![]() |
Ảnh minh họa. |
![]() |
Ảnh minh họa. |
Ngày còn con gái, Phượng xinh xắn, ăn nói duyên dáng, hoạt bát nên có nhiều chàng theo đuổi. Anh hơn Phượng một con giáp. Ở tuổi 36, vừa xấu lại già, người thì gầy nhẳng như cây tre miễu nên hồi đó anh bị xếp vào diện “ế”. Mỗi ngày sau giờ làm, anh đều ghé qua nhà Phượng. Vừa về nhà, mở cửa ra đã thấy anh ngồi uống nước, nói chuyện với bố mẹ, Phượng giận đỏ mặt tía tai. “Người đâu mà lì lợm, chai mặt”, Phượng nghĩ thầm. Nhưng cô chẳng có lý do nào để đuổi anh. Vì rõ ràng anh đến chuyện trò với cha mẹ chứ không hề ngỏ lời hay bóng gió tán tỉnh Phượng.
Mỗi ngày Phượng đều nghe bố mẹ khen anh là người hiền lành, tốt bụng. Mẹ cô còn ngâm nga: “Cha mẹ cho con thúng lúa quan tiền. Không bằng lấy được chồng hiền sướng thân”. Mưa dầm thấm lâu, Phượng cũng dần dà có tình cảm với anh. Từ khi yêu cho đến khi lấy, anh chưa một lần nói câu “anh yêu em”. Quen được gần năm, anh thưa với bố mẹ Phượng chuyện cưới xin. Phượng gật đầu, vậy là về làm vợ anh.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Nhiều lần Phượng nặng nhẹ so bì. Cô bảo chồng người ta yêu thương, quan tâm vợ hết mực. “Ông Xuân râu đầu hẻm sắm cho vợ từ quần áo đến giày dép. Vợ đi làm về là nhà cửa, cơm nước tươm tất, ai giống như anh”. Anh cười buồn, chống chế: “Thì anh đưa hết tiền lương cho em đó. Em thích gì thì lấy mua, anh đâu có cấm”. Phượng hờn dỗi, trách: “Cứ đưa ít tiền là xem như xong chuyện à?”. Anh im lặng. Hôm sau, Phượng thấy chồng xách về một cái bịch đen. Anh lẳng lặng bỏ dưới góc giường. Cô tò mò giở bịch ra xem. Một đôi dép nhựa. Cô khẽ mỉm cười, xỏ đôi dép mang thử. Cô nhăn mặt, cau có: “Mua đôi dép cũng không xong”. Phượng giở hai chiếc lên xem kỹ thì ra cùng một loại giống nhau nhưng chiếc to, chiếc nhỏ. Đến bữa cơm, cô nhỏ nhẹ nhắc chồng: “Sao anh mua dép mà không để ý số?”. Anh cười hiền lành, gãi đầu: “Đi vô chợ mua dép cho em ngại muốn chết. Đi cho lẹ chứ hơi đâu mà để ý”.
Phượng đem chuyện chồng “gà mờ” kể cho mấy cô bạn nghe, các chị cười vui vẻ. Nhưng sau đó, ai cũng gật gù, tấm tắc khen ngợi chồng Phượng. Tính ra, Phượng may mắn hơn đám bạn thân. Người than thở chồng lăng nhăng, người bảo chồng nhậu nhẹt, người thì chê chồng “kẹo”, người lại rầu vì chồng gia trưởng. Họ khen chồng Phượng siêng làm, hiền lành, lại yêu thương vợ con. Ngẫm lại, Phượng thấy đám bạn nói cũng có lý. Dù anh không giỏi việc nhà, không thể kề vai sát cánh với vợ lo toan những việc nhỏ to trong gia đình, chuyện con cái học hành hay ứng xử nội ngoại, nhưng gần mười năm chung sống, anh chưa bao giờ làm điều gì có lỗi với vợ. Một người chồng chung thủy, đi làm về là chỉ biết có vợ con, đối xử hiếu thuận với nội ngoại. Những lúc Phượng nóng nảy, vung vít, anh thường im lặng, nín nhịn vợ. Chờ khi vợ nguôi giận mới nhỏ nhẹ phân tích cho vợ hiểu đúng sai.
