Nhà không “Ôsin”

Từ khi không có người giúp việc, chồng bỏ những bữa nhậu như thường lệ, cả nhà lại có dịp quây quần bên nhau mỗi tối. Vui phết!

Vợ rầu rĩ thông báo: “Chị Bé xin nghỉ làm, chuẩn bị… lấy chồng”. Hai vợ chồng bối rối với tình huống bất ngờ, bởi đã quen với ý nghĩ, chị Bé sẽ ở đây lâu dài. Về đến cửa, có thể không hỏi ngay vợ hay chồng đi đâu vắng, nhưng nếu không thấy chị Bé trong nhà, là thắc mắc ngay.
Giờ phải làm sao? Mấy năm nay, mọi việc đều trông vào chị Bé. Vợ bảo, chắc phải tìm người giúp việc mới. Từng trải qua nhiều phiền lụy do các “thế hệ” người giúp việc gây ra, vợ vô cùng thận trọng.
Cuối cùng cũng đành phải tự xoay xở. Hết giờ làm là vợ chạy ngay về đón con, không thể tranh thủ tạt ngang, ghé dọc, gặp gỡ bạn bè được nữa. Mệt nhoài cả ngày ở văn phòng, chiều tối về nhà phải đối mặt với cơm nước, nhà cửa chưa lau, quần áo chưa phơi... Buổi sáng, vợ lấy đồ ăn từ tủ lạnh ra, chiều chỉ việc nổi lửa lên nấu nướng là xong. Vợ “nổ” rằng, chịu khó “tư duy” chút là cơm canh tươm tất ngay thôi.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chồng về trễ hơn, dắt xe vô nhà là đã có thể ngồi vào mâm. Canh bí đỏ nấu tôm tươi, vài quả trứng chiên củ hành, thêm bông thiên lý xào bò. Chồng hỉ hả khen, em nấu ăn ngon hơn chị Bé nhiều, chị ấy nấu hơi mặn, hại sức khỏe, nhắc hoài vẫn không chịu nhớ. Mâm cơm do vợ nấu, màu sắc đẹp, đa dạng, hấp dẫn. Không như chị Bé, có bữa thấy toàn thịt, hôm thì chỉ món cá, ngán mà không dám góp ý. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ, vợ tranh thủ cắm cơm, nấu món, lại còn lau qua cái nhà, con cái xong xuôi, sạch sẽ, đúng là đầu óc “dân kế hoạch” có khác!
Vợ thừa biết là chồng nịnh nhưng rất vui. Từ khi không có người giúp việc, chồng bỏ những bữa nhậu như thường lệ. Vợ chồng bàn nhau, hôm nào vợ được ra ngoài thư giãn, tối nào chồng được “xổng chuồng”, tiếp khách. Nhờ thế, vợ chồng có vẻ quan tâm tới “lịch” của nhau nhiều hơn, chịu khó hỏi han, chứ không như trước. Về nhà sớm được mấy hôm liền, chồng thấy… có niềm vui khác. Con gái học lớp 4, giờ mà tả buổi tối sinh hoạt trong gia đình, chắc không còn phải lúng túng chẳng biết viết thế nào như trước đây, lẽ nào cứ tình thật rằng, hai chị em ăn cơm rồi xem ti vi với chị Bé, vì ba mẹ bận, chưa về?
Hai đứa nhóc quen được “hầu”, nay bị mẹ phân công làm việc, cũng phụng phịu phản đối, nhưng vợ “khôn” lắm, vừa nói ngọt, vừa… than khổ, nên bé Tép chịu xếp quần áo khô vô tủ, lấy đồ đã giặt lên phơi giúp mẹ. Thằng cu con thì lon ton dọn dẹp đồ chơi, tự tắm cho mình, lặt đậu bứt rau loạn xạ. Cả nhà quần quật, mà tính ra lại vui hơn nhiều, bọn trẻ được khen, giành nhau hỏi xem còn “việc nhẹ lương cao” nào không để phụ mẹ. Vợ hỉ hả bảo, chẳng mấy chốc mà con mình có thể làm được nhiều thứ, giỏi hơn khối đứa trẻ khác.
Tuy cực và bận hơn chút nhưng đỡ tốn kém, cả nhà lại có dịp quây quần bên nhau mỗi tối. Vui phết!

Vợ mê muội, chồng mệt mỏi

Lần này, tận mắt chứng kiến cảnh con khóc không thành tiếng mà vợ vẫn vô tư “hun khói” cả nhà để tẩy phong long, anh không thể nhịn nổi.

Đi làm về đến cổng, anh hốt hoảng khi thấy khói bốc ra mù mịt từ nhà mình. Nghe tiếng khóc ngặt nghẽo của đứa con mới tám tháng trong phòng ngủ, anh lo quá, quẳng xe chạy vội vào nhà. Khói phủ khắp nhà, dưới bếp nổ lốp bốp mà không thấy vợ đâu, anh cuống quýt cả lên loay hoay bế con chạy ra ngoài.

