Yêu lại người cũ, có nên chăng?

Yêu lại người cũ, nghĩa là bạn đang đi đến đích bằng con đường vốn đã quen thuộc từ lâu.

Bạn có thể nhớ đến từng cái ổ gà, từng khúc quặt, từng hàng cây, đến từng con ngõ nhỏ nhưng ai dám chắc cái đích trước kia bạn tới đã là điểm đến cuối cùng.
Đừng ngại ngần, cũng đừng tự day dứt, nếu tình yêu đã chọn bạn, cũng có nghĩa là định mệnh đang tìm bạn.
Chia tay, biết đâu đó chỉ là cái ngõ cụt, mà sau một thời gian xa nhau, hai bạn lại đủ yêu thương và lý trí để vùng vẫy tự tìm cho mình một lối thoát khác.
Có ai biết được những gì đang ở cuối con đường kia. Điều quan trọng là bạn dám đi và người đồng hành với mình cùng chung lòng để bước tiếp.
Hành trang của chuyến đi này ngoài tình yêu, ngoài tin tưởng còn là trải nghiệm, đồng cảm và những thấu hiểu xa xôi.
Yêu lại người cũ, nghĩa là bạn đang đọc một cuốn sách đã đọc từ lâu ở một nơi khác, vào một thời điểm khác và bằng một tâm trạng khác.
Co nen yeu lai nguoi yeu cu khong
Ảnh minh họa. 
Cuốn sách ấy có thể sẽ có những đoạn bạn đã thuộc lòng đến nhàm chán, sẽ có những trang bạn muốn lướt qua thật nhanh mà không muốn đọc lại.
Nhưng cũng sẽ có những lúc bạn muốn dừng thật lâu bên một câu văn dù thật quen nhưng vẫn gợi lên nhiều xúc cảm.
Rồi sẽ khóc thật nhiều, cười thật nhiều khi được say sưa tìm thấy chính mình trong những dòng tự truyện viết về chính mình nhưng là của rất nhiều ngày trước đó.
Đôi khi, cảm giác quen thuộc sẽ khiến bạn than phiền, rồi buồn chán. Nhưng điều khiến bạn lo lắng nhất không phải là việc bỏ giữa chừng cuốn sách đó.
Mà chính là việc bạn sợ dù có xáo trộn tâm trạng của mình đến bao nhiêu, dù cố làm mới nó bằng cách đảo lộn trật tự từng đoạn văn, từng chương sách thì cũng sẽ đến lúc bạn phải bắt gặp những dòng văn cuối cùng và kết cục vẫn không hề thay đổi.
Sẽ vẫn là những tổn thương, những day dứt, những đớn đau về một hình bóng đã từng cố đưa về miền quên lãng.
Sẽ tiếp tục là tuyệt vọng, chênh vênh, lạc lõng trong chính tình yêu sau bao lần vẫn dành cho một người duy nhất.
Bạn sợ, yêu lại người cũ là tự làm đau chính mình và làm tổn thương người còn lại. Yêu lại một người là tự viết một bản tình ca buồn thêm lần nữa.
Là tự làm khó mình, tự khiến mình bất lực để làm mới những điều dù qua nhiều thời gian nhưng vẫn không thể thay đổi.
Người ta vẫn nói rằng: "Đừng bao giờ cố gắng yêu lại người cũ. Vì yêu một người mình từng yêu cũng giống như việc đọc lại một quyển sách đã từng đọc hết lần này, đến lần khác khi bản thân bạn đã biết trước được cách kết thúc sẽ diễn ra và nó sẽ không thay đổi!".
Nhưng, một cuốn sách khép lại không có nghĩa là câu chuyện đó đã dừng. Nếu cuốn sách thực sự có ý nghĩa, ám ảnh sẽ kéo dài và số phận mỗi nhân vật ra sao đều tùy thuộc vào trí tưởng tượng và cảm tình của bạn.
Chẳng phải nhiều tác giả đã để cho độc giả của mình thả sức sáng tạo với những kết thúc mở đó hay sao.
Yêu lại người cũ, nghĩa là bạn đang nghe một bài hát quen được thể hiện bởi người nghệ sĩ khác. Có thể lời ca vẫn thế, kết thúc vẫn thế, nhưng giai điệu sẽ khác, giọng ca sẽ khác và tình cảm cũng sẽ khác.
Yêu lại người cũ, nghĩa là bạn và người đó sẽ cùng xem lại bộ phim trong đấy mình là nhân vật chính.
Ở đó, bạn vừa là biên kịch, vừa là diễn viên, lại vừa là đạo diễn. Bộ phim sẽ kết thúc ra sao, vẫn là tùy thuộc vào bạn và bạn diễn của mình.
Yêu lại người cũ không có nghĩa là bạn tự đưa mình vào bế tắc và loay hoay với ngõ cụt. Nó cũng không có nghĩa là bạn đang tự làm cũ mình với những giai điệu, những con chữ quen thuộc đến nhàm chán.
Nó có nghĩa là cuộc sống đang cho bạn một cơ hội tuyệt vời để sống lại những gì đã thành quá khứ.
Đừng ngại ngần cũng đừng tự day dứt, nếu tình yêu đã chọn bạn cũng có nghĩa là định mệnh đang tìm bạn. Và với những gì thuộc về định mệnh, hãy để chính định mệnh trả lời.

