Loại rau được nhắc đến chính là rau đay, hiện đang vào mùa, có giá rẻ và luôn có đầy ngoài chợ. Đây cũng là loại rau phát triển nhanh, chịu hạn và chịu ngập úng tốt vì thế quá trình chăm sóc cũng đơn giản, không cần phải phun thuốc kích thích rau vẫn rất xanh tốt. Chính vì vậy, loại rau này được cho là khá an toàn với sức khỏe khi sử dụng.
Dù giá rẻ nhưng về mặt dưỡng chất, rau đay còn có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Theo lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, chính đặc tính nhớt của rau đay lại là nguồn dinh dưỡng quý giá, khi chúng chứa nhiều collagen thực vật chống lão hóa và tốt cho xương khớp. Một số nghiên cứu tại Nhật Bản cho rằng, chất nhớt của rau đay có thể giữ ẩm cho da, giúp da săn chắc, đồng thời cũng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe, tăng cường miễn dịch, chống loãng xương và bảo vệ tuổi thọ. Vì thế loại rau này luôn được khuyến khích ăn nhiều.
Các nghiên cứu của y học hiện đại đã chỉ ra rằng, trong 100g rau đay có chứa 498mg canxi, 93mg P, 3,8mg sắt, 0,24mg vitamin B1, 0,36mg vitamin B2, 168mg vitamin C, 7.490 đơn vị vitamin A, 141 đơn vị vitamin E. Đây đều là những loại vitamin và khoáng chất quan trọng cho sức khỏe, lại có công dụng làm đẹp cho phụ nữ. Trong số các loại rau ăn lá, rau đay đứng hàng top đầu các loại rau chứa nhiều canxi (vị trí thứ 4 trong các loại rau lá), sắt (vị trí số 1), beta-carotene (đứng hàng thứ 4) và vitamin C (đứng hàng thứ 3).

Rau đay được người Nhật ví tốt như nhân sâm và khuyến cáo sử dụng nhiều. Ảnh minh họa.
Thực tế cho thấy, rau đay dù tốt nhưng ít người thích ăn, đa số thường được nấu kết hợp cùng rau hoặc các thực phẩm khác để giảm độ nhớt của rau. Thậm chí, nhiều người còn “tẩy chay” loại rau này vì cho rằng, ăn vào là buồn nôn, không có cảm giác ngon miệng.
Còn dưới góc độ y học cổ truyền, lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, không chỉ phần ngọn và lá dùng làm rau, mà hạt rau đay cũng có thể dùng làm thuốc nhờ đặc tính mát, lợi tiêu hóa, nhuận tràng. Hạt rau đay vị đắng, tính nóng, không độc, có tác dụng hoạt huyết, bổ tim, trị vô kinh, kinh nguyệt không đều.
Theo ông Sáng, bản chất của nhớt rau đay chính là một tổ hợp chất sinh học rất tốt cho sức khỏe, có công dụng kích thích ruột vận động, có tác dụng nhuận tràng, rất tốt để chữa táo bón. Trong rau đay có chứa nhiều polysaccharid giúp tăng lưu chuyển ruột, chống ứ đọng phân.

Do rau đay có nhiều nhớt, nên ít người thích ăn hoặc được nấu chung với các loại rau và thực phẩm khác. Ảnh minh họa.
Dưới đây là một số món ăn, bài thuốc rất tốt từ rau đay được lương y Bùi Đắc Sáng chia sẻ:
- Thanh nhiệt, giải độc cơ thể: Nhờ công dụng làm mát, tiêu khát, giải nhiệt và chữa trúng nắng, ăn rau đay rất tốt để cơ thể thanh nhiệt, giải độc. Loại rau này chứa nhiều nước, nhiều chất nhầy nên càng có công dụng giải nhiệt tốt hơn. Rau đay cũng có tính hàn, giúp hóa giải mọi hiện tượng nóng trong.
- Chữa phụ nữ ít sữa, người già táo bón: Nấu hoặc luộc 200g rau đay mỗi ngày, giúp lợi sữa và giảm táo bón. Muốn có nhiều sữa sau sinh, chị em cũng nên chọn loại rau đay màu đỏ tía thay vì dạng rau đay thân trắng sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn.
- Chữa khái huyết, nôn máu: Sắc 10g lá rau đay, 10g long nha thảo và 10g cốt khí củ để uống.
- Khai thông tiểu tiện: Người bị tiểu bí, tiểu đau có thể ăn khoảng 300-400g rau đay nấu canh cả nước lẫn cái để giảm viêm nhiễm và hỗ trợ tiểu tiện dễ dàng hơn.
Lương y Bùi Đắc Sáng cũng lưu ý, người đang bị tiêu chảy không nên ăn rau đay vì tình trạng có thể trở nặng hơn. Nguyên nhân là chất nhớt trong rau đay kích thích ruột vận động, giúp nhuận tràng, chữa táo bón. Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi không ăn quá nhiều rau đay, vì điều này gây cản trở sự hấp thu canxi và kẽm trong cơ thể. Ngoài ra, rau đay có tính hàn, thích hợp để làm mát cơ thể. Cách chế biến tốt nhất là nấu canh với cua, ăn cả nước lẫn cái để tận dụng tối đa dưỡng chất và giảm độ nhớt của rau.