Mạnh dạn buông tay

Cuộc hôn nhân của chúng mình chỉ còn là cái vỏ bọc, mục ruỗng và trống rỗng.

Hè về, đồng nghiệp cùng gia đình nô nức với những dự định đi đây đó. Em chợt nhớ, đã lâu lắm rồi, cả nhà mình không đi du lịch chung. Thậm chí, bây giờ hỏi rằng, anh và em ra quán ăn chung với nhau lần gần nhất là lúc nào, em cũng không thể nhớ.
Cuộc hôn nhân của chúng mình chỉ còn là cái vỏ bọc, mục ruỗng và trống rỗng. Những khuya anh về trễ, em cũng không buồn gọi điện hay nhắn tin, sợ phiền. Một mình trong căn phòng hiu hắt, thường trực trong em là câu hỏi, vì sao mình cứ phải tiếp tục sống như thế này?
Vì con ư? Không hẳn. Con nay đã học lớp 4. Con ở với ba hay với mẹ đều thuận tiện. Vì sĩ diện sao? Chưa chắc. Chúng ta đều hiểu, mọi thứ phù du xung quanh đâu quan trọng gì để phải gồng lên chịu đựng. Vì điều kiện kinh tế ràng buộc? Cũng chẳng đúng.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vậy thì, lý do cuối cùng và quan trọng nhất mà người ta hay nghĩ tới, là vì tình yêu chăng? Dư âm của mối tình từ thời sinh viên, bao nhiêu người ngưỡng mộ, ao ước còn đó. Cảm giác chiến thắng mọi thứ khi mình có thể vượt qua nhiều trở ngại để đến với nhau ai ngờ đã trở thành ám ảnh tệ hại, khi anh và em đều vì cái điều tưởng như ngớ ngẩn ấy mà cố nắm níu cuộc sống lứa đôi đã quá nguội lạnh.
Anh và em hoàn toàn không hợp nhau, đó là sự thật mà phải đến khi về chung sống, mình mới ngỡ ngàng nhận ra trong chua xót. Ngày xưa, khi “đâu lưng lại”, mình đã không mấy bận tâm đến những bất hòa mà cả hai cho là vụn vặt. Đâu ngờ, chính tiểu tiết lại làm hỏng đại sự. Ngay cả trò chuyện với nhau, mình cũng thấy khó khăn. Không hẳn chỉ là khắc khẩu, mà chúng mình có nhiều khác biệt. Cái tôi của ai cũng lớn. Thêm nỗi thất vọng đến khó hiểu về một quá khứ ngọt ngào làm cho anh và em thêm bức bối, vùng vẫy mà không sao tìm ra lối thoát.
Em quạnh quẽ trong nỗi muộn phiền mỏi mệt. Anh thờ ơ sống phó mặc, “để mai tính”. Con chúng mình ra đời, không đủ sức để ba mẹ chăm chút lại quan hệ vợ chồng, nên chỉ cần một bên buông lơi, là tình cảm đương nhiên phải chênh chao nhiều…
Em nhiều lần thử nhóm lại bếp lửa gia đình mình, nhiều lần chèo chống bởi ý nghĩ, chẳng thể dưng không mà bỏ cuộc. Nhưng rồi, như con cá nhỏ bơi giữa đại dương mênh mông, em hiểu rằng, mọi thứ chỉ là vô nghĩa, khi một bàn tay chẳng đủ vỗ nên kêu.
Ta bên nhau như thế, chẳng phải là ích kỷ đó sao anh? Em chỉ có một đoạn đường tuổi xuân ngắn ngủi, và anh cũng vậy, cuộc sống luôn trôi về phía trước. Thay vì nắm níu một ảo ảnh tình yêu, chi bằng mình hãy mạnh dạn buông tay nhau, anh nhé!

Yêu lại người cũ, có nên chăng?

Yêu lại người cũ, nghĩa là bạn đang đi đến đích bằng con đường vốn đã quen thuộc từ lâu.

Bạn có thể nhớ đến từng cái ổ gà, từng khúc quặt, từng hàng cây, đến từng con ngõ nhỏ nhưng ai dám chắc cái đích trước kia bạn tới đã là điểm đến cuối cùng.

Đừng ngại ngần, cũng đừng tự day dứt, nếu tình yêu đã chọn bạn, cũng có nghĩa là định mệnh đang tìm bạn.

Chia tay, biết đâu đó chỉ là cái ngõ cụt, mà sau một thời gian xa nhau, hai bạn lại đủ yêu thương và lý trí để vùng vẫy tự tìm cho mình một lối thoát khác.

Có ai biết được những gì đang ở cuối con đường kia. Điều quan trọng là bạn dám đi và người đồng hành với mình cùng chung lòng để bước tiếp.