Tình cảm xoay ngược vì chiếc váy

Nước mắt chị rơi… Anh bối rối. Đã lâu rồi, tâm trạng của chị mới trái ngược hoàn toàn với anh như vậy.

Chị chầm chậm mở tủ quần áo, rồi nhẹ nhàng đóng lại. Vẻ mặt thoáng buồn, chị cầm điện thoại nhắn tin: “Thôi, mọi người đi vui vẻ. Mình có việc đột xuất nên phải ở nhà”.

Đã bao lần rồi chị thấy mình không được như những người đàn bà khác. Hễ tiệc tùng, cưới hỏi là họ xúng xính váy áo sắc nọ màu kia. Còn chị? Nào có phải chị không mua nổi cho mình một chiếc váy. Chồng chị cũng rất thoáng trong việc vợ sắm sửa, “tân trang”. Thế mà, kể từ hôm ấy…

Hôm đó, chị nhận được lời mời đi phỏng vấn tại một công ty. Về nhà, chị đỏ mặt kể cho chồng nghe sự tình. Mặt anh chuyển từ đỏ sang tím, bàn tay nắm chặt: “Trời ơi là trời, bảo ở nhà chăm con mà không chịu. Chỉ anh đi làm là đủ rồi! À, có phải do em mặc váy ngắn không? Còn chuyện gì giữa hai người mà em chưa kể cho anh không?...”. Chị giải thích rằng “ông dê xồm” đó mới kịp kéo ghế lại gần, mắt dán vào chân chị, hoảng quá chị bỏ chạy. Anh tức giận: “Từ nay, không váy viếc gì hết!”. Nói rồi anh lao thẳng vào tủ đồ, quăng bỏ hết váy của vợ. Chị nước mắt ngắn dài thay cho mọi lời bào chữa...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Cũng kể từ ngày đó, anh bỗng đổi tính. Dù cảm thấy khó chịu nhưng chị vẫn nhẫn nhịn chiều ý chồng. Chị là vậy, từ nhỏ đến lớn không dám trái lời ai. Ba má nói gì cũng “dạ”, chồng bảo sao cũng “vâng”, đến nỗi thằng con bé xíu cũng có thể “điều khiển” được mẹ làm theo ý muốn của nó. Chị là người hiền lành và nhu mì đến mức thụ động. Cuộc sống của chị hết lệ thuộc người này đến người khác, hiện tại là lệ thuộc vào chồng. Cô em gái hỏi: “Như vầy chị có buồn không?”. Chị cười: “Chị chỉ buồn khi ba má buồn, chồng chị buồn, các em buồn”. Cô em tặc lưỡi, còn điều gì là của riêng chị đây?