Lúc đó vợ anh mới lù lù xuất hiện, trên tay cầm cái chổi rành đang cháy dở lửa đỏ rực, huơ lên huơ xuống. Anh bực mình quát vợ “Em làm cái trò gì vậy, không sợ con bị ngạt à”. Nào ngờ, vợ anh đanh mặt nạt lại: “Anh đừng có ồn ào, em đang xông phong long, nói nhiều mất thiêng”. Anh tức quá, chạy xuống bếp, dội ngay gáo nước vào cái thau đầy than, bồ kết, muối và thuốc xông đang “nhả” khói um cả nhà. Quả thật, đến nước này thì anh hết chịu nổi sự mê tín ngày càng quá đáng của vợ…

Nhiều lần, anh góp ý với vợ: đã đành “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nhưng cứ mê muội như vậy thì khổ cả chồng lẫn con. Đứa con trai mới học lớp ba đã thuộc nằm lòng lời dặn của mẹ, sắp thi hay làm bài kiểm tra là cu cậu nhất định không đụng đến chuối hay trứng, kể cả xúc xích cũng không vì sợ điểm kém. Ngày con đi thi học kỳ thôi mà chị bắt anh ra đứng canh cổng từ sớm, lúc nào không thấy bóng dáng “đàn bà” mới chở con đi.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vì kiêng kỵ quá mức, lắm lúc, vợ anh làm mất lòng nhiều người. Nhớ hồi mới sinh bé thứ hai được ba tháng, cô anh lên thăm, bồng cháu rồi nựng: “Yêu quá cơ, mập mạp thế này, nhìn chỉ muốn cắn một cái thôi à”. Vợ anh đã phủ đầu ngay: “Phủi phui cái mồm ăn mắm ăn muối của bà, chỉ tổ độc mồm thôi”. Sau lần ấy, bà cô tức giận bỏ về, chẳng thấy quay lại thăm cháu lần nào. Vợ anh cứ càm ràm mãi chuyện này, con người ta đang nhỏ xíu mà “quở” mập mạp thế là xui phải biết. Rồi đến chuyện, Tết năm ngoái, ngay sáng mồng một ông chú họ anh đã lặn lội từ dưới quê lên để chúc Tết khiến vợ anh không mấy hài lòng. Bởi theo quan niệm của vợ, tuổi của ông chú không hợp để “xông đất” nhà anh. Thế là, ra năm, cứ có chuyện gì xảy ra là vợ anh đổ riết cho ông chú đã ám vía xui xẻo…

Vì vợ mê tín nên nhà anh cứ cúng kiếng liên miên, tốn kém cả tiền triệu. Mặc dù chuyện thờ cúng ông bà, xây lăng, tạ mộ, anh rất coi trọng nhưng vợ hở tí là mời thầy về cúng thì anh không thể nào đồng ý. Con anh bị sốt mấy ngày, vợ chồng đã đưa đi khám bác sĩ nhưng chị khăng khăng phải cúng, con mới khỏi bệnh vì chị đi coi bói, thầy bảo con anh bị người âm theo. Sáng mồng một đầu tháng, vợ rửa bát làm vỡ cái dĩa thì y như rằng tối đó, vợ anh đã mua lễ để cúng giải hạn. Nghe ai bảo chỗ nào có thầy xem đúng thì bằng mọi giá, vợ anh phải đi cho bằng được, có khi, qua tận tỉnh khác. Lần đầu, anh giật mình khi mới tờ mờ sáng đã thấy vợ dậy thắp hương, khấn vái rồi rón rén ra khỏi nhà. Cả ngày hôm đó, điện thoại của chị không liên lạc được làm anh vô cùng lo lắng. Riết dần quen, hôm nào chị có hành động như vậy, anh biết chắc là chị đang đi xem bói. Nhưng rồi, khi con bị ốm mà chị vẫn đi xem bói vì đã hẹn thầy thì anh nổi khùng…

Lần này, tận mắt chứng kiến cảnh con khóc không thành tiếng mà vợ vẫn vô tư “hun khói” cả nhà để tẩy phong long, anh không thể nhịn nổi. Sau khi dẹp xong đống “đồ nghề” của vợ, anh cương quyết tuyên bố, nếu chị không chấm dứt thói mê tín quá đà thì anh sẽ ly hôn. Mặc cho chị thút thít khóc, than vãn: chị làm vậy cũng vì gia đình chứ có phải lo cho bản thân mình đâu!....

Chẳng biết, nghe lời đe dọa, vợ anh có bớt mê tín hay không?

Dở khóc dở cười với ô sin ngoại

Với ô sin ngoại, gia chủ cảm thấy hài lòng dù phải trả mức lương cao, nhưng có những câu chuyện cười ra nước mắt…

Muôn ngàn lý do tuyển ôsin “ngoại"

Những kẻ ngoại tình bất đắc dĩ

Họ hiểu đàn ông chỉ muốn thêm chứ chẳng muốn bớt, nên họ sẵn sàng làm người yêu bên lề, vừa trả đũa chồng vừa sống thi vị hơn.

