lòng bố mẹ chồng vì làm nghề buôn bán, tính toán giỏi giang, sẵn sàng kế nghiệp gia đình. Nhưng giữa anh và vợ luôn tồn tại một khoảng cách không thể lấp đầy. Vợ anh quá bận rộn với việc làm ăn. Những chuyến đi lấy hàng ở xa, việc tính toán sổ sách mỗi ngày đã ngốn sạch thời gian dành cho chồng của cô. Anh làm công chức nhà nước, hết giờ là về nhà, thời gian rảnh buổi tối nhiều. Thỉnh thoảng anh muốn tâm sự trò chuyện với vợ chuyện cơ quan, công việc cũng không thể vì vợ không hiểu, nghe được vài câu thì đã lại bắt qua chuyện buôn bán, lời lỗ. Thỉnh thoảng, nghe chồng than thở, vợ lại ném cho cọc tiền bảo đi chơi cho đầu óc thoáng ra. Nói chung, mọi bế tắc của anh đều được vợ giải quyết bằng tiền chứ không phải chia sẻ tâm sự…
Sau lần gặp Nhung, anh tìm kiếm những quán cà phê cô thường đến hát. Từ đó, anh không bỏ lỡ buổi biểu diễn nào của Nhung. Anh ngồi cách xa và lắng nghe, chỉ vậy thôi mà thấy lòng ấm áp đến lạ…
Anh tự hỏi liệu có thể kềm lòng mình đến bao giờ khi “tình cũ không rủ cũng đến” không phải là chuyện hiếm…Nhất là khi anh cứ chìm trong cảm giác nuối tiếc đến như thế này?

Mẹ chồng “soi bóng”… nàng dâu

Chị lấy chồng sớm nên hơn 40 tuổi đã “lên chức” mẹ chồng. Từ ngày có con dâu, nhà thêm người nên có chút xáo trộn nếp sinh hoạt...

Ngày trước, chị dù nắm quyền “lãnh đạo” nhưng cũng kiêm “nhân viên” phục vụ của ba bố con. Đi thì chớ về đến nhà là quần áo, giày dép bố con thay ra vứt từ tầng dưới lên tầng trên. Họ ngồi góc nào là góc ấy tàn thuốc lá, bã chè, bàn cờ tướng, báo chí bừa bãi. Dù nói thế nào, chị cũng chẳng thay đổi nổi mấy bố con. Vậy là chị tay làm miệng nói, lâu dần trở thành người phụ nữ lắm điều trong nhà. Cũng vì cách sống ấy mà chị không được lòng mẹ chồng nhiều. Bao năm nay, mối quan hệ mẹ chồng- nàng dâu cứ như lửa với nước.

Giờ con dâu chị không cần “lắm điều” nhưng lại đưa mọi người vào khuôn khổ đâu vào đấy. Tuần đầu, nó quan sát nếp sinh hoạt nhà chồng, tuần sau rủ mẹ chồng đi chợ. Hôm đó, nó mua mấy cái sọt nhựa lớn về đặt ở trước cửa mỗi phòng ngủ nhẹ nhàng bảo: “Từ nay công việc giặt giũ quần áo cả nhà con sẽ đảm nhiệm thay mẹ. Vì không tiện vào phòng mỗi người thu dọn quần áo bẩn nên bố mẹ và chú út thay xong cho vào sọt hộ con”. Chỉ một yêu cầu nhỏ ấy của con dâu nhưng đã thay đổi cả thói quen vứt quần áo bẩn bừa bãi của mấy bố con. Đơn giản thế mà sao trước đây chị không nghĩ ra. Cứ thế những việc trước đây, chị nhắc nhở, la mắng thế nào bố con nó cũng chẳng thay đổi nhưng con dâu lại âm thầm làm được điều đó mà không gây ức chế, khó chịu cho người nào.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Đi làm thì thôi, về đến nhà là con dâu luôn miệng “mẹ ơi”. Vào bếp dù làm được hay không nó cũng “mẹ ơi, con làm thế này được chưa”, “mẹ ơi, xem hộ con cái này”, “mẹ ơi, con sắp xếp thế này được không ạ”. Rõ ràng là nó làm được, hỏi cho có lệ nhưng sao chị vẫn thấy mát lòng mỗi khi được nó xin ý kiến. Mỗi lần nó có làm hỏng việc, chị chẳng nỡ buông lời trách mắng. Khi nó mới về, chị thấy khó chịu với cái từ “mình ơi” của con dâu gọi chồng. Bởi sau mỗi từ đó là con trai chị như một con rối để cho nó sai vặt. Nào là “mình ơi, giúp em cái này”, “mình ơi, lấy hộ em cái kia”…

Nhưng sau một thời gian, chị thấy cái từ “mình ơi” ấy khiến vợ chồng chúng nó lúc nào cũng quấn quýt bên nhau, con trai sống có trách nhiệm hơn, biết chia sẻ việc nhà với vợ và mẹ. Cứ mỗi lần nghe con dâu ngọt ngào “mình ơi” với con trai, chồng chị lại nhìn vợ nháy mắt: “Đàn ông mà lúc nào vợ cũng gọi như vậy thì bảo đi vá trời cũng làm”. Cái từ “mình ơi” hóa ra có tác dụng rất đặc biệt với đàn ông, chỉ là chị không biết cách sử dụng nó.