Sau khi “tám” xong với lũ bạn, Phượng về với một tâm trạng nhẹ nhàng. Trong góc nhà, anh đang cặm cụi bên cái máy tính cũ. Rõ ràng về chuyên môn, anh chẳng thua kém ai. Về độ siêng năng cũng thuộc dạng “cày ngày không đủ, tranh thủ cày đêm”. Nhìn chồng ngày làm việc ở công ty, tối lại nhận thêm máy tính về nhà sửa, Phượng thấy mình có lỗi khi bấy lâu luôn hằn học, trách móc chồng. “Anh có muốn ăn gì không để em đi chợ?”. Nghe vợ hỏi anh giật mình, nhìn vợ ngạc nhiên. Phượng cười tủm tỉm đi vào bếp. Trên đời chẳng ai sinh ra là thập toàn thập mỹ, điều quan trọng là cô có nhìn thấy những điểm “hoàn hảo” trong tính cách của một người chưa hoàn hảo như anh.
Những bữa cơm gia đình gần đây có nhiều thay đổi. Giờ ăn chiều sớm hơn, dù bọn trẻ trong nhà đi học chưa về chị vẫn dọn cơm ra bàn. Nhiều hôm anh về còn thấy vợ đã ăn xong, úp lồng bàn để phần mấy cha con. Bữa sáng chị thôi không nấu xôi nữa, bớt hẳn vụ chiên cơm, chuyển sang các món nước, trứng, rau củ. Mấy vụ nấu chè để sẵn trong tủ lạnh cũng thôi hẳn, những hộp bánh ngọt, sô cô la… tuyệt nhiên vắng bóng. Thỉnh thoảng anh mở tủ lạnh, thấy ngăn nào cũng trống trơn.
Chị đang ăn kiêng - sau nhiều lần cả nhà thắc mắc, chị bẽn lẽn thú nhận. Anh thì không bất ngờ: các bà các cô ở cơ quan chồng cũng suốt ngày ỉ eo chuyện mập ốm, giảm cân, thể dục... Anh không mấy quan tâm, cho đó là chuyện đàn bà. Nhưng, sau một tuần vợ ăn kiêng, anh bắt đầu thấy có... vấn đề.
Gần 16 năm kết hôn, vòng eo thời con gái của chị nay chỉ còn trong hoài niệm. Thời sinh viên, anh chở chị nhẹ tênh trên chiếc xe đạp cà tàng, nay thì mỗi lần vợ leo lên sau xe đều phải nhắc trước chồng chống chân cho kỹ. Lâu rồi anh đã quen mắt với hình ảnh vợ trong những bộ quần áo rộng, màu tối, hoa văn rối rắm để che lấp chỗ này chỗ nọ. Mà nào có phải chị lười! Hai đứa con và một ông chồng khiến chị luôn tất bật chợ búa, cơm nước, lau dọn nhà cửa đến khuya. Chị cực vì chồng con nhiều, nhưng mập vẫn mập. Nay thì chị quyết định không mập nữa. Theo chị, cũng vì chồng, vì con mà thôi.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Cái hôm vợ phải nhập viện cấp cứu sau khi uống một thứ trà giảm cân gì đó, anh thật sự hoảng, vì đây đâu còn là chuyện làm đẹp nữa, đã chạm mức nguy hiểm đến tính mạng rồi, đã là chuyện của cả gia đình rồi. Mấy đứa nhỏ đi học về không ai đưa đón, không ai cơm nước chăm nom, trong khi vợ nằm thiêm thiếp với ống truyền dịch trên cổ tay, người xanh như tàu lá. Cũng may là chị chỉ bị rối loạn, chứ có bà còn bị tai biến, nhiễm trùng, thậm chí mất mạng...
Cả ba cha con bàn nhau cách để giữ mẹ cho cả nhà. Đầu tiên là tấm ảnh chụp cả gia đình được phóng lớn. Trong ảnh chị cười tươi tắn, đầy đặn cạnh hai cậu con trai. Những tấm ảnh một thời con gái của chị cũng được anh rửa lại, treo trong phòng ngủ. Anh vào bếp loay hoay làm những món ăn chị thích, cố ép chị ăn bằng hết. Sức khỏe chị đỡ dần, anh bớt nhậu, bớt la cà, về nhà sớm hơn. Một bữa, anh mua về tặng vợ một đôi giày thể thao, cười “cầu tài”: "Từ nay anh với em cùng đi bộ buổi tối nha".