Anh chọn chị làm vợ vì anh biết mình là người gia trưởng, thậm chí độc đoán. Anh nói chị phải nghe, dù đúng dù sai. Chuyện chiếc váy lần này không phải do chị, rõ ràng là thế. Nhưng anh bảo là tại chị. Và rồi, định kiến của anh về chiếc váy trở thành nếp nghĩ của chị. “Ừ thì vì mình. Ừ thì không mặc váy nữa. Có sao đâu”, chị lại thản nhiên, nương theo chồng.

Thỉnh thoảng đi đâu về anh lại kể một câu chuyện như để “bêu gương” cho chị. Anh nhấn giọng to, rõ ràng: “Hôm nay, trong đám cưới em thằng bạn anh có mấy bà sồn sồn mà vẫn diện váy ngắn ngồi ưỡn ẹo, thấy trai đi ngang là mắt sáng lên. Đàn bà gì mà…”. Có lần, đang chở chị anh bỗng tăng ga đuổi theo xe cô gái phía trước: “Em thấy chưa? Gió thốc ngược váy, nhìn thấy xanh đỏ tím vàng luôn kìa!”. Tiếng anh cười giòn đanh, chị cũng cười…

Đã lâu rồi, chị không ra khỏi nhà, ngày nào cũng lui cui với bó rau, con cá, mớ thịt. Thi thoảng, để “đổi gió” chị cũng ngỏ lời muốn đi cùng chồng. Anh gật đầu nhưng với điều kiện chị phải “kín cổng cao tường”. Chuyện đó anh khỏi phải nói chị cũng biết.

Rồi một ngày, chị thấy trên trang cá nhân của chồng có bức hình khá thân mật của anh và một cô gái, có lẽ cùng cơ quan. Cô ta mặc váy, anh thì cười rất tươi. Chị nghĩ ngợi, mơ hồ về một nỗi buồn tủi trong thẳm sâu tâm hồn. Chuông reo! Chị vội vàng ra mở cửa cho chồng như mọi ngày, anh nhìn chị, hớn hở: “Hôm nay anh mới được tăng lương!”. Nước mắt chị rơi… Anh bối rối. Đã lâu rồi, tâm trạng của chị mới trái ngược hoàn toàn với anh như vậy.

Nghèo rồi mới đủ, mới vui

Lúc giàu, chị cứ than vãn rằng cuộc sống thiếu đủ thứ: thiếu tiền, thiếu thời gian, thiếu những cuộc hội họp bà tám với bạn bè…

Hồi trước…, chồng chị làm ở công ty xây dựng. Chị có cửa hàng vật liệu - trang trí nội thất tại nhà, nhân công hai ba người, giúp việc nấu ăn, giữ con một, hai người, vậy mà chị cứ than vãn rằng cuộc sống thiếu đủ thứ: thiếu tiền, thiếu thời gian, thiếu những cuộc hội họp bà tám với bạn bè…

Hồi đó, cuộc sống của chị là như thế này: Sáng sáng người giúp việc mở cửa, quét dọn cửa hàng, chị ngủ dậy, trang điểm xong thì ra đốt ba cây nhang ông Địa. Rồi nhẩn nha ăn điểm tâm. Khách gọi tới đặt hàng thì tai nghe điện thoại, tay ghi ghi chép chép. Rồi kêu nhân công xúc đất, xúc đá, đếm gạch rầm rập mang đi giao. Hồi đó, tiền đếm mỏi tay mà chị cũng lúc nào cũng thấy… không đủ. Tất bật kiếm tiền quá nên cái không đủ đầu tiên của chị là không đủ thời gian. Với chị hầu như hai mươi bốn giờ trong ngày không đủ để làm việc. Hỏi chị, làm nhiều thế, tiền nhiều thế sao còn kêu không đủ tiền. Chị bảo tiền đó không đủ chi! Tiền công nhân, tiền vật tư, tiền thuế, tiền người giúp việc, tiền spa, tắm trắng, xăm đen thêu đỏ, hút- nâng nhiều bộ phận trên cơ thể...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chồng chị được đề bạt vị trí Phó giám đốc công ty xây dựng. Việc làm ăn gia đình chị lên như diều gặp gió. Công trình nào có mặt anh là lẽ tất yếu chị được cung cấp vật tư. Nhân công lên đến hàng chục người. Xứ huyện vùng biên này hình như bấy giờ không ai đầy đủ hơn gia đình chị.

