Mắc nợ chồng

Em nghĩ kiếp này em đã mắc nợ anh, để kiếp sau mình lại làm vợ chồng, em sẽ trả nợ, có tính cả lãi...

Mẹ bị đột quỵ, hôn mê suốt cả tuần, nhà mình đang đau đớn chuẩn bị đón tin xấu thì kỳ diệu thay, mẹ tỉnh lại.
Mỗi ngày bác sĩ cho người thân vào phòng hồi sức một lần để chăm sóc mẹ. Anh nói em và chị Hai yếu đuối, để anh làm. Nhìn cách anh lau rửa, thay đồ cho mẹ, các bác sĩ cứ tưởng anh là con ruột. Sau ba tuần, mẹ được về nhà với nửa người bên trái hoàn toàn mất cảm giác.
Tối, anh và em trải chiếu nằm hai bên giường mẹ để trông chừng. Cả đêm mẹ đau nhức, vợ chồng thay nhau xoa bóp chân tay, lật trở đổi bên cho mẹ đỡ mỏi. Cứ hai giờ mẹ lại đòi đi tiểu, uống nước. Mới mấy ngày em đã chóng mặt, lên huyết áp vì cả đêm không ngủ được. Anh chị Hai và thằng út nuôi mẹ vài hôm cũng chịu không thấu. Chỉ có anh cần mẫn thức trông mẹ đêm này qua đêm khác.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Nhà mình phải thuê người mát-xa và tập vật lý trị liệu cho mẹ. Được vài hôm, anh nhìn cách họ làm rồi làm theo. Anh kinh doanh chứng khoán nên bê luôn máy tính vào cạnh giường mẹ để làm việc. Cứ nửa giờ, anh lại ngưng công việc để trở lưng, xoa bóp cho mẹ. Mẹ đi vệ sinh, em và chị Hai hè hụi mãi mới đỡ được mẹ lên xe lăn. Anh thì làm rất nhẹ nhàng. Anh choàng tay mẹ lên vai, xốc nách để mẹ đứng tựa vào người, chân giữ chặt xe lăn, xoay nhẹ một cái là đã đặt mẹ ngồi vững trên xe. Mẹ vệ sinh xong, anh cẩn thận lau chùi sạch sẽ. Bác hàng xóm sang thăm, nắm tay mẹ ước ao: “Tôi có con rể vầy chắc tôi cưng dữ lắm. Cả trăm đứa chưa được một. Chị thiệt có phước”. Mẹ mỉm cười nhìn anh âu yếm: “Bốn đứa con của tui, chẳng đứa nào chăm sóc tôi được như nó. Nói thiệt, mấy lần đầu tui hơi mắc cỡ, nhưng rể nó nói “con là con của mẹ, có sao đâu”, nghe thiệt là thương”...
Đọc báo, thấy nói người già phải tập đọc chữ ngược, học tính toán cộng trừ để đầu óc minh mẫn. Cách đó không phù hợp với mẹ nên anh nghĩ ra cách khác. Anh hỏi mẹ: “Con nhớ hồi đó mẹ làm bánh xèo ngon lắm. Cách làm ra sao hả mẹ”. Mẹ nói từng chữ “nửa ký bột thì 600g dừa…”. Hôm sau anh lại hỏi: “Con thèm xôi vò mà vợ con không biết nấu, nấu sao cho ngon hả mẹ?”… Nhờ vậy mà mẹ rất tỉnh táo, còn nhớ được những chuyện xa lơ xa lắc.
Mẹ thương anh lắm, đến nỗi tài sản dành dụm để dưỡng già, mẹ dặn cả nhà để hết cho anh, không đứa nào được chia chác. Ai cũng nói em tu mấy kiếp mới lấy được anh làm chồng. Em thì nghĩ kiếp này em đã mắc nợ anh, để kiếp sau mình lại làm vợ chồng, em sẽ trả nợ, có tính cả lãi, để vợ chồng mình nợ nhau hoài hoài, nhé anh.

Nuôi chồng thành đạt rồi chồng bỏ

(Kiến Thức) - Chúng em lấy nhau từ năm 2001, đã có với nhau 2 mặt con. Vợ chồng em sống rất hạnh phúc, cho đến khi anh ấy đi học.

Chúng em lấy nhau từ năm 2001, đã có với nhau 2 mặt con. Vợ chồng em sống rất hạnh phúc, cho đến khi anh ấy đi học. Anh ấy chỉ về thăm nhà có một lần, em vất vả ruộng nương lấy tiền gửi anh ấy ăn học. Thế rồi một lần anh ấy về bảo em hãy ly dị đi. Em ngỡ ngàng, ngây người không tin vào tai mình, vì đứa con thứ 2 của em mới có một tuần tuổi. Từ bữa đó anh tỏ ra xa lánh 3 mẹ con em. Em đau khổ, không muốn con em chịu cảnh gia đình tan vỡ, xin với anh ấy, anh ấy đi chơi bời ở đâu cũng được, miễn cẩn thận đừng mang bệnh về nhà. 
Cuộc sống chúng em trôi đi trong sự lạnh lùng của anh ấy. Rồi em lại phát hiện anh ấy nhắn tin cho một người xưng là vợ chồng. Trái tim em như có mũi dao xuyên qua. Thì ra, anh ấy không coi em là vợ đã lâu rồi, mà là người khác. Em sợ làm rõ mọi chuyện thì vợ chồng chia lìa, hai đứa con em chịu khổ nên đành nín nhịn. Tuy nhiên, cứ mỗi lần nghĩ đến việc em đã làm thuê làm mướn bao năm nuôi anh ấy học hành, giờ anh thành đạt lại ruồng bỏ em, đặc biệt là việc anh gọi người khác là vợ, trong lòng em uất ức, không chịu nổi. Em không biết phải làm thế nào để cứu vãn hạnh phúc. Xin cho em lời khuyên - Trần Thị Hồng Hà (Huổi Só, Tủa Chùa, Điện Biên).

