Lập trạm tiền phương, đẩy mạnh cứu hộ tàu thuyền bị chìm tại Bình Định

(Kiến Thức) - UBQG Tìm kiếm Cứu nạn vừa thành lập Trạm tiền phương tại Bình Định phối hợp cùng với các đơn vị, lực lượng tỉnh đẩy mạnh công tác cứu nạn, cứu hộ tàu, thuyền viên bị chìm do bão 12.

Thông tin mới nhất về tình hình tìm kiếm các thuyền viên bị nạn trên vùng biển Bình Định do bão số 12, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định cho biết, có 104 tàu hàng neo đậu ở khu vực Cảng Quy Nhơn và khu vực phao số 0, trong đó có 10 tàu bị nạn, trong đó 9 tàu bị chìm, 1 tàu bị mắc cạn, hư hỏng.
“Sáng ngày 5/11 đã cứu được 72 người và 1 thuyền viên bị chết và mới phát hiện thêm 2 thuyền viên bị chết trôi dạt ở khu vực biển phường Ghềnh Ráng. Hiện Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng phối hợp với ngành chức năng tiếp tục tìm kiếm nhiều thuyền viên bị nạn trên biển
Các thuyền viên bị nạn đang được các bệnh viện trên địa bàn tỉnh chữa trị, chăm sóc chu đáo. Riêng những thuyền viên bị chết đang được Bệnh viện đa khoa tỉnh bảo quản”, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định cho biết.
Lap tram tien phuong, day manh cuu ho tau thuyen bi chim tai Binh Dinh
Một tàu vỏ thép của Phú Yên bị đứt neo trôi dạt trên vùng biển Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: VGP. 
Tại cuộc họp triển khai công tác khắc phục mưa bão và bàn biện pháp ứng phó với lũ do Ban chỉ huy PCTT&PTCN tỉnh Bình Định tổ chức sáng 5/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Hồ Quốc Dũng, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định thẳng thắn phê bình UBND TP Quy Nhơn về công tác thông tin xử lý các tình huống, sự cố xảy ra trên biển thuộc địa bàn mình quản lý.
Tại buổi làm việc giữa Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (UBQGTKCN), Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn…về việc triển khai các biện pháp cứu nạn, cứu hộ các thuyền viên, ngư dân bị nạn, trục vớt các tàu bị chìm, Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó Chánh văn phòng UBQGTKCN, Cục phó Cục cứu hộ cứu nạn Bộ Tổng tham mưu, cho biết, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn thành lập Trạm tiền phương tại tỉnh Bình Định để phối hợp cùng với các đơn vị, lực lượng của tỉnh kịp thời xử lý các tình huống cấp bách cũng như đẩy mạnh công tác cứu nạn, cứu hộ.
“Hiện có 10 tàu đang triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân gồm: 3 tàu Hải quân, 3 tàu BĐBP tỉnh Bình Định, 3 tàu Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải và 1 tàu Cảnh sát biển. Các lực lượng cũng đã phân chia các khu vực trên vùng biển Quy Nhơn theo khoảng cách hải lý để phối hợp tìm kiếm một cách chặt chẽ, trong trường hợp cần thiết có thể điều động thêm 2 tàu Hải quân để tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Đối với việc trục vớt các tàu bị chìm, Cục Hàng hải đang phối hợp với các chủ tàu xác định số lượng người, vị trí của từng khoang tàu để các đơn vị kỹ thuật của Hải Quân và Cục Hàng hải định vị và thuê thợ lặn vào để kiểm tra thực tế, sau đó mới trục vớt.
Đối với sự cố tràn dầu của các tàu bị chìm, lực lượng ứng phó sự cố tràn dầu khu vực Miền Trung đang từ Đà Nẵng vào và sẽ phối hợp với tỉnh để xây dựng phương án khắc phục”, Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến cho biết.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - Nguyễn Thanh Tùng cho biết, mặc dù không phải là địa phương nằm trên đường đi trực tiếp của bão số 12, tuy nhiên những hậu quả do bão gây ra trên địa bàn Bình Định vẫn rất nặng nề.
“Đây là lần đầu tiên tỉnh gặp sự cố tàu chìm với số lượng lớn như vậy, do đó việc triển khai các phương án tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ rất khó khăn, nhất là thời tiết bất lợi. Tỉnh Bình Định sẽ phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ UBQGTKCN tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích và huy động mọi nguồn lực để sớm khắc phục các sự cố tàu chìm”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên, ngư dân bị nạn do ảnh hưởng của cơn bão số 12 trên vùng biển miền Trung trong đó có các thuyền viên của các tàu bị nạn tại vùng biển Quy Nhơn, Bình Định và chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại sau bão.
Trong đó, Thủ tưởng yêu cầu Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, địa phương liên quan huy động tối đa các lực lượng, phương tiện triển khai ngay các biện pháp để tìm kiếm các nạn nhân còn đang bị mất tích, trôi dạt trên biển, đặc biệt tại vùng biển Quy Nhơn, Bình Định.
Thiệt hại do bão 12 tại Bình Định ước tính 461,92 tỷ đồng:
Văn phòng Thường trực PCTT&PTCN tỉnh Bình Định cho biết, mưa bão đã làm 17 tàu cá bị chìm; 10 phường, xã của TP Quy Nhơn, Tuy Phước, Vân Canh bị ngập. Toàn tỉnh có 3 người chết, 6 người mất tích; 81 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 446 ngôi nhà bị hư hỏng. Mưa lũ còn làm sạt lở 50 km đường giao thông, 2 chiếc cầu bị sập mố, xói lở; 516 ha lúa mùa ngập, ngã, 18 ha hoa màu, 500 ha cây trồng hư hỏng, 110 con gia cầm chết. 27 lồng bè nuôi thủy sản cuốn trôi. Tổng thiệt hại ước tính 461,92 tỷ đồng (riêng thiệt hại các tàu hàng khoảng 400 tỉ đồng).

