Lọc máu có hết được mỡ máu, phòng tiểu đường, đột quỵ...?

Lọc máu là phương pháp y khoa quan trọng để cứu sống bệnh nhân suy thận, suy tim, nhiễm khuẩn nặng hoặc viêm tụy cấp.... Hiện chưa có bất kỳ khuyến cáo khoa học nào về việc sử dụng lọc máu để dự phòng bệnh hay làm đẹp...

Hỏi: Gần nhà tôi mọi người đang rủ nhau đi nước ngoài lọc máu để loại bỏ mỡ máu, phòng ngừa ung thư, tiểu đường, đột quỵ, gan nhiễm mỡ và nhiều bệnh khác. Xin hỏi, có đúng phương pháp này tốt như vậy không?

Nguyễn Thị Trang (Hà Nội)

Lọc máu có hết được mỡ máu, phòng tiểu đường, đột quỵ...? - Ảnh minh hoạ

Lọc máu có hết được mỡ máu, phòng tiểu đường, đột quỵ...? - Ảnh minh hoạ

Trả lời: PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, quảng cáo "lọc máu siêu công nghệ" ngừa mỡ máu, ung thư, đột quỵ... chỉ là chiêu trò lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.

Lọc máu là phương pháp y khoa quan trọng, được sử dụng để cứu sống bệnh nhân suy thận, suy tim, nhiễm khuẩn nặng hoặc viêm tụy cấp.... Nhưng đến nay, chưa có bất kỳ khuyến cáo khoa học nào về việc sử dụng lọc máu như một biện pháp dự phòng bệnh hay làm đẹp. Bởi vậy, không nên mất tiền bạc và công sức cho việc thực hiện một thủ thuật "xâm lấn" mà hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng.

Lọc máu chỉ được chỉ định khi cần điều trị nghĩa là đã được chẩn đoán xác định có bệnh thực sự. BS Nguyễn Văn Thanh, Khoa Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội giải thích, lọc máu là một kỹ thuật y khoa nhằm loại bỏ nhanh chóng các độc tố, thành phần dư thừa hoặc tác nhân gây bệnh ra khỏi máu. Phương pháp này được áp dụng cho bệnh nhân suy thận, suy gan, ngộ độc hoặc các rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chất trong máu đều cần được loại bỏ. Lipid chẳng hạn, không phải tất cả đều xấu. Một số loại mỡ tốt còn có vai trò quan trọng trong việc tăng cường collagen cho thành mạch và bảo vệ não bộ...

Lạm dụng lọc máu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như vỡ mạch, tắc mạch, nhiễm trùng huyết, rối loạn đông máu, thậm chí tử vong. Phương pháp này cũng chống chỉ định với những người bị tăng huyết áp hoặc máu khó đông. Do đó, Bộ Y tế chỉ cấp phép thực hiện lọc máu tại một số bệnh viện lớn và trong các trường hợp bệnh lý cụ thể.

Các chuyên gia nhấn mạnh, đột quỵ, ung thư hay các bệnh lý mãn tính khác thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm rối loạn chuyển hóa, lối sống không lành mạnh hoặc yếu tố bẩm sinh. Không có phương pháp đơn lẻ nào có thể phòng ngừa hoàn toàn những bệnh này.

Thay vì tìm kiếm các liệu pháp "thần kỳ", mọi người nên tập trung vào chăm sóc sức khỏe toàn diện như duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, không hút thuốc, hạn chế rượu bia và tập thể dục thường xuyên. Đây mới là cách hiệu quả nhất để bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.