Chị dâu trưởng gọi điện sang báo mẹ chồng ốm phải nằm viện điều trị ít lâu. Chị theo nếp cũ: “Mẹ tính đưa cho bác trưởng ít tiền thuê người chăm bà ở viện như mọi lần”. Bên kia, bác trưởng cũng đồng ý với phương án đó nên mọi chuyện liên quan đến việc nằm viện của bà nội đều được giải quyết bằng các dịch vụ từ ăn uống đến chăm sóc hàng ngày. Thế mà, con dâu chị cứ cách ngày lại hì hục nấu cháo mang vào bảo đổi món cho bà. Mỗi lần vào viện, nó “kể công” vất vả nấu cháo để ép bà ăn. Suốt một tháng trời, cả nhà cứ vì nồi cháo nó cần mẫn nấu nên thay nhau mang vào viện cho bà liên tục. Không giống như trước kia chỉ thỉnh thoảng đảo qua thăm bà chớp nhoáng rồi về lo công việc.

“Nhà chị thật có lòng với mẹ chồng, lại khéo dạy dâu hiếu thảo với bà cụ quá. Chẳng bù cho nhà tôi…”. Nghe bà cụ nằm chung phòng bệnh khen, lòng chị thoáng chút ngại ngùng. Nếu không vì nồi cháo của con dâu, chắc chị cũng chẳng có cơ hội nhận được lời khen này. “Thấy cháu dâu bảo dạo này mẹ nó hay đau đầu chóng mặt. Mẹ nó mang cái này về bồi bổ, mọi người cho nhiều quá mẹ dùng không hết”. Mẹ chồng chị vừa nói, vừa đưa lấy ra hộp sâm. Lòng chị ngèn ngẹn: “Sắp tới bác trưởng đi chăm con dâu ở cữ, mẹ về nhà con sống ít lâu nhé!” – chị vừa bóp chân cho mẹ chồng vừa mở lời. Ánh mắt bà cụ nhìn chị trìu mến, bao năm làm dâu lần đầu tiên chị cảm thấy mọi khúc mắc mẹ chồng nàng dâu trước đây biến mất. Chị thầm cảm ơn cô con dâu trẻ người mà không non dạ nhà mình.

Chuyện lạ, mai mối cho tình cũ

Chính em đã đưa người con gái ấy đến với anh. Một câu chuyện tưởng chỉ có trong thơ ca, cổ tích. 

“Thằng đó cái gì cũng được, chỉ tội rượu chè bê tha quá, lấy nó về sau này con sẽ khổ”. Khi nghe em thuật lại lời nói của cha, anh rất tự ái.

Lúc đó anh nghĩ, đó chẳng qua chỉ là một sự từ chối khéo chứ cái chuyện rượu chè thì thằng đàn ông nào chẳng mắc phải? Hơn nữa, anh chỉ xỉn có 2 lần khi đến nhà em chứ có nhiều lắm đâu mà bảo bê tha?

Nhớ hồi đó khi anh nói chia tay, em đã khóc rất nhiều. Em bảo rằng anh không thương em, cha nói vậy chớ đâu có cấm cản hai đứa tiếp tục yêu thương, tìm hiểu. Nếu thật lòng với em, anh có thể sửa đổi, thậm chí chỉ cần anh không xỉn khi đến nhà em, còn những lúc khác thì sao cũng được. Thế nhưng, anh không nghe vì lòng anh đã quyết.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Xa em, anh mới thấy cuộc sống của mình thật vô nghĩa. Chẳng còn ai mong ngóng, nhắn tin, gọi điện, chúc anh ngủ ngon... Chẳng còn ai tươi cười xuất hiện đúng lúc anh đang đói khát, mệt lả vì công việc đến nỗi không dứt ra được để kiếm cái gì bỏ bụng. Không có em, cuộc sống với anh như ngừng lại. Và anh lại chìm trong rượu khi biết tin em đã lấy một người khác.

Cho đến ngày có một cô gái khác đột ngột xuất hiện trước anh. Người đó đã mang lại cho anh sinh khí mới, đã vực anh dậy từ vũng lầy bê tha rượu chè, đã thật lòng yêu anh và cảm hóa con người anh. Người ấy đã mang hạnh phúc đến cho anh như em đã từng.

Tưởng như vậy thì cuộc sống cũng đã có hậu lắm rồi. Vậy mà giờ đây, anh tình cờ biết được một điều diệu kỳ khác của tình yêu, tình người. Chính em đã đưa người con gái ấy đến với anh. Một câu chuyện tưởng chỉ có trong thơ ca, cổ tích. Cảm ơn em, người đã “mai mối” cho nhân duyên, hạnh phúc của anh bây giờ. Thế mới biết có những tình yêu vẫn sống mãi ngay cả khi người ta không còn đi chung một con đường. Một lần nữa, cảm ơn em...