Chết lặng trước bản thỏa thuận ly hôn của chồng

Chị đọc đi đọc lại và phát cáu, nhấn phím reply và gõ thật nhanh, nhưng khi đưa con trỏ đến phím send, ngón tay chị ngập ngừng dừng lại…

Anh hẹn sau giờ làm việc chiều nay sẽ bàn với chị về chuyện phân chia tài sản. Họ sẽ ra tòa một cách nhẹ nhàng nhất có thể. Chị nhìn đồng hồ, càng gần đến giờ chị càng hồi hộp. Chị thấy xấu hổ khi phải đối diện với điều này. Chị ước gì mình đủ giàu có để kiêu hãnh dắt hai đứa con đi ra khỏi nhà mà không cần nghĩ đến chuyện chia chác.

Nhưng, chị đang không có tiền và cũng chẳng có việc làm. Thành vợ anh, chị đã tự nguyện làm người nội trợ vì tiền lương của chị lúc đó chỉ đủ trả công người giúp việc, trong khi nghề xây dựng buộc anh phải thường xuyên đi theo những công trình xa. Nếu lúc đó, chị vượt qua được sự khó khăn chỉ mang tính nhất thời, bây giờ ít nhất chị cũng đã là trưởng phòng. Bạn bè cùng thời với chị có người còn lên đến chức giám đốc. Ai cũng nói chị sướng, chẳng phải làm gì, chẳng phải lo toan gì. Lúc này đây, chị thật sự thấm thía thân phận tầm gửi của mình. Anh chị em bạn bè ai nấy đều e ngại cho chị trong vụ ly hôn này, rõ ràng thiên hạ ai cũng thấy chỉ mình anh vất vả làm lụng, còn chị thì…

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chăm sóc con cái học hành giỏi giang, ngoan ngoãn và chu toàn chợ búa cơm nước, nhà cửa gọn gàng có đáng gọi là công việc không? Mỗi khi về đến nhà anh được thư thái không phải vướng bận gì nữa, có đáng được đánh giá cao không? Chị tự hỏi trong nỗi tức giận. Nhưng, chẳng còn nhiều thời gian để tự dằn vặt mình nữa. Chị nhìn đồng hồ, gần đến giờ anh về rồi. Chị bật máy tính, vào mạng, nhấp chuột, đọc đi đọc lại những điều đã thuộc lòng nhưng vẫn không ngăn được nỗi phập phồng. Có khi nào… anh sẽ vin vào điểm yếu của chị... Hoặc, chị phải ở lại cùng hai đứa con? Hoặc, hai đứa con ở với anh, chị ra đi với hai bàn tay trắng? Nghĩ tới cảnh đã đến tuổi 40 mà phải làm lại từ đầu, chị không thể không rùng mình.

Hiện ra email của anh: “Không có em chăm sóc con thì anh chẳng yên tâm đi làm xa, không có em thu vén thì anh làm ra bao nhiêu cũng chẳng giữ được, của chồng công vợ, ý anh là mọi thứ để dành cho hai đứa con. Từ nay anh sẽ không về nhà nữa. Tiền lương cuối tháng anh sẽ gửi vào tài khoản như trước đây khi anh đi làm xa, nhờ em chăm sóc con giùm anh. Mong em đồng ý”.

Chị đọc đi đọc lại và phát cáu. Chị không cần sự cao thượng đó. Chị nhấn phím reply và gõ thật nhanh: “Tốt nhất là chia đôi và chấm dứt, em muốn rõ ràng, không muốn ai phải hối hận”. Nhưng, khi đưa con trỏ đến phím send, ngón tay chị ngập ngừng dừng lại…

Những chữ cái trước mặt chị bỗng nhảy nhót, như một bức màn vừa được vén lên, cho chị thấy một người rất khác với người mà từ khi quyết định ly hôn, chị luôn lo sợ người đó sẽ hất chị ra đường với hai bàn tay trắng. Chị đã chuẩn bị để chiến đấu với người đó, chị sục sạo tìm hiểu những quy định có lợi nhất cho mình, bookmark các trang web tư vấn hôn nhân, đọc đi đọc lại những điều khoản a, b, c… và tính toán xem nếu người đó không nương tay thì luật pháp quy định cho chị được chia bao nhiêu… Chị sẽ không tiếc tiền thuê luật sư và chị cũng đã tự trang bị cho mình lý lẽ bằng cách đọc đến thuộc lòng các trang web tư vấn luật…

Không thể không tự đỏ mặt với những tính toán của mình khi đối diện với email anh vừa gửi. Chị nhận ra mình đang quyết chiến với một người chỉ do mình tưởng tượng ra.

Chị bỗng thấy hoang mang và có gì đó như là nuối tiếc. Cuộc sống xa nhà thường xuyên của anh khiến chị luôn có nhiều tưởng tượng. Anh em thợ xây dựng lại thường có những câu giật gân trong bàn nhậu để rồi hôm sau họ quên béng, còn chị thì nhớ… Anh thường ngạc nhiên và cáu kỉnh hỏi lại chị: “Em nghe ai nói điều đó vậy?”. Trong cuộc nhậu, làm sao mà nhớ rõ ai là ai.

Chị đọc lại email mình vừa gõ, mắt chăm chăm nhìn dòng chữ “không muốn ai phải hối hận”. Có phải chị gõ cho chính mình không?

Chầm chậm, chị xóa dần từng chữ rồi thừ người trước màn hình trống không như chính chị. Chị không nghĩ được gì rõ ràng trong đầu, ngoài cảm giác bất an kinh khủng…