Ghét và yêu

Vẻ ngoài chỉ là những lớp vỏ xù xì giả tạo vì sợ người khác làm tổn thương mình, chẳng biết tôi đã yêu anh từ khi nào.

Lần đầu gặp anh, tôi đã có một ấn tượng không tốt. Anh trông như một gã giang hồ với mái tóc dài chấm vai, nét mặt sân si và đôi mắt luôn trừng trừng như muốn khiêu chiến.
Tôi ghét anh ra mặt và không muốn làm việc chung với anh. Nhưng sự đời thường trớ trêu, càng tránh anh bao nhiêu thì anh lại gần tôi bấy nhiêu. Vì anh chuyên chạy việc vặt cho công ty còn tôi thì cần người phụ mình khuân vác.
Qua nhiều lần làm việc chung, tôi thấy anh hiền lành đến bất ngờ. Vẻ ngoài chỉ là những lớp vỏ xù xì giả tạo vì sợ người khác làm tổn thương mình. Dần dần tôi cảm thấy thích anh và chẳng biết đã yêu anh từ khi nào.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Anh không ngỏ lời yêu tôi như các chàng trai thường làm. Anh nhát đến nỗi chỉ biết buồn khi thấy tôi đi chơi với người khác, chỉ biết chờ khi không thấy xe tôi ngoài bãi giữ xe của công ty. Thậm chí gọi điện hỏi thăm tôi anh cũng nhờ cô đồng nghiệp làm giúp. Biết không thể ép anh nói câu yêu thương ngọt ngào nên tôi phải tự “trả lời” bằng cái ôm xiết sau lưng anh trong một buổi chiều tôi nhờ anh chở về.
Anh ngày đó rất nghèo. Tài sản quý giá của anh chỉ là chiếc xe đạp cọc cạch, rỉ sét. Anh không đủ điều kiện để học cao hơn sau khi tốt nghiệp phổ thông. Tuy vậy anh luôn cố gắng làm việc vì muốn một tương lai tươi sáng hơn sau này nhưng vì không có tay nghề nên lương anh chỉ dừng ở mức đủ sống. Tôi cũng thế chẳng hơn gì anh ngoài chiếc xe máy được người bà con xa cho mượn trước rồi từ từ trả tiền lại sau. Vì thế khi yêu nhau, cả hai tự động viên nhau phải cố gắng hơn và lên kế hoạch cụ thể cho tương lai.
Chúng tôi cố gắng chăm chỉ làm việc và để dành tiền cho anh học một khoá nghề ngắn hạn trước. Sau đó, anh cố gắng xin và làm việc phù hợp với nghề được đào tạo dù mức lương rất bèo bọt. Nghề dạy nghề, từ từ có kinh nghiệm anh làm việc chỗ khác với mức lương khá hơn và xứng đáng hơn. Sau đó, đến phiên tôi học khoá nghề mình yêu thích rồi chấp nhận làm việc không lương trong vài tháng đầu để có kinh nghiệm. Cứ thế, chúng tôi từ từ tích luỹ và có một số vốn nho nhỏ sau bốn năm làm việc cật lực.
Hiện giờ, tôi và anh đã thành vợ chồng và có một cậu con trai kháu khỉnh, lanh lợi. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin với tình yêu chân thành và một quyết tâm vững chải, chúng tôi sẽ vượt qua hết mọi trở ngại và sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.

Màn diễn thật, giả lẫn lộn của mẹ chồng

Mẹ chồng tôi từng rất tai quái nhưng bây giờ bà xuống nước, tôi không biết đó là thật hay giả?

Thú thật mỗi lần nghe mẹ chồng tôi gọi “sang đây mẹ nhờ tí” là tôi nổi gai óc. Lần này cũng vậy. Tôi cẩn thận hỏi lại: “Gấp không hả mẹ?”. Bà bảo tôi sang ngay.

Vậy là tôi lật đật chạy qua. Vừa bước vào phòng khách, thấy Phú ở đó, tôi lờ mờ đoán ra mọi chuyện. Chồng tôi cầu cứu mẹ nhưng tôi đã quyết rồi, nhất định sẽ không dễ bị lung lạc.

“Dù gì thì tụi con cũng đã ăn ở với nhau cả chục năm rồi, giờ đâu phải nói bỏ là bỏ”- mẹ chồng tôi mào đầu. Tôi liếc nhìn chồng tôi đang ngồi khép nép một góc bỗng thấy trong lòng trào lên một cảm giác chán ghét thật khó tả.