Gặp lại hai cô bạn thời đại học, tôi ngạc nhiên vì thấy các bạn đẹp ra nhiều so với thời con gái. Ngạc nhiên nhưng không thắc mắc, vì tôi nghĩ các bạn đã qua thời kỳ con mọn, sự nghiệp và kinh tế ổn định, tranh thủ làm đẹp cũng chẳng có gì lạ.

Trong khi các bạn tươi tắn, yêu đời, có một cuộc sống độc lập, thì tôi lại tiều tụy, tự ti vì cuộc sống phụ thuộc, không lối thoát. Thời còn sinh viên, tôi trông dễ nhìn, học lực khá và sống chân thật, nên chẳng ai ngờ tôi lại trở nên đáng thương như thế này. Tôi không ngần ngại kể về cuộc sống của mình, rằng chồng có bồ, gia trưởng, vũ phu, mong nhận ở các bạn một lời khuyên chân thành. Hóa ra, họ cũng từng rơi vào những hoàn cảnh còn éo le hơn cả tôi, từng khủng hoảng, stress, thất vọng, khổ đau, để rồi trở nên chai lỳ trước mọi nghịch cảnh.

Nắm điểm yếu của chồng là ở tuổi ngoài 40, khi sự nghiệp đang lên, chẳng ông nào dại gì ký vào đơn ly hôn, trong khi lỗi rành rành thuộc về chồng, nên khi vợ "cương", mấy ông luôn chịu xuống nước với vợ. Việc viết đơn ly hôn chỉ để dọa chồng, xem ra lại rất hiệu quả, nhất là khi khoản hầu bao lại thuộc về tay vợ. Thừa thắng, các bạn tôi bắt đầu đi làm đẹp, rủ nhau học cao học, học ngoại ngữ vừa để khẳng định mình, vừa làm một cuộc cách mạng thoát ảnh hưởng của chồng. Nghĩ về nỗi đau quá khứ, nhất là chuyện chồng ngoại tình, bị chồng xúc phạm, họ không còn mặn mà với chồng, mà đi tìm cảm xúc bên ngoài để “cân bằng” cuộc sống. Họ bỗng trở thành những kẻ ngoại tình bất đắc dĩ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Biết điều đó rất nguy hiểm, nên họ cố duy trì một cuộc sống “chuẩn”: con cái được yêu thương, được học hành trong điều kiện tốt nhất, đáp ứng nhu cầu sex của chồng, biết nói dối để vừa lòng chồng, thậm chí vì cảm thấy có lỗi, họ càng cố gắng vun vén để chuộc lỗi. Hình như họ chỉ chân thật với người yêu và luôn yêu trong sự tỉnh táo để tránh đổ vỡ hạnh phúc đôi bên. Với họ, ly hôn là hạ sách, là “dâng” chồng cho địch, làm con cái tổn thương, người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi. Họ cũng hiểu là đàn ông chỉ muốn thêm chứ chẳng muốn bớt, nên họ sẵn sàng làm người yêu bên lề, để vừa trả đũa chồng vừa làm cuộc sống trở nên thi vị hơn.

Tôi đang sống phụ thuộc chồng, khó có cơ hội “trả đũa” như các bạn mình. Dù bên cạnh tôi cũng có khá nhiều “vệ tinh”, dù đôi lúc tôi cũng ngất ngây vì những lời đường mật. Tôi cũng muốn có người đàn ông nào đó, để mỗi khi buồn có bờ vai dựa dẫm. Có vẻ như chồng tôi luôn yên tâm về tôi. Anh biết tôi bận chuyện con cái, chuyện gia đình. Tôi vốn chung thủy, ít giao du bạn bè, nên chồng chủ quan đi sớm về muộn, xem nhà như quán trọ, cũng chẳng mấy khi gọi điện thoại về nhà. Nhưng, tôi không nghĩ đó là “kẽ hở” để tôi tận dụng, trả thù chồng. Tôi vốn nhút nhát nên sợ một ngày nào đó chồng phát hiện vợ ngoại tình, thì cuộc sống càng tệ hơn hiện tại.

Tôi nghe theo lời hai cô bạn thân về khoản tân trang lại nhan sắc và sắp xếp thời gian để cân bằng cuộc sống, nhưng chuyện ngoại tình thì không. Tôi sẽ tự điều chỉnh mình theo hướng tích cực, để chồng không có cơ hội làm một người chồng vũ phu, gia trưởng hay ngoại tình. Là người trong cuộc, tôi hiểu bản thân mình, hiểu chồng. Hy vọng với sự cố gắng, “tổ lạnh” của tôi sẽ ấm dần lên mỗi ngày.