Hành trang của chuyến đi này ngoài tình yêu, ngoài tin tưởng còn là trải nghiệm, đồng cảm và những thấu hiểu xa xôi.

Yêu lại người cũ, nghĩa là bạn đang đọc một cuốn sách đã đọc từ lâu ở một nơi khác, vào một thời điểm khác và bằng một tâm trạng khác.

Co nen yeu lai nguoi yeu cu khong
Ảnh minh họa. 
Cuốn sách ấy có thể sẽ có những đoạn bạn đã thuộc lòng đến nhàm chán, sẽ có những trang bạn muốn lướt qua thật nhanh mà không muốn đọc lại.

Nhưng cũng sẽ có những lúc bạn muốn dừng thật lâu bên một câu văn dù thật quen nhưng vẫn gợi lên nhiều xúc cảm.

Rồi sẽ khóc thật nhiều, cười thật nhiều khi được say sưa tìm thấy chính mình trong những dòng tự truyện viết về chính mình nhưng là của rất nhiều ngày trước đó.

Đôi khi, cảm giác quen thuộc sẽ khiến bạn than phiền, rồi buồn chán. Nhưng điều khiến bạn lo lắng nhất không phải là việc bỏ giữa chừng cuốn sách đó.

Mà chính là việc bạn sợ dù có xáo trộn tâm trạng của mình đến bao nhiêu, dù cố làm mới nó bằng cách đảo lộn trật tự từng đoạn văn, từng chương sách thì cũng sẽ đến lúc bạn phải bắt gặp những dòng văn cuối cùng và kết cục vẫn không hề thay đổi.

Sẽ vẫn là những tổn thương, những day dứt, những đớn đau về một hình bóng đã từng cố đưa về miền quên lãng.

Sẽ tiếp tục là tuyệt vọng, chênh vênh, lạc lõng trong chính tình yêu sau bao lần vẫn dành cho một người duy nhất.

Bạn sợ, yêu lại người cũ là tự làm đau chính mình và làm tổn thương người còn lại. Yêu lại một người là tự viết một bản tình ca buồn thêm lần nữa.

Là tự làm khó mình, tự khiến mình bất lực để làm mới những điều dù qua nhiều thời gian nhưng vẫn không thể thay đổi.

Người ta vẫn nói rằng: "Đừng bao giờ cố gắng yêu lại người cũ. Vì yêu một người mình từng yêu cũng giống như việc đọc lại một quyển sách đã từng đọc hết lần này, đến lần khác khi bản thân bạn đã biết trước được cách kết thúc sẽ diễn ra và nó sẽ không thay đổi!".

Nhưng, một cuốn sách khép lại không có nghĩa là câu chuyện đó đã dừng. Nếu cuốn sách thực sự có ý nghĩa, ám ảnh sẽ kéo dài và số phận mỗi nhân vật ra sao đều tùy thuộc vào trí tưởng tượng và cảm tình của bạn.

Chẳng phải nhiều tác giả đã để cho độc giả của mình thả sức sáng tạo với những kết thúc mở đó hay sao.

Yêu lại người cũ, nghĩa là bạn đang nghe một bài hát quen được thể hiện bởi người nghệ sĩ khác. Có thể lời ca vẫn thế, kết thúc vẫn thế, nhưng giai điệu sẽ khác, giọng ca sẽ khác và tình cảm cũng sẽ khác.

Yêu lại người cũ, nghĩa là bạn và người đó sẽ cùng xem lại bộ phim trong đấy mình là nhân vật chính.

Ở đó, bạn vừa là biên kịch, vừa là diễn viên, lại vừa là đạo diễn. Bộ phim sẽ kết thúc ra sao, vẫn là tùy thuộc vào bạn và bạn diễn của mình.

Yêu lại người cũ không có nghĩa là bạn tự đưa mình vào bế tắc và loay hoay với ngõ cụt. Nó cũng không có nghĩa là bạn đang tự làm cũ mình với những giai điệu, những con chữ quen thuộc đến nhàm chán.

Nó có nghĩa là cuộc sống đang cho bạn một cơ hội tuyệt vời để sống lại những gì đã thành quá khứ.

Đừng ngại ngần cũng đừng tự day dứt, nếu tình yêu đã chọn bạn cũng có nghĩa là định mệnh đang tìm bạn. Và với những gì thuộc về định mệnh, hãy để chính định mệnh trả lời.

Chia tay trong ngỡ ngàng

Trong mắt người xung quanh, họ là những cặp đôi hoàn hảo, nhưng bất ngờ, họ lại tuyên bố chia tay.

