Từng là loại quả mọc dại trong rừng, chín rụng đầy gốc chẳng ai ngó ngàng, nay nho rừng lại bất ngờ "lên đời", trở thành đặc sản được săn lùng khắp chợ mạng với giá bán dao động từ 70.000 đến 120.000 đồng/kg. Đặc biệt, loại quả này đang vào chính vụ, thu hút người tiêu dùng nhờ hương vị độc đáo và công dụng tốt cho sức khỏe.

Vào mùa, người dân Tây Bắc và Tây Nguyên vào rừng thu hái nho rừng để bán cho thương lái
Thoạt nhìn, nho rừng dễ khiến nhiều người lầm tưởng là nho nhập khẩu vì vẻ ngoài mọng nước, chùm to và màu tím sẫm bắt mắt. Tuy nhiên, đây là loại quả mọc hoang trong rừng sâu tại các tỉnh Tây Bắc như Lạng Sơn, Lai Châu, Phú Thọ,… Ngoài ra, một số vùng ở miền Trung và Tây Nguyên cũng có giống nho rừng phát triển mạnh nhờ khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp.
Theo chia sẻ của người dân, nho rừng là cây dây leo có sức sống mạnh mẽ, vươn dài bám vào các thân cây lớn trong rừng. Vào mùa khô, cây trơ trụi nhưng đến mùa mưa lại phát triển tươi tốt và ra quả dày đặc từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm. Mỗi chùm nho nặng từ 2–4kg, quả nhỏ chỉ bằng đầu đũa, vỏ dày, vị chua chát, ăn vào có cảm giác tê đầu lưỡi. Quả càng chín thẫm càng ngọt.

Nho rừng càng chín càng ngọt, có thể ăn trực tiếp hoặc để ngâm đường làm siro hay ngâm rượu
Dù không ngọt như nho Khánh Hoà hay căng mọng như nho Mỹ, nho rừng lại chinh phục người tiêu dùng bởi hương vị hoang dã, tự nhiên, và đặc biệt là tính an toàn: không phân bón, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản. Nhờ đó, nho rừng ngày càng được ưa chuộng để chế biến thành siro, rượu ngâm, hoặc ngâm đường làm nước giải khát.
Chị Ngọc Anh (ở phường Hà Đông, Hà Nội) cho biết năm nào cũng tranh thủ mùa nho rừng để đặt mua từ người quen ở Lạng Sơn. “Tôi thường ngâm vài bình siro cho cả nhà dùng. Vị chua dịu, màu đỏ đậm rất đẹp và thanh mát. Gần đây, loại quả này còn được bán trên chợ mạng, có lúc phải đặt trước mới có hàng”, chị Ngọc Anh chia sẻ.
Còn chị Huyền Trang (người chuyên bán đặc sản rừng) cho biết: “Dù giá cao, nho rừng vẫn rất đắt khách vì là hàng sạch, ít người khai thác. Có năm tôi bán cả tạ mỗi ngày, không đủ trả đơn cho khách”. Tuy nhiên, vì dễ hỏng và khó bảo quản, chi phí vận chuyển về thành phố khá cao, dẫn đến giá bán lẻ tăng cao.

Mùa nho rừng kéo dài từ khoảng tháng 7-11 hàng năm
Ngoài quả tươi, hiện nay nhiều cơ sở còn bán nho rừng đã sơ chế sẵn, ngâm với đường phèn trong hũ thủy tinh, rất tiện lợi cho những người bận rộn không có thời gian để tự làm. Giá bán khoảng 350.000 đồng/bình 5 lít. Cách ngâm nho rừng khá đơn giản, chỉ cần rửa sạch quả, ngâm nước muối vài giờ, phơi khô rồi trộn với đường và rượu ngon, ủ vài tháng là có thể dùng được.
Không chỉ ngon lạ, nho rừng còn được cho là có nhiều lợi ích sức khỏe như hỗ trợ tuần hoàn máu, làm đẹp da, hạ huyết áp, mát gan, giải nhiệt. Chính vì vậy, từ chỗ bị lãng quên, loại quả hoang dại nay đã “lột xác” trở thành mặt hàng mùa hè được nhiều người thành thị săn đón.