Những cuộc đi bộ ấy không làm cho chị giảm được bao nhiêu cân, nhưng mang lại vẻ rạng ngời tươi tắn trên gương mặt chị. Đến giờ thì không phải lúc nào anh cũng cùng đi với chị, nhưng trong câu chuyện của chị với bạn đồng hành, đã không còn những bí quyết giảm cân, thay vào đó, chị bảo: phụ nữ không sinh ra để làm người mẫu hay đồ chơi tình dục cho đàn ông. Phụ nữ sinh ra để sống, để hạnh phúc, để sinh con và nuôi con. Cái đẹp và sự hấp dẫn của phụ nữ nằm ở sức khỏe, ở khả năng mang thai, sinh nở, và cảm giác êm ấm tự nhiên - cảm giác chỉ có được khi trong người đàn bà thực sự có một cái tổ để nuôi dưỡng con người.
Thế giới vẫn đầy những phụ nữ ấm áp, tròn trịa, phúc hậu đó thôi. Sức sống nữ là sức sống tuyệt đối không bao giờ bị khuất phục hay hóa giải. Mấy dòng anh nhắn vào điện thoại làm chị rất hạnh phúc: “Vợ ơi, anh thích mập!”.
Lần đầu gặp anh, tôi đã có một ấn tượng không tốt. Anh trông như một gã giang hồ với mái tóc dài chấm vai, nét mặt sân si và đôi mắt luôn trừng trừng như muốn khiêu chiến.
Tôi ghét anh ra mặt và không muốn làm việc chung với anh. Nhưng sự đời thường trớ trêu, càng tránh anh bao nhiêu thì anh lại gần tôi bấy nhiêu. Vì anh chuyên chạy việc vặt cho công ty còn tôi thì cần người phụ mình khuân vác.
Qua nhiều lần làm việc chung, tôi thấy anh hiền lành đến bất ngờ. Vẻ ngoài chỉ là những lớp vỏ xù xì giả tạo vì sợ người khác làm tổn thương mình. Dần dần tôi cảm thấy thích anh và chẳng biết đã yêu anh từ khi nào.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Anh ngày đó rất nghèo. Tài sản quý giá của anh chỉ là chiếc xe đạp cọc cạch, rỉ sét. Anh không đủ điều kiện để học cao hơn sau khi tốt nghiệp phổ thông. Tuy vậy anh luôn cố gắng làm việc vì muốn một tương lai tươi sáng hơn sau này nhưng vì không có tay nghề nên lương anh chỉ dừng ở mức đủ sống. Tôi cũng thế chẳng hơn gì anh ngoài chiếc xe máy được người bà con xa cho mượn trước rồi từ từ trả tiền lại sau. Vì thế khi yêu nhau, cả hai tự động viên nhau phải cố gắng hơn và lên kế hoạch cụ thể cho tương lai.
Chúng tôi cố gắng chăm chỉ làm việc và để dành tiền cho anh học một khoá nghề ngắn hạn trước. Sau đó, anh cố gắng xin và làm việc phù hợp với nghề được đào tạo dù mức lương rất bèo bọt. Nghề dạy nghề, từ từ có kinh nghiệm anh làm việc chỗ khác với mức lương khá hơn và xứng đáng hơn. Sau đó, đến phiên tôi học khoá nghề mình yêu thích rồi chấp nhận làm việc không lương trong vài tháng đầu để có kinh nghiệm. Cứ thế, chúng tôi từ từ tích luỹ và có một số vốn nho nhỏ sau bốn năm làm việc cật lực.
Hiện giờ, tôi và anh đã thành vợ chồng và có một cậu con trai kháu khỉnh, lanh lợi. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin với tình yêu chân thành và một quyết tâm vững chải, chúng tôi sẽ vượt qua hết mọi trở ngại và sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.