Trong mắt người xung quanh, họ là những cặp đôi hoàn hảo khi có tất cả những điều mà mọi người mơ ước: học vấn, địa vị, tiền bạc nhưng bất ngờ, họ lại tuyên bố chia tay.

Gần 0 giờ, nghe chuông điện thoại reo, tôi bật dậy. Đầu kia là tiếng thút thít của chị Hương: “Xin lỗi, chị biết trễ lắm rồi nhưng không gọi cho em, chị không biết gọi ai. Anh chị sẽ ly hôn”. Tôi nghe mà giật mình vì trong mắt tôi, vợ chồng chị là cặp đôi kiểu mẫu khiến nhiều người mơ ước.

Lỗi tại ai?

Vợ chồng chị Hương cùng là bác sĩ, từng đi tu nghiệp ở nước ngoài về. Anh Bình, chồng chị, là trưởng khoa của một bệnh viện ở quận Phú Nhuận; còn chị cũng là trưởng phòng khám tư tại quận 1, TP HCM. Chưa đầy 40 tuổi, anh chị đã có trong tay nhiều thứ mà mọi người mơ ước: tiền bạc, địa vị và một đứa con xinh xắn. Bất ngờ, Hương muốn ly hôn vì “anh chẳng còn quan tâm đến chị nữa”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vì công việc nên cả hai rất bận rộn với lịch làm việc, trực bệnh viện, tiếp bệnh nhân, dự hội thảo, đi giảng, học nâng cao trình độ… Vì thế, bữa cơm gia đình rất hiếm diễn ra trong gia đình anh chị vì giờ giấc trái ngược nhau, ai tiện đâu ăn đó, con cái cũng ăn hàng quán cùng cha mẹ. Mọi chuyện vẫn êm đẹp cho đến khi Hương bị đau đầu gối, phải phẫu thuật.

“Ngày chị phẫu thuật, anh cũng đi trực ở bệnh viện, vào thăm một lát lại mất hút. Đến lúc chị được về nhà, anh qua phòng con ngủ cũng chẳng thăm hỏi xem vợ có hết đau chưa, ăn uống như thế nào? Thủ tục, viện phí, ăn uống… trong suốt thời gian phẫu thuật chị đều trông cậy vào bạn bè và mấy đứa cháu chứ anh cũng không quan tâm. Vậy thì vợ chồng sống với nhau làm gì hả em?” - giọng chị buồn buồn.

Tôi phải chờ sáng hôm sau để đến gặp anh Bình. Anh cũng buồn bã không kém. “Em biết tính Hương rồi, cái gì cũng tự quyết định theo ý mình. Anh sắp xếp gì, Hương có nghe theo đâu! Cả việc ly hôn, cô ấy cũng tự quyết chứ anh nào muốn”.

Tôi ra về mà lòng nặng nề, tiếc nuối cho một cặp đôi hoàn hảo.

Thiếu sự kết nối

Bà Nguyễn Thị Tâm An, Chủ nhiệm CLB Xây dựng Gia đình hạnh phúc TP HCM, cho biết tỉ lệ ly hôn tại TP ngày càng tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn: xuất hiện người thứ 3, mâu thuẫn về tiền bạc, vợ chồng kiểm soát lẫn nhau, không còn quan tâm nhau, quan hệ vợ chồng “lệch pha”, thay đổi địa vị, lối sống…

Đặc biệt, một nguyên nhân ly hôn khá phổ biến của nhiều gia đình hiện nay là thiếu sự kết nối giữa vợ và chồng. Đây không phải là vấn đề trò chuyện mà là sự thông cảm, thấu hiểu lẫn nhau. Rất nhiều cặp vợ chồng cũng thường xuyên hàn huyên, trò chuyện nhưng không có sự kết nối.

Bà Tâm An kể bà từng tư vấn cho trường hợp chia tay của một “cặp đôi vàng” V. và T. (ở quận 3, TP HCM) một thời được mọi người ngưỡng mộ. T. và V. đều là trai tài, gái sắc, sinh ra trong gia đình giàu có. Họ học chung lớp, yêu nhau từ năm lớp 12 và là đôi bạn cùng tiến trong học hành. Cuộc tình của họ được bạn bè, thầy cô ngưỡng mộ, gia đình hai bên vun đắp.

Sau khi tốt nghiệp đại học, V. sang Anh học thạc sĩ báo chí 3 năm. V. vừa về nước thì T. cũng lên đường sang Úc du học ngành công nghệ thông tin. Sau khi T. về, họ cưới nhau. V. và T. được gia đình hai bên hỗ trợ mua nhà và họ sinh được cô công chúa xinh xắn. Ai nhìn vào gia đình họ cũng ngưỡng mộ vì sự đẹp đôi, tài sắc và hạnh phúc. Thật bất ngờ, họ lại thông báo đường ai nấy đi khi T. muốn phát triển sự nghiệp ở nước ngoài, V. cũng không muốn bỏ công việc giảng dạy tại trường đại học của mình. Họ chia tay vì chẳng ai muốn nhường ai.