Tôi nói với mẹ chồng: “Ảnh đã không coi con ra gì thì có nắm níu cũng vô ích mẹ à. Đời thuở nào chồng ngoại tình mà còn thách thức vợ. Con xin lỗi mẹ, nếu là mẹ, mẹ có chịu nổi không? Riêng con thì không”.

Mẹ chồng tôi lại ngọt ngào: “Cái này cũng có phần lỗi của mẹ. Năm ngoái mẹ bảo tụi con đưa tiền sửa nhà nhưng con không chịu đưa, mẹ phải bảo nó mượn người ta. Nó qua lại rồi mới sinh chuyện”.

Hừ, bây giờ lại còn đổ thừa nữa! Tôi đứng dậy: “Con không muốn đôi co nữa. Con xin phép về”. Nói rồi tôi quay sang Phú: “Khi nào tòa mời, anh nhớ tới đó”. Đến lúc này chồng tôi mới mở miệng: “Anh lỡ lời thôi, em làm gì mà giận dữ vậy? Chén trong chạn còn khua mà…”.

Tôi làm thinh ra khỏi nhà, còn nghe mẹ chồng nói với theo: “Rồi tụi bây có trả nợ cho mẹ không? Muốn người ta cào nhà tao hả?”. Cào thì cào, ai biểu nghèo mà thích đua đòi. Tôi vừa đi, vừa nghĩ bụng.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chuyện đời thật lạ. Lúc bình thường thì không sao chứ lúc có chuyện hờn giận thì những buồn tủi, giận hờn xa lắc xa lơ trong quá khứ bỗng ùa về. Nó giống như tình tiết tăng nặng của một vụ án mà người có quyền phán xử cứ muốn tìm thêm càng nhiều càng tốt.

Tôi nhớ ngày mới quen Phú, khi anh đưa tôi về ra mắt gia đình, mẹ anh cứ hỏi mãi về chuyện nhà tôi có mấy mẫu đất, nhà lá hay nhà tường, thu hoạch mỗi năm được bao nhiêu tiền. Hồi đó tôi đã thấy khó chịu nhưng cũng nghĩ người ta thật tình nên nói hết, rằng nhà ba mẹ tôi rất nghèo, chỉ có mấy công ruộng, mẹ tôi buôn bán lặt vặt thêm, mấy đứa em tôi còn nhỏ…

Kết quả là bà không đồng ý cho chúng tôi lấy nhau. Nhưng khi ấy Phú rất yêu tôi. Anh bảo: “Em đừng để ý mẹ nói gì. Bây giờ anh với em cứ ra phường đăng ký là xong. Tụi mình lớn hết rồi, chẳng cần phải xin phép ai”.

Tôi nghe Phú nói có lý nhưng còn ba mẹ tôi thì sao? May là ba mẹ tôi thương con và cũng nghĩ nhà mình nghèo, nếu tổ chức đám cưới rình rang thì cũng không có tiền làm. Vậy là ba tôi quyết định làm mấy mâm cơm đãi bà con lối xóm. Sau đó chúng tôi thuê nhà ở với nhau.

Mẹ chồng tôi biết được tìm tới chửi mắng thậm tệ. Bà đòi bắt con trai về. Tôi lại phải dọn đi nơi khác để trốn. Mãi đến khi tôi sinh bé Mai thì bà mới cho hai cha con về, còn tôi thì vẫn bị cấm cửa.

Ở đời không ai biết trước mọi việc. Ngay lúc đó, một người bác họ của tôi ở nước ngoài qua đời, ông không có con nên để lại toàn bộ tài sản cho ba mẹ tôi. Tôi cũng có phần trong đó. Ngôi nhà chúng tôi đang ở mua bằng tiền ba mẹ tôi cho.

Ít lâu sau thì mẹ chồng chủ động đánh tiếng bảo tôi về. Vậy là từ đó, tôi phải è cổ gánh thêm nhà chồng. Nhất cử nhất động gì, mẹ chồng tôi cũng vin vào cớ chồng tôi là con trai trưởng, có trách nhiệm phải lo. Trời ơi, ngoài căn nhà thì tôi có gì đâu? Cuộc sống hàng ngày vẫn trông chờ vào đồng lương của hai vợ chồng.

Công bằng mà nói, lương tôi khá cao nên chi xài cũng thoải mái. Tôi nghĩ cha mẹ nào cũng là cha mẹ, hơn nữa, tôi còn nghĩ tình Phú đã cãi lời cha mẹ để lấy tôi, thôi thì cứ lo cho tròn phận sự. Nào ngờ họ cứ lấn tới, hết đòi cái này lại đòi cái kia. Không ít lần, vợ chồng tôi cãi nhau cũng vì mẹ anh vòi tiền, vòi mau sắm thứ này thứ kia trong lúc tôi không có tiền.