Ngày đó tôi bán đồ chơi cách nhà chị hơn 300 mét. Thằng con tám tuổi của chị ham sắc màu vàng đỏ ở xe đồ chơi trẻ em của tôi nên chiều chiều chị lái chiếc xe du lịch màu cốm chở thằng nhỏ ra, mở cửa xe rồi nói vống với tôi: “Lấy cho con siêu nhân kiếm coi! Cái chong chóng hoa mặt trời nữa! Con với cái… ngày nào cũng mua, mua hoài mà hổng biết bao giờ đủ!”. Tôi trao hàng, nhận tiền, vui vì một lúc bán được hai món đồ, lời chục ngàn dư mua ký gạo. Vậy là tôi đã đủ cơm cho hai con rồi.

Vậy nên thỉnh thoảng chị rảnh, đứng nhìn con chọn lựa đồ chơi, rồi vui miệng than vãn với tôi, rằng cuộc sống chị thiếu đủ thứ, tôi cứ ngạc nhiên hoài: giàu như chị sao lúc nào cũng kêu không đủ? Chả bù với tôi, ngày rong ruổi kiếm được vài chục ngàn đã là viên mãn lắm.

Bây giờ… chị ngồi bán thơm ở góc ngã tư đường – nơi ngày xưa chị đậu chiếc xe màu cốm mua đồ chơi cho con. Thơm chị ngon, bà chủ bán lanh lẹn, luôn tay gọt “khuyến mãi” cho khách nên đắt hàng. Mỗi ngày từ sáng sớm tới bốn giờ chiều chị bán gần trăm trái, bán xong ra bến ghe mua lại. Chịu cực tự chở hai chuyến về tận nhà thì có dư thêm vài chục ngàn.

Cùng là bạn bán hàng, nên lúc vắng khách chị kể: Chồng chị thành công sớm, nắm được chức tước, quyền hành khi còn trẻ quá, không lường được chuyện thương trường là “chiến trường –hoa hồng”. Đến khi gai hồng đâm đau điếng thì phải… “cắt” tám năm cuộc đời vào “trong ấy” để sửa sai. Nhà cửa, gia sản bán hết mới trả đủ nợ nần. Chị quen cảnh nhung lụa nên… chẳng có nghề nghiệp gì. May mà “có giang buôn bán” nên bán ngày nào hết ngày đó, không ế ẩm như người ta. Trăm trái thơm một ngày, tiền lời hai ngàn đồng một trái. “Đủ sống em ạ! Hai đứa nhỏ ngoan lắm, đi học về tự nấu ăn, tự giặt giũ, tự bảo ban nhau học hành... Chị suốt ngày dang thân ngoài nắng, ngoài tiền cơm áo cho tụi nhỏ còn ráng dành dụm vài trăm đi thăm ảnh nữa! Vậy là vui rồi”.

Nói chuyện thì nói nhưng chiếc nón lá chị vẫn sùm sụp trên đầu, chị bảo ngại gặp người quen cũ, lỡ họ không cảm thông thì… tội nghiệp hai đứa nhỏ. “Em đừng nhớ chuyện ngày xưa rồi cười chị nhé. Hóa ra bây giờ chị mới biết cuộc sống này, khi mình biết đủ thì mới cặp bờ niềm vui”.