Nhà không “Ôsin”

Từ khi không có người giúp việc, chồng bỏ những bữa nhậu như thường lệ, cả nhà lại có dịp quây quần bên nhau mỗi tối. Vui phết!

Vợ rầu rĩ thông báo: “Chị Bé xin nghỉ làm, chuẩn bị… lấy chồng”. Hai vợ chồng bối rối với tình huống bất ngờ, bởi đã quen với ý nghĩ, chị Bé sẽ ở đây lâu dài. Về đến cửa, có thể không hỏi ngay vợ hay chồng đi đâu vắng, nhưng nếu không thấy chị Bé trong nhà, là thắc mắc ngay.

Giờ phải làm sao? Mấy năm nay, mọi việc đều trông vào chị Bé. Vợ bảo, chắc phải tìm người giúp việc mới. Từng trải qua nhiều phiền lụy do các “thế hệ” người giúp việc gây ra, vợ vô cùng thận trọng.

Cuối cùng cũng đành phải tự xoay xở. Hết giờ làm là vợ chạy ngay về đón con, không thể tranh thủ tạt ngang, ghé dọc, gặp gỡ bạn bè được nữa. Mệt nhoài cả ngày ở văn phòng, chiều tối về nhà phải đối mặt với cơm nước, nhà cửa chưa lau, quần áo chưa phơi... Buổi sáng, vợ lấy đồ ăn từ tủ lạnh ra, chiều chỉ việc nổi lửa lên nấu nướng là xong. Vợ “nổ” rằng, chịu khó “tư duy” chút là cơm canh tươm tất ngay thôi.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chồng về trễ hơn, dắt xe vô nhà là đã có thể ngồi vào mâm. Canh bí đỏ nấu tôm tươi, vài quả trứng chiên củ hành, thêm bông thiên lý xào bò. Chồng hỉ hả khen, em nấu ăn ngon hơn chị Bé nhiều, chị ấy nấu hơi mặn, hại sức khỏe, nhắc hoài vẫn không chịu nhớ. Mâm cơm do vợ nấu, màu sắc đẹp, đa dạng, hấp dẫn. Không như chị Bé, có bữa thấy toàn thịt, hôm thì chỉ món cá, ngán mà không dám góp ý. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ, vợ tranh thủ cắm cơm, nấu món, lại còn lau qua cái nhà, con cái xong xuôi, sạch sẽ, đúng là đầu óc “dân kế hoạch” có khác!

Vợ thừa biết là chồng nịnh nhưng rất vui. Từ khi không có người giúp việc, chồng bỏ những bữa nhậu như thường lệ. Vợ chồng bàn nhau, hôm nào vợ được ra ngoài thư giãn, tối nào chồng được “xổng chuồng”, tiếp khách. Nhờ thế, vợ chồng có vẻ quan tâm tới “lịch” của nhau nhiều hơn, chịu khó hỏi han, chứ không như trước. Về nhà sớm được mấy hôm liền, chồng thấy… có niềm vui khác. Con gái học lớp 4, giờ mà tả buổi tối sinh hoạt trong gia đình, chắc không còn phải lúng túng chẳng biết viết thế nào như trước đây, lẽ nào cứ tình thật rằng, hai chị em ăn cơm rồi xem ti vi với chị Bé, vì ba mẹ bận, chưa về?

Hai đứa nhóc quen được “hầu”, nay bị mẹ phân công làm việc, cũng phụng phịu phản đối, nhưng vợ “khôn” lắm, vừa nói ngọt, vừa… than khổ, nên bé Tép chịu xếp quần áo khô vô tủ, lấy đồ đã giặt lên phơi giúp mẹ. Thằng cu con thì lon ton dọn dẹp đồ chơi, tự tắm cho mình, lặt đậu bứt rau loạn xạ. Cả nhà quần quật, mà tính ra lại vui hơn nhiều, bọn trẻ được khen, giành nhau hỏi xem còn “việc nhẹ lương cao” nào không để phụ mẹ. Vợ hỉ hả bảo, chẳng mấy chốc mà con mình có thể làm được nhiều thứ, giỏi hơn khối đứa trẻ khác.

Tuy cực và bận hơn chút nhưng đỡ tốn kém, cả nhà lại có dịp quây quần bên nhau mỗi tối. Vui phết!