Năm ngoái, mẹ chồng tôi đòi sửa nhà. Bà bảo vợ chồng tôi cho vay 500 triệu đồng. Tôi lấy đâu ra từng ấy tiền? Lần đó, tôi kiên quyết nói “không” bởi tôi không muốn mang công, mắc nợ vì để có số tiền đó, tôi chỉ có cách thế chấp nhà để vay.

Vậy là bà xúi Phú đi mượn chỗ khác. Kết quả là, Phú đã tằng tịu với người phụ nữ kia. Khi tôi biết được, mới đầu anh còn chối nhưng sau đó thừa nhận và còn thách tôi ly dị.

Ai đã ở vào hoàn cảnh tôi thì có thể hiểu được cảm giác của tôi lúc đó. Vừa đớn đau, vừa uất hận. Và tôi quyết định gởi đơn ra tòa.

Cứ tưởng anh sẽ thấy thoải mái vì đã đúng sở nguyện, nào ngờ người phụ nữ kia bỗng quay ngoắc 180 độ. Cô ta quyết liệt đòi tiền và dọa kiện ra tòa nếu mẹ chồng tôi không trả số tiền đã vay. Có lẽ đó mới chính là lý do bà xuống nước, gọi tôi sang và năn nỉ dùm con trai mình. Nhưng lòng tôi đã quyết. Nhất định tôi sẽ giải thoát cho mình bởi tôi cảm thấy anh thật bạc bẽo.

Thế nhưng khi ra tòa, vị thẩm phán cứ tỉ tê. Bà hỏi những câu gợi cho tôi nhớ kỷ niệm những ngày gian khó, lúc anh cãi lời gia đình để lấy tôi, lúc hai vợ chồng nhường nhau con cá, miếng thịt…

Bà nói đàn ông rất nhẹ dạ, hễ bị phụ nữ dỗ ngọt là thua rồi bà khuyên tôi nên cho anh một cơ hội. Vị thẩm phán dẫn chứng rất nhiều trường hợp sau sóng gió thì vợ chồng càng hiểu nhau, yêu thương nhau hơn.

Đặc biệt, Phú đã xuống nước hoàn toàn, năn nỉ tôi tha thứ và hứa từ nay không bao giờ tái phạm. Anh cũng nói sẽ không bắt tôi phải nặng gánh gia đình anh như từ trước tới nay. Cuối cùng anh cũng mong tôi cho anh một cơ hội để chứng minh mình thành tâm hối cãi.

Ở tòa án về, tôi lại phân vân. Chuyện ngoại tình thì tôi cũng đồng ý với bà thẩm phán rằng đàn ông rất dễ dụ. Nếu ai đó ngọt ngào, chìu chuộng một chút thì họ đã tưởng họ là vua…

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tôi quá oải với gia đình anh, với mẹ anh. Nếu nghe lời bà thẩm phán thì chẳng lẽ tôi phải tiếp tục chịu đựng bà mẹ chồng tai oái của tôi sao?

Tôi thật sự rất băn khoăn. Mẹ chồng tôi chính là động lực khiến tôi quyết liệt muốn ly hôn nhưng bây giờ thì bà cũng xuống nước năn nỉ rất tội nghiệp. Điều khiến tôi đắn đo là không biết màn diễn của mẹ chồng tôi là thật hay giả?

Nhịn...nhục

Chị lại quẹt nước mắt, nói chỉ cần bình yên. Mọi sự đã nhịn 30 năm, giờ nhịn thêm nữa có sao đâu. Nhưng...

Chị quẹt nước mắt. Những giọt nước mắt của người đàn bà tuổi 50 sao mà đắng chát lòng kẻ đối diện đến vậy: “Em à, ông bà ta dạy “một sự nhịn chín sự lành".