Trượt chân ngã khi kiểm tra lò, cán bộ Than Khe Chàm tử vong

(Kiến Thức) - Khi đi kiểm tra lò, một cán bộ phòng điều khiển sản xuất – Công ty Than Khe Chàm bất ngờ bị trượt chân ngã xuống vỉa, tử vong sau đó.

Thông tin ban đầu vụ tai nạn, vào khoảng 21h30 ngày 4/11, tại Công ty Than Khe Chàm (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) xảy ra vụ tai nạn lao động khiến anh Phạm Văn Bằng (SN 1978) - cán bộ phòng điều khiển sản xuất tử vong.
Nguyên nhân ban đầu được xác định, tại lò nối giữa thượng vỉa 14.4 và 14.5 thuộc công ty than Khe Chàm anh Phạm Văn Bằng đi kiểm tra và bị trượt chân tử vong.

Miền trung chìm trong mưa lũ, giao thông tê liệt...

(Kiến Thức) - Mưa to liên tục dọc khắp Trung và Nam Trung Bộ từ hôm qua đến nay, cộng thêm thủy điện xả nước khiến lũ các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... đang dâng rất nhanh.

 

Bão số 12 (có tên gọi quốc tế là Damrey ) đổ bộ vào Phú Yên - Khánh Hòa đã gây mưa to đến rất to dọc khắp Trung và Nam Trung Bộ. Bão còn làm thiệt hại lớn đến tài sản, đe dọa tính mạng của người dân...
Tại Huế:  Do ảnh hưởng từ cơn bão số 12, tại Thừa Thiên-Huế xảy ra mưa lớn liên tục từ tối ngày 3/11 và dự báo còn kéo dài. Mưa lớn khiến các tuyến phố khu vực trung tâm thành phố Huế như Bà Triệu, Lê Quy Đôn, Nguyễn Lộ Trạch, Lê Hồng Phong, Hùng Vương… bị ngập 0,5-0,7 m đến 1,2 m.

Ngoài ra, nhiều tuyến đường liên xã dọc sông Ô Lâu, sông Bồ của Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà hiện đang ngập sâu dưới nước khoảng 1m.

Trên đường Quốc lộ 1A đoạn qua khu vực cầu Hai đang ngập sâu 1m, các phương tiện không thể di chuyển được.

Trước tình hình mưa lũ, cơ quan chức năng buộc phải phát lệnh yêu cầu chủ các hồ chứa trên địa bàn xả lũ khẩn.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TT-Huế cho biết, lượng mưa tại TT-Huế ở mức phổ biến từ 400-600mm. Tuy nhiên, từ ngày 4 đến 8/11, sẽ có một đợt lũ xuất hiện trên các sông lớn của tỉnh TT-Huế.

Đến thời điểm hiện tại, mực nước ở hồ Bình Điền ( Thừa Thiên - Huế) đã vượt ngưỡng mức 76,23m, cao hơn mức đón lũ cho phép là 1,73m. Từ chiều ngày 4/11, hồ thủy điện Bình Điền (thị xã Hương Trà) đã phải xả lũ với lưu lượng tăng dần khoảng từ 120-300m³/giây.