Chị thuộc nằm lòng câu đó từ ngày bắt đầu làm dâu, làm vợ nhưng không ngờ suốt 30 năm nhịn không hề tìm thấy một chút “lành” mà đã thành “nhục” mất rồi em ạ! Chị không muốn nhịn nữa, nhưng con chị lại than, mẹ mà không nhịn ba, gia đình mình tan nát, nhìn tụi con vầy ai dám cưới, dám gả?”. Tôi xin trích một đoạn trong đơn ly hôn của chị (mà chị nhờ tôi viết) để thấy chị đã nhịn đến mức nào:

“…từ mười năm trở lại đây anh H. mỗi lần uống rượu say về là chửi mắng, đánh đập tôi rất nhiều. Là giáo viên nhưng anh chửi vợ bằng những lời rất tục tĩu. Lần gần đây nhất là ngày 25/3/2014, tôi về nhà cha mẹ ruột để dự đám giỗ bà nội thì trưa anh H. cũng theo về, vác ghế đánh tôi tại nhà cha mẹ tôi với lý do “Mày đi lấy trai hay đi đâu mà từ sáng tới giờ?”. Cha tôi tuổi 80 lập cập can ngăn, anh chửi cả ông là “Thằng già không biết dạy con. Đi đâu mà không lo cơm nước cho chồng?”. Người dự đám giỗ lên tiếng can gián, anh bảo: “Vợ tao, tao chửi. Thằng nào có tình ý gì với vợ tao hay sao mà ngăn cản?”. Tôi van xin anh, nếu không sống với nhau được nữa thì cho tôi ly hôn, chứ bao nhiêu năm chịu cực khổ cho cuộc sống gia đình, lại bị chồng đánh đập, chửi mắng thế này nữa thì làm sao tôi sống nổi? Anh trả lời: “Đ.M., tao sẽ hành hạ mày suốt đời chứ ở đó mà ly hôn”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chị bảo, chắc tại “trời trả báo” vì hồi đó chị cãi lời cha mẹ, quyết định lấy anh với niềm tin sắt đá là tình yêu sẽ hóa giải tất cả, dù lúc đó chị là giáo viên, anh làm nghề nông. Lâu dần công việc hoán đổi lúc nào không biết. Anh có khiếu thể thao, bạn bè khuyến khích đi học. Chị một vai gánh giáo án, vai kia gánh con cái, mẹ chồng già và ruộng vườn cho anh theo học cao đẳng để thành giáo viên thể dục. Anh ra lớp từ sáng sớm, để có thời gian trà nước cùng bạn bè. Chị dạy điểm trường xa hơn, nhưng phải đi muộn hơn, vì phải dậy sớm hơn nấu ăn để sẵn cho mẹ chồng. Cái thời đất nước còn thiếu thốn, khó khăn, điểm trường chị dạy đi ngang nhà ngoại, xúc thêm lon gạo gửi bà ngoại nấu, trưa về mấy mẹ con ăn chung. Mẹ chồng ho khúc khắc trong buồng bên nói vống: “Nhà này thóc cao gạo kém, nuôi con dâu, cháu nội chưa đủ, còn xúc cho anh chị sui nữa. Thiệt là con có hiếu”.

Chị đã biết nước mắt không chỉ có vị mặn từ lúc đứa con đầu lòng được ba tuổi, nhưng ráng nhịn để yên ấm nhà cửa. Nhịn vì danh dự của một cô giáo. Nhịn cho con có cha. Nhịn để người ta thấy không phải mẹ chồng - nàng dâu nào cũng hục hặc. Nhịn riết… vì muốn để cho chồng toàn tâm toàn ý với công việc nên chị bỏ lớp bỏ trường, gánh hết bao công việc không tên của “chức danh” vợ.

Hai con dần lớn, không phải lo cái ăn cái mặc, bệnh đau, chị lại phải sấp ngửa “bắt ghen” chồng với mấy cô giày xanh áo đỏ. Lại nhịn tiếp vì sợ ảnh hưởng việc học của con cái, uy tín của chồng.

Giờ ngấp nghé tuổi 50, xương cốt đã đau nhức, chị càng sợ những trận đòn. Nhưng hơn mười năm qua chị chưa một lần tố cáo hành vi bạo lực của chồng với chính quyền vì “cái nợ mình nó vậy. Thưa ra người ta tù tội, mất việc làm thì mình có được gì đâu. Ảnh còn “hăm”, chị mà thưa, ảnh đi tù vài năm ra, chị “ăn” một chai… là sống không bằng chết. Nên chị sợ. Giờ chỉ muốn được ly hôn và bình yên”.

30 năm làm dâu, làm vợ, làm mẹ, bao nhiêu công sức và nước mắt của chị đã đổ xuống cuộc hôn nhân này nhưng nhà cửa, xe cộ, đất đai đều… đứng tên đứa em trai của chồng.

Chị lại quẹt nước mắt, nói chỉ cần bình yên. Mọi sự đã nhịn 30 năm, giờ nhịn thêm nữa có sao đâu. Nhưng, biết chị có được bình yên thật không?